Một cô gái trẻ sau những thất bại trong kinh doanh đã
quay về... ở ẩn và bén duyên với sen. 6 năm trời ròng rã, cô âm thầm gầy dựng
thương hiệu sen cho riêng mình ở xứ gió Lào bỏng rát.
Nguyễn Thị Thu Hiếu thu hoạch sen
Đó là Nguyễn Thị Thu Hiếu (34 tuổi), trú KP.Vĩnh
Phước, P.Đông Lương, TP.Đông Hà, Quảng Trị, chủ nhân của thương hiệu sen Bảo
Liên...
Nơi “ở ẩn”
Trên đường về cầu Đại Lộc, nếu để ý sẽ thấy tấm biển
bé xíu ghi “Sen Bảo Liên” chỉ đường cho ta đến nhà Hiếu theo một lối nhỏ chỉ có
thể đi xe máy vào. Đi khoảng 200 m, bạn sẽ thấy một bàu sen cạnh một ngôi nhà
đang vang lên những bản nhạc không lời… Đó là nơi “ở ẩn” của Hiếu.
Ngồi trên ghế đá cạnh bàu sen, nhấp ngụm trà tim sen,
Hiếu nói với tôi rằng để có khoảng thời gian thư thái như bây giờ cô đã có một
quá khứ khá chật vật. Sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Nông nghiệp Quảng
Trị, cô phải làm đủ nghề, từ nhân viên thị trường các hãng phân bón, thuốc trừ
sâu... cho đến làm “cò đất”. Môi trường kinh doanh lắm va đập cùng với sự đổ vỡ
trong hôn nhân đã thôi thúc cô... sống chậm lại.
Một ngày, Hiếu trở về nhà, tạm khép mình và tìm đến
cây sen như một cách tìm sự an yên, thư thái trong tâm hồn. “Ngày đó, tôi chỉ
có một sở thích là có những hồ sen thật đẹp để làng quê mình nên thơ, để mình
thả hồn vào đó... Vậy thôi, chứ tôi chưa bao giờ có ý định lấy sen ra làm kinh
tế”, Hiếu nói.
Năm 2012, Hiếu làm rất nhiều người bất ngờ khi đứng ra
xin nhận khoán mấy hồ nước ở trong làng Vĩnh Phước. Biết cô trồng sen thay vì
nuôi cá, nhiều người tặc lưỡi... quan ngại cho sự viển vông mơ hồ. Ấy vậy mà,
chỉ vài tháng sau, khi những bông sen đua sắc hồng dập dềnh trên mặt nước, cá
tôm quẫy đuôi dày đặc dưới nước, ai cũng phải buông những lời khen ngợi cô gái
trẻ.
“Tôi bước vào trồng sen với hành trang chỉ là niềm đam
mê, sự yêu thích nên phải học hỏi, tìm hiểu thêm rất nhiều các kỹ thuật trồng,
thu hoạch... Thời tiết, mùa vụ, dịch ốc bươu vàng và nhiều lý do chủ quan,
khách quan có lúc làm tôi chán nản nhưng tôi đã vượt qua”, Hiếu tâm sự.
Giờ đây với 5 mẫu sen ở TP.Đông Hà và H.Hải Lăng,
trồng theo hướng hữu cơ, không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào,
mỗi vụ (từ tháng 4 - 7 âm lịch), chỉ riêng hạt sen tươi, Hiếu cho thu hoạch
trên dưới 2 tấn, với giá bán từ 100.000 - 140.000 đồng/kg tùy thời điểm.
Khúc biến
tấu của sen
Hiếu kể buổi đầu thu hoạch sen, cô chỉ mong đủ trả
tiền thuê khoán hồ nên cô cứ hái sen về bán thô. Nhưng càng về sau, cô càng tự
hỏi sen mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tại sao không làm ra thật nhiều để
mọi người cùng được thụ hưởng.
Thế là ngoài mở rộng diện tích, Hiếu đi sâu nghiên cứu
chế biến sen và cô nhận ra rằng cây sen không có thứ gì là bỏ đi.
“Lá sen, đài sen, tim sen đều dùng được, chủ yếu là để
khô và sắc nước uống, làm trà. Còn hạt sen thì tất nhiên rồi, đó là sản phẩm
chính...”, Hiếu nói.
Năm 2016, Hiếu có một bước đi mới khi đăng ký thương
hiệu. Và cô đã biến tấu những sản phẩm sen cho thương hiệu của mình gồm: trà
tim sen, hạt sen tươi, hạt sen khô, hạt sen lức… Sen của Hiếu bây giờ được
không ít người dân miền Trung biết đến và thậm chí được mang ra nước ngoài làm
một món quà có dư vị quê hương.
Chưa hết, Hiếu còn đang biến tấu cùng sen thành những
món ăn: sữa sen, chè sen, bánh trung thu sen… nhưng cô bảo rằng chỉ làm ăn chơi
hoặc mời bạn bè chứ chưa ra thị trường được vì vướng bảo quản.
Đã có những thành công bước đầu, tuy nhiên Hiếu vẫn
khuyên người khác rằng nếu muốn làm giàu nhanh thì đừng tìm đến sen vì như cô
nói ngay từ đầu với cô, sen không phải là kinh doanh mà còn là… triết lý sống.
“Thành công với tôi không đồng nghĩa hoàn toàn với
tiền bạc giàu sang. Thành công của tôi là tìm được sự an yên, niềm yêu thích.
Điều tôi hài lòng nhất bây giờ là tôi vừa được làm việc vừa nghỉ ngơi trong
không gian thư thái của riêng mình…”, Hiếu tâm sự.
Nguyễn Phúc
- báo Thanh niên
Đang truy cập: 171
Hôm nay: 453
Tổng lượt truy cập: 840,658