Hơn 2
vạn con người, chủ công là lớp trẻ, lăn lộn suốt mấy năm trời để viết nên kỳ
tích công trình đập Trấm. Tuy hầu hết làm bằng thủ công nhưng công trình vững
chãi qua hàng thập kỷ
Giữa
những ngày nắng hạn kinh hoàng này, dân Quảng Trị lại nhắc nhiều đến công
trường thủy nông Nam Thạch Hãn được thi công từ 40 năm trước.
Thi gan với… trời
Lúc ấy,
trong muôn vàn khó khăn khi đất nước vừa hòa bình, thống nhất, tỉnh Bình Trị
Thiên (nay tách ra thành ba tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế)
quyết định làm công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn mà dân nơi đây quen gọi
là đập Trấm. Đây cũng là tên con đập ngăn dòng sông Thạch Hãn để làm thủy lợi.
Cũng cần nói thêm rằng ý tưởng làm công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn đã có
từ thời Pháp thuộc. Người Pháp dự định làm nhưng vì nhiều lý do mà không thành
hiện thực.
Nhưng
làm thủy lợi, lại là công trình đại thủy nông, vào giữa thời buổi khói súng vừa
tan, bom đạn hậu chiến còn ngổn ngang, đời sống người dân còn cơ cực, phương
tiện máy móc hầu như không có hoặc còn thô sơ, ít ỏi thì đúng là thi gan với…
trời, nên nhiều người cho là ảo tưởng. Thời ấy nặng về tinh thần lãng mạn, có
phần duy ý chí trong thể hiện khát vọng chinh phục của con người, ít nhất là
trong mặt trận sản xuất nông nghiệp, kiểu "vắt đất ra nước, thay trời làm
mưa". Nếu công trình thủy lợi này hoàn thành thì không chỉ làm thay đổi bộ
mặt nông thôn của một nửa vùng đất Quảng Trị mà còn tác động tích cực đến tưới
tiêu cho ruộng đồng ở Thừa Thiên - Huế.
Nhắc
lại chuyện này, nhiều người dân Bình Trị Thiên còn nhớ anh Nguyễn Văn Tập ở xã
Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị lúc vui chuyện vẫn hào hứng: "Tui
cũng dân 202 (đơn vị thanh niên làm thủy lợi đập Trấm) nên nhớ rõ lắm. Hồi đó,
cán bộ nói như đinh đóng cột rằng đập Trấm là cơm no áo ấm! Chúng tôi đi làm thủy
lợi với tinh thần như bộ đội đi chiến đấu".
Mà đúng, họ là những người lính thời bình. Tên gọi, phiên hiệu, sinh hoạt tương tự quân đội. Tất cả được chia thành các sư đoàn, chỉ khác là dưới sư đoàn không phải tiểu đoàn hay trung đoàn, lữ đoàn trực thuộc mà là các đại đội. Sư đoàn thường lấy theo tên gọi của các huyện như Sư đoàn Lệ Ninh, Sư đoàn Bến Hải... Hơn 2 vạn người, chủ công là lớp trẻ, lăn lộn suốt mấy năm trời trên công trường thủy lợi. Hầu hết các công đoạn từ đào đất, gánh đất, bưng đất, đắp đất, đào mương... đều thực hiện thủ công. Hơn 100 chiến sĩ lực lượng dân công đã hy sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi công trường này.
Đập Trấm bền
vững qua hàng thập kỷ
Vững chải qua hàng thập kỷ
Nhiều
người vẫn nhớ bài hát "Câu hò trên công trường Nam Thạch Hãn" của nhạc
sĩ Trần Hoàn viết về công trình đại thủy nông này trên vùng đất Bình Trị Thiên.
Câu từ trong bài hát trải trên nền điệu hò khoan của người Quảng Bình vốn có
sức lay động mạnh mẽ trong không khí lao động tập thể:
"Ta
nắn dòng mương bắc qua sông qua suối
Ta cho
dòng nước biếc đó chảy xuống đồng xa
Anh em
ta ơi, ới chị em ơi.
Ta bắt
tay vào nhanh ta đào thật sâu
Khoan
ơi dô khoan xin mời các bạn.
Khoan
ơi dô khoan ơi hò là dố khoan.
Chừ
đượm mồ hôi để ngày mai say mùa.
Cho
đồng hoang hóa lên xanh lúa xanh mầu
Con
sông quê hương ơi ta mến ta thương
Bắt
chảy ngược dòng thêm tưới mát đồng xa
Cho đêm
đêm ta nghe văng vẳng câu hò…"
Nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn vào mùa xuân 1978 cũng đã về Quảng Trị viết bút ký "Tháng 3
trên công trường Nam Thạch Hãn". Trong bút ký này có những đoạn, những
dòng đọc lên như có nhạc điệu xôn xao, hứng khởi: "Đầm đơn đầm đôi rập
ràng nện chặt bờ đập mới nhú. Tiếng đập nhịp nhàng đến độ muốn khơi dậy một
tiếng hò nện đã quen. Nước ứa ra ở đoạn thấp của con kênh dự trù. Một tốp nữ
tát nước ra ngoài, đều tay như múa. Hiện trường bỗng chốc mang cái khí hậu của
một sân khấu rộng rãi ngoài trời, màu đất đỏ non tươi làm nền cho một đại vũ
khúc mang tên công trình đại thủy nông Nam sông Thạch Hãn".
Những
năm đầu sau chiến tranh, gian khó vô vàn nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình
Trị Thiên vẫn trên dưới một lòng, quyết tâm xây dựng đập Trấm với sự tham gia
của hàng vạn con người. Bằng ý chí và nghị lực phi thường, họ đã cùng lực lượng
quân sự địa phương vượt qua đói, rét, nắng lửa, gió Lào, bệnh tật, bom mìn còn
lại dày đặc sau chiến tranh để hoàn thành sứ mệnh lớn lao: Đem nước về cho vùng
đất khát.
Một
điều cần nhấn mạnh là công trình đại thủy nông này chủ yếu làm bằng thủ công
nhưng lại vững chãi qua hàng thập kỷ. Đó là điều mà hôm nay chúng ta cần suy
nghĩ, trước vấn nạn tuổi thọ của nhiều công trình xây dựng, dù được thi công
bằng máy móc, kể cả các phương tiện hiện đại nhưng vẫn nhanh xuống cấp.
Ông Phạm
Sãi, nguyên Sư trưởng sư đoàn thủy lợi 202, với các cựu chiến sĩ của sư đoàn
Nghẹn ngào vui sướng
Hàng
loạt sự đổi thay bắt đầu từ khi có đập Trấm. Không còn mất mùa liên miên, không
còn ngay ngáy lo cái ăn như trước.
Ông
Dương Đình Ủy, một lão nông ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị,
kể nếu không có đập Trấm, những người "tha hương cầu thực" sẽ ngày
một nhiều hơn trong những năm gian khó. Đập Trấm đã mang lại một sự đổi đời
thực sự mà hàng trăm năm qua chỉ là mơ ước.
Ông Lê
Hữu Thăng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, chia sẻ nhiều thông tin ấn
tượng. Ông cho biết công trình thủy lợi này đã đưa sản lượng lúa đồng bằng ở
huyện Triệu Hải từ gần 5 vạn tấn lên 6,2 vạn tấn khi mới đưa vào sử dụng, về
sau năng suất và tổng sản lượng đều tăng gấp đôi. Đập Trấm hầu như đã giải
quyết tận gốc tình trạng hạn hán vào mùa nắng và ngập úng vào mùa mưa, thực sự
mở ra một trang mới trong sản xuất nông nghiệp, trước hết là cây lúa ở khu vực
hưởng lợi từ công trình này. Chỉ riêng trồng ớt xuất khẩu, ở huyện Triệu Hải
vào những năm bao cấp, mỗi năm thu được ngoại tệ cả triệu rúp - một con số thật
sự gây ấn tượng vào thời kỳ vô vàn gian khó ấy.
Nhớ lại
chuyện cũ, nguyên Sư trưởng Sư 202 Bến Hải - ông Phạm Sãi - cùng những cựu nữ
chiến sĩ như bà Ôn Thị Thông, Hoàng Thị Thừa bao giờ cũng rưng rưng. Còn ông Lê
Văn Hoan, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị, kể ngày ấy, Tổng Bí thư
Lê Duẩn khi về thăm quê Quảng Trị cũng xúc động, nói trong nghẹn ngào vui sướng
khi chứng kiến công trình thủy lợi này: "Như thế này là sướng rồi, dân mà
có nước như thế này là sướng lắm rồi".
Phái đoàn
của Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm công trình Đập Trấm
Trời hại nhà nghèo
Khởi công vào đầu năm 1978, công trình
thủy lợi Nam Thạch Hãn đến năm 1981 thì hoàn thành và dần hoàn thiện, bảo đảm
tưới tiêu cho gần 15.000 ha canh tác của tỉnh Quảng Trị. Nhưng "niềm vui
ngắn chẳng tày gang", dân Quảng Trị vừa mừng chưa được bao lâu thì tai họa
bất ngờ ập xuống.
Chuyện là khi công trình thủy lợi Nam
Thạch Hãn mới đưa vào sử dụng được 2 năm (1981-1982) thì năm 1983 xảy ra thiên
tai khủng khiếp, đe dọa sự an toàn của công trình thế kỷ này.
Năm ấy lụt to. Lãnh đạo huyện miền núi
Hướng Hóa thấy trên nguồn mưa lớn, lo đồng bằng ngập lụt, lo nhất là vỡ đập Nam
Thạch Hãn thì cả vùng Triệu Hải chìm trong biển nước, trôi ra Cửa Việt, thiệt hại
khôn lường. Bấy giờ, ông Xuyên Tâm, Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa, nóng ruột nên gọi
điện về xuôi. Nghe tin, cả ban lãnh
đạo huyện Triệu Hải chia nhau trực chiến, đốc chiến chống "giặc lũ"
suốt cả ngày đêm.
Ông Lê Hữu Thăng, thời ấy là cán bộ
huyện Triệu Hải, nhớ lại lúc đó, vì mải mê công việc hộ đê nên không kịp lo
chuyện nhà, lúc đó con ông mới chỉ vài tháng tuổi. Đến khi công việc tạm ổn,
ông quay về nhà thì nước đã ngập mênh mông. May nhờ có người dân cứu, sắp bàn
ghế cho vợ con ông trèo lên mà thoát chết.
Dù đã cố gắng nhưng trận lụt lịch sử
năm 1983 vẫn làm hư hại trên 200 điểm toàn tuyến của công trình thủy lợi Nam Thạch
Hãn. Đúng là trời hại nhà nghèo! Nhiều người quá mệt mỏi đã tính chuyện buông
xuôi, vì sửa chữa ngần ấy điểm hư hại thì tốn nhân lực quá lớn và biết khi nào
mới xong. Nhưng lãnh đạo địa phương lúc ấy, hầu hết xuất thân là cán bộ đoàn
như ông Lê Hữu Thăng, nên vẫn quyết tâm nhận nhiệm vụ này.
Bằng nhiều biện pháp kinh tế cũng như
dân vận, họ đã huy động được 12.000 người tham gia sửa đê. Chưa đầy một tháng
sau, công việc hoàn thành với tốc độ và thời gian kỷ lục. Họ đã cứu những cánh
đồng Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế lần nữa. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh đã tặng những người sửa đê lá cờ "Tuổi trẻ chiến thắng thiên
tai".
Hiện dung tích nước ở thượng lưu đập
lên 11,5 triệu m3, bảo đảm phục vụ nước tưới cho hơn 14.815 ha của 2 huyện Triệu
Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị.
Những con người bằng xương, bằng thịt,
bằng sức mạnh đôi tay, đôi vai đã làm nên điều kỳ diệu. Ý chí kiên cường của lớp
trẻ đã biến khẩu hiệu “Đập Trấm là cơm no áo ấm” thành hiện thực.
Phạm
Xuân Dũng- báo Người lao động
Đang truy cập: 285
Hôm nay: 679
Tổng lượt truy cập: 1,105,307