Một cô gái –
sắp là tân sinh viên trường ĐH Y dược Huế – khi chuẩn bị hành trang vào nhập
học, đã “cõng” luôn người mẹ của mình đi theo. Cô gái ấy đã không còn sự lựa
chọn nào khác.
“Mẹ bị suy thận không thể tự lo cho bản thân. Em là chỗ duy nhất để bám víu. Em phải đưa mẹ theo cùng vào trường để mẹ còn có những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời”.
Người nói câu này là cô bé Mai Lê Hiền Cẩm ở thôn Na Nẫm, xã Triệu Nguyên, huyện miền núi Đakrong, Quảng Trị.
Vừa học vừa nuôi mẹ
Một cô gái nhỏ nhắn nhưng gương mặt sáng hé nhẹ cánh cửa phòng chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị rồi bước ra hàng ghế chờ ngay ở phía trước. Cô gái níu tay một người phụ nữ đứng tuổi đang đưa người thân đến chạy thận tại đây. “ Dì để ý mẹ giúp cháu một chút, cháu phải tranh thủ đi làm thủ tục chuyển giao bảo hiễm cho mẹ vô Huế. Cháu sắp nhập học trong đó rồi” – cô gái nói như cầu xin.
Bà Hạnh, người phụ nữ ngồi tại hành lang, là người có thâm niên đưa người thân đến đây chạy thận. Cả bà và Cẩm đều đã quen nhau ba năm qua vì cùng gắn bó hành lang khoa chạy thận này. Hoàn cảnh của Cẩm bà này củng khá rõ nhưng bà vẫn khá ngạc nhiên chuyện đưa mẹ theo khi vô nhập học ở Huế.
Từ khi sinh ra đến nay Cẩm chỉ lủi thủi sống cùng mẹ trong một căn nhà nhỏ tại xã miền núi Triệu Nguyên. Phải đến năm 40 tuổi mẹ mới sinh Cẩm sau một cuộc tình không đầu không cuối. Đến giờ Cẩm cũng không biết cha mình là ai.
Khi Cẩm lên 8 tuổi, mẹ Cẩm là bà Mai Thị Cam phát hiện bị bệnh tiểu đường. Bệnh của mẹ ngày càng nặng, đến khi học xong lớp 9 thì biến chứng qua suy thận. Mẹ Cẩm phải tuần hai lần về Bệnh viện đa khoa tỉnh để chạy thận mới duy trì được sự sống. Những ngày đầu việc đưa mẹ đi chạy thận nhân taọ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng trị do một người em của mẹ Cẩm cáng đáng. Được hơn nửa tháng thì bỗng nhiên người em này qua đời. Từ đó Cẩm phải vừa đi học vừa đưa mẹ vượt qua 40 cây số về bệnh viện tỉnh chạy thận.
Hai mẹ con phải bỏ hoang ngôi nhà đang ở để xin ở nhờ nhà người bà con gần đường quốc lộ để tiện cho việc đón xe về bệnh viện mỗi tuần. Cẩm nhận luôn việc phụ bưng bê dọn dẹp cho quán cháo bột buổi sáng của nhà người bà con này để kiếm thêm tiên cho mình đi học và đưa mẹ đi chạy thận suốt 3 năm qua.
Cẩm nói em chỉ còn duy nhất một người thân là mẹ. Mẹ em cũng chỉ có duy nhất một nơi để nương tựa là Cẩm. Cẩm hiểu căn bệnh này sẽ cướp mất mẹ em bất cứ lúc nào. Hiện mẹ em đã không còn tự chăm sóc bản thân được nữa. Chuyện ăn uống đi vệ sinh mấy năm qua đều phải có em trợ giúp, cũng đã có lúc em đứng trước sự lựa chọn đi học tiếp hay ở nhà chăm sóc mẹ những năm tháng cuối đời. Và em chỉ còn đúng một cách để có chăm sóc được mẹ, vừa có thể tiếp tục đi học để thực hiện giấc mơ của mình” – Cẩm nói.
Chỉ có một mẹ thôi
Thật khó để tả hết những gian nan mà hai mẹ con Cẩm đã cùng nhau trải qua trong 18 năm qua.
Mẹ Cẩm không nhan sắc, không nghề nghiệp, sức khỏe hạn chế, đến 40 tuổi bà mới “xin” một đứa con để bầu bạn. Cẩm ra đời và mang họ mẹ. Trong bức thư gửi đến những người xét học bổng tiếp sức đến trường, Cẩm viết: “Với em, mẹ dù nghèo khó hay bệnh tật như thế nào đi nữa cũng là một người mẹ vĩ đại. Mẹ đã vừa làm cha, vừa làm mẹ của em suốt 18 năm trời. Em chỉ có mẹ và mẹ cũng chỉ có em…”. Khi được hỏi vì sao lại đi đến quyết định mang theo mẹ đến giảng đường, Cẩm ngập ngừng nói rằng “Em chỉ có một mẹ thôi. Và mẹ có thể xa rời em mãi mãi bất cứ lúc nào...”
Cẩm nói em đã mất rất nhiều ngày kể từ ngày nhận giấy báo nhập học, để nghĩ ra cách này. Suốt hơn nửa tháng trời em cứ loay hoay không chỉ chuyện tiền mà còn chuyện không biết phải làm sao. Đi học thì không ai chăm sóc mẹ, mà ở nhà chăm mẹ thì lại giang dở giấc mơ đại học.
Trong lần về bệnh viện chạy thận mới trước đó, em tình cờ được một người cùng chạy thận cho biết, trước đây đã từng chạy thận ở bệnh viện Trung ương Huế, ở đó có một ca chạy vào thứ 7. Chỉ một thông tin đó thôi nhưng đối với em là như có lối thoát. “Em đã nhờ người thuê cho một phòng trọ gần trường, khoảng 01 tuần nữa khi em làm xong thủ tục chuyển bảo hiểm y tế cho mẹ là em chuyển mẹ vào ở cùng. Khi em đi học thì mẹ ở nhà. Em sẽ xin cho mẹ chạy thận vào ca thứ 7, cùng thêm một buổi tối nữa là được” – Cẩm tươi tỉnh.
Không ai được chọn nơi mình sinh ra , nên Cẩm chưa bao giờ than thân trách phận. Cẩm còn nói mình may mắn khi có mặt trên đời dù những gì Cẩm trải qua 18 năm trời là vô cùng chông gai. Chấp nhận số phận và tìm cách vượt qua, có lẽ là cách mà cô tân sinh viên này ý thức đươc từ khi còn là một cô bé học trò. “Những khi cùng cực và mất niền tin nhất, em chỉ nghĩ về những người khổ hơn mình để cố gắng. Dù sao thì mình vẫn còn mẹ, và mình vẫn còn có sức khỏe để lo cho mẹ. Vẫn còn hơn nhiều người không có mẹ để chăm lo” – Cẩm tự an ủi.
Đi học được cũng là kì diệu
Nhà chỉ có 2 mẹ con. Mẹ bệnh nặng, năm lớp 9 khi mẹ nhập viện suốt 3 tháng trời, Cẩm một mình vừa chăm lo nhà cửa vừa tự lo đi học. Nhưng thật ra không phải lúc nào Cẩm cũng mạnh mẽ và gan lì đến như thế. Là một cô gái, cũng có lúc Cẩm thấy mình yếu đuối. Đã có lúc Cẩm nghĩ đến chuyện bỏ học nhưng Cẩm nghĩ đến tương lai nhiều nhất. Chỉ còn khoảng vài năm nữa thôi mẹ sẽ xa rời em. Em phải học để có thể tự lo cho mình.
Chị Hoàng Thị Hải Yến, hàng xóm ở cạnh nhà Cẩm ở
Triệu Nguyên kể, không biết chứng kiến bao nhiên lần Cẩm phai gồng mình lên để
làm chỗ dựa cho mẹ từ ngày mẹ lâm bệnh. “Bé Cẩm đi học được đến giờ cũng là
một điều kì diệu. Nhiều hôm bé ngồi cạnh mẹ cả đêm khi bệnh mẹ trở nặng. Có khi nhà
không còn một đồng bé cũng gắng chạy quanh mượn cho có tiền xe để đưa mẹ về
bệnh viện, bé sợ nhất là mẹ chết, bé sẽ chỉ còn một mình, nên bé thích đi học
bác sỹ điều dưỡng cũng vì muốn chăm sóc cho mẹ để mẹ ở cùng được lâu hơn” – Chị
Yến kể.
Quốc
Đang truy cập: 211
Hôm nay: 422
Tổng lượt truy cập: 902,323