Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 6/2017

Tình cảm của Bác với các cháu thiếu nhi

Trong muôn vàn tình thân yêu của Người dành cho Nhân dân, có một tình yêu lớn dành cho thiếu niên nhi đồng. Thiếu niên và nhi đồng luôn luôn được Bác Hồ dành cho một tình thương yêu đặc biệt. Tấm lòng yêu thương và những lời dạy của Người vẫn luôn đồng hành cùng thiếu niên nhi đồng cả nước, là di sản văn hóa vô giá của toàn Đảng, toàn dân và của thế hệ trẻ nước ta.

Sinh thời, dù luôn bận bịu với việc nước, nhưng Bác Hồ vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến thế hệ măng non, bởi theo Bác, chính những thế hệ này sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước. Bác Hồ thường có thư gửi các cháu mỗi dịp khai trường, hay Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi. Lời lẽ trong thư luôn ân cần, trìu mến, chí tình. Bác luôn nhắc thiếu nhi phải đoàn kết, thi đua học tập, lao động, rèn luyện đạo đức, rèn luyện sức khoẻ. Tấm lòng của Người đối với thiếu nhi được thể hiện qua những bức thư, những bài thơ mà cho đến hôm nay vẫn chan chứa tình thương yêu vô hạn.

Những vần thơ của Bác Hồ dành cho thiếu nhi chứa đựng tình thương yêu sâu sắc và thắm thiết. Người luôn nhắc đến trẻ em với một tình cảm trìu mến, nâng niu:

“Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan

Chẳng may vận nước gian nan

Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng”...

Hết lòng thương yêu và ân cần dạy bảo thiếu nhi, Bác Hồ rất tin tưởng xác định trách nhiệm trọng đại của thiếu nhi đối với tương lai đất nước. Trong thư gửi học sinh vào tháng 9 năm 1945, Bác đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Cụ thể hơn, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên Tiền Phong tháng 5 năm 1961, Bác gửi đến thiếu nhi cả nước 5 lời dạy thiêng liêng:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh

Thật thà dũng cảm”

Cho đến hôm nay, thiếu nhi cả nước vẫn xem như đó là mục tiêu để phấn đấu, là tiêu chuẩn để đánh giá đội viên tiêu biểu của Đội. Cũng ngay trong lá thư này, Bác ân cần nhắc nhở thiếu niên nhi đồng: “Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Không chỉ yêu thương thiếu niên, nhi đồng, Bác Hồ còn khẳng định vai trò quan trọng của thiếu nhi đối với tương lai mai sau của đất nước và xác định trách nhiệm chăm sóc giáo dục các em không phải của riêng ngành nào, tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Người luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải quan tâm đến việc giáo dục thiếu niên nhi đồng. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc, ngày 25 tháng 8 năm 1950, Bác Hồ viết: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả”.

Bác cũng căn dặn người lớn phải quan tâm chăm sóc, giáo dục các em. Người dạy, ngày Tết Thiếu nhi 01/6 nhắc nhủ người lớn trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn Thanh niên nhớ nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng và người lớn phải là tấm gương cho trẻ em, phải “khéo giáo dục để mai sau nhi đồng trở thành người công dân có tài, có đức”.

Ba tháng trước ngày đi xa, Bác lại viết bài: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” in trên báo Nhân dân. Bác viết: “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực”.

Trong Bản Di chúc lịch sử của mình, Bác Hồ cũng đã hai lần nhắc đến các cháu nhi đồng và Người đã dành muôn vàn tình thân yêu của mình cho các cháu nhi đồng Việt Nam và nhi đồng quốc tế. Tấm lòng của Bác Hồ đối với thiếu nhi Việt Nam ví như trời biển. Nỗi thương nhớ của Bác đối với các cháu không bao giờ vơi cạn. Cho đến ngày Bác phải đi xa, trong Di chúc của mình, Bác còn gửi gắm: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng...”

Ngày nay, thiếu niên nhi đồng nước ta đã và đang được Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và toàn xã hội quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, đã được thể hiện bằng luật định. Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6, thiếu nhi nước ta một lần nữa ôn lại lời dạy của Bác Hồ kính yêu trong những câu thơ mà Bác đã gửi cho các em vào tết trung thu năm 1952:

“Mong các cháu cố gắng

Thi đua học và hành

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tùy theo sức của mình...

Các cháu hãy xứng đáng

Cháu Bác Hồ Chí Minh”.

Nhớ ơn Bác, toàn thể thiếu nhi Việt Nam nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng là “Cháu Bác Hồ Chí Minh” như Người hằng mong đợi./.

Nguồn Trang tin điện tử Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh 


Những ngày đáng nhớ trong tháng 6:

 

- Kỷ niệm 67 năm Ngày Quốc tế thiếu nhi (01/6/1950 - 01/6/2017)

- Kỷ niệm 45 năm Ngày Môi trường thế giới (05/6/1972 - 05/6/2017)

- Kỷ niệm 106 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 – 05/6/2017)

- Kỷ niệm 69 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2017)

- Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/21925 – 21/6/2015)

- Kỷ niệm 16 năm Ngày gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2017)

 

01/6/1950: Ngày Quốc tế thiếu nhi

Điên cuồng trước âm mưu mở cuộc tiến công phía Nam mặt trận Xô - Đức hòng tiêu diệt Liên Xô, 11h đêm ngày 09/6/1942, trong khi mọi người đang ngủ thì phát xít Hitle sụt vào làng Liđixe - một làng phía Bắc thu đô Praha (Tiệp Khắc). Chúng bắt dân làng tập trung lại rồi xả súng bắn giết dã man, sau đó cho vào lò thiêu. Nhà cửa của cải của dân làng bị cướp bóc, đốt phá. Chỉ trong một ngày 10/6/1942, chúng đã giết 92 người trong đó có 88 trẻ em.

Hai năm sau, ngày 10/6/1944, sau khi bị đánh bật ra ngoài biên giới Liên Xô, tại Ôđrađua, một thị trấn nhỏ bên bờ sông Gơlani ở miền Trung nước Pháp, bọn phát xít Hítle lại gây ra những tội ác mới. Chúng bao vây Ôrađua, gí súng đẩy từng người một vào nhà thờ rồi tưới xăng thiêu chết 1.400 người, trong đó có 200 trẻ em.

Cái chết thê thảm của dân làng Liđixe và Ôrađua đã thúc giục Nhân dân Châu Âu đứng lên cùng Hồng quân Liên Xô đánh thắng chủ nghĩa phát xít. Để khắc sâu căm thù đối với những cuộc thảm sát do bọn phát xít Đức gây ra trong những ngày tháng 6 và để biểu dương ý chí của các bà mẹ, của những người quan tâm tới trẻ con, quyết phấn đấu cho tương lai, hoà bình và hạnh phúc của con em mình, tháng 01/1949, Liên đoàn phụ nữ dân chủ thế giới họp ở Matxcơva (Liên Xô) đã quyết định lấy ngày 01/6 hàng năm làm này Quốc Tế thiếu nhi. Tiếp theo đó, tháng 4/1952 tại Viên đã có cuộc họp quốc tế bảo vệ thiếu nhi. Hội nghị này đã yêu cầu tất cả chính phủ các nước đặt ra những pháp luật cho nước mình nhằm bảo đảm hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em, đòi cấm những phát minh khoa học vào mục đích chiến tranh.

Đến năm 1955, đại hội các bà mẹ hầu hết các nước trên thế giới họp tại Matxcơva đã tố cáo bọn đế quốc âm mưu gây lai chiến tranh và kêu gọi các bà mẹ khắp năm châu siết chặt thêm hàng ngũ đấu tranh cho một nền hoà bình bền vững trên đất nước.

Từ đó đến nay, những tổ chức phụ nữ, thanh niên ở các nước lấy ngày 01/6 làm ngày biểu dương lực lượng đấu tranh chống các thế lục gây chiến tranh để bảo vệ hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em trên thế giới.

Ở nước ta, từ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 01/6 đã được tổ chức hàng năm và trở thành ngày hội chăm sóc và bồi dưỡng thế hệ măng non tổ cho tổ quốc. Nhà nước ta cũng ban hành pháp lệnh về chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng, coi trách nhiệm vẻ vang ấy là của toàn dân. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước về quyền trẻ em – văn kiện pháp lý quốc tế đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ giúp đỡ đặc biệt.

 

05/6/1972: Ngày Môi trường thế giới

Hàng năm Ngày Môi trường Thế giới (05/6) được tổ chức trọng thể nhằm khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường.

Bắt đầu từ những năm 1960, những dấu hiệu cho thấy sự phát triển ngày càng tăng của nạn suy thoái môi trường đã ngày một rõ ràng hơn, con người đã bắt đầu ý thức được về những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống.

Hội nghị của Liên Hợp quốc về Con người và Môi trường tổ chức tại thủ đô Stockholm của Thuỵ Điển từ  ngày 05, 06/6/1972 là kết quả của những nhận thức mới này, là hành động đầu tiên đánh dấu sự nỗ lực chung của toàn thể nhân loại nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường.

Trong cuộc họp này, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc cũng đã được thành lập vào ngày 05/6/1972. Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã quyết định chọn Ngày Môi trường thế giới 05/6 từ năm 1972 và giao cho Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) có trụ sở tại Nairobi, Kenya, tổ chức kỷ niệm sự kiện này. Hằng năm, vào ngày này lễ kỷ niệm trọng thể được tổ chức tại hơn 100 nước trên thế giới.

Mục đích của Ngày Môi trường thế giới là tập trung sự chú ý trên toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường.

Sự kiện này làm cho các vấn đề môi trường mang tính nhân văn; trao quyền cho mọi người để trở thành tác nhân tích cực của quá trình phát triển bền vững và bình đẳng; nâng cao hiểu biết của các cộng đồng về vai trò then chốt làm thay đổi hành vi hướng tới các vấn đề môi trường; ủng hộ mối cộng tác để đảm bảo rằng, tất cả các quốc gia và các dân tộc được hưởng một tương lai an toàn và thịnh vượng hơn.

Mỗi năm, Liên Hợp Quốc chọn một thành phố làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới. Chính phủ và thành phố nước chủ nhà sẽ hợp tác với UNEP tạo ra bầu không khí cho sự kiện này. Chủ đề, khẩu hiệu và logo sẽ được chọn để làm trọng tâm cho các tài liệu tuyên truyền về Ngày Môi trường Thế giới, cũng như các hoạt động cổ động trên toàn cầu.

Trong ngày này, Nhân dân trên toàn thế giới sẽ nhận được một thông điệp chính thức của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, trong đó có nêu lên các vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường chung trên toàn thế giới.

Bắt đầu từ năm 1987, để khuyến khích tinh thần và trách nhiệm bảo vệ môi trường của toàn thể nhân dân trên thế giới, Liên Hợp quốc đã phát động thêm lễ trao giải thưởng Global 500 được tổ chức vào đúng ngày môi trường thế giới tại thành phố được chọn làm trung tâm tổ chức lễ kỷ niệm ngày này trên thế giới. Hàng năm, Liên Hợp Quốc sẽ chọn ra những người có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường để trao Giải thưởng Global 500.

Lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới hàng năm ở Việt Nam thường có sự tham gia của mọi tầng lớp dân chúng như các quan chức Chính phủ, đại diện của các cơ quan, tổ chức quốc tế và các Đại sứ quán ở Việt Nam, học sinh, sinh viên và các tổ chức xã hội quần chúng.

Ngày Môi trường Thế giới “chính là sự kiện của người dân” với các hoạt động đa dạng, phong phú, như tuần hành, diễu hành bằng xe đạp, các buổi hoà nhạc xanh, các cuộc thi tại trường học, trồng cây, chiến dịch tái chế chất thải và làm sạch môi trường.

 

05/6/ 1911: Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

  Cách đây 106 năm, ngày 05/6/1911, tại Bến cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứa nước, giải phóng cho nhân dân thoát khỏi cảnh nô lệ áp bức của thực dân pháp. Đây là sự kiện mang ý nghĩa sâu sắc, mở đầu cho chặng đường dẫn thân của người thanh niên yêu nước, sau này trở thành lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã cống hiến cả đời cho dân tộc và nhân loại.

 

21/6/1925: Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới cũng là một nhà báo xuất sắc, người sáng lập ra nền báo chí Cách mạng Việt Nam.

Ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo Thanh niên- cơ quan của tổ chức Thanh niên Cách mạng Việt Nam. Đây là tờ báo Cách mạng Việt Nam đầu tiên do Bác Hồ sáng lập, chỉ đạo và là người biên tập chính. Báo Thanh niên, với 88 số, mở ra lớp đào tạo 300 cán bộ đều do Bác Hồ khởi thảo, chủ trì, giảng dạy là sự mở đầu một cuộc Cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH.

Bác Hồ bắt đầu sự nghiệp Cách mạng bằng việc viết báo Cách mạng kiểu mới, Mác xít Lê Nin Nít. Người sáng lập nền báo chí Cách mạng kiểu mới ở nước ta. Báo Thanh niên lúc đó đã mở một đột phá về thế giới quan, tư tưởng chính trị, quan niệm về báo chí, đối tượng, phong cách. Nói khái quát là mở đầu cuộc Cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc mình lên một tầm cao mới. Người Việt Nam được tiếp cận với khoa học, sử dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Lần đầu tiên ở nước ta, tư tưởng giải phóng dân tộc gắn liền với tư tưởng giải phóng xã hội. Quần chúng lao động là chủ thể quan trọng nhất của Cách mạng kết hợp với giới tinh hoa của dân tộc, được truyền bá rộng rãi. Đây cũng là lần đầu tiên lợi ích đất nước, lợi ích quần chúng trở thành nội dung, đề tài trung tâm của báo chí. Quần chúng có báo của mình. Viết cho quần chúng lao động, báo Cách mạng phải đi sát cuộc sống quần chúng, xuất phát từ thực tiễn, hướng dẫn hành động của quần chúng, cải thiện, cải tạo cuộc sống của mình và của đất nước.

Bác Hồ sáng lập và bằng chính những tờ báo, bài báo do Bác chủ trì và viết, sáng lập phong cách văn chương báo chí của quần chúng: giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc. Người viết nhiều thể loại văn học và báo chí: tin ngắn, dài, tin bình, chính luận, trào phúng, ký, tuyên ngôn, hiệu triệu, thơ tự sự, trữ tình. Văn chương của Người thể hiện phong cách Đông Tây, cổ kim Việt hóa, phảng phất phong cách của Chiếu dời đô, Hịch Tướng sĩ, Quân trung từ mệnh, Chiếu lên ngôi và Thượng kinh ký sự, Vũ trung tùy bút. Từ ngữ giản dị mà hàm ý sâu sắc. Những áng hùng văn của Bác như: Lời kêu gọi của Nguyễn ái Quốc, Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đặc biệt là bản Di chúc, thật trong sáng và giản dị!

Bác Hồ đặt nền móng cho nền báo chí nước ta. Người viết báo suốt cả đời Cách mạng từ năm 1919 đến năm 1969. Bài báo cuối cùng của Bác là: Nâng cao đạo đức Cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Phong cách văn chương của Bác được người đời phát hiện rất sớm. Năm 1924, một nhà văn hóa nổi tiếng của Liên Xô đã nhận xét: Nguyễn Ái Quốc là một nhà văn hóa lớn của tương lai. Phong cách viết báo của Người thường đi thẳng vào đề, làm rõ tư tưởng trung tâm sự kiện bằng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn, ngôn ngữ thông tin đại chúng.

Bản sắc văn chương báo chí Cách mạng Việt Nam thể hiện nổi bật ở Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhà báo kiệt xuất.

 

28/6/2001: Ngày Gia đình Việt Nam

  Ngày 04/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn lichsuvietnam.vn

 

ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 6

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn, trong đó tăng cường triển khai kế hoạch hành động thực hiện chỉ thị 42 CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”.

2. Tiếp tục tuyên truyền Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chuyên đề năm 2017 “Học tập và làm theo  tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; các nội dung về xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên thời kỳ mới và Nghị quyết Trung ương 4 của BCH Trung ương Đảng khóa XII.

3. Tập trung tuyên truyền và tổ chức các hoạt động có ý nghĩa Quốc tế thiếu nhi, Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; kỷ niệm 45 năm ngày môi trường thế giới (05/6/1972- 05/6/2017); kỷ niệm 106 năm Ngày Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911- 05/6/2017), Ngày toàn dân phòng chống ma túy 26/6….

4. Tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp, các cuộc thi, hội thi, diễn đàn…. chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đoàn tỉnh Quảng Trị lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 – 2022.

5. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những nội dung cơ bản, những điểm mới và các giải pháp được nêu trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã được thông qua; nội dung cụ thể tinh thần của Nghị quyết vào chương trình hành động của Đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

6. Tuyên truyền việc tổ chức các hoạt động thiết thực cho cán bộ Đoàn, đoàn viên, hội viên, thanh niên trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè tỉnh năm 2017.

                                                       

 

 

 

  • 13/KH-BCĐ

    Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ XXV - năm 2023 (16/01/2023)

  • Số 272-KHPH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức tình nguyện mùa Đông 2021, Xuân tình nguyện 2022 (13/01/2022)

  • Dự thảo

    Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (28/01/2022)

  • 519-BC/TĐTN-TTNTH

    Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 133 về thực hiện CTHĐ quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (06/12/2021)

  • Số 23-CTr/TĐTN-VP

    Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 (20/01/2022)

Đang truy cập: 671

Hôm nay: 49

Tổng lượt truy cập: 613,763

Liên hệ Facebook Đăng nhập