Thời gian qua, các cấp bộ đoàn trên địa bàn xã Hải
Lâm, huyện Hải Lăng đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành với thanh niên
trong phong trào lập thân, khởi nghiệp. Qua đó, nhiều thanh niên đã được định
hướng và tạo điều kiện để phát triển các mô hình kinh tế, mang lại thu nhập ổn
định.
Mô hình lợn - cá của anh Hồ Công Thuấn mang lại hiệu
quả kinh tế cao
Sau thời gian tìm hiểu các mô hình và kĩ thuật nuôi cá
lồng bè, đầu năm 2017, với số tiền tích góp được và sự hỗ trợ vay vốn của Ngân
hàng Chính sách huyện Hải Lăng, anh Hoàng Kim Tính (30 tuổi) và anh Trần Hoàng
Phi (28 tuổi) ở thôn Trường Phước, xã Hải Lâm đã đầu tư xây dựng hệ thống lồng
bè giữa lòng hồ Chu Mưng Thác Kheo với 8 lồng nuôi, để thả 2.400 con cá trắm
giống. Sau vài tháng nuôi, những lồng cá của anh cho sản lượng trên 1 tấn, trừ
tất cả chi phí, một lứa nuôi thu lãi trên 150 triệu đồng. Đến nay, mô hình này
đã mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định.
Anh Tính cho hay: “Sau nhiều lần tìm hiểu, khảo sát,
tôi nhận thấy nhu cầu cá trắm giống của thị trường rất cao, nguồn thức ăn của
loài cá này chủ yếu là cỏ voi, cỏ sả có sẵn ở địa phương. Trong khi đó, trong
vùng chưa có ai làm mô hình này nên vào tháng 4/2017, tôi cùng với người bạn là
anh Trần Hoàng Phi hùn vốn để làm mô hình nuôi cá lồng, chuyên cung cấp cá trắm
giống cho thị trường Huế, Quảng Trị. Cá trắm bố mẹ đời F1 được tôi nhập về từ
tỉnh Bắc Ninh, còn kĩ thuật thì chúng tôi học từ sách, báo và mạng internet.
Qua quá trình vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay, chúng tôi có thể chăm
sóc tốt cho đàn cá giống. Hiện tại, cá trắm giống được bán với giá 75.000
đồng/kg (loại 3-4 con/kg) và chúng tôi có dịch vụ vận chuyển tận nơi cho khách
hàng. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng thêm 6-8 lồng để ươm cá giống cung ứng cho
thị trường”.
Rời thôn Trường Phước, chúng tôi tìm đến trang trại
chăn nuôi lợn - cá của anh Hồ Công Thuấn (31 tuổi) ở thôn Mai Đàn. Nhiều năm về
trước, anh Thuấn từng trải qua nhiều nghề khác nhau từ công việc văn phòng đến
lao động tay chân ở khắp mọi miền đất nước nhưng vẫn không nguôi giấc mơ trở về
quê hương lập nghiệp. Năm 2015, anh quyết định về quê xây dựng trang trại với
mô hình lợn - cá. Ý tưởng đã định hình trong đầu từ lâu, bước đầu, anh thuê 1,6
ha đất ở vùng Trằm Giời rồi khai khẩn, xây dựng chuồng trại, đào ao thả cá. Anh
nuôi các loại cá gồm cá trắm, chép và mè trên 7 hồ nuôi. Đối với đàn lợn, anh
nuôi 7 lợn nái và gần 100 lợn thịt; lúc cao điểm, trang trại anh có 20 lợn nái,
200 lợn thịt. Lợn thịt được anh nuôi theo kiểu gối đầu và xuất bán đều đặn mỗi
tháng. Ngoài lợn - cá, anh còn nuôi thêm đàn gà và vịt hàng trăm con. Mỗi năm
tổng thu nhập của trang trại anh Thuấn đạt gần 1 tỉ đồng, sau khi trừ các chi
phí lãi ròng khoảng 400 triệu đồng.
Anh Trần Phan Viết Hoàn, Bí thư Xã đoàn Hải Lâm cho
biết, trong thời gian qua, nhằm đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp,
BCH Xã đoàn Hải Lâm đã phối hợp với UBND xã, Hội Nông dân tổ chức các lớp tập
huấn chuyển giao khoa học - kĩ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt cho thanh
niên; làm tốt công tác hướng nghiệp; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội
huyện để đoàn viên thanh niên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi…Từ đầu năm đến nay,
trên địa bàn xã có thêm 5 mô hình kinh tế của thanh niên được hỗ trợ vay vốn
với số tiền hơn 250 triệu đồng, mỗi mô hình được hỗ trợ vay 50 triệu đồng.
“Thời gian tới, Xã đoàn sẽ tiếp tục thẩm định các mô hình của thanh niên lập
thân, khởi nghiệp để kịp thời hỗ trợ, khuyến khích đoàn viên, thanh niên làm ăn
phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”, anh Hoàn cho biết thêm.
Định hướng cho đoàn viên thanh niên trong nghề nghiệp
và việc làm là hoạt động thiết thực của mỗi cấp bộ đoàn cơ sở; khẳng định được
vai trò là cầu nối, hỗ trợ đoàn viên thanh niên trên con đường lập thân, lập
nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó,
phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong việc lựa chọn hướng
phát triển kinh tế phù hợp với bản thân và gia đình.
Trần Tuyền - báo Quảng Trị
Đang truy cập: 172
Hôm nay: 450
Tổng lượt truy cập: 840,655