Xuất phát là một tỉnh thuần nông và đến nay, tỷ trọng
lao động nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 61,7% trong cơ cấu lao động việc làm của tỉnh,
vấn đề thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ở nông thôn gắn với nhiệm vụ xây dựng
nông thôn mới ở Quảng Trị có ý nghĩa kinh tế- xã hội lớn.
Hiện nay, thanh niên nông thôn Quảng Trị có trên
88.000 người, chiếm tỷ lệ 70,55% tổng số thanh niên toàn tỉnh. Bằng ý chí và
nghị lực, nhiều thanh niên đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế tổng hợp,
kinh doanh dịch vụ, thủ công nghiệp, chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả, dược
liệu… đem lại lợi nhuận cao. Nhiều thanh niên tốt nghiệp cao đẳng, đại học đã
quyết định trở về thực hiện những ý tưởng khởi nghiệp ở làng như mô hình trồng,
chế biến tinh bột nghệ của Trần Minh Đức, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (thạc sĩ
ngành Kinh tế chính trị, giảng viên một trường cao đẳng ở TP.HCM), mô hình trồng
nấm ứng dụng công nghệ sinh học của Nguyễn Mạnh Tuấn, xã Triệu Độ, huyện Triệu
Phong (kỹ sư chuyên ngành Công nghệ sinh học, Đại học Bách khoa Đà Nẵng), mô
hình làm bún với thương hiệu “Bún sạch Vạn Linh” của ba bạn trẻ Nguyễn Hữu
Vinh, Nguyễn Đăng Tôn Cảnh và Nguyễn Phước Ánh ở thôn Linh Chiểu, xã Triệu Sơn,
Triệu Phong (trong đó một là kỹ sư xây dựng dân dụng, một là thạc sĩ kinh tế và
một tốt nghiệp cao đẳng kế toán)...
Tuy nhiên, nhìn chung phong trào khởi nghiệp trong
thanh niên nông thôn ở Quảng Trị vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng
và yêu cầu phát triển kinh tế địa phương. Tư tưởng phấn đấu đi học cao đẳng, đại
học, vào làm trong các cơ quan nhà nước hoặc đi làm thuê ở thành thị vẫn còn phổ
biến, ít thanh niên có ý chí khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp ở nông thôn.
Toàn tỉnh có 357 mô hình kinh tế trong thanh niên có thu nhập trên 50 triệu đồng,
trong khi có hơn 3.000 hộ thanh niên nghèo. Trong 357 mô hình phát triển kinh tế
hiệu quả thì các mô hình kinh tế gắn với các loại cây, con đặc sản, cây dược liệu
theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của các địa phương, các mô hình
nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và các mô hình chế biến nông sản, dịch
vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống còn khá ít ỏi trong khi
đây là những lĩnh vực khởi nghiệp tiềm năng, có nhu cầu thị trường khá lớn.
Đa số thanh niên nông thôn chưa hiểu đúng về khởi nghiệp
và thiếu kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp. Ý tưởng mới, sáng tạo của thanh
niên nông thôn tuy có nhưng chưa nhiều. Đa số mô hình phát triển kinh tế trong
thanh niên hiện nay thường bắt đầu từ kinh nghiệm truyền thống, thiếu ý tưởng mới,
sản xuất theo khả năng thanh niên có mà không quan tâm thứ thị trường cần, nên
đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra. Nhận thức, tư duy, kỹ năng và
phương pháp tư vấn, hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp của các cấp bộ Đoàn
và các đơn vị liên quan còn nhiều hạn chế, lúng túng. Các cơ chế, chính sách,
nguồn lực để triển khai công tác hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp chưa
nhiều và chưa đồng bộ.

Thương hiệu “Bún sạch Vạn Linh” của 3 chàng trai Triệu
Sơn tiếp cận thị trường -Ảnh: NGUYỄN PHÚC
Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới và xu hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn
với tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cơ hội khởi nghiệp
cho thanh niên nông thôn Việt Nam nói chung và thanh niên nông thôn Quảng Trị
nói riêng hết sức rộng mở và đầy triển vọng. Vì vậy, các cấp bộ Đoàn cần căn cứ
điều kiện kinh tế -xã hội của địa phương và các chủ trương, định hướng phát triển
kinh tế của chính quyền địa phương để lựa chọn các giải pháp triển khai công
tác hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp phù hợp và hiệu quả.
Trong đó, cần chú trọng tăng cường tổ chức các hoạt động
tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho
thanh niên nông thôn và cộng đồng, đặc biệt là khuyến khích xu hướng khởi nghiệp
bằng việc áp dụng, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao
trong sản xuất, kinh doanh, để từ đó thúc đẩy phong trào thi đua khởi nghiệp của
thanh niên nông thôn và tạo sự lan toả cổ vũ phong trào khởi nghiệp của người
dân nông thôn. Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ thanh niên nông
thôn phát triển tư duy khởi nghiệp thậm chí ngay từ cấp độ học sinh phổ thông
trung học. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp,
như phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức khởi nghiệp trong lĩnh vực nông
nghiệp, kiến thức kinh doanh cho thanh niên nông thôn. Phối hợp các ngành liên
quan tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất nông, lâm, ngư
nghiệp gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng địa phương.
Đặc biệt cần quan tâm phối hợp các ngành liên quan
trong việc tư vấn, định hướng, hướng dẫn các mô hình, phương thức sản xuất kinh
doanh mới cho thanh niên nông thôn, đặc biệt là các mô hình khởi nghiệp đổi mới
sáng tạo trên lĩnh vực nông nghiệp gắn với chiến lược phát triển các cây, con
chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Vận động thanh niên nông thôn mạnh dạn
tham gia các CLB Thanh niên làm kinh tế tại địa phương; đồng thời, hướng dẫn
thanh niên tham gia hình thức kinh tế tập thể thông qua thành lập tổ liên kết,
tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ vốn vay cho thanh
niên nông thôn khởi nghiệp từ các nguồn vốn giải quyết việc làm của Chính phủ
do Trung ương Đoàn quản lý, nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội và
ký kết các chương trình phối hợp với các ngân hàng thương mại để tăng cường các
kênh vốn hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp.
Đồng thời cần
thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh các gương thanh niên
nông thôn khởi nghiệp thành công để nhân rộng các điển hình tiêu biểu làm hạt
nhân dẫn dắt phong trào thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Bên cạnh sự chủ động
của tổ chức Đoàn, rất cần sự hỗ trợ, vào cuộc của chính quyền các cấp và các
ban, ngành liên quan để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phong trào khởi nghiệp trong
thanh niên nông thôn Quảng Trị, từ đó vừa giúp thanh niên nông thôn làm giàu, vừa
phát huy sức trẻ góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các địa
phương.
Đang truy cập: 544
Hôm nay: 2,115
Tổng lượt truy cập: 1,127,638