Bằng
tâm huyết và chuyên môn nghiệp vụ của mình, các cán bộ, kỹ sư trẻ khối các cơ
quan tỉnh Quảng Trị đã và đang tổ chức nhiều chương trình, hoạt động tình
nguyện ý nghĩa giúp đỡ bà con nông dân phát triển sản xuất, từ đó khẳng định và
phát huy vai trò của trí thức trẻ trong xây dựng và phát triển quê hương.
Kỹ sư trẻ Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn đoàn viên thanh niên và bà con Hải Dương ủ phân vi sinh
Trong
tiết trời se lạnh đầu đông, thôn Cam Thủy 1 trở nên sôi động, rộn ràng hơn với
sắc áo xanh tình nguyện của các kỹ sư nông nghiệp trẻ. Tay cày tay cuốc, các
bạn trẻ vừa nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, vừa trực tiếp trồng mẫu những hom cỏ
voi cho thanh niên và bà con nông dân địa phương. Đây là một trong những nội
dung được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Phát huy vai trò của trí thức
trẻ trong phát triển kinh tế gia trại, trang trại tại địa phương” của Đoàn cơ
sở Sở NN&PTNT- Đoàn Khối các cơ quan tỉnh.
Là
một trong những xã điểm của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông
thôn mới, Cam Thủy hôm nay đã và đang khẳng định rõ nét sự phát triển đi lên,
thay đổi diện mạo quê hương qua từng công trình, phần việc cụ thể. Tuy nhiên,
là một xã nằm ở vùng trung du, nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông
nghiệp, người dân vẫn không khỏi trăn trở, lo lắng về những khó khăn đối với
nguồn thức ăn cho đàn gia súc khi mùa đông đã về. Mô hình trồng cỏ voi do các
kỹ sư trẻ triển khai sẽ góp phần quan trọng giúp các hộ gia đình chủ động nguồn
thức ăn thô xanh, hạn chế dịch bệnh và tăng năng suất chăn nuôi.
Bên
cạnh đó, để đến gần hơn với bà con nông dân, từ thực tiễn quan sát, tiếp cận
hoạt động sản xuất nông nghiệp và kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực nông
nghiệp nông thôn, các kỹ sư trẻ cũng đã tập huấn, hướng dẫn cho bà con Cam Thủy
về kỹ thuật ủ phân vi sinh từ rơm rạ và các loại rác thải nông nghiệp, từ đó
giúp bà con tận dụng triệt để các phế phẩm nông nghiệp, tiết kiệm chi phí sản
xuất. Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn bà con tận dụng nguyên vật
liệu sẵn có để tạo nguồn phân bón xanh, sạch, mô hình ý nghĩa này đã mở ra cách
làm mới cho sản xuất nông nghiệp Cam Thủy. Những hoạt động thiết thực này của
đội ngũ trí thức trẻ Sở NN&PTNT không chỉ giúp bà con nông dân nâng cao
năng suất, chất lượng canh tác nông nghiệp mà còn chung tay cùng xã nhà xây
dựng nông thôn mới thiết thực, hiệu quả.
Trao
đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Vỹ, Bí thư Đảng ủy xã Cam Thủy cho biết:
“Chương trình tình nguyện của các bạn trẻ đến từ Sở NN&PTNT là cầu nối
thiết thực, qua đó hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên và
bà con nhân dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, góp
phần tích cực phát triển kinh tế nông nghiệp và chung tay xây dựng nông thôn
mới của địa phương” .
“Sản
xuất phân vi sinh từ rác thải sinh hoạt hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp” là tên
gọi của mô hình do các kỹ sư môi trường Chi đoàn Trung tâm Quan trắc và Kỹ
thuật môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thí điểm tại thôn Xuân
Viên, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng. Từ mô hình, những nguyên liệu đầu vào như
lá cây, rơm rạ, phân thô xanh, xác bã thực vật… vốn chỉ là rác thải và phế phẩm
nông nghiệp, lại trở thành nguồn cung quan trọng để ủ phân vi sinh phục vụ sản
xuất. Mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh bán hiếu khí, đảo 2 lần trong vòng 40
ngày. Với kinh phí đầu tư 70 triệu đồng, chủ yếu từ kênh Trung ương Đoàn, mô
hình dự kiến sẽ tạo ra nguồn phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, góp phần tích cực cải
tạo môi trường đất khô cằn, phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Hiện
nay trên thị trường, giá bán của các loại phân vi sinh là 3.000-4.000 đồng/kg,
trong khi đó sau khi đã trừ chi phí đầu tư, giá bán phân vi sinh được sản xuất
từ mô hình này là 2.000 đồng/kg. Với những lợi ích thiết thực, mô hình “Sản
xuất phân vi sinh từ rác thải sinh hoạt hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp” của các
kỹ sư trẻ đã và đang nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của bà con
nông dân.
Là
một xã thuần nông với hơn 90% hộ dân tham gia sản xuất nông nghiệp, đời sống
kinh tế ở Hải Dương còn rất nhiều khó khăn. Với đa phần diện tích đất canh tác
là cát trắng nghèo dinh dưỡng, việc có thể tạo ra nguồn phân hữu cơ vừa rẻ,
chất lượng, có thể tăng năng suất cây trồng, cải thiện đất canh tác và hạn chế
ô nhiễm môi trường là việc làm thiết thực, phù hợp với định hướng phát triển
nền nông nghiệp sạch, bền vững của địa phương.
Đồng
chí Nguyễn Thanh Tiến, Phó Bí thư Chi đoàn Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi
trường chia sẻ: “Mô hình không chỉ tạo ra nguồn phân bón giàu dinh dưỡng, đảm
bảo chất lượng để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân, thực hiện
mô hình còn là dịp để tổ chức đoàn mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh
niên, đặc biệt đây cũng là dịp để thanh niên địa phương đóng góp sức trẻ xây
dựng quê hương phát triển”.
Sắc
xanh tình nguyện đã và đang là hình ảnh đẹp, có sức lan tỏa ngày càng sâu rộng
trong cộng đồng xã hội. Và trên mọi nẻo đường của Quảng Trị hôm nay, màu xanh
ấy không chỉ là sức trẻ, là nhiệt huyết mà còn là trí tuệ của các trí thức tr ẻ
luôn sẵn sàng đem kiến thức, chuyên môn giúp bà con nông dân làm giàu một cách
hiệu quả và bền vững trên chính đồng đất quê hương mình.
Đang truy cập: 5
Hôm nay: 1,121
Tổng lượt truy cập: 916,874