Hiện nay, bên cạnh các câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên tình nguyện do các cơ sở đoàn - hội quản lý, ngày càng có khá nhiều CLB, đội, nhóm tình nguyện do các bạn trẻ tự thành lập. Đa số các CLB, đội, nhóm có những hoạt động thiết thực, giàu tính nhân văn và thu hút nhiều đối tượng tham gia, tạo ấn tượng đẹp trong lòng người dân, góp phần thúc đẩy phong trào thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng do đoàn, hội phát động thêm đa dạng, phong phú. 

Có thể thấy, chưa bao giờ các hoạt động thiện nguyện của các bạn trẻ lại nở rộ như vài năm gần đây. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 20 CLB, đội, nhóm tình nguyện tự do, tiêu biểu như: Quảng Trị Net, Búp Sen Hồng, Ươm Nắng, Đồng Quê, Hội Thiện nguyện, EFS... Với 13 năm hoạt động, Quảng Trị Net là một trong những nhóm có “thâm niên” lâu nhất với chương trình nổi bật diễn ra hàng tháng “Cơm 2.000 đồng - Cơm giá rẻ dành cho người lao động nghèo Quảng Trị” tại Bệnh viện đa khoa tỉnh cùng nhiều chương trình thường niên khá quy mô như “Hơi ấm mùa đông”, “Xuân yêu thương”, “Trăng rằm thắp sáng ước mơ”, “Đồng hành cùng các em tới trường”...

 

Nhóm Ươm Nắng tổ chức chương trình tình nguyện tại bản Tà Rùng, xã Húc, huyện Hướng Hoá tháng 8/2016

 Mới ra đời từ năm 2014 và thành viên chủ yếu là sinh viên, học sinh nhưng với phương thức hoạt động chuyên nghiệp, Câu lạc bộ thiện nguyện “Đồng Quê” hiện được xem là một trong những nhóm từ thiện hoạt động mạnh nhất tại Quảng Trị với các hoạt động diễn ra thường xuyên và có quy mô lớn. Theo anh Phạm Quang Thành, Chủ nhiệm CLB, mỗi năm nhóm thực hiện từ 50 - 60 chương trình, trong đó có các chương trình nổi bật như Quán cơm 5.000 đồng, chương trình dạy học tình nguyện tại thôn Nhật Hòa (xã Gio Hòa, huyện Gio Linh), chương trình “Đồng hành cùng ngư dân 4 tỉnh miền Trung” hỗ trợ 40 tấn gạo và tặng quà với tổng trị giá 550 triệu đồng, chương trình phối hợp xây Trường Mầm non bản Cheng (xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hoá) với tổng kinh phí 380 triệu đồng... Để duy trì một nhóm tình nguyện tự do hiệu quả, anh Thành cho rằng bên cạnh sự năng động, tâm huyết của những người điều hành thì những điều kiện rất quan trọng là cần có một hoạt động thường xuyên định kỳ hàng tháng để duy trì sự gắn bó của các thành viên, một địa điểm ổn định để tiếp nhận hàng hóa và tổ chức sinh hoạt nhóm, đồng thời nhóm phải chủ động vấn đề tài chính chứ không thể chỉ phụ thuộc vào việc kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân. Để tạo nguồn kinh phí hoạt động lâu dài, hiện nhóm “Đồng Quê” đang triển khai dự án xây dựng một trang trại do các mạnh thường quân hỗ trợ vốn. Trang trại có quy mô 20ha tại Gio Hòa, Gio Linh dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 11 năm nay. 

Một CLB hoạt động năng động và có quy mô không kém là CLB Ươm Nắng được thành lập từ năm 2012, hiện có 37 thành viên chính thức và hàng trăm thành viên không thường xuyên, chủ yếu là những bạn trẻ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... trên địa bàn tỉnh. Với mong muốn “đem những gì tốt đẹp nhất đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa”, nhóm Ươm Nắng chuyên tổ chức các chương trình tình nguyện tại các bản làng ở các địa bàn đặc biệt khó khăn và hiểm trở với các hoạt động ý nghĩa như tặng quà, tổ chức các bữa ăn dinh dưỡng cho các em thiếu nhi, tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, xây dựng các tủ sách “Ươm nắng” đặt tại các điểm trường, trung tâm học tập cộng đồng... Bình quan mỗi năm, nhóm tổ chức khoảng 10 chương trình, giá trị huy động mỗi chương trình từ 50 -60 triệu đồng. 

Ngoài các câu lạc bộ, nhóm chuyên về hoạt động tình nguyện, còn có các câu lạc bộ, đội, nhóm theo sở thích hoặc phát triển kỹ năng nhưng cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện như nhóm Le QinsiDers, câu lạc bộ Honda 67, câu lạc bộ Moto Đông Hà... 

Sự phát triển sôi động của các câu lạc bộ, đội, nhóm thiện nguyện tự do xuất phát từ nhu cầu muốn đi tình nguyện của các bạn trẻ cũng như nhu cầu của xã hội đối với các hoạt động tình nguyện ngày càng tăng cao. Tính chất linh hoạt về thời gian, phương thức kết nối, gần gũi về sở thích, lứa tuổi, cụ thể về địa chỉ và nội dung tình nguyện, các thành viên có thể trực tiếp tham gia vào từng khâu của mỗi hoạt động tình nguyện... là những điểm thu hút các bạn trẻ đến với các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện tự do. Bên cạnh đó, internet và mạng xã hội đã giúp quá trình kết nối dễ dàng hơn. Phương thức gây quỹ của các nhóm khá đa dạng như đăng thông tin hoàn cảnh để kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng, tổ chức bán hàng lưu niệm gây quỹ, tổ chức các đêm nhạc từ thiện... 

Tuy nhiên, do tính chất tự phát, tự nguyện nên cũng không ít CLB, đội, nhóm rơi vào tình trạng hợp rồi tan, hoạt động của nhóm ngày càng im ắng. Cũng vì thiếu tư cách pháp lý nên trong quá trình hoạt động các nhóm tình nguyện tự do cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chị Trần Thị Quỳnh Anh, Chủ nhiệm CLB “Ươm Nắng” chia sẻ mặc dù đã hoạt động 4 năm và tạo được uy tín khá rộng rãi nhưng cũng không ít lần nhóm phải đối mặt với tâm lý hoài nghi của nhiều người dân và một số địa phương khi triển khai các hoạt động gây quỹ thiện nguyện. Chính vì vậy, nhóm “Ươm Nắng” đang hoàn tất các thủ tục để được công nhận tư cách pháp lý và tham gia mạng lưới các tổ chức tình nguyện của Trung tâm tình nguyện quốc gia trực thuộc Trung ương Đoàn. 

Chị Trần Thị Quỳnh Anh và anh Phạm Quang Thành khẳng định việc kết nối giữa các câu lạc bộ và kết nối với tổ chức đoàn, hội là mong muốn chung của nhiều nhóm tình nguyện tự do, tuy nhiên các thủ tục hành chính trong đăng ký thành viên, phê duyệt các hoạt động, thống kê, báo cáo kết quả hoạt động định kỳ... còn nhiều phức tạp và mất thời gian là những vấn đề khiến nhiều nhóm còn ngần ngại. Vì vậy, mong muốn của các nhóm là đoàn, hội cần nghiên cứu phương thức kết nối và quản lý linh hoạt, cởi mở để phù hợp với tính chất năng động của hoạt động tình nguyện hiện nay.

Trong hoàn cảnh ngân sách nhà nước dành cho các hoạt động an sinh xã hội còn khó khăn, sự phát triển các CLB, đội, nhóm tình nguyện hoạt động từ thiện trên địa bàn tỉnh đã giúp cho các địa phương và người dân, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo tốt hơn... Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì sự phát triển tự phát của các CLB, đội, nhóm sẽ rất dễ dẫn đến nhiều hạn chế, hệ luỵ phức tạp cho cả bản thân các CLB, đội, nhóm và cho chính các bạn thanh, thiếu niên. Việc tổ chức đoàn, hội đứng ra khảo sát, đánh giá và vận động các CLB, đội, nhóm thanh niên tự do vào tổ chức sẽ giúp quản lý, định hướng, hỗ trợ tốt cho các CLB, đội, nhóm này, thúc đẩy phong trào tình nguyện và các hoạt động xã hội vì cuộc sống cộng đồng trong giới trẻ, đồng thời cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, đưa tổ chức đoàn, hội đến gần hơn với thanh niên.


Trần Thu (TA)


  • 13/KH-BCĐ

    Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ XXV - năm 2023 (16/01/2023)

  • Số 272-KHPH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức tình nguyện mùa Đông 2021, Xuân tình nguyện 2022 (13/01/2022)

  • Dự thảo

    Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (28/01/2022)

  • 519-BC/TĐTN-TTNTH

    Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 133 về thực hiện CTHĐ quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (06/12/2021)

  • Số 23-CTr/TĐTN-VP

    Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 (20/01/2022)

Đang truy cập: 234

Hôm nay: 1,213

Tổng lượt truy cập: 614,927

Liên hệ Facebook Đăng nhập