“Một cuốn sách hay là một cuốn sách
khiến cho độc giả phải suy nghĩ chứ không suy nghĩ giúp độc giả”, câu trích dẫn
ấn tượng trên trong cuốn “Tôi tự học” hoàn toàn chính xác với cuốn sách này.
Đây là cuốn sách cực kì hàm súc và khó có thể tiếp thu ngay lần đầu tiên đọc
qua. Bạn đọc cần phải đọc đi, đọc lại nhiều lần, phải suy nghĩ, phải chiêm
nghiệm mới thấm và nếu chỉ đọc một lần có thể không thấy hay, nhưng đã đọc
nhiều lần lại thấy hứng thú, say mê.

Cuốn sách “Tôi tự học” của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần
“Tôi tự học” là một tác phẩm xuất bản
lần đầu năm 1960 của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần, một học giả có tầm ảnh hưởng
bậc nhất của Việt Nam ta vào khoảng giữa thế kỷ XX. Ông hiểu cao, học rộng và
chịu ảnh hưởng lớn bởi Pháp học và Nho học. Trong cuốn “Tôi tự học”, cụ Nguyễn
Duy Cần đề cập đến khái niệm, mục đích của học vấn đối với con người đồng thời
nêu lên một số phương pháp học tập đúng đắn và hiệu quả.
Tác
giả cho rằng giá trị của học vấn nằm ở sự lĩnh hội và mở mang tri thức của con
người chứ không đơn thuần thể hiện trên bằng cấp. Ông chia người học chia làm
hai loại: Loại học vì tư lợi và loại học không vì tư lợi gì cả, nghĩa là học
theo sở thích. Loại học thứ nhất, học nói chung là để kiếm một tấm bằng, kiếm kế
sinh nhai. Đây cũng là mục đích của phần lớn người đi học, họ học theo nhu cầu
của xã hội, học theo ý chí của cha mẹ nhằm thỏa mãn có một công việc để họ có
thể tồn tại. Loại thứ hai, họ học vì đam mê, sở thích, học là để mưu cầu hạnh
phúc. Mà hạnh phúc ấy, theo định nghĩa của tác giả: “Là được làm chủ hành động
ta, tư tưởng ta, tình cảm ta… và mỗi ngày mỗi làm cho con người của ta thêm
sáng suốt hơn, thêm tự do hơn, thêm to rộng hơn… nghĩa là thêm mới mẻ hơn”. Do
vậy, mục đích của sự học là “để làm cho mình càng ngày càng mới, càng ngày càng
cao, càng ngày càng rộng… Học là tăng gia sự hiểu biết của mình, là mở rộng tâm
hồn của mình bằng cách thu nhận sự hiểu biết cùng những kinh nghiệm của kẻ khác
làm của mình”.
Trong
sự học, tác giả cho rằng có hai thứ học là học về bề rộng và học về bề sâu. Do
mọi sự trên đời đều có quan hệ với nhau, nguyên nhân của vấn đề này là kết quả
của vấn đề kia, không có một sự vật nào cô đơn độc lập cả, nên cần có kiến thức
sâu rộng, toàn diện thì mới có thể đánh giá vấn đề một cách khách quan. Học rộng
để tránh khỏi bị thiên kiến trong khi nhận xét, phê bình. Đồng thời, từ cái học
tổng quát chúng ta nên đi sâu vào chuyên ngành của mình để công việc thuận lợi,
giúp ích cho bản thân ta nói riêng và đem lại lợi ích cho xã hội nói chung.
Có
nhiều phương pháp để tự học như đọc sách, đi du lịch, tham dự triển lãm…Tuy
nhiên để đạt được hiệu quả cái gì cũng cần có phương pháp. Nếu bản thân luôn cố
gắng mà không có phương pháp cũng chẳng khác nào không học trái lại còn làm mụ
mị đầu óc, không có lợi gì cho tinh thần. Đọc sách mà có lợi cho tinh thần là
khi nào mình biết vận dụng tất cả các năng lực, năng khiếu của mình, nhận thức
được rõ ràng những ý kiến sâu thẳm của lòng mình đem ra so sánh với những ý kiến
dị đồng của tác giả, biết trầm ngâm suy nghĩ, làm việc có phương pháp, biết thảo
luận đồng cảm với tác giả. Vì vậy, trong quá trình học hỏi ấy phải biết tuyển
chọn. Tuyển chọn tức là phê phán, quyết định, lọc lại những cái gì hợp với
mình, hợp với thời đại hiện nay. Trong các phương tiện chính yếu của việc học,
thì đọc sách chính là phương tiện cần thiết nhất, hiệu quả nhất, rút ngắn lại
con đường kinh nghiệm của nhân loại, để đào tạo cho mình một cơ sở học vấn vững
vàng.
Người
học phải biết tổ chức sự hiểu biết của mình. Người học thức là người biết tổ chức
kiến thức mình tích lũy được thành một cái biết có cơ sở vững vàng, rộng rãi. Đặc
biệt, trong sự học thì cái học quan trọng nhất là học để biết mình. Đây có lẽ
là triết lý sâu sắc, ý vị nhất trong tác phẩm này. Cái học về con người là cái
học thú vị nhất đối với chúng ta, và có lẽ là mục đích quan trọng nhất mà ta
nên chú trọng. Từ việc biết mình, hiểu về đời sống nội tâm của mình mà đi khám
phá cuộc sống bên ngoài.
Việc
tự học cũng không thể bỏ qua phương pháp tập trung tinh thần, kèm theo một vài
nguyên tắc làm việc do tác giả đúc kết như: Học phải đi từ dễ đến khó, không
nên đốt cháy giai đoạn, biết tiết kiệm và tổ chức thời gian, làm việc đều đặn,
không bỏ dỡ nửa chừng và cuối cùng phải biết quý trọng sức khỏe.
Dù
đã xuất bản hơn nửa thế kỉ nhưng những triết lí về việc tự học trong cuốn sách
vẫn còn nguyên giá trị. Đây là một tài liệu quý để các bạn trẻ tham khảo, tổ chức
lại việc học và công việc của mình một cách hợp lí và khoa học. Các bậc phụ
huynh cũng có thể tham khảo sách này để định hướng và tư vấn cho con em mình
trong quá trình tự học cũng như trong quản trị cuộc sống cá nhân để sống thành
công và hạnh phúc hơn.
Phan Trần
(Theo báo Quảng Trị)
Đang truy cập: 225
Hôm nay: 621
Tổng lượt truy cập: 1,143,283