Dù không máu mủ ruột rà nhưng các đoàn viên, thanh niên Đoàn Trường THPT Đông Hà đã tình nguyện nhận chăm sóc, hỗ trợ một số cụ già neo đơn, bệnh tật trên địa bàn. Mong muốn lớn nhất của những đoàn viên, thanh niên là giúp các cụ sống vui, sống khỏe.
Đoàn viên, thanh niên Trường THPT Đông Hà thăm, tặng quà cho cụ bà
Lê Thị Huệ
Bí thư Đoàn Trường THPT Đông Hà Lê Anh
Phong đón chúng tôi với tin mừng: “Ngày càng có nhiều chi đoàn học sinh trong
trường quyết định nhận chăm sóc, hỗ trợ những cụ già neo đơn, bệnh tật trên địa
bàn thành phố”. Với mong muốn học sinh có nhiều việc làm đẹp giúp đời, giúp người,
cách đây không lâu, thầy Lê Anh Phong cùng Ban Chấp hành Đoàn Trường THPT Đông
Hà đã thai nghén ý tưởng và khởi động chương trình “Mỗi chi đoàn gắn liền với một
việc làm tốt, một địa chỉ nhân đạo”. Điều khiến thầy Phong vui mừng là chương
trình nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao. Đặc biệt, một số chi đoàn đã tự
nguyện nhận chăm sóc, hỗ trợ các cụ già có hoàn cảnh khó khăn.
Đã thành thông lệ, hai tuần một lần,
tranh thủ vào ngày thứ 7, các đoàn viên, thanh niên lớp 11A10 lại cùng cô giáo
chủ nhiệm đến nhà bà Trương Thị Tuyết, trú tại phường Đông Lễ, thành phố Đông
Hà để thăm hỏi, động viên, chăm sóc người phụ nữ đã ngoài 80 tuổi này. Cách đây
vài tháng, một đoàn viên Chi đoàn 11A10 chia sẻ với các bạn hoàn cảnh người phụ
nữ già yếu ở cùng khu phố. Ở cái tuổi gần đất, xa trời, cụ phải sống đơn chiếc
trong căn nhà xập xệ. Nhớ đến chương trình “Mỗi chi đoàn gắn liền với một việc
làm tốt, một địa chỉ nhân đạo”, đoàn viên Lê Hồng Phong mở lời: “Tại sao không
nhận chăm sóc, hỗ trợ cụ?”. Ngay sau đó, một số đoàn viên, thanh niên trong chi
đoàn đã cùng cô giáo chủ nhiệm và đại diện đoàn trường về thăm nhà bà Tuyết để
tìm hiểu cụ thể hoàn cảnh. Trở về, Ban Chấp hành Chi đoàn 11A10 và ban cán sự lớp
đã thống nhất vận động các bạn trong lớp tiết kiệm tiền tiêu vặt, hằng tuần
đóng góp quỹ để giúp cụ bà neo đơn. Tín hiệu vui là tất cả đoàn viên, thanh
niên Chi đoàn 11A10 đều ủng hộ việc làm ý nghĩa. “Lần đầu tiên chúng em đến
thăm, cụ Tuyết rất mừng. Nhận những món quà nhỏ của chi đoàn và được các đoàn
viên, thanh niên chăm nom, cụ rưng rưng nước mắt. Từ đó đến giờ, chúng em đều đặn
đến giúp đỡ cụ Tuyết. Ai cũng vui khi thấy cụ minh mẫn, khỏe mạnh hẳn ra”, đoàn
viên Lê Hồng Phong chia sẻ.
Khác đoàn viên, thanh niên Chi đoàn
11A10, các bạn ở Chi đoàn 11A7 biết về hoàn cảnh của cụ bà Lê Thị Huệ, trú tại
phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà thông qua lời giới thiệu của Bí thư Đoàn
trường. Đến tận nhà để tìm hiểu, các đoàn viên, thanh niên trong chi đoàn không
sao cầm lòng khi thấy một cụ bà khiếm thị, bị tật ở chân, sống một mình trong
căn nhà nhỏ. Không cần ai hô hào, vận động thêm, tất cả đoàn viên, thanh niên
Chi đoàn 11A10 đều thuận lòng giúp bà Huệ vơi bớt phần nào vất vả. Bao giờ cũng
vậy, mỗi lúc đến thăm bà, các đoàn viên, thanh niên đều dành thời gian để giặt
giũ áo quần, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa… Không biết từ bao giờ các bạn đã xem bà
Huệ như bà ngoại của mình. Đoàn viên Hoàng Xuân Trung Anh chia sẻ: “Bà thiếu rất
nhiều thứ nhưng cái thiếu nhất là tình cảm. Thế nên, khi chúng em đến thăm, bà
rất mừng. Bà kể cho chúng em rất nhiều câu chuyện đã qua. Bà bảo, đã lâu lắm rồi
mới cảm thấy hạnh phúc như thế này”.
Chi đoàn 11A10, 11A7 và 11A1 là ba đơn
vị đầu tiên của Đoàn Trường THPT Đông Hà nhận chăm sóc, hỗ trợ các cụ bà trên địa
bàn. Hầu hết các cụ được nhận chăm sóc, hỗ trợ đều thuộc diện già yếu, neo đơn,
thường xuyên đau ốm… Sau khi biết về những trường hợp này, đại diện đoàn trường,
giáo viên chủ nhiệm cùng ban chấp hành các chi đoàn đã về nhà từng cụ để tìm hiểu
hoàn cảnh, rồi thống nhất nhận chăm sóc, hỗ trợ. Theo quy định, đoàn viên,
thanh niên các chi đoàn sẽ sắp xếp lịch trình cụ thể để đều đặn đến tận nhà
giúp các cụ vệ sinh nhà cửa, nấu nướng, tắm giặt, làm vườn… Bằng số tiền tiết
kiệm hoặc có được từ hoạt động gây quỹ, đoàn viên, thanh niên có thể mua những
món quà nhỏ, thiết thực để tặng các cụ.
Thực tế, cho đến khi ý tưởng đoàn
viên, thanh niên trên ghế nhà trường nhận chăm sóc, hỗ trợ các cụ già đi vào hiện
thực, một số người vẫn chưa thực sự ủng hộ hay đặt trọn niềm tin. Có ý kiến cho
rằng, việc của các em đang ở độ tuổi cắp sách đến trường là học tập nên phải
chuyên tâm 100%. Trong khi đó, có người lại nghĩ, trong sức của mình, các học
sinh không thể giúp được các cụ nhiều và lâu dài. Luồng ý kiến trái chiều đó
không làm Ban Chấp hành Đoàn Trường THPT Đông Hà và các đoàn viên, thanh niên
chùn bước. Hằng tuần, các đoàn viên, thanh niên duy trì hoạt động gây quỹ bằng
nhiều cách như: Tiết kiệm chi tiêu; thu gom giấy vụn, chai nhựa; vận động người
thân, bạn bè hỗ trợ… Niềm vui lớn nhất của các bạn trẻ là cứ thứ 7 lại đến thăm
các bà với nụ cười tỏa rạng trên môi. “Đến chăm sóc, hỗ trợ các bà, em mới thấu
hiểu sâu sắc câu nói: “Hãy cho đi để nhận lại rất nhiều”. Chúng em cảm thấy
trái tim rộng mở hơn khi làm việc tốt. Em và các bạn cũng học được khá nhiều điều
từ bà, đơn cử như sự lạc quan, yêu đời trong nghịch cảnh”, một đoàn viên Chi
đoàn 11A7 bộc bạch.
Việc làm đẹp của đoàn viên, thanh niên
ba chi đoàn học sinh Trường THPT Đông Hà có sức lan tỏa mạnh mẽ. Học hỏi cách
làm hay, nhiều chi đoàn trong trường cũng đăng kí nhận chăm sóc các cụ neo đơn,
già yếu trên địa bàn. Sắp tới, hai chi đoàn 10A2 và 10A5 sẽ “tiếp bước” hỗ trợ
thường xuyên cho hai cụ già có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thành phố Đông
Hà. Để giúp các cụ nhiều hơn, đoàn viên, thanh niên trong mỗi chi đoàn cũng ngồi
lại bàn cách đa dạng hóa hình thức gây quỹ. Đặc biệt, dù còn gắn bó với mái trường
nhưng đoàn viên, thanh niên một số chi đoàn đã tính đến chuyện lâu dài, thống
nhất với nhau sẽ duy trì quỹ “Giúp bà vui sống” sau khi tốt nghiệp THPT.
Bí thư Đoàn Trường THPT Đông Hà Lê Anh
Phong cho biết, hoạt động nhận chăm sóc, hỗ trợ các cụ già yếu, neo đơn trên địa
bàn thành phố được đoàn viên, thanh niên các chi đoàn thực hiện rất nghiêm túc,
hiệu quả. Là một trong những người khai sinh và theo sát hoạt động nhưng thầy
Phong vẫn đi từ ngạc nhiên này sang bất ngờ khác trước hành động đẹp của đoàn
viên, thanh niên trong trường. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực nhân rộng việc
làm ý nghĩa này nhằm hỗ trợ nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hơn, đặc biệt là
giúp các cụ neo đơn, già yếu sống vui, sống khỏe. Đây cũng là cách để nhân lên
tình yêu thương, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh”, thầy Lê Anh Phong khẳng định.
Tây Long - báo Quảng Trị
Đang truy cập: 284
Hôm nay: 1,241
Tổng lượt truy cập: 1,143,903