Khởi nghiệp từ mô hình nuôi ong lấy mật

Men theo con đường mòn quanh co nằm giữa rừng cao su xanh mát, chúng tôi tìm đến trại nuôi ong lấy mật của anh Lê Văn Thao ở thôn Quật Xá, Cam Nghĩa, Cam Lộ. Đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm thùng nuôi ong được sắp xếp ngay hàng thẳng lối, mùi thơm của mật ong phảng phất ngay từ ngoài cổng. Trao đổi với chúng tôi, anh Thao cho biết, là một thanh niên trẻ, khác với nhiều người thích bôn ba lập nghiệp ở các thành phố lớn, anh lại xác định phải làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Qua thời gian gây dựng, đến nay anh đã có 280 đàn ong mật, mang lại thu nhập hằng năm gần 200 triệu đồng.

 

 
Anh Thao chăm sóc đàn ong mật

Cơ duyên đến với anh Thao trong một dịp được gặp một số chủ nuôi ong di cư từ miền Bắc vào đến xã Cam Nghĩa mượn rừng để nuôi ong lấy mật. Với bản tính tò mò, ham học hỏi những cái mới, anh đã xin vào làm cho các chủ ong này để học tập kinh nghiệm. Sau một thời gian phụ việc, chịu khó tìm tòi học hỏi và được những chủ ong có kinh nghiệm lâu năm giúp đỡ, anh đã học được nghề nuôi ong khá thành thạo. Sau đó, anh quyết định dùng toàn bộ vốn liếng tích góp được, vay thêm nguồn vốn từ ngân hàng và người thân để triển khai mô hình nuôi ong lấy mật. Ban đầu chỉ với số lượng ít, dần dần quen tay, anh mạnh dạn chia đàn mở rộng mô hình nuôi ong. Đến thời điểm hiện tại, anh đã có 280 thùng ong với giống ong của Italia. Nhờ vị trí nuôi thuận lợi, cây có nhiều hoa và lượng thức ăn dồi dào nên đàn ong cho nhiều mật. Trung bình mỗi tháng mỗi thùng ong cho thu hoạch mật từ 3- 4 lần tùy theo thời tiết. Mỗi lần quay mật, một thùng ong cho từ 10- 15 kg mật và được thương lái đến thu mua tận nơi. Khác với mật ong rừng, mật ong nuôi được bán theo cân chứ không bán theo lít với giá bình quân khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg. Mỗi năm sau khi trừ chi phí anh thu về từ 200 - 250 triệu đồng.

 

Theo anh Thao, nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó. Dễ bởi nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như các công việc chân tay khác và ai cũng có thể làm được. Mỗi ngày người nuôi chỉ cần bỏ ra khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ để chăm sóc, vệ sinh thùng ong. Nhưng quá trình chăm sóc lại đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của ong như di chuyển, ăn, xây tổ, chia đàn... Anh Thao chia sẻ, nuôi ong chỉ để lấy mật dùng trong gia đình thì khá dễ nhưng nuôi số lượng lớn để có thu nhập thì rất khó. Người nuôi cần phải am hiểu thời tiết, các vùng địa lý nhiều nơi và thấu hiểu được bản chất của con ong. Sống với ong như bạn thì mới nuôi ong được. Muốn ong cho mật tốt phải đem ong đến những vùng có mùa hoa nở rộ. Nếu không nắm vững thì khi đưa đàn ong đến những nơi có hoa để hút mật mà hoa đã tàn, lúc đó mật thì không có, ong bị đói, cắn nhau chết hàng đàn. Ngoài ra, do ở Quảng Trị mặc dù có diện tích rừng trồng, cao su, cà phê, cây ăn quả khá lớn, tuy nhiên do vào mùa đông trời mưa nhiều, nhiệt độ xuống thấp, có lúc còn bị rét đậm, rét hại nên để đàn ong cho mật quanh năm, vào khoảng cuối tháng 10 âm lịch anh lại đóng các thùng ong lên xe tải di cư vào các tỉnh Tây Nguyên để đón mùa hoa cà phê nở và tránh rét. Phải sau Tết Nguyên đán, thời tiết bắt đầu ấm áp, lúc này anh mới đưa đàn ong trở về. Việc di chuyển ong phải tiến hành trong đêm, vì thời gian này là đàn ong về tổ ngủ, không bị phân tán đàn và bị chết do thay đổi khí hậu đột ngột. Anh Thao cho hay, bình thường mỗi thùng ong như thế này có từ 8 - 9 cầu ong. Nếu giữ lại qua mùa đông, thời tiết lạnh kéo dài, ong giảm đàn chỉ còn lại 1 - 2 cầu ong. Khi trời ấm lên để phục hồi lại sẽ phải mất khoảng từ 3 - 4 tháng sẽ không kịp thời vụ.

 

Khi chúng tôi thắc mắc về việc một số người nghi vấn các hộ nuôi ong sử dụng nước đường cho ong ăn để tạo mật, anh Thao lắc đầu cười rồi dẫn chúng tôi ra rừng cao su. Kéo một cành cao su xuống chỉ cho chúng tôi thấy những giọt như giọt nước nhỏ xíu ở các gốc lá, nếm có vị ngọt, anh Thao vừa giải thích, mật ong được tạo ra chủ yếu là do ong hút các giọt này. Khác với cây nhãn hay cây cà phê, ong lấy mật từ hoa thì cả cây cao su lẫn cây tràm đều có giọt mật ở gốc lá như thế này. Vì vậy vào mùa hè người nuôi ong thường đưa ong đến các vườn tràm hoặc vườn cao su để ong lấy mật mà không phải phụ thuộc vào mùa cây nở hoa như các loại khác. Còn thức ăn mà người nuôi ong dùng để cho ong ăn thực tế là bột đậu nành trộn với phấn hoa và nước đường có tác dụng để nuôi nhộng và ong non. “Có những thời điểm giá mật hạ xuống còn có khoảng 13.000 - 17.000 đồng/kg, thấp hơn cả giá đường nữa. Nếu cho ong ăn đường thì lấy đâu ra mà có lãi. Mà thực ra người nuôi ong cũng chỉ cho ong ăn thêm vào các thời điểm cây không ra hoa, ong không lấy được phấn hoa thôi, chứ bình thường không ai cho ong ăn làm gì cả”, anh Thao cho hay.

 

Nhắc đến phấn hoa, anh Thao vừa dẫn chúng tôi ra vườn vừa khoe một sản phẩm mới mà đàn ong của anh vừa làm được, đó là phấn hoa. Anh Thao cho biết, thực ra nhiệm vụ của ong thợ không chỉ đi hút mật để đem về tổ mà còn một nhiệm vụ khác nữa là thu lượm các hạt phấn hoa. Bởi vì mật và phấn là hai loại thức ăn chính để nuôi dưỡng cả đàn. Khi gặp hoa, ong sẽ dùng hàm trên để lấy phấn hoặc dính phấn bằng các lông tơ quanh mình, quanh chân. Sau đó nó sẽ khéo léo dùng các chân trước gom các hạt phấn nhỏ li ti thành một viên tròn và bỏ vào giỏ phấn ở đôi chân thứ 3. Ở đôi chân thứ 3 này có rất nhiều lông tơ và kết thành cái giỏ gọi là giỏ phấn để chứa phấn hoa. Sau khi lấy phấn hoa ong sẽ vo viên và cho vào trong cái giỏ này để đem về tổ. Khi về tới tổ, nó sẽ bỏ phấn vào các ô trên tổ mà chưa có phấn hoặc có ít phấn. Khi được con người nuôi, tới mùa nhiều hoa nở rộ có nhiều phấn hoa, khi ong bay về tổ, người nuôi dùng một dụng cụ bằng nhựa có nhiều lỗ chỉ vừa đủ để con ong có thể chui lọt chắn ngang cửa vốn đã nhỏ của thùng nuôi ong. Khi con ong chui qua các lỗ nhỏ đó, cặp chân sau vướng phấn hoa sẽ rơi xuống một cái khay hứng sẵn ở dưới và người nuôi ong thu được phấn hoa. Theo anh Thao, phấn hoa được xem là sản phẩm quý giá từ thiên nhiên được ong thợ thu lượm từ hoa, có hàm lượng dinh dưỡng rất cao gồm có đường, chất béo, các loại protein, vitamin, các khoáng chất và nhiều men thiên nhiên cũng như các hoạt chất sinh học; rất tốt cho việc bồi bổ sức khoẻ, làm đẹp da và giúp điều trị một số loại bệnh tật. Bình thường phấn hoa chủ yếu được ong thợ thu về để nuôi nhộng và ong non. Chỉ khi vào mùa hoa tràm nở rộ, lượng phấn do ong thợ đem về quá nhiều không sử dụng hết thì mới lắp các tấm cản để lấy. “Theo kinh nghiệm của tôi thì mỗi đợt chỉ nên lấy phấn hoa trong khoảng 3 ngày. Như đợt này mỗi ngày tôi thu được khoảng 20 kg phấn hoa. Giá bán phấn hoa tươi khoảng 250.000 - 300.000 đồng/kg, còn chế biến theo tỷ lệ 0,3 kg phấn hoa kết hợp với 0,7 kg mật thì bán với giá khoảng 150.000 - 200.000 đồng”, anh Thao chia sẻ.

 

Vừa múc một thìa phấn hoa đổ ra lòng bàn tay, anh Thao vừa giới thiệu, để có một thìa phấn hoa như thế này, con ong đã phải tổng hợp từ hàng triệu hạt phấn của các loài hoa. Thông thường phấn hoa có màu vàng, tuy nhiên phấn hoa rừng lại có nhiều màu sắc khác nhau như màu đỏ, vàng, nâu, trắng… do ong thợ lấy từ hoa của nhiều loại cây khác nhau, ngoài hoa tràm còn có hoa cỏ, hoa cây chè vằng, hoa càng cua… Phấn hoa tốt phải có màu tươi sáng, vị bùi ngọt và chứa mùi thơm đặc trưng. Do khi ong thợ lấy về phấn hoa có chứa một hàm lượng nước nhất định, do đó cần được sấy khô và bảo quản trong lọ thuỷ tinh, sành, sứ là tốt nhất; phấn hoa có tính hút ẩm mạnh nếu bảo quản qua loa trong các túi ni lon thì khi hút ẩm sẽ làm cho phấn hoa bị biến chất làm mất đi thành phần dinh dưỡng. Nếu mới sử dụng phấn hoa thì nên dùng một lượng nhỏ vừa phải, theo khuyến cáo thì người lớn chỉ nên dùng 20gram/ngày, với trẻ nhỏ thì bằng 1/3 so với người lớn. Anh Thao cũng lưu ý, hiện nay có nhiều người bán dùng từ “Phấn hoa rừng” hay “Phấn hoa ong rừng” để đặt tên cho sản phẩm của mình với mục đích thu hút khách. Vì tâm lý khách hàng cứ thấy từ “rừng” theo kèm sản phẩm thì mặc định đó là sản phẩm tốt. Nhưng thực tế là các sản phẩm phấn hoa dạng hạt nhỏ sấy khô bán trên thị trường không phải do ong rừng làm ra mà đều do ong nuôi cung cấp. Nguyên nhân là do phấn hoa do ong rừng làm ra được bảo quản trong tổ cùng với mật nên rất ướt, chỉ có thể dùng nguyên cả mảng sáp có chứa phấn để ngâm rượu. Ngoài ra, do rừng có nhiều loại cây khác nhau lên mùa hoa nở của chúng cũng khác nhau, do đó ong rừng chỉ thu hoạch đủ cho cả đàn dùng.

 

Có nghề và thạo nghề nên anh Thao rất am hiểu tính nết đàn ong của mình và có các biện pháp thích hợp để ong phát triển tốt, có mật nhiều. Đó là phải kiểm tra, vệ sinh từng thùng ong hằng ngày để theo dõi tình trạng ong. Đặc biệt là ong chúa, nếu ong chết hay đẻ kém thì phải thay ong chúa khác. Thông thường ong chúa có tuổi thọ từ 7 - 8 năm. Tuy nhiên, 1 - 2 năm có thể thay ong chúa một lần để ong sinh sản mạnh, cho giống tốt và cho lượng mật nhiều. Ngoài ra trong quá trình nuôi ong cần phải chú ý đến bệnh chí rùa, chí mát xâm hại tổ, ăn hết nhộng non bên trong; bệnh thối ấu trùng gây hại đàn ong; cũng như trợ giúp để đàn ong vượt qua thời gian thiếu vắng mùa hoa. Không chỉ có vậy, là cộng tác viên khuyến nông của thôn Quật Xá nên anh Thao còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm cũng như cung cấp ong giống cho những người mới vào nghề nuôi ong.

 

Theo chị Lê Thị Hồng Nhạn, cán bộ khuyến nông xã, Cam Nghĩa là địa phương có diện tích đất đồi rừng khá lớn. Chủ động khai thác điều kiện thuận lợi đó, nhiều hộ nông dân trong xã đã đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Mật ong được nuôi tại các cánh rừng, không chịu tác động từ hóa chất, ô nhiễm nên chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Với nguồn thu nhập từ nuôi ong đã giúp nhiều hộ nơi đây thoát nghèo, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.

 

Thục Quyên - báo Quảng Trị (TA)

  • 13/KH-BCĐ

    Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ XXV - năm 2023 (16/01/2023)

  • Số 272-KHPH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức tình nguyện mùa Đông 2021, Xuân tình nguyện 2022 (13/01/2022)

  • Dự thảo

    Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (28/01/2022)

  • 519-BC/TĐTN-TTNTH

    Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 133 về thực hiện CTHĐ quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (06/12/2021)

  • Số 23-CTr/TĐTN-VP

    Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 (20/01/2022)

Đang truy cập: 29

Hôm nay: 976

Tổng lượt truy cập: 901,872

Liên hệ Facebook Đăng nhập