Ngay từ những ngày đầu rời
giảng đường Đại học Bách khoa Đà Nẵng với tấm bằng kỹ sư chuyên ngành Công nghệ
sinh học, Nguyễn Mạnh Tuấn, sinh năm 1990, ở thôn An Lợi, xã Triệu Độ, huyện
Triệu Phong (Quảng Trị) đã có những ước muốn táo bạo, đó là ứng dụng công nghệ
sinh học xây dựng mô hình nấm để hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế. Hiệu quả
bước đầu từ mô hình này đang khẳng định hướng đi mới đầy triển vọng của tuổi
trẻ trong phong trào lập thân, lập nghiệp hiện nay.
Chúng tôi đến thăm mô hình
nấm của anh Nguyễn Mạnh Tuấn. So với các đoàn viên khác, Tuấn dường như có phần
chững chạc hơn ở độ tuổi 25 của mình. Đối với quê hương Triệu Độ, địa phương
thuần nông, đời sống của người dân ở đây chủ yếu dựa vào trồng lúa và chăn
nuôi, Tuấn mong muốn với vốn kiến thức có được sẽ xây dựng mô hình kinh tế mới
để làm giàu. Tuấn cho biết, sau một thời gian trăn trở, tìm tòi, nghiên cứu,
anh nhận thấy, ứng dụng công nghệ sinh học để xây dựng mô hình nấm là hướng đi
khả quan nhất đối với điều kiện thực tế ở địa phương. Nghĩ là làm, Tuấn động
viên ba mẹ đầu tư 90 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng các loại nấm như nấm
rơm, nấm sò, nấm linh chi...
Vừa dẫn chúng tôi tham quan các nhà nấm, Tuấn vừa chia sẻ những giải pháp hữu hiệu mà anh áp dụng để ứng phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giữ ẩm cho nhà nấm. Nền đất, hệ thống phun sương hay những bức vách được làm bằng lá chuối khô... đã cho thấy những tính toán của đoàn viên trẻ này hết sức khoa học, hợp lý. Nhờ đó, mặc dù mới triển khai được hơn nửa năm, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình nấm rất khả quan. Tính từ đầu năm đến nay, gia đình anh đã thu hoạch được 4 lứa nấm, mỗi lứa cho doanh thu trên 20 triệu đồng.
Trong quá trình xây dựng và phát triển mô hình trồng nấm, anh Tuấn cũng khá nhanh nhạy trong việc đưa vào thử nghiệm nguyên liệu vỏ trấu vào thay thế cho mùn cưa. Bởi theo Tuấn, vỏ trấu tại địa phương rất dồi dào, trọng lượng nhẹ, thời gian sinh trưởng của nấm ngắn, dễ thu hoạch, năng suất cao. Vừa làm, Tuấn vừa chuyển giao công nghệ cho người thân. Đến nay các thành viên trong gia đình đều có thể tham gia trồng nấm. Kinh tế gia đình Tuấn từng bước được cải thiện.
Đánh giá về Nguyễn Mạnh Tuấn,
anh Lê Trọng Anh, Bí thư Xã đoàn Triệu Độ cho biết: “Hưởng ứng phong trào lập
thân lập nghiệp, đồng chí Tuấn là một đoàn viên, qua quá trình tìm tòi, học hỏi
đã xây dựng được một mô hình trồng nấm. Mô hình rất hiệu quả, giải quyết được
việc làm cho bản thân cũng như mọi người trong gia đình. Qua đây Xã đoàn cũng
khuyến khích các đoàn viên, đặc biệt là các đoàn viên có kiến thức như đồng chí
Tuấn tìm hiểu KHKT để ứng dụng vào đời sống thực tế, làm ra những sản phẩm,
nâng cao thu nhập”.
Đang truy cập: 22
Hôm nay: 96
Tổng lượt truy cập: 916,976