Chuyện về người gánh chữ lên non

Đặt chân đến Hướng Phùng, Hướng Hóa một ngày cuối thu, đất trời miền biên ải nhuộm một màu vàng ruộm của nắng và cả những nụ cười tỏa sáng của các em nhỏ người Vân Kiều tay xách cà mèn đến trường, miệng ê a hát những câu Tiếng việt trong trẻo. Hỏi ra mới hay, các em bới theo cơm để ở lại ăn trưa tại lớp và buổi chiều được cô Phụng dạy Tiếng việt miễn phí. Với các em học sinh ở xã Hướng Phùng, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng (33 tuổi) như là người mẹ hiền...

 

 

Cô Phụng nắn nót từng nét chữ cho học trò

 

Nặng nợ với sự học

 

Nhận được điện thoại của thầy Nguyễn Ngọc Hiển, công tác tại Phòng Giáo dục Hướng Hóa, tôi liền mang theo “đồ nghề” lên với mảnh đất của những người con mang họ Hồ của Bác. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ trực chỉ hướng tây trên chiếc xe bán tải gầm cao, chúng tôi có mặt tại điểm trường lẻ Chênh Vênh (thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng). Trong phòng học nhỏ của lớp 1D, các em học sinh đang chăm chú theo từng lời giảng của cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng...

 

Cô Phụng sinh ra trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em ở xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng từ nhỏ, Phụng đã khát khao trở thành cô giáo, để truyền dạy kiến thức cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như mình. Thế rồi, giữa năm 2006, chị tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Tháng 9/2006, khi nhận được thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tuyển giáo viên tình nguyện lên công tác vùng sâu vùng xa, chị tình nguyện lên xã Hướng Phùng xa xôi, hẻo lánh để dạy chữ.

 

“Hồi đó, có sức trẻ, lại đầy nhiệt huyết nên tôi không lo lắng gì nhiều, chỉ nghĩ đơn giản là ở miền núi hay đồng bằng thì mình cũng truyền dạy kiến thức cho học trò. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi được biết, ở vùng cao, chuyện đưa con chữ đến với các em không hề dễ dàng. Buổi đầu lên đây, tôi đã sốc khi nhìn thấy trẻ em đi chân trần đến trường, áo quần không lành lặn, mặt mũi lấm lem, đi học mà không có cặp, không có cả sách vở, bút thước...vì thế, tôi càng quyết tâm hơn. Những ngày đầu chưa quen, bồn bề rừng núi thâm u, heo hút, mở mắt ra là thấy núi non vời vợi, lắm khi nhớ nhà muốn khóc, nhưng khi nhìn thấy những nụ cười hồn nhiên, ánh mắt ngây thơ của học trò, tôi lấy lại được nhiệt huyết, nghị lực của mình”, cô Phụng bộc bạch.

 

 

Nhờ có cô Phụng, các ông bố bà mẹ người Vân Kiều yên tâm hơn để làm việc trên nương rẫy

 

Mặc dù xa nhà, cuộc đời gặp nhiều sóng gió nhưng cô Phụng luôn lấy công việc làm niềm vui. Sự tiến bộ của học trò là nguồn động lực làm cô quên hết những muộn phiền. Tình yêu học trò ngày càng lớn dần trong cô. “Học sinh ở đồng bằng được bố mẹ chăm sóc cẩn thận nên việc học hành rất thuận lợi. Trong khi, các em nhỏ người Vân Kiều, cái ăn cái mặc đã thiếu thốn huống gì học chữ. Vì thế, tôi quyết tâm phải làm được cái gì đó để giúp các em nhỏ nơi đây. Từ đó, tôi lập kế hoạch để giúp học trò viết và nói thành thạo Tiếng việt”, cô Phụng kể.

 

Mở ra mô hình “Bán trú dân nuôi”

 

Trước đây, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Hướng Phùng chỉ học một buổi sáng, buổi còn lại được nghỉ. Vì thế, các bậc phụ huynh thường đem con theo lên nương rẫy để tiện bề chăm nom. Qua thời gian học tập, tỉ lệ các em đến trường cũng giảm dần vì nhiều em ở xa, đường đến trường khó khăn...Vì thế, việc duy trì sĩ số rất khó khăn. Từ khi mô hình “Bán trú dân nuôi” do cô Phụng khởi xướng ra đời, các em nhỏ nơi đây ở lại trường buổi trưa và buổi chiều được cô Phụng dạy thêm Tiếng việt miễn phí.

 

Nhắc đến giai đoạn đầu mở ra mô hình này, cô Phụng kể: “Như là một cái duyên vậy! Lúc trước, ở điểm trường Cheng nổi tiếng về học sinh nghỉ học. Hầu hết các em tự ý bỏ học ở nhà lên nương rẫy cùng bố mẹ. Các giáo viên nghe dạy ở Cheng là lo lắng, đau đầu về duy trì sĩ số. Năm 2017, trường phân công tôi dạy 1 lớp ở điểm trường trung tâm nhưng tôi muốn vào Cheng để thử sức mình, hi vọng làm thay đổi được điều gì đó. Thế là tôi nhận dạy lớp 1 điểm trường Cheng. Nhận nhiệm vụ nhưng hôm đó, 2 giờ sáng, tôi vẫn không ngủ được vì lo học sinh nghỉ nhiều, thiếu sách vở, đồ dùng học tập...”. Nỗi lo lắng của cô lẩn quất trong giấc ngủ chập chờn.

 

Sáng sớm hôm sau, cô Phụng liên hệ với một người đồng hương có tấm lòng hảo tâm đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh và trình bày nguyện vọng xin hỗ trợ kinh phí mua sách vở cho học sinh. “Bác ấy hỗ trợ cho cô trò được 2 triệu đồng để sắm sách vở mới. Tôi mừng lắm! Thứ 7 và Chủ nhật tuần đó, tôi mang theo danh sách học sinh và tìm đến từng nóc nhà sàn, trình bày cho phụ huynh hiểu rằng chương trình học khó, nặng đối với các em và cần phụ huynh chia sẻ, giúp đỡ bằng cách cho các cháu ở lại buổi trưa để học cả ngày. Cơm và thức ăn do phụ huynh lo liệu. Ban đầu chỉ có 7 em bới cơm thôi. Và trong một buổi họp phụ huynh đầu năm, tôi phân tích hiệu quả của việc ở lại buổi trưa tại lớp, phụ huynh đỡ đón đưa, các cô chăm sóc học sinh tự nguyện, không thu tiền và học sinh sẽ học Tiếng việt được tốt hơn. Dần dần họ thấy hiệu quả, tiện ích nên họ theo hết. Đủ 30 em ở lại luôn. Để hiệu quả hơn tôi dạy cả tuần cả ngày, 7 buổi tăng lên 9 buổi”, cô Phụng vui vẻ nói.

 

 

Các em học sinh lớp 1 ăn trưa và ngủ tại trường để buổi chiều cô Phụng dạy thêm Tiếng việt

 

Từ điểm trường Cheng thực hiện thành công mô hình “Bán trú dân nuôi”, năm học 2018-2019 này, cô Phụng được nhà trường chuyển sang điểm trường Chênh Vênh để tiếp tục thực hiện và nhân rộng mô hình này. Đến nay, Trường Tiểu học Hướng Phùng có 3 điểm trường gồm: Cheng, Chênh Vênh và điểm trường trung tâm thực hiện mô hình “Bán trú dân nuôi” với 75 em học sinh lớp 1 tham gia. Hầu hết, các em đều đã đọc thông, viết thạo Tiếng việt sau thời gian ngắn được cô Phụng và các giáo viên khác phụ đạo thêm Tiếng việt và buổi chiều.

 

Còn nhớ, trước khi đến với điểm trường Chênh Vênh, trong buổi trò chuyện cùng tôi, thầy Hoàng Văn Sơ, Phó trưởng Phòng Giáo dục Hướng Hóa cho hay, cô Phụng là giáo viên đầu tiên mở ra mô hình “Bán trú dân nuôi”. Nhờ có cô Phụng mà tình trạng học sinh bỏ học ngày càng giảm, đến nay, tại 3 điểm trường, sĩ số đã ổn định, tỉ lệ học sinh lớp 1 tham gia mô hình đọc thông, viết thạo Tiếng việt rất cao. Thời gian tới, phòng sẽ khuyến khích và hỗ trợ các trường trên địa bàn học tập mô hình “Bán trú dân nuôi” từ Trường Tiểu học Hướng Phùng.

 

Chúng tôi chia tay cô Phụng để về xuôi đúng lúc các em học sinh chào cô giáo để về nhà. Bàn tay nhỏ xinh của các em nắm chặt những chiếc cà mèn nhiều sắc màu, không quên nở nụ cười hồn nhiên với cô giáo Phụng. Tiễn chúng tôi ra tận cổng, cô Phụng cười hiền rồi nói: “Dường như cuộc đời em duyên nợ với mảnh đất, con người nơi miền rẻo cao này. Chỉ cần mỗi ngày được thấy học sinh cười nói tươi vui và đến trường đông đủ là em quên hết mệt nhọc, được tiếp thêm động lực để tiếp tục chặng đường gánh chữ lên non, dạy Tiếng việt cho các cháu”.


Trần Tuyền - báo Quảng Trị (TA)

  • 13/KH-BCĐ

    Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ XXV - năm 2023 (16/01/2023)

  • Số 272-KHPH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức tình nguyện mùa Đông 2021, Xuân tình nguyện 2022 (13/01/2022)

  • Dự thảo

    Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (28/01/2022)

  • 519-BC/TĐTN-TTNTH

    Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 133 về thực hiện CTHĐ quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (06/12/2021)

  • Số 23-CTr/TĐTN-VP

    Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 (20/01/2022)

Đang truy cập: 223

Hôm nay: 1,586

Tổng lượt truy cập: 840,026

Liên hệ Facebook Đăng nhập