Nguyện làm ánh bình minh

Các em nhỏ theo học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh, thành phố Đông Hà thường mong chờ mỗi buổi sớm mai để được ba mẹ đưa đến ngôi nhà chung nằm trên con đường Ngô Quyền rợp bóng cây. Nơi đây, ngày ngày con trẻ được sưởi ấm bằng tình yêu thương của cô giáo Nguyễn Thị Tình cùng những người mẹ đặc biệt khác.

 

 

Cô Tình chia sẻ kinh nghiệm với các giáo viên khác ở trung tâm

 

Người mẹ đặc biệt

 

Tầm 5 năm trước, hay tin một cô giáo trẻ rời thành phố Hồ Chí Minh đô hội về quê mở trung tâm dành cho trẻ tự kỉ, tôi liền liên lạc. Bắt máy, một giọng nữ nhẹ nhàng giới thiệu mình là Nguyễn Thị Tình, sinh năm 1986, người con của Mai Xá Chánh, Gio Mai, Gio Linh. Nhận lời đề nghị viết bài của phóng viên nhưng cô hẹn một thời gian nữa, khi hoạt động của trung tâm đã thực sự quy mô, nền nếp.

 

Sau này, biết cô Nguyễn Thị Tình được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen, tôi liền điện thoại chúc mừng. Nhận ra người quen, cô Tình gửi lời cảm ơn, rồi thu xếp ngay lịch hẹn. Cô cho biết, 5 năm trước, khi nhận lời đề nghị, bản thân rất mừng vì việc làm của mình được quan tâm, chú ý. Song bấy giờ, cô Tình vẫn chưa biết ngày mai sẽ thế nào nên đành khất. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi không bắt đầu bằng việc “báo cáo” thành tích vừa đạt được. Cô Tình vui vẻ cho biết, lứa học sinh đầu tiên của mình đã đến trường, hòa nhập với chúng bạn. Đó là niềm vui, sự thành công lớn đối với người mà các em thường gọi là “mẹ”.

 

Thực ra, cô Nguyễn Thị Tình “làm mẹ” khi mới 8 tuổi. Bấy giờ, vì hoàn cảnh khó khăn, mẹ của Tình phải bươn bả lên miền núi rừng phía tây tỉnh Quảng Trị làm ăn. Ở nhà, cô chị cả phải “làm mẹ” cho 3 đứa em nhỏ. Sau này, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế và vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc, Tình lại một tay lo liệu cho hai người em ăn học. Khi nỗi vất vả, lo toan tạm vơi, cô mới dám nghĩ đến ước mơ từ thời còn trẻ của mình. Bỏ công việc cho thu nhập ổn định ở một trường đại học lớn, cô Tình xin vào làm tại Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh. Nhớ lại ngày ấy, cô kể: “Hôm đầu tiên nhận việc, theo thói quen, tôi mặc váy công sở, áo sơ mi trắng đến trung tâm. Đi qua hành lang, nhiều người nhìn tôi với ánh mắt lạ lẫm, rồi khẽ lắc đầu. Không ai nghĩ tôi có thể gắn bó với công việc. Và sự thật là trong một tuần đầu, có lúc tôi cũng nghĩ như họ. Ngẫm ai cũng ra đi thì lấy đâu ra người chăm sóc, dạy dỗ trẻ nên tôi nhủ mình bước tiếp”.

Giờ lên lớp của cô Nguyễn Thị Tình

 

Vượt qua mọi khó khăn, cô Nguyễn Thị Tình sớm quen với công việc. Cô áp dụng có hiệu quả những kiến thức trên ghế giảng đường; chuyên tâm học kinh nghiệm từ đồng nghiệp; may mắn được chuyên gia Mỹ về chỉ dẫn… Trong thời gian này, Tình quen khá nhiều phụ huynh ở quê đưa con vào giáo dục hòa nhập. Sau hơn 2 năm gắn bó, cô Tình chia tay Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh vì hoàn cảnh gia đình. Trước ngày về quê, cô hứa với vị giám đốc đầy tâm huyết: “Dù ở đâu cũng không từ bỏ các em nhỏ tự kỉ”.

 

Cô Nguyễn Thị Tình không ngờ, mới chân ướt, chân ráo về quê, nhiều phụ huynh đã tìm đến mình. Từ đó, mỗi ngày, cô Tình quen với con đường dài hơn 100 km dẫn đến nhà các em nhỏ tự kỉ. Sau hơn 2 tháng đi “dạy liên huyện”, Tình sụt mấy ki-lô-gam. Điều an ủi nhất là các em nhỏ cô dìu dắt đã có bước tiến. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều phụ huynh liên lạc với Tình. Vì thế, cô quyết định mở một cơ sở nhỏ tại thành phố Đông Hà, tiền thân của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh. Hiện nay, trung tâm có 14 cán bộ, giáo viên với 35 học sinh.

 

“Ước có nhiều thời gian hơn”

 

Ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh, cô Nguyễn Thị Tình luôn xem các em nhỏ như con của mình. Trong mắt cô Tình, đây là những đứa bé đặc biệt. Vì thế, các em cần sự chăm sóc của người mẹ đặc biệt. Với tất cả tình yêu thương, cô Tình cùng các giáo viên ở Trung tâm phối hợp can thiệp cho bốn nhóm trẻ chính gồm: Rối loạn phát triển ngôn ngữ và giao tiếp; rối loạn phổ tự kỉ; khuyết tật học tập; tăng động giảm tập trung chú ý. Hằng ngày, các cô tổ chức bốn hoạt động học tập cơ bản là: Can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm, trị liệu - tâm vận động và hoạt động tiền tiểu học.

 

Thông thường, mỗi đứa trẻ đến với cô Tình gặp một vấn đề riêng. Vì vậy, việc chăm sóc, giáo dục các em không giống nhau. Cô Tình và đồng nghiệp phải kiên trì, nhẫn nại dạy trẻ từng việc nhỏ như: Nhai, nuốt, giao tiếp bằng mắt, điều phối hơi thở để phát âm… Nhiều khi sau buổi học, các cô nói không ra hơi, tay chân như rã ra vì mệt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lại đến từ phụ huynh. Một số người đưa con em đến đánh giá tình trạng nhưng lại không chấp nhận sự thật. Thậm chí, có trường hợp đưa trẻ đi cúng bái khắp nơi. Thành ra, con em họ mất nhiều thời gian quý báu. Thực tế khác là không ít phụ huynh lại mong muốn những giờ học của cô và trò phải có hiệu quả cấp tốc. Họ chưa hiểu dạy trẻ tự kỉ là một quá trình, không thể nóng vội.

 

Vất vả là thế nên những người mẹ đặc biệt trân quý từng sự tiến bộ dù là rất nhỏ của các con. Mỗi khi em nào đó bước ra từ trung tâm để vào lớp 1, niềm vui như vỡ òa trong lồng ngực các cô. Thế nhưng, công việc của cô Tình và đồng nghiệp chưa dừng lại. Các cô vẫn lặng lẽ theo sát, có mặt khi các con cần. Thành ra, công việc của giáo viên trung tâm hiếm có ngày ngơi nghỉ. Thu xếp mọi thời gian, họ còn tham gia các lớp học trau dồi kiến thức, kĩ năng phục vụ công việc. Ngay cô giáo Nguyễn Thị Tình hiện đang học cao học chuyên ngành Giáo dục đặc biệt tại Đại học Sư phạm Hà Nội. “Tôi mong mình có nhiều thời gian hơn để làm việc, học tập, hỗ trợ nhiều học trò hơn”, cô Tình vẫn thường ước mơ như vậy.

 

Đến giờ, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh đã trở thành nơi gửi gắm niềm tin của nhiều phụ huynh. Từ những miền quê xa xôi, các ông bố, bà mẹ đã lặn lội đưa con em đến với trung tâm. Nghe lời khuyên của các cô, hành trình của họ không mỏi mệt. Biết nhiều phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, cô Tình luôn tìm cách giúp đỡ. Một phụ huynh trú tại huyện Cam Lộ chia sẻ: “Con tôi đến trung tâm khi 2 tuổi rưỡi. Lúc đó, cháu chỉ nằm yên một chỗ, không bày tỏ cảm xúc. Sau một thời gian học tập ở trung tâm, cháu đã nói, cười. Không chỉ giúp cháu, cô Tình còn động viên, hỗ trợ gia đình tôi rất nhiều”.

 

Không để trẻ lại phía sau

 

Có đến Trung tâm Hỗ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh mới thấm thía công việc vất vả, lắm áp lực của cô Nguyễn Thị Tình và các giáo viên của trung tâm. Nếu không có tình yêu thương và cả “thần kinh thép”, có lẽ ít ai gắn bó với nơi này. Nghe tôi chia sẻ, cô Tình cười hiền: “Những khó khăn, vất vả anh thấy chỉ là phần nổi của tảng băng thôi. Điều quan trọng là các cô ở đây đã vượt qua. Chúng em tôi không muốn bất cứ em nhỏ tự kỉ nào bị bỏ lại đằng sau”.

 

Đến đây, cô chia sẻ câu chuyện về cậu học trò đầu tiên của mình ở quê nhà, đó là A.K., trú tại huyện Hải Lăng. Năm 2 tuổi, các bác sĩ phát hiện K. phát triển không bình thường. Biết em mắc bệnh tự kỉ điển hình, mất điều khiển chủ ý lời nói, cô Tình đến tận nhà để “tiếp sức”, giúp K. có nhiều chuyển biến tốt. Đến khi cô Tình mở trung tâm, bố mẹ K. thay nhau đưa con ra Đông Hà. Ngặt nỗi, K. đau ốm liên miên nên việc học gián đoạn. Bẵng đi một thời gian, ngày gặp lại, cô Nguyễn Thị Tình như đứt từng khúc ruột khi thấy K. có biểu hiện nặng hơn. Vì ít vận động, giao tiếp nên em mang thêm những khuyết tật thứ phát. “Gặp K., nước mắt em tôi cứ chảy vào lòng, đau nhói. Tôi lấy tên A.K. đặt cho tên wifi của trung tâm. Mỗi lần truy cập internet, thấy tên cháu hiện ra, tôi lại nhắc nhủ mình không được để những đứa trẻ tự kỉ lại phía sau dù cuộc sống xô bồ, công việc bận rộn mức nào chăng nữa. Tôi biết, ngoài kia vẫn có nhiều A.K. khác”, cô Tình nói như dốc cả nỗi lòng.

 

Từ nỗi niềm ấy, cô Nguyễn Thị Tình đã quyết định triển khai chương trình “Bình minh cho em”. Thành thông lệ, cứ vào thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần, cô Tình và một số giáo viên của trung tâm lại về các địa phương cách Đông Hà trên 40 km để thăm khám, đánh giá sàng lọc cho trẻ. Trên cơ sở ấy, các cô chọn ra một số em có thể tiến bộ khi được can thiệp 2 ngày/tuần để hỗ trợ. Hiện nay, các cô đang hỗ trợ thường xuyên cho 6 em nhỏ. Một số vấn đề của các em nhỏ đã được giải quyết. Đơn cử như trường hợp của em N.T.H., ở Hải Lăng. Người thân từ đưa H. đi can thiệp ở Huế cách đây 2 năm nhưng không khả quan. Điều lạ là H. phát triển tốt tất cả các lĩnh vực khác, trừ nói. Sau khi kiểm tra, cô Tình phát hiện cháu bị dính thắng lưỡi và khuyên gia đình đưa đi phẫu thuật.

 

8 năm gắn bó với trẻ tự kỉ, niềm vui, nỗi buồn, thậm chí cả ước mơ của cô Nguyễn Thị Tình cũng xoay quanh các em. Cô Tình chia sẻ dự định xây dựng một ngôi trường “có đầu vào và đầu ra” cho trẻ tự kỉ. Qua thực tế công việc, cô biết, phần lớn trẻ mang trong mình khiếm khuyết đều được tạo hóa đắp bù. Nếu được giúp đỡ, các em có thể trở thành những người đặc biệt hoặc ít nhất là tự kiếm được đồng tiền bằng chính đôi tay mình. “Chúng tôi nguyện làm ánh bình minh cho các em nhỏ tự kỉ. Hi vọng cuộc đời của các con sẽ có những sắc màu tươi vui, xán lạn”, cô Tình nói trước khi chia tay tôi ở cánh cổng trung tâm.

 

Quang Hiệp

  • 13/KH-BCĐ

    Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ XXV - năm 2023 (16/01/2023)

  • Số 272-KHPH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức tình nguyện mùa Đông 2021, Xuân tình nguyện 2022 (13/01/2022)

  • Dự thảo

    Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (28/01/2022)

  • 519-BC/TĐTN-TTNTH

    Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 133 về thực hiện CTHĐ quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (06/12/2021)

  • Số 23-CTr/TĐTN-VP

    Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 (20/01/2022)

Đang truy cập: 595

Hôm nay: 2,063

Tổng lượt truy cập: 537,419

Liên hệ Facebook Đăng nhập