Thành công từ đam mê mô hình trang trại

Say sưa và đầy tâm huyết - đó là những gì tôi cảm nhận được khi nghe chị Nguyễn Thị Hồng Điểm - đoàn viên chi đoàn cán bộ giáo viên Trường Trung học Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị kể về trang trại của mình. Vốn đam mê lĩnh vực chăn nuôi, chị Điểm đã khéo léo vận dụng kiến thức, kinh nghiệm đầu tư mô hình trang trại vườn- ao- chuồng (VAC) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm cho nhiều đoàn viên, thanh niên địa phương.

Chúng tôi theo anh Trần Vĩnh Thắng, Bí thư đoàn Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị vào trang trại của chị Điểm tại thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn (Gio Linh). Tận mắt tham quan trang trại, chúng tôi cảm thấy thán phục sự năng động của người nữ đoàn viên này.


Chị Nguyễn Thị Hồng Điểm chăm sóc đàn gà của mình

Vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống làm kinh tế trang trại, từ nhỏ chị đã quen thuộc và gắn bó với “nghiệp chăn nuôi” của gia đình. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, Viện Đại học Mở Hà Nội, chị ấp ủ ý tưởng gây dựng một trang trại cho mình và tiếp tục đăng ký vào Trường Cao đẳng Kỹ thuật Nghệ An với chuyên ngành Chăn nuôi thú y để chuẩn bị hành trang cho công việc sau này. Vận dụng kiến thức đã học và kinh nghiệm trong thời gian làm nhân viên kỹ thuật chăn nuôi tại Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, chị đã hiện thực hóa đam mê bằng việc phát triển mô hình trang trại VAC để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Tận dụng những thuận lợi về đất đai, điều kiện tự nhiên, thời gian đầu vợ chồng chị đầu tư trồng 2 ha cao su, đào thả 3 ao cá với diện tích 2.000m2 gồm các loại cá chép, rô phi, trắm, mè... và dày công chăm sóc để có cơ sở phát triển mô hình kinh tế của gia đình. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, qua từng năm tích góp, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cải tạo, nâng cấp chuồng trại, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình vệ sinh, phòng trừ dịch bệnh, đến nay quy mô trang trại của vợ chồng chị nhanh chóng phát triển với 30 con dê, 120 con lợn thịt, 1.000 con gà thịt và gà giống. Mô hình kinh tế VAC đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Chị Điểm cho biết: “Mô hình vận hành theo một vòng khép kín nên chất thải được xử lý và sử dụng triệt để, không thải ra môi trường xung quanh, tiết kiệm được chi phí, không gây ô nhiễm môi trường khi không phải sử dụng nhiều loại phân hóa học. Phân dê đem ủ men để bón cho cao su và hồ tiêu, phân lợn được lấy riêng một phần cho cá một phần để ủ phân bón cây. Gà được nuôi trên đệm lót sinh học nên sau khi xuất bán, lượng phân gà cũng được đưa ra xử lý để bón cho cây trồng, bón cỏ lấy thức ăn cho dê, cá, bùn ao sau mỗi lần nạo vét dùng để bón thêm cho cây trồng”.

Để gây dựng được trang trại như hôm nay, quá trình từ ý tưởng đến hình thành mô hình, anh chị đã trải qua không ít khó khăn, trở ngại. Với nguồn vốn tự có khá eo hẹp, vợ chồng chị đã mạnh dạn vay vốn để mở rộng quy mô trang trại và đưa nguồn điện vào do vị trí trang trại ở cách xa khu dân cư. Mặt khác, để sắp xếp thời gian tham gia công việc tại trường và quán xuyến việc của trang trại với chị cũng rất vất cả. Song, có lẽ niềm đam mê với “nghiệp nhà nông” và tư duy dám nghĩ dám làm là động lực để chị quyết tâm bám trụ, không bỏ cuộc. Hiện bình quân mỗi tháng chị xuất bán 60 con lợn thịt, 2 tháng xuất bán 500 gà thịt, 300 gà giống, 20 con dê/năm, thu 1 tấn cá/năm và thu bán được khoảng 4,5 tấn mủ nước cao su/năm, góp phần cung cấp nguồn sản phẩm sạch, an toàn, rõ nguồn gốc cho người dân tại địa phương và nhiều nơi khác. Trang trại của chị mỗi năm tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động và việc làm thời vụ cho từ 3- 6 lao động là đoàn viên, thanh niên trong xã với mức tiền công từ 3-4 triệu đồng/tháng. Hàng năm trừ các khoản chi phí, gia đình chị thu nhập ước tính khoảng 200 triệu đồng.

Không chỉ phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho gia đình, chị Điểm còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và giúp đỡ người dân trong vùng về kỹ thuật, con giống, các loại thuốc thú y, thức ăn gia súc gia cầm, đặc biệt là hỗ trợ đoàn viên, thanh niên có nhu cầu học tập để phát triển mô hình kinh tế, trở thành tấm gương sáng về lớp trẻ dám nghĩ dám làm, vươn lên làm giàu tại địa phương.

Bài, ảnh: Mỹ Lệ - Ban Phong trào Thanh niên (TH)

  • 13/KH-BCĐ

    Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ XXV - năm 2023 (16/01/2023)

  • Số 272-KHPH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức tình nguyện mùa Đông 2021, Xuân tình nguyện 2022 (13/01/2022)

  • Dự thảo

    Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (28/01/2022)

  • 519-BC/TĐTN-TTNTH

    Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 133 về thực hiện CTHĐ quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (06/12/2021)

  • Số 23-CTr/TĐTN-VP

    Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 (20/01/2022)

Đang truy cập: 37

Hôm nay: 1,016

Tổng lượt truy cập: 614,730

Liên hệ Facebook Đăng nhập