Gieo chữ Việt ở Seno

Seno là tên của một thị trấn yêu kiều nằm cách trung tâm tỉnh lị Savannakhet của nước CHDCND Lào khoảng gần 40 cây số về phía Bắc, nơi có nhiều bà con Việt kiều làm ăn, sinh sống. Hai năm nay cô giáo Hoàng Ly Ly (sinh năm 1995), người thôn Hoàn Cát, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ tình nguyện đến Seno dạy tiếng Việt cho học sinh là con em Việt kiều.

 

 

Một tiết lên lớp của Ly Ly

 

Dạy chữ bằng hình của đất nước

 

Hoàng Ly Ly rất dễ thương và luôn nở nụ cười tươi khi nói chuyện. Ly Ly mở đầu câu chuyện gieo chữ Việt ở Seno cho học sinh Việt kiều bằng những câu thơ mang hình đất nước mà cô ngày nào cũng dạy cho các cháu đọc. “Việt Nam đất nước ta ơi/Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn/ Cánh cò bay lả rập rờn/Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”. Đoạn trích trong bài thơ “Việt Nam quê hương ta” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã trở thành bài học thuộc lòng đầu tiên cho những học sinh Việt Kiều ở thị trấn Seno, nơi cô giáo Ly Ly tình nguyện đặt chân đến dạy chữ Việt cho các em.

 

Ly Ly nói khó có thể tìm được hình ảnh nào qua ngôn ngữ để khắc họa đất nước Việt Nam cho học sinh Việt kiều dễ hiểu bằng những câu thơ ấy. Muốn học sinh của mình học được chữ Việt, trước hết cô đã dạy cho các em biết được hình ảnh của quê hương, đất nước thông qua âm nhạc và thơ ca nên khi được học những câu thơ này các em rất thích thú. Không chỉ dạy tiếng Việt, Ly Ly còn có năng khiếu về âm nhạc, mĩ thuật, giọng hát hay, viết chữ đẹp và có trình độ tiếng Anh nên rất được bà con Việt kiều và các em yêu thương.

 

Seno là nơi có nhiều bà con Việt kiều làm ăn, sinh sống bao đời nay. Hai năm trước, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị với tấm bằng loại ưu và được kết nạp Đảng tại trường, Ly Ly viết đơn tình nguyện sang Lào dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều tại tỉnh Savannakhet. Cô được bố trí dạy học tại Trường Nguyễn Trãi, thị trấn Seno. Ngôi trường có 6 lớp với 223 học sinh tiểu học, toàn bộ là con em của bà con Việt kiều. Các học sinh sử dụng trang phục áo trắng, quần xanh y hệt học sinh trong nước. Các giáo viên người Lào dạy kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội, còn Ly Ly chịu trách nhiệm dạy ngôn ngữ tiếng Việt cho các em với nội dung thiết kế mỗi lớp có 3 buổi học ngôn ngữ tiếng Việt trong một tuần.

 

Trường học trên đất Lào được mang tên Việt Nam thực sự là niềm tự hào cho cộng đồng người Việt. Tuy nhiên chương trình giảng dạy phải tuân theo khung quy định của nước sở tại. Môn học tiếng Việt được xếp vào thời khóa biểu như giờ học ngoại ngữ. Để giúp các em có thêm điều kiện tiếp thu nhanh tiếng Việt, nhà trường luôn tăng giờ phụ đạo cho các em lĩnh hội thêm kiến thức về văn hóa Việt Nam, thông qua đó các em sẽ được hiểu biết hơn quê hương, nguồn cội của mình.

 

 

Cô giáo Hoàng Ly Ly với học sinh người Việt ở Seno

 

Nhớ lại ngày đầu mới đến xứ lạ không có người thân quen, vốn tiếng Lào ít ỏi, Ly Ly phải tự học thêm tiếng Lào để kịp thời phục vụ cho công việc và cuộc sống. Rồi những giờ ban đầu lên lớp dạy các em học sinh Việt kiều thật khó khăn không riêng gì đối với Ly Ly mà còn với tất cả những giáo viên người Việt khác đang công tác ở Lào. Đó là rào cản ngôn ngữ vô tình làm cho sự tiếp xúc giữa cô trò bị hạn chế mà Ly Ly phải vượt qua. Không chấp nhận điều đó kéo dài, Ly Ly đã tìm cách thông qua các bài thơ, bài hát và cây đàn guitar mang theo để dạy cho các em biết học tiếng Việt nhanh hơn. Các học sinh đã được cô dạy hát Quốc ca, các bài hát về quê hương Việt Nam, về công ơn thầy cô giáo… Một năm học trôi qua đối với cả cô trò của Ly Ly thật nhiều cảm xúc và kỷ niệm. Các em ngoài việc được học tiếng Việt bên cạnh chương trình chính khóa, còn được cô giáo dạy làm các tiết mục ảo thuật, dạy hát và thêu tranh, dạy làm các thứ bánh cổ truyền ở Việt Nam...Những lúc này Ly Ly như là người cô, người chị trong gia đình yêu thương hết mực của các em.

 

Cô giáo chia sẻ đa số người Việt sinh sống, định cư ở Seno cũng như Savannakhet đều sử dụng tiếng Lào nên quên dần tiếng Việt. Thế hệ con cái của họ càng không thể nói được tiếng Việt, đó là điều trăn trở rất lớn đối với bà con Việt kiều lớn tuổi. Bởi vì mất ngôn ngữ là sẽ mất dần cội nguồn. Hội người Việt tại tỉnh Savannakhet luôn cháy bỏng khát vọng duy trì ngôn ngữ của giống nòi cho các cháu nên rất cần các cô giáo người Việt sang gieo chữ cho các em tận tâm, tận tụy.

 

Cô ơi, mau trở lại nhé!

 

Ly Ly về nước nghỉ hè được ba tháng thì ở bên ấy các em và các bác ở Hội người Việt luôn mong cô quay trở lại sớm hơn để tiếp tục dạy học. Trong lúc tôi và cô đang trao đổi công việc thì điện thoại cô đổ chuông. Người bên kia nói chuyện với cô là ông nội của một học sinh Việt kiều. Ông kể đứa cháu gái duy nhất của gia đình ông rất mong cô Ly Ly sớm quay lại Seno để dạy cháu học tiếng Việt. Nói xong ông chuyển máy cho cháu được nói chuyện với cô giáo. Cô bật loa ngoài cho tôi “thẩm định” trình độ ngôn ngữ tiếng Việt của cháu sau một năm được cô kì công dạy dỗ. Cháu bé có tên Việt là Nguyễn Thị Tâm, năm nay học lớp 4, bố mẹ đi làm ăn xa nên cháu sinh sống với ông bà nội. Cháu nói chuyện với cô giáo bằng tiếng Việt với chất giọng nhỏ nhẹ dễ thương và rất rõ ràng. Cháu nói rất muốn về Việt Nam thăm cô, muốn được học đánh đàn nên dịp trở lại này cô nhớ mang theo cây đàn guitar để dạy cho cháu học. Nghe giọng nói cháu bé Việt kiều trải lòng với cô giáo, tôi cảm nhận được ngôn ngữ tiếng Việt mà cô Ly Ly dày công gieo chữ đã kết nối cho các cháu có thêm tình yêu của cuộc sống, luôn suy nghĩ đẹp và hướng về quê hương, đất nước Việt Nam với bao điều mới mẻ.

 

Thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với tỉnh Savannakhet và Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet, giai đoạn 2018 - 2019 tỉnh Quảng Trị tiếp tục cử giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt cho học sinh con em Việt kiều. Cô Ly Ly rất vui khi mình có tên trong danh sách sang Lào thực hiện sứ mệnh giúp con em cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại Senon giữ gìn tiếng nói, chữ viết, đồng thời bảo tồn và phát huy văn hóa cội nguồn của dân tộc, góp phần vun đắp cho quan hệ hai nước.

 

Trong hành trang của Ly Ly trở lại Seno lần này có rất nhiều bao, túi, hộp lỉnh kỉnh mà cô mang theo. Ly Ly cười thật tươi và nói đây là gạo ngon, còn đây là mấy thùng mì tôm, kia là bao cá khô, đậu lạc, gia vị, bánh kẹo….hàng của Việt Nam sản xuất. Em mang qua bên đó phần làm quà cho các em và bà con Việt kiều, phần thì để dùng dần khỏi mua vì đến Tết nguyên đán các cô mới được về nước nghỉ lễ. Nói rồi Ly Ly không quên giữ lời hứa với học sinh, lấy cây đàn guitar bỏ vào vỏ bọc cẩn thận để mang sang bên ấy dạy cho các em học đàn.

 

 

Hành lí mang theo của Hoàng Ly Ly khi qua Seno làm nhiệm vụ dạy học

 

Gắn bó với các em học sinh và bà con Việt kiều đến năm thứ hai, Ly Ly càng thấy yêu thích công việc ý nghĩa này. Mỗi ngày, niềm vui được gieo chữ Việt cho con em Việt kiều khiến cô muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất Seno, góp công sức xây cầu nối giáo dục và văn hóa giữa hai nước. Thành quả Ly Ly mừng nhất là các học sinh của cô rất có ý thức học tập rèn luyện và giữ gìn tiếng Việt. Bên cạnh việc học chữ viết và tiếng nói, các em học sinh còn được Ly Ly dạy nhiều về truyền thống văn hóa Việt Nam.

 

Ly Ly tâm sự bà con Việt kiều ở Seno tuy phải lo làm ăn để chăm lo cuộc sống, nhưng luôn quan tâm đến cội nguồn dân tộc và hướng con cháu mình về với cội nguồn, truyền thống tổ tiên thông qua việc được học tiếng Việt. Do đó dạy tiếng Việt cho các em không nên ép vội mà cần khuyến khích, tạo ra niềm vui để các em yêu và quan tâm đến đất nước Việt Nam, khi đó các em tự nguyện học thì mới có hiệu quả. Nên nhiệm vụ của Ly Ly hằng ngày là làm cho các em yêu thích Việt Nam hơn thì các em sẽ thích học tiếng Việt nhiều hơn.

 

Khi tôi tò mò muốn biết mức lương giáo viên của cô được trả bao nhiêu mỗi tháng thì mới biết được chỉ ngang mức lương ở trong nước, là vài triệu đồng Việt Nam mà thôi. Ly Ly đã yêu lỡ các học sinh con em mình và bà con Việt kiều nên sẵn sàng chấp nhận những thiệt thòi để cống hiến tuổi thanh xuân cho cuộc sống ngày càng ý nghĩa hơn.

 

Trần Tú Linh - báo Quảng Trị

  • 13/KH-BCĐ

    Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ XXV - năm 2023 (16/01/2023)

  • Số 272-KHPH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức tình nguyện mùa Đông 2021, Xuân tình nguyện 2022 (13/01/2022)

  • Dự thảo

    Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (28/01/2022)

  • 519-BC/TĐTN-TTNTH

    Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 133 về thực hiện CTHĐ quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (06/12/2021)

  • Số 23-CTr/TĐTN-VP

    Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 (20/01/2022)

Đang truy cập: 157

Hôm nay: 312

Tổng lượt truy cập: 840,517

Liên hệ Facebook Đăng nhập