Khởi nghiệp từ mô hình chăn nuôi gà

 Anh Phùng Ngọc Linh là một trong những đoàn viên sản xuất giỏi của xã Gio An, huyện Gio Linh (Quảng Trị) với mô hình trang trại nuôi gà. Gặp không ít khó khăn ngay từ lúc khởi nghiệp, chàng trai 25 tuổi này luôn không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm với mong muốn nhân rộng mô hình trang trại nuôi gà, trồng cao su cho các đoàn viên thanh niên khác trong xã cùng phát triển kinh tế.

 

Được sự giới thiệu của Bí thư Đoàn xã Gio An, chúng tôi về thôn Tân Văn gặp anh Phùng Ngọc Linh, một điển hình trong phong trào vượt khó, làm giàu trên chính quê hương mình bằng mô hình chăn nuôi.

 

 

Anh Phùng Ngọc Linh đang chăm sóc đàn gà trong trang trại của mình

 

Sinh ra trong một gia đình thuần nông có hai anh em, Linh là con cả, sau khi học hết THPT, anh nghỉ học để phụ giúp ba mẹ vực dậy kinh tế gia đình. Trải qua nhiều công việc như sản xuất nông nghiệp, trồng và khai thác cây cao su, sau đó được gia đình cho đi học nghề kỹ thuật ảnh nhưng thu nhập của anh không ổn định. Từ đó, anh luôn trăn trở tìm cách phát triển kinh tế gia đình bền vững, hiệu quả để có thể đóng góp một phần cho xã hội.

 

Có dịp, anh Linh được một người quen giới thiệu và dẫn đi tham quan trang trại nuôi gà ở Hải Phòng. Qua học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu thông tin trên internet, anh nhận thấy có thể phát triển mô hình chăn nuôi này tại địa phương. Điều kiện thời tiết thuận lợi cũng như nguồn thức ăn cho vật nuôi ở địa phương dồi dào đã thôi thúc anh Linh biến ý định thành hiện thực, quyết tâm làm giàu từ mô hình chăn nuôi gà.

 

Bắt tay vào làm, để tận dụng mặt bằng, anh đầu tư 100 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại cao ráo và thoáng mát trên khu vườn rộng 2 ha đang trồng cao su của gia đình. Sau đó, anh ra Hải Phòng mua 500 con gà ta lai ri giống về nuôi thử nghiệm, đồng thời tìm nguồn thức ăn chất lượng, phù hợp từ rau xanh, thóc gạo... để tập trung đầu tư cho chăn nuôi. Ngoài nguồn thóc lúa có sẵn, anh liên hệ với nhiều đại lý thức ăn gia cầm để cung cấp nguồn bột vừa đảm bảo dinh dưỡng mà giá cả lại hợp lý, vì trong hai tháng đầu thả nuôi, đàn gà cần được chăm sóc thật kỹ từ nguồn thức ăn đến việc phòng bệnh. Trong lần nuôi đầu tiên, anh gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Thời điểm đó, dịch bệnh lại bùng phát và lan rộng nên đàn gà của anh nhiễm bệnh và chết nhiều, chỉ còn lại 200 con. Một khó khăn nữa là đến thời điểm xuất chuồng mà anh vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định cho đàn gà, chỉ một vài người buôn bán nhỏ lẻ đến tìm mua. Đợt nuôi đầu bị lỗ gần 20 triệu đồng nhưng anh không hề nản chí. Thất bại đã khiến anh càng chăm chỉ tham gia các lớp học kỹ thuật chăn nuôi do Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức, chịu khó học hỏi từ thực tế ở nhiều nơi để tích lũy kinh nghiệm đưa về ứng dụng vào mô hình của mình, đồng thời tìm thị trường ổn định cho đàn gà khi xuất bán.

 

Năm 2015, anh Linh tìm hiểu và được biết giống gà lai chọi Bình Định nổi tiếng thịt thơm ngon, dai ngọt như gà nhà, vốn đầu tư ban đầu lại rẻ hơn so với các loại giống gà khác. Gà lai chọi tăng trưởng nhanh và đặc biệt giá bán cao hơn các giống gà thương phẩm đang được nuôi tại Việt Nam, rất được thị trường ưa chuộng. Anh một lần nữa lặn lội vào Bình Định để tìm nguồn cung cấp giống gà tốt. Anh quyết định mua 300 con gà lai chọi về nuôi thử và không ngờ đạt hiệu quả cao. Trung bình một lứa gà nuôi từ hai tháng rưỡi đến ba tháng là có thể bán được. Qua các bạn hàng, anh tìm được đầu ra là những thương lái ở Hà Nội cam kết thu mua hết số gà khi anh xuất bán. Có nguồn thu ổn định, anh tiếp tục đầu tư vốn mở rộng chuồng trại và mua thêm gà giống để phát triển kinh tế gia đình. Đến nay trang trại của anh chủ yếu nuôi giống gà lai chọi. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà, anh cho biết phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Để đảm bảo chuồng trại luôn được thoáng mát và sạch sẽ vào mùa hè, anh mua lưới về bao quanh chuồng, mùa đông thì mua bạt về che chắn để tránh gió lùa cho đàn gà. Công tác phòng ngừa dịch bệnh cho gà cũng rất quan trọng. Định kỳ, đàn gà được kiểm tra sức khỏe để kịp thời phát hiện những diễn biến dịch bệnh, cách ly sớm những con gà không khỏe mạnh, phòng trường hợp lây bệnh cho cả đàn. Đồng thời, gà được tiêm phòng đầy đủ. Nhờ vậy đàn gà của anh luôn khỏe mạnh. Trọng lượng gà khi xuất chuồng đạt được từ 2kg đến 2,5kg/con. Giá bán tại chuồng giao động từ 65.000 đến 70.000 đồng/kg.

 

Sau 2 năm vượt qua nhiều khó khăn, chăm chỉ làm ăn, hiện tại trang trại của anh Linh có 2 ha cao su với khoảng 900 cây đã đưa vào khai thác; mỗi năm xuất bán từ 7- 8 lứa gà, mỗi lứa hơn 1.500 con, anh thu về gần 150 triệu đồng. Nói về dự định làm ăn trong thời gian tới, anh Linh cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vốn xây dựng thêm hệ thống chuồng trại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để mở rộng quy mô đàn gà, phát triển thêm mô hình kinh tế có hiệu quả cao như trồng cao su, hồ tiêu... để đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, anh sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm trong làm ăn, phát triển kinh tế trang trại để những đoàn viên thanh niên địa phương có cơ hội vượt khó, làm giàu.

 

Ngoài sản xuất giỏi, anh Phùng Ngọc Linh là một đoàn viên gương mẫu, luôn đi đầu trong mọi hoạt động đoàn tại cơ sở, quan tâm đến đời sống của đoàn viên trong chi đoàn, giúp đỡ các đoàn viên thanh niên gặp khó khăn nên luôn được đoàn viên thanh niên trong xã tin yêu, mến phục. Anh Trần Văn Hiến, Bí thư Đoàn xã Gio An nhận xét: “Trong mọi hoạt động đoàn tại địa phương, Linh là người rất năng động, tích cực. Ở Linh luôn có ý chí học hỏi, tìm tòi, mạnh dạn tìm hướng làm ăn bằng các mô hình mới để phát triển kinh tế cho gia đình và có điều kiện giúp các đoàn viên thanh niên khác trong chi đoàn vượt nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.”

 

                                                                                         Theo báo Quảng Trị (TA)

 

  • 13/KH-BCĐ

    Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ XXV - năm 2023 (16/01/2023)

  • Số 272-KHPH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức tình nguyện mùa Đông 2021, Xuân tình nguyện 2022 (13/01/2022)

  • Dự thảo

    Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (28/01/2022)

  • 519-BC/TĐTN-TTNTH

    Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 133 về thực hiện CTHĐ quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (06/12/2021)

  • Số 23-CTr/TĐTN-VP

    Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 (20/01/2022)

Đang truy cập: 420

Hôm nay: 1,982

Tổng lượt truy cập: 615,696

Liên hệ Facebook Đăng nhập