Khởi nghiệp từ “Rừng tràm thanh niên”

Là chi đoàn ở xa trung tâm thành phố Đông Hà, điều kiện đi lại khó khăn, số lượng đoàn viên ít và thường xuyên biến động, tuy nhiên, nhắc đến Chi đoàn Khe Lấp - phường 3, đoàn viên thanh niên thành phố sẽ nghĩ ngay đến các mô hình phát triển kinh tế đầy sáng tạo do đoàn viên chi đoàn đứng ra làm chủ, trong đó mô hình “Rừng tràm thanh niên” đã trở thành “thương hiệu” của chi đoàn. Từ “Rừng tràm thanh niên” này, phong trào đoàn nơi đây đã có những bước tiến vượt bậc do quỹ hoạt động dồi dào, mỗi đoàn viên thanh niên trong chi đoàn có nguồn vốn vay tại chỗ để phát triển kinh tế bằng các mô hình nuôi ong lấy mật, trồng thanh long ruột đỏ, nuôi gà đồi thả vườn, chăn nuôi bò… làm giàu cho chính mình từ mảnh đất quê hương.


 Mô hình nuôi ong trong rừng tràm của thanh niên Chi đoàn Khe Lấp, phường 3, Đông Hà

 “Rừng tràm thanh niên” được gây dựng từ năm 2008. Lúc này, điều kiện sinh hoạt ở Khe Lấp còn rất khó khăn, một diện tích lớn đất gò đồi bị bỏ hoang, quỹ hoạt động của chi đoàn rất ít. Với đầu óc nhạy bén và tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ, các đoàn viên trong chi đoàn đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền địa phương sử dụng gần 1 ha đất để trồng rừng. Qua quá trình tìm tòi, suy nghĩ loại cây phù hợp, đồng thời được sự tư vấn của các cán bộ lâm nghiệp, chi đoàn quyết định lựa chọn trồng tràm - một loại cây dễ thích nghi với điều kiện thời tiết và đặc điểm của thổ nhưỡng gò đồi.

 Để có nguồn quỹ trồng rừng, mỗi đoàn viên trong chi đoàn đóng góp 300.000 đồng để mua cây giống, phân bón và triển khai công việc. Định kỳ mỗi tháng, đoàn viên chi đoàn dành thời gian 2 - 3 ngày để cùng nhau thăm rừng, chăm sóc cây. 4 năm sau ngày trồng rừng, tháng 5/2012, chi đoàn quyết định bán tràm và thu được 27 triệu đồng, số tiền ấy một phần được chi đoàn dùng làm quỹ chung cho các hoạt động, một phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên chi đoàn vay phát triển kinh tế hộ gia đình.

 Đã 5 năm trôi qua từ đợt thu hoạch rừng đầu tiên, hiện nay số tiền đóng góp cho đợt trồng rừng mới của mỗi đoàn viên đã tăng lên 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, gần 1ha rừng sau mỗi đợt thu hoạch trừ chi phí đều mang lại lợi nhuận 55 - 60 triệu đồng. Số tiền thu được từ “Rừng tràm thanh niên” vẫn mang sứ mệnh cao đẹp ban đầu: Tạo nguồn quỹ sinh hoạt chi đoàn, hỗ trợ các đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế. Từ quỹ “Rừng tràm thanh niên”, nhiều mô hình phát triển kinh tế khác của đoàn viên Chi đoàn Khe Lấp có nguồn vốn vay tại chỗ để thực hiện, trong đó có mô hình nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 Năm 2012, hai đoàn viên chi đoàn Khe Lấp là Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Cường được tham gia lớp tập huấn nuôi ong lấy mật do phường tổ chức. Từ đó hai anh tìm được hướng đi cho bản thân là gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật. Hai anh tiếp cận nguồn vốn vay từ “Rừng tràm thanh niên” của chi đoàn và bắt đầu phát triển mô hình này. Nuôi ong không phải là công việc dễ dàng, bởi phải theo đàn ong ăn ngủ tại rừng, ngoài nuôi tại địa bàn còn phải vào Nam, ra Bắc, đến những vùng đất phù hợp để gây dựng thêm đàn ong.

 Anh Hùng chia sẻ: “Nuôi ong rất vất vả và thường xuyên xa nhà, nhưng hai anh em vẫn cố gắng nỗ lực phát huy tinh thần của những ngày đầu vay vốn từ quỹ “Rừng tràm thanh niên””. Hiện nay, anh Hùng có 200 đàn ong, anh Cường có 150 đàn ong, trung bình mỗi năm các đàn ong đem lại cho mỗi anh lợi nhuận 200 triệu đồng. Ngoài anh Hùng và anh Cường, các đoàn viên khác của Chi đoàn Khe Lấp đang tích cực nỗ lực khởi nghiệp, trong đó có anh Nguyễn Văn Hùng mở quán kinh doanh tạp hóa kết hợp nuôi hơn 100 con gà đồi thả vườn và trồng hơn 20 gốc thanh long ruột đỏ, mỗi năm ngoài công việc chính, đàn gà và thanh long mang lại cho anh gần 20 triệu đồng.

 Anh Nguyễn Văn Lập đầu tư nuôi ong kết hợp nuôi bò bán chăn thả, hiện nay số lượng đàn ong lên đến 150 đàn, đàn bò hàng chục con, thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng … “Rừng tràm thanh niên” của 9 đoàn viên Chi đoàn Khe Lấp đang phủ màu xanh lên vùng gò đồi ven thành phố. Cũng từ nguồn quỹ của rừng tràm này, bao ước mơ hoài bão phát triển kinh tế của thanh niên Khe Lấp được chắp cánh. Phát triển kinh tế từ nguồn quỹ trồng rừng của chi đoàn là mô hình hay, hiệu quả, thể hiện sự dấn thân, sáng tạo trong phong trào khởi nghiệp của thanh niên thành phố Đông Hà.

Theo Báo Quảng Trị (TH)

  • 13/KH-BCĐ

    Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ XXV - năm 2023 (16/01/2023)

  • Số 272-KHPH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức tình nguyện mùa Đông 2021, Xuân tình nguyện 2022 (13/01/2022)

  • Dự thảo

    Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (28/01/2022)

  • 519-BC/TĐTN-TTNTH

    Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 133 về thực hiện CTHĐ quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (06/12/2021)

  • Số 23-CTr/TĐTN-VP

    Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 (20/01/2022)

Đang truy cập: 509

Hôm nay: 637

Tổng lượt truy cập: 666,113

Liên hệ Facebook Đăng nhập