Đang ở độ tuổi
cắp sách đến trường nhưng Trần Thị Châu Anh, Lê Văn Minh, Phan Thị Hồng Thắm và
Dương Lê Phước Hưng đã chịu khó nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm hữu ích.
Sự đam mê sáng tạo của các em được Hội đồng chấm thi cuộc thi “Sáng tạo trẻ
Quảng Trị” lần thứ VII, năm 2018 ghi nhận.
Hồng Thắm và Phước Hưng (bên
trái) sáng tạo nên chiếc máy rang đa năng để đỡ đần bố mẹ
Trăn trở với
người nông dân
Sống ở thành
phố, bố mẹ đều gắn bó với công việc kinh doanh nhưng em Trần Thị Châu Anh (sinh
năm 2004), học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo lại trăn trở với nỗi vất vả của
người nông dân. Trong những lần về thăm quê, Châu Anh thấy bà con gặp nhiều khó
khăn mỗi khi phơi, sấy nông sản. Em chia sẻ: “Người nông dân làm ra hạt lúa,
hạt ngô vốn đã khó. Sau khi gặt hái xong, bà con lại tiếp tục phải lo chuyện
phơi, sấy. Mỗi khi mưa gió kéo dài hay bão lũ, nỗi lo ấy nhân lên gấp bội. Vì
vậy em muốn sáng tạo ra một sản phẩm nào đó để giúp bà con”.
Từ nỗi trăn
trở ấy, Trần Thị Châu Anh đã nảy ra ý tưởng về một lò sấy nông sản bằng năng
lượng mặt trời. Việc đưa ý tưởng vào hiện thực không hề đơn giản với một nữ
sinh chuẩn bị bước vào lớp 9. Châu Anh phải tích cực đọc sách báo; tham khảo ý
kiến của bố mẹ, thầy cô, bạn bè; chọn lựa từng loại thiết bị phù hợp… Niềm vui
lớn nhất của em là chỉ sau hai tuần miệt mài sáng tạo, lò sấy nông sản bằng
năng lượng mặt trời đã ra đời.
Theo Trần Thị Châu Anh, quy trình hoạt động của lò sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời không quá phức tạp. Khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống, hai tấm pin mặt trời sẽ hấp thụ quang năng và biến đổi thành điện năng. Dòng điện này sẽ đi qua các thiết bị, rồi được nạp vào ắc quy để trữ điện. Điện từ ắc quy sẽ cung cấp khiến mâm quay được làm từ tuốc năng điện và mô tơ quay để sấy khô cho nông sản. “Với sản phẩm này, việc phơi, sấy nông sản của bà con sẽ không còn bị lệ thuộc vào thời tiết như trước đây nữa”, Châu Anh khẳng định.
Miệt mài sáng
tạo, trăn trở với từng bộ phận, chi tiết của lò sấy nông sản bằng năng lượng
mặt trời nhưng Trần Thị Châu Anh mới tạm hài lòng về sáng chế của mình. Cô luôn
tự nhủ bản thân phải nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo hơn nữa để hoàn thiện sản
phẩm. Châu Anh chia sẻ: “Em muốn sản phẩm mình làm ra vừa đảm bảo chất lượng,
vừa có giá thành phải chăng, phù hợp với túi tiền của người nông dân”.
Để vơi bớt nỗi
lo trộm cắp
Khi trộm đột
nhập vào nhà, hệ thống cảm biến chuyển động sẽ nhanh chóng nhận ra “vị khách
không mời”. Ngay lập tức, điện thoại của gia chủ nhận được tin báo về việc ngôi
nhà bị đột nhập. Đồng thời, hệ thống chuông báo sẽ tự động bật lên, báo hiệu
cho các thành viên trong nhà và bà con xung quanh. Với tính năng đặc biệt ấy,
sản phẩm chuông chống trộm của em Lê Văn Minh (sinh năm 2002), học sinh Trường
THPT Đakrông nhận được sự chú ý của Hội đồng chấm thi cuộc thi “Sáng tạo trẻ
Quảng Trị” lần thứ VII, năm 2018.
Châu Anh (bên phải) chia sẻ về
hoạt động của lò sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời
Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng Lê Văn Minh không bàng quan với tình trạng trộm cắp diễn ra phức tạp trên địa bàn. Có trường hợp đối tượng trộm cắp tài sản tấn công, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của người dân. Vì thế, Minh đã quyết định sáng tạo một chiếc chuông chống trộm. Khi nghe cậu chia sẻ ý tưởng, nhiều người cho rằng, Minh khó biến ý tưởng thành hiện thực vì điều kiện không cho phép.
Không chùn lòng, Lê Văn Minh đã bắt tay ngay thực hiện ý tưởng của mình. Suốt 7 tháng ròng, Minh dành phần lớn thời gian thư giãn, nghỉ ngơi cho việc sáng tạo chiếc máy chống trộm. Cậu vạch ra nhiều phương án, lựa chọn, thử nghiệm để chọn hướng đi khả thi nhất. Nhờ thế, nhiều “nút thắt” đã được Minh gỡ bỏ để chiếc máy chống trộm có thể phát huy hiệu quả ngay cả khi không có điện; phát hiện tên trộm trong bóng tối; gia tăng khoảng cách bắt tín hiệu của cảm biến... Ông Lê Minh Lương, ba Minh cho biết: “Thấy con đam mê sáng tạo, vợ chồng tôi phấn khởi nhưng cũng lo ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như việc học tập của con. Tuy nhiên, vì thấy con quá đam mê nên chúng tôi không có ý kiến gì, chỉ biết động viên. Tôi và vợ rất vui vì con trai đã sáng tạo được một sản phẩm có ích cho mọi người”.
Ít ai biết Lê Văn Minh là một học sinh giỏi, Bí thư Chi đoàn năng nổ, từng tham dự và đạt nhiều giải thưởng trong cuộc thi “Sáng tạo trẻ Quảng Trị”. Cậu là minh chứng sinh động khẳng định, tuy điều kiện học tập và tiếp cận với các tiến bộ khoa học - kỹ thuật không thuận lợi nhưng học sinh vùng cao vẫn có thể sáng tạo nên nhiều sản phẩm thực sự hữu ích.
Sáng tạo để đỡ đần ba mẹ
Ba mẹ của Phan
Thị Hồng Thắm và Dương Lê Phước Hưng (cùng sinh năm 2004), học sinh Trường THCS
Nguyễn Huệ, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ đều là công nhân. Từ nhỏ, mỗi lần thấy ba
mẹ đi làm về với gương mặt sạm đen, chiếc áo đẫm ướt mồ hôi, Thắm và Hưng đều
xót xa. Đôi bạn thân không biết làm gì hơn ngoài việc học tập thật giỏi và đỡ
đần ba mẹ những công việc lặt vặt. Một lần bất cẩn, Thắm làm cháy số lạc mình
trang giúp ba. Bấy giờ, Thắm nói với Hưng: “Giá như có một chiếc máy để rang
lạc thì hay biết mấy”. Hưng cười bảo: “Hay là mình sáng tạo ra nó?”.
Lê Văn Minh đến với cuộc thi
“Sáng tạo trẻ Quảng Trị” với sản phẩm chuông chống trộm
Sau cuộc trò chuyện ấy, Hồng Thắm, Phước Hưng đã bắt tay sáng tạo nên một chiếc máy rang đa năng. Đôi bạn thân cùng nhau đến cửa hàng buôn bán phế liệu trên địa bàn tìm mua các thiết bị cần thiết được như: nồi cơm điện, mô tơ giảm tốc, máy biến thế, cần đảo… Sau đó, Thắm và Hưng tiến hành chế tạo, lắp ráp các bộ phận của máy. Đôi bạn rất vui khi chiếc máy rang đa năng đã cơ bản hoàn thiện sau hai tháng mày mò, sáng tạo. Hồng Thắm chia sẻ về nguyên tắc hoạt động của chiếc máy: “Khi đóng dòng điện cấp nguồn cho nồi cơm điện và máy biến áp, máy biến áp sẽ giảm hiệu điện thế 6V cấp điện cho quạt gió làm mát động cơ. Nguồn điện 9V hoặc 12V sẽ cấp điện cho động cơ tuỳ điều chỉnh tốc độ. Động cơ quay qua khớp nối đồng trục với cần đảo làm cần đảo quay, đảo các hạt cần rang”.
Thực ra, để
hoàn thiện sản phẩm, Hồng Thắm và Phước Hưng gặp rất nhiều khó khăn. Trước tiên
là kinh phí để làm chiếc máy rang đa năng của hai bạn rất hạn hẹp. Thắm và Hưng
phải dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình để mua các thiết bị cần thiết.
Trong quá trình sáng tạo, riêng việc điều chỉnh cần đảo và hệ thống hẹn giờ đã
khiến Hồng Thắm, Phước Hưng mất nhiều thời gian, công sức. “Chúng em nhiều lần
thất vọng khi thấy mẻ lạc rang không chín đều, hạt bị vỡ. Song em và Thắm không
nản chí. Kết quả ngày hôm nay giúp chúng em nhận ra rằng, con đường để đi đến
thành công không đơn giản, dễ dàng mà phải thực sự kiên trì, nỗ lực mới có thể
đạt được”, Phước Hưng đúc rút.
Sau chiếc máy
rang đa năng, hiện nay, Hồng Thắm và Phước Hưng đang ấp ủ ý tưởng về những
chiếc máy mới, giúp công việc gia đình trở nên đơn giản, nhẹ nhàng hơn. Thắm và
Hưng mong muốn, nhờ những chiếc máy đa năng mà sau giờ làm việc vất vả, ba mẹ
của mình cũng như các bạn khác có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, trò chuyện
và vui đùa với con cái hơn.
Tây Long - báo Quảng Trị
Đang truy cập: 236
Hôm nay: 1,034
Tổng lượt truy cập: 841,239