Những gương mặt đoàn viên trẻ tiêu biểu

"Trái ngọt” từ niềm đam mê Toán học

 

Nguyễn Tiến Đạt (SN 2000), hiện là học sinh lớp 12 Toán, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Sinh ra trong gia đình có bố là công chức nhà nước, mẹ làm công việc kinh doanh nhỏ ở khu phố 1, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, từ bé, Đạt đã bộc lộ tố chất thông minh, luôn thể hiện quyết tâm trong học tập, nhất là môn Toán. Từ năm lớp 7, em đã tự tìm tòi nhiều sách vở, tài liệu liên quan đến môn Toán để tự học. Năm lên lớp 8, Đạt chủ động gặp anh Lê Quốc Tùng, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, người đoạt giải Nhất môn Toán cấp quốc gia năm 2014 để tìm hiểu cách “chinh phục” môn Toán. Từ đó, hằng ngày ngoài giờ lên lớp, Đạt đều dành thời gian đến nhà anh Tùng học hỏi, trao đổi bài tập về môn Toán. Được anh Tùng dìu dắt tận tình nên kiến thức về môn Toán của Đạt ngày càng vững vàng hơn.

 


Nguyễn Tiến Đạt đón nhận hoa chúc mừng từ thầy Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn khi vừa đoạt giải Nhất môn Toán cấp quốc gia

 

Khi vào học lớp chuyên Toán Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đạt càng có thêm điều kiện để thỏa mãn niềm đam mê môn Toán mà mình theo đuổi bấy lâu. Ở ngôi trường có nhiều thầy, cô giáo dạy giỏi, điều kiện, môi trường học tập tốt nên ngay từ năm đầu, Đạt đã thể hiện quyết tâm học tập của mình. Trong suốt 3 năm học THPT, Đạt luôn chủ động học trên lớp bằng cách tập trung nghe thầy, cô giảng bài, mạnh dạn hỏi ngay những điều chưa hiểu để nắm và tiếp thu tốt kiến thức. Chính vì thế, việc học ở nhà của em thường trở nên nhẹ nhàng khi chỉ mất ít thời gian xem lại kiến thức đã học. Đa phần thời gian ở nhà, Đạt đều dành đọc thêm các sách tham khảo, tìm tòi thông tin trên internet nhằm củng cố, mở rộng kiến thức, đặc biệt là môn Toán. Có lẽ vì thế mà trong quá trình học tập, Đạt đều nhận được danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc 12 năm liền. Cách đây không lâu, Nguyễn Tiến Đạt đã đoạt huy chương Đồng môn Toán tại kỳ thi dành cho học sinh các tỉnh duyên hải miền Trung và đồng bằng Bắc Bộ. Năm học lớp 11, Đạt đoạt 2 giải Ba môn Toán cấp tỉnh và cấp quốc gia. Đến năm học cuối cấp, Đạt lại giành được 2 giải Nhất môn Toán tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Sau khi đoạt giải Nhất môn Toán cấp quốc gia, Nguyễn Tiến Đạt được vào vòng thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2018.

 

Với giải Nhất môn Toán cấp quốc gia vừa đạt được, Đạt sẽ được tuyển thẳng vào các trường đại học lớn, nhưng ước mơ của em là được học ngành công nghệ thông tin tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hoặc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, sau đó có thể học thêm tiếng Anh để du học.

 

Nhiều năm qua, bên cạnh chú trọng việc học, Nguyễn Tiến Đạt còn dành khá nhiều thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, nhiệt tình giúp đỡ bạn trong việc học hành và nuôi dưỡng niềm đam mê Toán học.

 

Làm giàu từ trang trại nuôi gà trên vùng cát

 

Tốt nghiệp cử nhân Luật, anh Trần Tấn Phát (SN 1986) ở thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang, huyện Gio Linh từng đi nhiều nơi, làm nhiều nghề để sống. Nhưng rồi duyên nợ với quê hương đã thôi thúc anh trở về quê lập nghiệp. Nhận thấy tiềm năng đất đai, khí hậu phù hợp với việc chăn nuôi gia cầm nên năm 2016, anh Phát đã đầu tư gần 350 triệu đồng để lập trang trại chăn nuôi gà với diện tích 750 m2 . Đây được xem là trang trại chuyển đổi sinh kế sau sự cố ô nhiễm môi trường biển có quy mô lớn và làm ăn hiệu quả nhất dọc vùng biển xã Trung Giang.

 


Anh Trần Tấn Phát luôn trực tiếp chăm sóc để kiểm soát sự phát triển của đàn gà

 

Hướng đi táo bạo của Bí thư Chi đoàn thôn Hà Lợi Trung Trần Tấn Phát đã khiến nhiều người lo ngại bởi lâu nay trên vùng cát trắng khô cằn này có mấy ai khởi nghiệp thành công. Trước khi làm trang trại, anh Phát đã tìm hiểu, nắm vững kỹ thuật nuôi, cách chọn con giống, nguồn thức ăn và thị trường tiêu thụ. Sau một thời gian nuôi gà thử nghiệm thành công, anh Phát đã mạnh dạn đầu tư thêm trang thiết bị, nhân rộng đàn gà. Hiện nay, trang trại của anh đi vào hoạt động ổn định, có hướng tiêu thụ tốt nên hiệu quả mang lại ngày càng cao.

 

Hằng năm, trang trại của anh Phát nuôi khoảng 8.000 con gà. Nhờ kỹ lưỡng trong khâu chọn giống, lựa chọn nguồn thức ăn đảm bảo, nắm vững kỹ thuật nuôi và có đầu ra ổn định nên trung bình mỗi năm đem lại doanh thu trên 200 triệu đồng. Mô hình làm kinh tế hiệu quả của anh Phát đã góp phần cổ vũ, khích lệ, tạo niềm tin cho nhiều người dân mạnh dạn đầu tư làm kinh tế trên vùng cát. Thành công ban đầu đã giúp anh Phát thêm tự tin và dự định sẽ tăng quy mô đàn gà lên 17.000 con gà, kết hợp nuôi cá và trồng dưa lưới theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch.

 

Mang yêu thương đến với người dân vùng cao

 

Thượng úy Nguyễn Văn Bằng (SN 1992), Đội trưởng Đội Tham mưu - Hành chính, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay sinh ra lớn lên tại xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tháng 9/2014, Thượng úy Bằng được điều động đến công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay. Trong quá trình công tác, Thượng úy Bằng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn xã A Ngo và một số bản của nước bạn Lào. Nhận thấy nhiều học sinh nghèo thiếu thốn điều kiện đến trường, Thượng úy Bằng đã trực tiếp huy động kinh phí từ các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị ở các tỉnh, thành phố và sinh viên của các trường đại học trong nước để tổ chức chương trình “Áo ấm cho em”, tặng quà cho người dân trên địa bàn. Kết quả, anh đã huy động được 15.000 bộ quần áo ấm, sách, vở, đồ dùng học tập, các vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt của người dân với tổng trị giá gần 400 triệu đồng. Từ đó, anh cùng đơn vị, chính quyền tổ chức nhiều chương trình tặng quà cho các em học sinh, người nghèo trên địa bàn xã A Ngo.

 


Anh Nguyễn Văn Bằng trong một lần tặng quà Tết Trung Thu cho trẻ em vùng biên giới

 

Hàng tháng, anh Bằng còn trích 500 nghìn đồng từ nguồn thu nhập của mình để góp phần duy trì chương trình “Bánh mì cho trẻ em nghèo đến trường” dành cho các em học sinh ở hai xã A Ngo và A Bung, huyện Đakrông. Anh rất tích cực cùng với Đoàn Thanh niên đơn vị tham gia xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên” trên địa bàn bản La Lay, xã A Ngo với trị giá gần 20 triệu đồng. Thượng úy Bằng không chỉ giúp đỡ người dân ở xã A Ngo, A Bung, huyện Đakrông mà còn là cầu nối tham mưu cấp trên tặng 3.000 bộ quần áo cho các học sinh 2 bản La Lay, A Sói, thuộc huyện Sa Muội, tỉnh Salavan, nước bạn Lào; nhận đỡ đầu dài hạn cho 3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong đó có 2 học sinh ở bản La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông và 1 học sinh ở bản La Lay (Lào). Cách đây chưa lâu, khi hay tin một số hộ dân ở bản La Lay, A Sói (Lào) bị hỏa hoạn, Thượng úy Bằng đã trực tiếp xin kinh phí từ Viettel tỉnh Thái Bình để tặng các vật dụng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt của các hộ dân bị thiệt hại, trị giá 10 triệu đồng.

 

Với những cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, công tác an sinh xã hội, Thượng úy Nguyễn Văn Bằng nhiều lần nhận được bằng khen, giấy khen từ các Bộ, ngành trung ương đến địa phương. Khi được hỏi điều gì làm anh hạnh phúc nhất, Thượng úy Bằng bộc bạch, đó là được tiếp tục gắn bó với mảnh đất vùng biên giới A Ngo để làm tròn trách nhiệm của người lính Biên phòng và nỗ lực mang yêu thương đến với trẻ em, người dân nghèo hai bên biên giới...

 

Bài, ảnh: Vân Trang

  • 13/KH-BCĐ

    Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ XXV - năm 2023 (16/01/2023)

  • Số 272-KHPH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức tình nguyện mùa Đông 2021, Xuân tình nguyện 2022 (13/01/2022)

  • Dự thảo

    Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (28/01/2022)

  • 519-BC/TĐTN-TTNTH

    Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 133 về thực hiện CTHĐ quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (06/12/2021)

  • Số 23-CTr/TĐTN-VP

    Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 (20/01/2022)

Đang truy cập: 878

Hôm nay: 2,083

Tổng lượt truy cập: 742,866

Liên hệ Facebook Đăng nhập