Chàng kỹ sư nông lâm “gieo chữ ” trên gỗ

Nghề chọn người, đó là thành ngữ ta thỉnh thoảng nghe khi nói về một cái duyên của sự lao động. Và hình như nó đúng với những người làm việc cùng con chữ. Phải là duyên thì chữ mới chọn người để gửi gắm. Trần Thế Bảo, chàng trai sinh năm 1986 quê ở Triệu Thuận, Triệu Phong là người có được cái duyên như vậy.

 

Mười năm luyện chữ

 

Năm 2005, Bảo thi đỗ vào Đại học Nông lâm Huế, ngành kỹ sư. Từ những ngày đầu sinh viên, Bảo đã mê vẽ tranh và viết thư pháp. Là con út trong một gia đình có truyền thống học hành và nghệ thuật nên Bảo được truyền thụ năng khiếu từ những người thân. Ba của Bảo từng là thợ vẽ tranh tường và thợ đắp kép, các anh chị của Bảo đều tốt nghiệp đại học và làm cán bộ, giáo viên, họa sĩ nên họ luôn ủng hộ Bảo tiếp tục rèn luyện chữ. Bảo nói sự trân trọng năng khiếu từ gia đình là điều rất quan trọng để anh theo đuổi nghệ thuật của mình. Thời sinh viên, ban ngày đi học, ban đêm Bảo xin màu của anh trai mình là họa sĩ để vẽ. Những hình thù hoa lá lúc đầu rất ngây ngô. Được anh trai hướng dẫn, Bảo vẽ tiến bộ hơn nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tranh phong cảnh, không thể vẽ những tác phẩm hội họa đúng nghĩa. Một lần bất lực khi vẽ, Bảo lấy màu đen viết chữ lên bức tranh, hóa ra lại được một tác phẩm thư họa… coi rất được. Và ý tưởng làm những bức thư họa vừa vẽ tranh vừa viết chữ bắt đầu. Bảo đi mua thêm mực xạ, giấy bút về luyện. Phải mất rất nhiều lần mài thỏi xạ rồi pha keo đúng tỷ lệ mới được thứ mực đủ độ sánh để viết. Lỏng quá chữ bị nhạt, đậm quá chữ bị nhem.
 

 

Trần Thế Bảo đang thực hiện thư họa tại cơ sở số 565, đường Lê Duẩn, thành phố Đông Hà

 

Lúc đầu, Bảo tập theo nét chữ của những nhà thư pháp có tiếng được bày bán ở các đường phố. Những dịp lễ hội ở Huế, khi có gian hàng triển lãm thư pháp Bảo đều đến xem, chăm chú nhìn đường nét thể hiện của các nhà thư pháp khác. Những bức thư họa đầu tiên Bảo đem tặng bạn bè, tặng các họa sĩ quen biết nhờ góp ý. Dần dà nét chữ định hình, chắc chắn và thoáng, dễ đọc nhưng không đơn điệu, bố cục chặt chẽ nhưng không rối. Đó cũng là những yêu cầu khắt khe của nghệ thuật viết thư pháp. Bảo kể, thời sinh viên bạn bè đều khó khăn nên rất trân trọng những thứ mình tự làm được. Mỗi dịp sinh nhật, Bảo thường viết chữ làm quà tặng bạn. Rồi lại được bạn bè trân quý mà cho tiền mua giấy bút, mực xạ để Bảo tiếp tục luyện chữ.

 

“Gieo chữ” trên gỗ

 

Tốt nghiệp kỹ sư Nông lâm, Bảo về quê sống và làm kỹ thuật cho một công ty nuôi tôm giống tại Cửa Tùng, Vĩnh Linh. Được hai năm, công ty ngưng hoạt động, Bảo cũng không đôn đáo chạy xin việc mà ở nhà luyện viết chữ, đam mê từ thời sinh viên lại được khơi dậy và nghĩ đến việc mưu sinh. Bảo thuê hai quầy nhỏ cạnh nhau ở đường Lê Duẩn (Đông Hà), một quầy cho vợ bán cà phê giải khát, quầy bên cạnh làm chỗ trưng bày sản phẩm tranh và thư họa. Ban đầu Bảo chỉ vẽ tranh, viết thư họa trên giấy. Chỗ thuê quầy cách xa trung tâm và có vẻ không hợp với các dịch vụ nghệ thuật nên ít người biết.

 

Những ngày đầu khó khăn, phải nhờ tiền bán nước của vợ mới trả đủ tiền thuê quầy quán. Bảo nghĩ phải làm khác người mới tiêu thụ được sản phẩm. Thế là anh đi mua gỗ nu, gỗ gốc cây về xẻ bản đánh nhẵn, vừa vẽ hoa lá vừa viết chữ. Lại lắp thêm bộ máy và kim số để làm đồng hồ trên các bức thư họa. Vài lần mua khối gỗ cả tiền triệu nhưng xẻ ra phía trong bị rỗng ruột, không thu được tấm nào để làm tác phẩm. Cũng hên xui, nó khác với dân chạm tượng, gỗ thế nào cũng tạc ra được, còn thư họa phải là gỗ roòng đạt chuẩn. Nếu chỉ dùng màu viết chữ lên gỗ thì không nổi bật, không lạ nên Bảo dùng keo viết, xong rải hạt kim tuyến lên tạo thành những tác phẩm thư họa độc đáo. Bảo cho biết, làm kiểu này khó hơn nhiều, vì nó vừa đòi hỏi phải viết chữ đẹp bằng keo trong, lại phải cẩn thận rải hạt kim tuyến thật đều, tỉ mỉ để các nét chữ sắc sảo. Tính kiên nhẫn là cần nhất với nghề này - Bảo nói - vì nếu nóng vội làm ẩu thì khi vận chuyển hàng sẽ hỏng ngay. Tác phẩm của Bảo không chỉ được người trong tỉnh tìm tới mua, mà còn cung cấp cho những người chơi ở tận trong Nam, ngoài Bắc. Người chơi chữ lạ lắm, chỉ cần nhìn cái nét lạ là mê ngay, nên họ chấp nhận đặt hàng xa để có được nét chữ ưng ý, Bảo tâm sự. Dân chơi gỗ thường đem gỗ đến thuê Bảo gia công và trang trí thư họa. Bảo mua sắm thêm máy bào, máy chà nhám, máy phun sơn để tự gia công.

 

Đến nay, sản phẩm của Bảo đã ít nhiều được biết đến trong giới chơi đồ gỗ trang trí ở Quảng Trị. Những bức thư họa gỗ kết hợp đồng hồ là đồ trang trí độc đáo, làm tặng ý nghĩa để mừng tân gia, sinh nhật… Hỏi thế những kiến thức từ Trường Đại học Nông lâm có áp dụng được gì không, Bảo suy nghĩ một lúc rồi nói có chứ, nó cho mình biết khi chọn gỗ, đánh giá tuổi gỗ để xẻ bản phù hợp. Thêm nữa, nghề thư pháp cũng cần kiến thức, phải thường xuyên đọc sách để tìm thêm những câu thơ hay, những thành ngữ phù hợp cho việc viết. Càng ngày thị hiếu càng cao, mà người chơi chữ thì bao giờ cũng có trình độ, nên khách hàng đòi hỏi những câu chữ mới lạ chứ không chỉ mấy ý nhạc quen thuộc, mấy câu triết lý sáo mòn. Đi đâu nghe ai nói câu gì hay, đọc câu thơ nào lạ, Bảo đều lấy giấy ra chép lại. Bảo nói, cũng giống như nhiều nghề liên quan đến nghệ thuật, phải đọc và tích lũy thì mới thành công. Hỏi thu nhập từ nghề này thế nào, Bảo cười: “Cũng sống ổn, lại nuôi được vợ con và sửa sang nhà cửa. Sướng hơn nữa là được làm cái mình thích”.

 

Chỗ quầy của Bảo ở 565 Lê Duẩn, thành phố Đông Hà, tuy khá xa trung tâm và không phải địa điểm thuận lợi nhưng nhờ chữ viết khéo, tác phẩm làm cẩn thận mà giá cả cũng phải chăng nên khách hàng tìm tới thường xuyên. Cuối năm, người ra vào đặt hàng rất nhiều. Bảo nói phải gắng làm thêm đêm để kịp giao hàng cho người ta chơi tết. Nói rồi, chàng nghệ nhân trẻ cúi xuống say mê ướm những hạt kim tuyến nhỏ xíu xuống bức thư họa, tưởng như một kỹ sư gieo hạt để những con chữ hiện hình. Chợt nghĩ, sống được bằng đam mê thì còn gì hạnh phúc bằng.

 Hoàng Công Danh - Báo Quảng Trị (TA)

  • 13/KH-BCĐ

    Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ XXV - năm 2023 (16/01/2023)

  • Số 272-KHPH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức tình nguyện mùa Đông 2021, Xuân tình nguyện 2022 (13/01/2022)

  • Dự thảo

    Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (28/01/2022)

  • 519-BC/TĐTN-TTNTH

    Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 133 về thực hiện CTHĐ quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (06/12/2021)

  • Số 23-CTr/TĐTN-VP

    Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 (20/01/2022)

Đang truy cập: 753

Hôm nay: 274

Tổng lượt truy cập: 613,988

Liên hệ Facebook Đăng nhập