Trong
giai đoạn hội nhập hiện nay, khi một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên ít quan
tâm đến cội nguồn, quay lưng với văn hóa truyền thống thì điều đáng ghi nhận là
Huyện đoàn Đakrông (Quảng Trị) đang có nhiều hoạt động tích cực để giữ gìn bản
sắc dân tộc trong tuổi trẻ.
Đối
với nhiều trại sinh Hội trại “Thống nhất non sông” và các du khách về dự Lễ hội
“Thống nhất non sông” năm 2015, không gian văn hoá ẩm thực đậm đà bản sắc dân
tộc Vân Kiều, Pa Kô mà Huyện đoàn Đakrông mang đến hội trại là một trong những
ấn tượng đặc biệt thú vị. Bước chân vào cổng trại được cách điệu từ hình ảnh
cầu treo Đakrông, du khách như lạc vào không khí lễ hội truyền thống của người
Vân Kiều, Pa Kô khi được cùng các trại sinh Đakrông giã nếp, làm bánh đen Ayớh,
nướng thịt rừng trên bếp than Tapéh cu cháh, uống rượu đoác rồi say sưa trong
những điệu nhảy truyền thống... Từ sáng đến khuya, không gian mười mấy mét
vuông của trại lúc nào cũng tấp nập người vào ra, đặc biệt rất thu hút trại
sinh của các tỉnh, thành bạn háo hức khám phá những nét văn hoá bản địa độc đáo
của mảnh đất Quảng Trị.
Các trại sinh tham gia giã nếp làm bánh đen Ayớh
Giải
“Gian hàng giới thiệu sản vật địa phương đặc sắc nhất” là sự ghi nhận của Ban
Tổ chức Hội trại nhưng thành công lớn nhất đối với Huyện đoàn Đakrông chính là
đã khẳng định được niềm tự hào của tuổi trẻ các dân tộc Đakrông đối với những
nét đặc trưng văn hoá quê hương và giới thiệu bản sắc ấy đến với bạn bè khắp
nơi về dự lễ hội, như chia sẻ của đồng chí Trương Văn Hoài, Bí thư Huyện đoàn:
“Chúng tôi đem đến đây những thứ rất dân dã, quen thuộc trong đời sống của đồng
bào các dân tộc Đakrông với mong muốn để mọi người biết và nhớ đến Đakrông
chúng tôi qua những món bánh đen Ayớh, lạp dúi, rượu đoác, cháo đoác hay cách
nướng thịt rừng trên bếp than Tapéh cu cháh rất riêng có ấy”.
Ý
tưởng đem những gì thân thuộc, đặc trưng từ gian bếp của người dân tộc Vân
Kiều, Pa Kô đến Hội trại của Huyện đoàn Đakrông được khơi nguồn từ thành công
của hội thi “Ẩm thực dân tộc” do Huyện đoàn và Hội LHPN huyện phối hợp tổ chức
vào tháng 3/2015. Ngay khi triển khai, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng rất
sôi nổi và thu hút được 26 đội thi với gần 100 thí sinh đến từ Đoàn Thanh niên
và Hội Phụ nữ các xã, thị trấn, các chi đoàn thuộc khối cơ quan chính quyền,
trường học cùng đông đảo cán bộ, đoàn viên đến theo dõi, cổ vũ, động viên các
đội thi. Từ kết quả cuộc thi, UBND huyện Đakrông đã chọn lạp dúi, cháo đoác và
cá mát là 3 món ăn đặc trưng của huyện.
Huyện
Đakrông là 1 trong 64 huyện nghèo của cả nước, trong đó đồng bào dân tộc Vân
Kiều, Pa Kô chiếm 78,63%. Những năm qua, bên cạnh việc xung kích phát triển
kinh tế, đoàn viên, thanh niên ở các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đakrông đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực góp phần giữ gìn bản sắc văn
hóa dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về xây
dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày
càng có nhiều bạn trẻ biết trân trọng trang phục truyền thống của dân tộc mình,
thường xuyên sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình trong đời sống hàng ngày; tham
gia học các nghề thủ công, các làn điệu và các nhạc cụ truyền thống.
Trong
thời gian qua, Huyện đoàn Đakrông cũng đã có nhiều mô hình, hoạt động định
hướng, tổ chức cho thanh niên tham gia vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị
văn hóa truyền thống thông qua việc đưa các nội dung văn hoá truyền thống vào
các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội trại truyền thống, hội
thi, hội diễn... do các cấp bộ đoàn tổ chức; vận động đoàn viên thanh niên tham
gia sôi nổi, tích cực vào các lễ hội tôn vinh văn hóa truyền thống như Liên
hoan văn nghệ các làng văn hóa, Lễ hội A riêu ping, Liên hoan cồng chiêng, Hội
thi thể thao truyền thống do địa phương tổ chức.
Tuy
nhiên, những kết quả đó mới chỉ là bước đầu và việc phát huy vai trò của thanh
niên trong việc bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay
vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là ở địa bàn miền núi, kinh tế khó khăn như ở
Đakrông. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đang
đứng trước nguy cơ mai một, trong lúc mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào Vân
Kiều, Pa Kô vẫn còn thấp. Nhận thức của một bộ phận không nhỏ thanh niên về văn
hóa truyền thống chưa thực sự đầy đủ và đúng đắn, do đó chưa thấy được hết vai
trò, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa
mà cha ông để lại. Sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, xu thế hội nhập,
quốc tế hóa và sự biến đổi của kinh tế -xã hội đang hàng ngày, hàng giờ tác
động mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực của đời sống, mọi thành phần trong xã hội, nhất
là thế hệ thanh niên. Để phát huy vai trò của thanh niên trong việc bảo tồn các
giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thì song hành với công tác tuyên truyền,
giáo dục nâng cao nhận thức, cần có nhiều hơn những cách làm sáng tạo, mới mẻ
và bền bỉ.
Thực tiễn của nhân loại đã cho thấy, di sản văn hóa dân tộc không chỉ được coi là tài sản có giá trị giáo dục truyền thống, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ mà còn là một nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bởi vậy, việc giáo dục cho giới trẻ thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc để ứng xử bằng bằng hiểu biết và lòng tự hào dân tộc đối với các di sản tinh thần quý báu mà ông cha đã trao truyền có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong đó, tổ chức đoàn phải là lực lượng tiên phong trong định hướng, dẫn dắt, là cầu nối để đưa các giá trị văn hóa truyền thống đến với thanh niên.
TRẦN
THU
Đang truy cập: 24
Hôm nay: 30
Tổng lượt truy cập: 916,910