Phát
huy vai trò của tổ chức đoàn - đội trong công tác chăm sóc, giáo dục và phát
triển thiếu nhi, góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của các em nhỏ
trong mỗi dịp hè, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh Quảng
Trị đã tích cực chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh, vận động nguồn lực để
xây dựng các điểm vui chơi, tổ chức các lớp dạy kĩ năng sống cho trẻ em ở các
xã, phường, thị trấn, khu dân cư… góp phần tạo sân chơi lành mạnh, an toàn cho
thanh thiếu nhi, học sinh trong kì nghỉ hè, đặc biệt là trẻ em ở vùng nông
thôn.
Công
trình sân chơi cho trẻ em tại xã Ba Lòng, huyện Đakrông
Không
có điều kiện học tại các bể bơi qui mô lớn như học sinh thành thị nhưng các em
học sinh vùng nông thôn tại huyện Hải Lăng lại được trang bị kĩ năng bơi lội tại
các bể bơi “dã chiến” như ngăn sông, kênh thủy lợi vào mỗi dịp nghỉ hè… Nhờ
sáng kiến này mà nhiều năm nay, hàng trăm em học sinh thuộc các địa phương
trong huyện Hải Lăng đã được rèn luyện kĩ năng bơi lội để có thể phòng tránh
nguy cơ đuối nước. Có mặt tại đoạn kênh thủy lợi N6, thuộc địa phận thôn Phương
Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng khi mặt trời vừa thấp thoáng sau lũy tre làng,
chúng tôi được chứng kiến không khí náo nhiệt, hứng khởi và hăng say tập luyện
của thầy trò và đông đảo các bạn đoàn viên, thanh niên nơi đây. Nhờ sự phối hợp,
vận động kinh phí xã hội hóa của các cấp bộ đoàn trong toàn huyện, lớp học diễn
ra liên tục từ những ngày đầu tháng 6/2019 đến nay đã thu hút hơn 60 em thiếu
nhi, học sinh có độ tuổi từ 8 - 13 tuổi tham gia tập luyện. Cứ vào 6 giờ và 15
giờ hằng ngày, trong không gian rộng chừng 4m, dài 25m và độ sâu khoảng 1,2 m,
lớp học “dã chiến” này diễn ra trong sự háo hức, ngập tràn nụ cười của thầy và
trò. Trong các buổi học, ngoài lí thuyết, trẻ sẽ được tập làm quen với kĩ thuật
đạp chân dưới nước, quạt tay trên cạn kết hợp tập thở, tập thở dưới nước, sơ cấp
cứu đuối nước, cứu đuối an toàn. Sau khi được các thầy hướng dẫn khởi động trên
bờ xong, lần lượt một nhóm 10 học sinh được tập bơi dưới sự huấn luyện của hai
thầy giáo bộ môn thể dục nhà trường đã được tập huấn kĩ năng dạy bơi do Sở GD -
ĐT tổ chức.
Là
người trực tiếp dạy các em, thầy Nguyễn Viết Tước, giáo viên Trường Tiểu học và
THCS Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng cho biết, lớp học dạy những kĩ năng cơ bản của
môn bơi lội như nín thở dưới mặt nước, hít và thở dưới nước, tập nổi được dưới
nước, lướt nước… Ngoài 2 thầy giáo dạy bơi ở dưới nước thì trên bờ luôn có 3
đoàn viên, thanh niên túc trực làm nhiệm vụ quản lí và chăm sóc y tế cho các
em. “Các cách thức này cứ lặp đi lặp lại trong khoảng một giờ. Sau đó các em sẽ
được chia theo nhóm tuổi, tập theo giáo án khác nhau, kiểm tra, bấm giờ để tạo
sự hăng hái thi đua. Cứ thế, chừng khoảng 3- 4 buổi, em nào cũng có thể tự bơi,
nổi được trên mặt nước”, thầy Tước nói. Em Nguyễn Thị Lan Anh (10 tuổi) vui mừng
khi vừa tập buổi thứ ba đã có thể nổi trên mặt nước. Lan Anh kể rằng, khi nghe
có lớp bơi em cũng như nhiều bạn khác trong thôn hồ hởi đăng kí tham gia ngay.
“Không ngờ những kĩ năng cơ bản của bơi lội lại khó thế. Nhưng nhờ các thầy mà
em đã có thể thành thạo và bơi được với khoảng cách gần. Em sẽ tranh thủ những
buổi tập còn lại để cố gắng tiếp thu kiến thức, thực hành thật tốt”, Lan Anh
chia sẻ.
Cũng
như Lan Anh, với nhiều cô cậu học trò vùng quê này thì lớp học bơi này có ý
nghĩa tích cực, giúp các em hiểu được tầm quan trọng của việc học bơi khi mà
các em đều sống trong vùng thấp trũng, thường xuyên bị lụt lội. Bí thư Huyện Đoàn
Hải Lăng Trần Hữu Bắc thông tin thêm: “Bên cạnh mở 36 lớp dạy bơi miễn phí cho
trẻ em trong dịp hè này, Huyện Đoàn còn tăng cường các hoạt động bảo vệ, chăm
sóc trẻ em như phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương
tích, tạo các sân chơi sinh hoạt hè bổ ích, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
khó khăn trên địa bàn huyện, qua đó thể hiện rõ vai trò tích cực của tổ chức
đoàn, đội trong việc đồng hành với thanh thiếu nhi, với gia đình, giúp các bậc
phụ huynh yên tâm hơn khi vào hè”.
Bên
cạnh việc trang bị các kĩ năng sống cần thiết cho các em thiếu nhi, các tổ chức
cơ sở đoàn tại các địa phương còn chịu trách nhiệm thiết kế các mô hình sân
chơi trẻ em; vận động, kêu gọi sự ủng hộ của các đơn vị, cá nhân tài trợ, sau
đó tiến hành kiểm tra, khảo sát và triển khai xây dựng công trình từ các vật liệu
phế thải. Các công trình “Sân chơi thiếu nhi” được thực hiện từ những chiếc lốp
xe ô tô cũ, dây xích, ống nước… được các đoàn viên thiết kế thành sân chơi với
đầy đủ xích đu, bập bênh, cầu trượt, cầu thăng bằng, ngựa… Ngoài ra, một số sân
chơi cho thiếu nhi được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, pa nô, xây dựng tủ
sách, báo phục vụ cho thiếu nhi, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường xung
quanh sân chơi.
Những
sân chơi đầu tiên trên địa bàn tỉnh có màu sắc cuốn hút, tiết kiệm chi phí, bảo
vệ môi trường do các đoàn viên, thanh niên tạo ra được đặt tại các xã: Triệu
Sơn, Triệu Lăng, Triệu Hòa, Triệu Giang (Triệu Phong) sau đó nhân rộng trên địa
bàn toàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 51 sân chơi cho thiếu nhi tại
các thôn, bản, xã, phường, thị trấn; các công trình sân chơi thiếu nhi được đầu
tư xây dựng từ nguồn xã hội hóa, mỗi công trình có giá trị từ 20 - 30 triệu đồng
cùng hơn 1.500 ngày công của đông đảo đoàn viên, thanh niên. Dự kiến trong thời
gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tiếp tục huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng
các khu vui chơi cho trẻ em để phần nào đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho
thiếu nhi, góp phần chung tay với toàn xã hội chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ
em, đồng thời tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt
các chương trình, kế hoạch và xây dựng các công trình, phần việc dành cho trẻ
em.
Mặt
khác, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn cũng chỉ đạo các đơn vị tổ chức tốt hoạt động tiếp
nhận thiếu nhi về tham gia sinh hoạt hè tại địa phương và bàn giao thiếu nhi về
nhà trường sau dịp hè; huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên, các đội thanh
niên tình nguyện và các lực lượng xã hội tham gia phụ trách các hoạt động cho
thiếu nhi như: Tổ chức sinh hoạt hè, ôn tập văn hóa, các hoạt động văn hóa văn
nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí và các loại hình trò chơi dân gian…
cho thiếu nhi trên địa bàn đơn vị phụ trách. Trong đó, tập trung vào một số nội
dung như: Hướng dẫn thiếu nhi thực hiện tốt phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi
đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”, chú trọng các hoạt động có tính giáo dục, nhất
là giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc,
đoàn kết, tương thân tương ái; tổ chức các hoạt động về nguồn, “Đền ơn đáp
nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”… Ngoài ra, đoàn thanh niên các cấp sẽ đẩy mạnh
tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp bộ đoàn và toàn xã hội về công tác
bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc thực hiện Luật Trẻ em; chủ động
tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức hoạt động gặp gỡ, đối thoại với thiếu nhi;
tổ chức các hoạt động nhằm phát huy quyền tham gia của trẻ em vào những vấn đề
liên quan; mở các lớp tập huấn kĩ năng an toàn, phòng chống tai nạn, thương
tích trẻ em. Tăng cường sự quan tâm, chăm lo của gia đình và cộng đồng, tổ chức
tốt việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở
trong việc quản lí, giám sát, hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn...
Hà
Trang – báo Quảng Trị
Đang truy cập: 308
Hôm nay: 476
Tổng lượt truy cập: 1,105,104