Trăn trở trước thực trạng ô
nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, một nhóm học sinh lớp 12, Trường THPT
Chuyên Lê Quý Đôn, niên khóa 2016 - 2019 đã xây dựng Lá Project (Dự án Lá).
Điều đặc biệt ở dự án là các bạn trẻ đã tạo ra những thử thách trên mạng xã hội
để thay đổi nhận thức cũng như hành vi của mọi người. Phóng viên Báo Quảng Trị
vừa có cuộc trò chuyện với PHẠM HOÀNG PHƯƠNG, đại diện Lá Project để tìm hiểu
rõ hơn về dự án thú vị này.
- Chào Phương! Rất mong em giới
thiệu về mình và các thành viên trong nhóm?
- Em tên là Phạm Hoàng Phương. 4
người bạn cùng em sáng lập và thực hiện Lá Project là: Thùy Dương, Linh Giang,
Thùy Trang và Khánh Nhi. Chúng em đều là học sinh lớp 12 Anh, Trường THPT
Chuyên Lê Quý Đôn, niên khóa 2016 - 2019.
- Được biết, các em vừa triển
khai một dự án rất ý nghĩa trên mạng xã hội mang tên Lá Project. Các em có thể
chia sẻ với độc giả Báo Quảng Trị về dự án của mình?
- Như mọi người đã biết, ô nhiễm rác
thải nhựa là một vấn đề đáng báo động toàn cầu, nhất là trong những năm gần
đây. Ước tính, mỗi năm có khoảng 3,7 triệu tấn rác thải nhựa đổ vào các đại
dương trên thế giới từ các vùng ven biển. Số nhựa đó đã gây hại nghiêm trọng
cho các sinh vật biển và môi trường biển. Tại Việt Nam, hiện nay rác thải nhựa
đang là một vấn đề lớn cần được quan tâm. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế
giới thực hiện ở 109 quốc gia, Việt Nam đứng thứ 17 về lượng rác thải nhựa.
Trong đó, xét riêng về lượng rác thải nhựa xả ra biển, Việt Nam đứng top 5 thế
giới. Nếu không hành động ngay bây giờ, đến năm 2050, ở biển rác sẽ nhiều hơn
cá. Trăn trở trước thực tế ấy, chúng em đã sáng lập Lá Project và triển khai
các thử thách “sống xanh”, thôi thúc các bạn trẻ có những hành động ý nghĩa
giúp bảo vệ môi trường.
Với Lá Project, chúng em mong muốn
tạo nên những thay đổi tích cực trong thói quen sử dụng đồ dùng nhựa của người
dân Quảng Trị. Cùng với đó, em và các bạn hi vọng sẽ góp phần nâng cao nhận
thức của mọi người về vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Ngoài các
thử thách “sống xanh”, chúng em tập trung truyền thông về tác động của ô nhiễm
nhựa và biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của mỗi người. Đối với Lá, tử tế
không chỉ là bạn đối xử tốt với những người xung quanh mà còn là tử tế với môi
trường mà bạn đang sống, với trái đất, với hành tinh của mình.
- Xuất phát từ đâu mà các em
nảy sinh ý tưởng này?
- Chúng em lấy ý tưởng này từ Dự án
“3210 - 3 tuần, 21 thử thách, 0 nhựa” của Trung tâm Hành động và Liên kết vì
Môi trường và Phát triển (CHANGE). Tuy vậy, chúng em đã trăn trở, thay đổi một
số điểm để phù hợp cho đối tượng là các bạn học sinh ở Quảng Trị. Chúng em chọn
hình thức thử thách online để dự án có thể tiếp cận đến nhiều người hơn, đồng
thời chúng em có thể đẩy mạnh truyền thông cho dự án.
- Lá Project là một dự án trên
mạng xã hội, vậy nó đi vào thực tiễn như thế nào?
- Bất kì ai có tài khoản Facebook
đều có thể tham gia các thử thách “sống xanh” của Lá Project. Mỗi tuần, chúng
em đều có một thử thách được công bố trên trang của nhóm. Để tham gia thử thách
này, các bạn cần thực hiện các bước: Đọc kĩ thử thách; thực hiện thử thách
trong vòng 1 tuần; đăng ảnh lên facebook với các từ khóa theo quy định…Người
tham gia có thể lựa chọn hoàn thành toàn bộ hoặc chỉ một số thử thách trong
chương trình. Về phần mình, chúng em sẽ chấm điểm dựa trên các tiêu chí: chất
lượng bài viết thực hiện thử thách, sự nhiệt tình, sáng tạo, sức lan tỏa… Giải
thưởng được công bố chi tiết sau mỗi thử thách.
- Trong quá trình đưa ý tưởng
vào thực tiễn, các em gặp khó khăn, vướng mắc gì và giải quyết chúng ra sao?
- Điều đầu tiên chúng em gặp khó
khăn là làm sao để Lá có thể tiếp cận với nhiều người hơn. Vì hoạt động chủ yếu
theo hình thức online nên chúng em đã dành nhiều thời gian để chăm chút cho các
bài đăng trên trang để thu hút nhiều bạn trẻ nhất có thể. Chúng em bắt đầu đăng
các câu chuyện vui nhộn, album chia sẻ các bí quyết “sống xanh” với nhiều hình
ảnh thú vị. Ngoài ra, chúng em cũng theo dõi xem gần đây có xu hướng gì mới
không để áp dụng vào những bài đăng của mình. Chẳng hạn, trong Chương trình Táo
Quân vừa rồi có hình ảnh về chiếc gương kiểm điểm thì chúng em cũng làm một bài
tương tự về chiếc gương sự thật, nêu lên những vấn đề nổi cộm của ô nhiễm nhựa.
Vấn đề thứ hai mà chúng em gặp phải là làm sao để thu hút nhiều bạn tham gia
thử thách. Sau nhiều bàn thảo, chúng em đã thiết kế để các thử thách không quá
phức tạp mà tất cả mọi người đều có thể bắt tay vào làm ngay. Chúng em cũng
tăng giá trị phần quà qua các thử thách và chia sẻ các bài đăng của những bạn
tham gia những thử thách trước. Ngoài ra, nhiều thầy cô cũng đã tham gia thử thách
để tăng độ phủ sóng và thu hút các học sinh cùng tham gia.
- Lá Project đã mang lại điều ý
nghĩa gì cho các em và mọi người?
- Chúng em nghĩ điều mà Lá Project
bước đầu làm được chính là giúp mọi người chú ý đến vấn đề rác thải nhựa. Lúc
trước, không có nhiều kênh truyền thông hay các hoạt động phản ánh thông tin về
ô nhiễm rác thải nhựa ở Quảng Trị. Chúng em luôn nghĩ, mọi người không hành
động chỉ vì chưa hiểu rõ về vấn đề đó. Vì thế, điều Lá làm được trong thực tiễn
là nâng cao nhận thức của mỗi người. Còn về việc mọi người có cam kết hành động
hay không, chúng em chỉ có thể đảm bảo rằng một phần các bạn theo dõi Lá
Project đã thật sự bắt đầu thực hành “sống xanh”. Thế nhưng, để khiến tất cả
mọi người từ chối đồ nhựa, em nghĩ vẫn cần một hành trình dài nữa. Chúng em
mong Lá có thể là một khởi đầu cho các bạn, cụ thể là: Khởi đầu để các bạn tìm
hiểu về vấn đề ô nhiễm môi trường; khởi đầu để các bạn tập thực hành “sống
xanh”; khởi đầu để các bạn làm quen với nhiều người có cùng mối quan tâm với mình;
khởi đầu cho sự ra đời của nhiều dự án môi trường khác…
Lá đem lại cho chúng em cơ hội để tự
cam kết hạn chế sử dụng đồ dùng nhựa. Dù từ trước chúng em đã quan tâm về vấn
đề này nhưng đến lúc bắt đầu làm Lá Project thì chúng em mới đọc nhiều thông
tin hơn, hiểu rõ hơn về ô nhiễm nhựa cũng như tác động của mỗi cá nhân lên môi
trường sống. Điều đó càng khiến chúng em quyết “sống xanh”, thân thiện với môi
trường.
- Hiện nay, một số bạn trẻ cho
rằng, việc của mình chỉ là học tập, còn những vấn đề lớn, chẳng hạn như xây
dựng một mạng xã hội văn minh, lành mạnh hay bảo vệ môi trường là việc của
người lớn. Quan điểm của các em như thế nào về vấn đề này?
- Để nói về điều này, chúng em rất
muốn kể về cô bé Greta Thunberg, nhà hoạt động khí hậu 15 tuổi người
Thụy Điển. Tham dự Hội nghị Khí hậu COP24, Greta đã nói rằng: “Tên tôi
là Greta Thunberg. Tôi 15 tuổi và đến từ Thụy Điển. Tôi lên tiếng vì
công bằng khí hậu. Rất nhiều người nói rằng Thụy Điển chỉ là một
quốc gia nhỏ bé và rằng dù chúng tôi làm gì thì cũng chẳng thấm
vào đâu nhưng tôi đã học được rằng ta chẳng bao giờ quá nhỏ bé để
tạo ra sự khác biệt”.
Những chia sẻ của Greta Thunberg đã
thật sự tác động mạnh đến chúng em. Đặc biệt, những điều mà Greta làm khiến
chúng em nhận ra tuổi tác vốn không phải là vấn đề, đặc biệt khi mà thế hệ trẻ
chính là thế hệ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi
trường. Chúng em không thể đổ lỗi cho ai khi những vấn đề trên trở nên tồi tệ
hơn nếu ngay từ đầu chúng em đã chọn cách không quan tâm, trở thành kẻ ngoài
cuộc.
- Sau Lá Project, các em còn ấp
ủ những dự định, kế hoạch gì?
- Chúng em hi vọng sau khi thi đại
học xong, chúng em có thể quay lại tổ chức Lá Project nhưng ở quy mô lớn hơn,
tuyển thêm thành viên từ các trường trên địa bàn Quảng Trị, tổ chức nhiều hơn
nữa các hoạt động thú vị, bổ ích. Chúng em cũng muốn Lá tập trung thêm vào các
vấn đề khác như làm sao để hạn chế rác thải, hạn chế tiêu dùng quá mức, lối
sống “không rác thải” và biến đổi khí hậu.
- Cảm ơn em! Chúc em và các
thành viên trong nhóm ngày càng có nhiều dự án mới ý nghĩa hơn!
Đang truy cập: 188
Hôm nay: 744
Tổng lượt truy cập: 901,640