Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 5/2017

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và vấn đề xây dựng văn hóa, văn minh công sở trong thanh niên hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, toàn bộ di sản tư tưởng của Người là một kho báu văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong đó tư tưởng của Người về văn hóa chiếm một vị trí hết sức quan trọng.
Đó là một hệ thống các quan điểm lý luận mang tính khoa học và cách mạng về văn hóa và xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Được kết tinh và chắt lọc những giá trị cả văn hóa phương Đông, phương Tây, của truyền thống và hiện đại, của dân tộc và quốc tế.
Theo Hồ Chí Minh, văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn và giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Theo Người: Văn hóa là một kiến trúc thượng tầng; những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được; có thực mới vực được đạo; xã hội thế nào thì văn hóa thế ấy. Nhưng mặt khác, đến lượt mình, văn hóa là động lực của sự phát triển xã hội, phát triển kinh tế; văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.
Văn hóa được xây dựng và bồi đắp nên trong suốt chiều dài lịch sử, nó làm nên nền tảng tinh thần của một xã hội, giữ vai trò quan trọng vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội. Trong rất nhiều bài nói và bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến việc phải giữ gìn và phát huy những truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng dân tộc Việt Nam được hun đúc nên qua hàng ngàn năm lịch sử. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu… Bên cạnh việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc phải biết tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, biết gạn đục khơi trong, nâng cao trình độ văn hóa của Nhân dân, biết chọn lọc, sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh và đặc tính của dân tộc mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương cho mọi thế hệ Việt Nam, trong đó có tuổi trẻ noi theo.
Với nhận thức là văn hóa có nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc và Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, “nước ta là một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân”. Vì vậy, văn hóa cũng phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm: Vì Nhân dân phục vụ và phát huy sứ mạng của toàn dân làm văn hóa. Làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người là yêu cầu rất cao, là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Chỉ khi nào được mọi tầng lớp Nhân dân, mọi tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể, tôn giáo, nhà trường và gia đình… tham gia tích cực, thường xuyên, liên tục, bền bỉ thì văn hóa mới có thể thực hiện được những nhiệm vụ đã đề ra.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đã và đang là định hướng lớn cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa nước ta. Nó mãi là ánh sáng soi đường cho công cuộc xây dựng và phát triển nên văn hóa nước ta.
Thanh niên là lực lượng quan trọng của mỗi dân tộc, là cánh tay phải của Đảng, là lực lượng xung kích trên mọi trận tuyến đấu tranh cũng như xây dựng. Sự phát triển của thanh niên không những quan hệ đến vận mệnh và tương lai của đất nước, của dân tộc mà còn ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại. Như Bác Hồ đã từng căn dặn: Thanh niên là đại biểu cho tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc. Tinh thần tự tôn ấy truyền thụ đến các em kinh qua Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Các em phải có trách nhiệm truyền thụ tinh thần ấy cho các thế hệ mai sau.
Mục tiêu là “tất cả vì Nhân dân phục vụ” là phương châm hành động của mỗi cán bộ trong ngành văn hóa. Để trở thành công sở văn hóa, không chỉ đơn thuần là hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm, hay phòng làm việc ngăn nắp, sạch đẹp… Mà điều quan trọng là hoàn thành nhiệm vụ của một công sở có trình độ chuyên môn nghiệp vụ từng bước được nâng cao, thường xuyên tự trau dồi bản thân về chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức. Cán bộ công chức của cơ quan phải có mặt đầy đủ, đúng giờ, trang phục đồng bộ, có mang phù hiệu. Thái độ giao tiếp nhã nhặn, lịch sự, tạo ấn tượng khi người dân đến giao dịch và để lại cảm giác thoải mái, dễ chịu, khi học ra về. Nét đẹp văn minh còn thể hiện trong từng công việc, trong quy định tiếp nhận hồ sơ, công khai liệt kê đầy đủ các loại giấy tờ, đúng hẹn trả lời cho người dân. Tránh tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu, chờ đợi không cần thiết.
Với tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đoàn viên thanh niên chúng ta quyết tâm học tập và noi theo tư tưởng văn hóa của Người để làm tốt công việc của người đoàn viên trên lĩnh vực văn hóa.
Di tích lịch sử tại Quảng Trị
CỤM DI TÍCH ĐÔI BỜ HIỀN LƯƠNG – BẾN HẢI
Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải là chứng tích cho một thời kỳ gần 20 năm chia cắt Nam - Bắc và cuộc đấu tranh bền bỉ anh dũng của dân tộc ta trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.
Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến tạm thời trong hai năm để tập kết lực lượng hai bên và tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước. Do Mỹ - Diệm cố tình xé bỏ Hiệp định hòng chia cắt lâu dài nước Việt Nam nên sông Bến Hải và cầu Hiền Lương đã đi vào lịch sử dân tộc và tiềm thức nhân loại như là nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất đất nước của nhân dân ta.
Cầu Hiền Lương
Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải trên quốc lộ 1A (Km 735) nối liền thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh ở bờ Bắc và thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh ở bờ Nam. Tính đến nay đã có 8 lần cầu được bắc qua sông Bến Hải (từ cây cầu gỗ thô sơ bắc năm 1922 đến cây cầu hiện đại được thi công năm 1996), nhưng cây cầu để lại dấu ấn nhất trong lịch sử là cây cầu được Pháp xây dựng năm 1952. Mặc dù chỉ tồn tại đến năm 1967 nhưng nó là biểu tượng trực tiếp của nỗi đau chia cắt đất nước.
Tại đây, từ tháng 7/1954 - 10/1956 đã diễn ra nhiều cuộc tập kết lực lượng của ta và địch. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã kiên quyết đấu tranh đòi thực hiện quy chế Hiệp định và cũng là nơi diễn ra nhiều câu chuyện cảm động giữa hai miền  Nam - Bắc.     
Cột cờ Hiền Lương
Việc bảo vệ và duy trì cho lá cờ Tổ quốc tung bay trên bầu trời giới tuyến là cả một kỳ tích. Cùng với việc “chạy đua” với kẻ thù về chiều cao cột cờ và diện rộng của lá cờ, trong lúc chúng luôn luôn tìm mọi cách đánh sập cột cờ Hiền Lương. Để bảo vệ cột cờ Hiền Lương, các chiến sĩ đồn công an Hiền Lương đã chiến đấu hơn 300 trận lớn nhỏ, nhiều đồng chí đã ngã xuống để cho lá cờ mãi mãi tồn tại và tung bay trên bầu trời. Chỉ tính riêng từ ngày 19/05/1956 đến ngày 28/10/1967, chúng ta đã treo 267 lá cờ các cỡ. Trong năm 1967 có 11 lần thay cột cờ, 42 lần thay lá cờ vì bị bom và pháo của Mỹ - Ngụy phá hỏng. 
Cột cờ Hiền Lương là chân lý cách mạng, là ý niệm thiêng liêng về tình cảm miền Bắc xã hội chủ nghĩa ngày đêm thương nhớ miền Nam. 
          Tượng đài khát vọng Thống nhất Non sông
Tượng đài khát vọng Thống nhất Non sông được xây dựng từ năm 2002 đến năm  2008, hoàn thành cùng với hệ thống Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.
          Toàn cảnh tượng đài quay ra miền Bắc với hình ảnh Bà mẹ miền Nam cùng với đàn con yêu dấu luôn hướng về miền Bắc ruột thịt, nơi thủ đô yêu dấu, nơi có Bác Hồ kính yêu với một khát vọng cháy bỏng Thống nhất Non sông, Nam Bắc sum họp một nhà. Những tàu lá dừa cách điệu, biểu tượng cho miền Nam ruột thịt, thành đồng của Tổ quốc.
Bảo tàng vĩ tuyến 17
Nằm trong hệ thống cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Bảo tàng vĩ tuyến 17 nằm ở phía bờ Bắc. Hiện nay, bảo tàng lưu giữ hàng trăm hiện vật, hình ảnh giới thiệu một thời bi hùng của quân và dân Vĩnh linh - Quảng Trị và cả nước trong cuộc đấu tranh bền bỉ ròng rã suốt 20 năm đòi thống nhất Tổ quốc, Nam Bắc sum họp một nhà. Đặc biệt, hình ảnh Mẹ Diệm vá cờ Tổ quốc suốt ngày đêm trong những năm đánh phá ác liệt của Mỹ để giữ cho lá cờ Tổ quốc tung bay trên cột cờ Hiền Lương là hình ảnh tiêu biểu của bà mẹ Việt nam Anh hùng vẫn mãi  trường tồn cùng dân tộc.
Đồn Công an Hiền Lương
Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, dọc hai bên bờ sông giới tuyến quân sự tạm thời có 4 đồn Công an và Cảnh sát đóng ở các nơi: Hiền Lương và Cửa Tùng (bờ Bắc), Xuân Hòa và Cát Sơn (bờ Nam).
Đồn Công an Hiền Lương nằm cạnh cầu phía Bắc. Đồn gồm 3 khu nhà: A, B, C tạo thành hình chữ V. Nhà A được xây dựng từ năm 1955, là nơi đặt trụ sở chỉ huy của Công an bờ Bắc. Nhà B là nơi để ở và sinh hoạt của các chiến sĩ Công an giới tuyến. Đây cũng là nơi để tiếp các đoàn khách trong nước và quốc tế. Nhà C là nơi làm kho hậu cần. Đồn Công an Hiền Lương gồm 2 tiểu đội (16 người) thuộc lực lượng Công an vũ trang.
Đồn Công an Hiền Lương của ta trong suốt 12 năm (1954 - 1965) không chỉ là nơi tố cáo sự vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ của Mỹ - Ngụy với tổ chức Quốc tế mà còn là nơi diễn ra các cuộc đấu tranh gay gắt giữa ta và địch để bảo vệ quy chế khu phi quân sự.
          Hệ thống dàn loa phóng thanh
Để vạch trần âm mưu xâm lược của chính quyền Mỹ - Ngụy và động viên, tiếp sức cho nhân dân miền Nam vững bước đấu tranh, chúng ta đã xây dựng một hệ thống dàn loa phóng thanh với quy mô lớn và hiện đại. Tổng công suất giàn loa trên bờ Bắc Hiền Lương là 180.000W, riêng khu vực cầu Hiền Lương 7.000W. Hệ thống loa này bao gồm các loại loa công suất từ 25W đến 500W. Cùng với những chương trình phát thanh phong phú, đa dạng, hệ thống loa này đã thực sự lấn át dàn loa bờ Nam của chính quyền Mỹ - Ngụy. “Cuộc chiến âm thanh” đôi bờ Hiền Lương đã góp phần giữ trọn niềm tin vào Đảng và Bác Hồ, vào một ngày thống nhất đất nước.
CỤM DI TÍCH THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
 Thành cổ Quảng Trị nằm giữa trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng 2 km về phía Đông. Đứng soi mình xuống dòng sông Thạch Hãn hiền hòa, Thành cổ Quảng Trị uy nghi, trầm mặc, sáng ngời biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng với khát vọng tự do, độc lập. Nơi đây, dưới lớp cỏ non Thành cổ, lòng đất đã thấm đẫm máu của hàng vạn chiến sĩ và đồng bào Quảng Trị trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước. Đến với Thành cổ, du khách sẽ đắm mình trong một không gian tĩnh lặng, thiêng liêng gợi nhớ đến cuộc giao tranh khốc liệt, bi hùng của quân và dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 được cả thế giới biết đến, thấy được sự hồi sinh vươn mình của vùng đất một thời đầy mưa bom, bão đạn. Đến với Thành cổ là đến với miền tâm linh và hoài niệm về những gì thiêng liêng nhất.
Thành cổ Quảng Trị đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ( nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 235/QĐ - BVHTT ngày 12/12/1986. Năm 1994, Thành cổ Quảng Trị được xếp vào danh mục những di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng.
TƯỢNG ĐÀI MAI QUỐC CA
Tượng đài nằm ở đầu cầu sông Thạch Hãn, cách Thành Cổ Quảng Trị 500m về phía Bắc, ghi nhận sự chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng của trung đội Mai Quốc Ca vào ngày 10/4/1972 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bảo vệ thị xã Quảng Trị.
Năm 1973, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho trung đội Mai Quốc Ca. Bộ Giao thông – Vận tải và tỉnh Quảng Trị đã xây dựng tượng đài tưởng niệm trung đội Mai Quốc Ca vào năm 1996.
Tượng đài năm trong cụm Di tích Thành Cổ nơi đồng bào và chiến sĩ cả nước đến tưởng niệm tri ân các Anh hùng liệt sĩ.
NHÀ HÀNH LỄ VÀ BẾN THẢ HOA SÔNG THẠCH HÃN
Năm 1972, hai bờ sông Thạch Hãn trở thành cửa ngõ để quân ta tiếp lương tải đạn, tăng viện vào chiến trường. Nơi đây đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt của quân và dân ta suốt 81 ngày đêm để bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, hàng nghìn chiến sỹ nằm lại dưới dòng sông Thạch Hãn. Đã thành thường lệ vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng Quảng Trị 1/5 hàng năm, người dân Quảng Trị, cùng nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc về thăm Thành Cổ, mang theo những bó hoa tươi thắm thả xuống dòng sông Thạch Hãn để tưởng nhớ anh linh các Anh hùng Liệt sĩ. Xuất phát từ ý tưởng đó, UBND tỉnh Quảng Trị và Ngân hàng Công Thương Việt Nam quyết định đầu tư xây dựng công trình Nhà hành Lễ - Bến Thả hoa trên sông Thạch Hãn. Công trình có ý nghĩa nhân văn này hoàn thành cùng với tháp chuông Thành Cổ tạo nên điểm nhấn trong quần thể di tích lịch sử ở Thành Cổ Quảng Trị. Đây là nơi dành cho nhân dân cả nước đến thăm Thành Cổ dâng hương hoa tri ân những người đã ngã xuống trên mảnh đất này.
          NHÀ LƯU NIỆM  VÀ TƯỢNG ĐÀI CÔNG VIÊN LÊ DUẨN
Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nằm ở thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, cách trung tâm thị xã Quảng Trị theo Tỉnh lộ 64 khoảng 3 km về phía Đông Bắc. Nhà lưu niệm là nơi biểu hiện lòng thành kính và biết ơn của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Quảng Trị nói riêng đối với sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/04/1907-07/04/2007), chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã khánh thành khu tưởng niệm bao gồm: công viên, nhà tưởng niệm và khu tượng đài. Tượng đài đồng chí Lê Duẩn được đúc bằng đá thạch anh nguyên khối, bệ cao 9,9 m, phần hành lễ rộng 1.570 m2 được đặt tại trung tâm công viên. Cùng với nhà lưu niệm, đây là công trình mang ý nghĩa chính trị - xã hội của cả nước để tưởng nhớ nhà Lãnh đạo tài năng của Đảng, của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
KHU CHÍNH PHỦ CÁCH MẠNG LÂM THỜI CỘNG HÒA MIỀN NAM VIỆT NAM TẠI CAM LỘ
Thuộc địa phận thôn Tân Hòa, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ cách thành phố Đông Hà 12km về phía Tây, cách Quốc lộ 9 khoảng 200m về phía Bắc.
Khu trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được khởi công xây dựng ngày 6/5/1973 đến ngày 30/5/1973 thì hoàn thành. Toàn bộ nguyên vật liệu do nhân dân miền Bắc đóng góp.
Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ khi ra đời đã tập hợp các lực lượng dân chủ xung quanh chính phủ cách mạng để đấu tranh đòi dân chủ và độc lập dân tộc. Lần đầu tiên trong vùng giải phóng, chính phủ cách mạng lâm thời đã có trụ sở để làm việc, nơi đặt quan hệ ngoại giao với tất cả anh em bè bạn gần xa trên thế giới, đại diện cho nhân dân miền Nam nói lên tiếng nói của mình. Chính phủ cách mạng lâm thời với những chiến lược, sách lược nhạy bén, sáng suốt đã lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Khu chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1991.
BẢO TÀNG QUẢNG TRỊ
Bảo tàng Quảng Trị được thành lập trên cơ sở tách ra từ Bảo tàng Bình Trị Thiên. Bảo tàng tọa lạc tại số 08, đường Nguyễn Huệ, thành phố Đông Hà, diện tích 10.000m2 với không gian trưng bày gồm 02 hệ thống: trưng bày cố định và trưng bày ngoài trời. Trưng bày cố định có diện tích 2.350m2, được bố trí thành 02 tầng, trưng bày 5.000 tài liệu, hiện vật gốc và gần 1.000 tài liệu ảnh. Bảo tàng Quảng Trị được đánh giá vào loại tốt nhất khu vực miền Trung. Đây là địa chỉ thu hút đông đảo đồng bào chiến sĩ cả nước và khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu.
HỆ THỐNG DI TÍCH ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH
Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ của đất nước cong hình chữ S, con đường vinh dự mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam - đường Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại, còn mãi âm vang khúc trường ca của một thời: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai". Đặc biệt, đường mòn Hồ Chí Minh đi qua địa phận tỉnh Quảng Trị đã trở thành tâm điểm quan trọng nhất trong những năm tháng chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược. Hệ thống di tích đường mòn Hồ Chí Minh bao gồm:
Khe Hó
 Là tên vùng rừng núi phía Tây huyện Vĩnh Linh, thuộc địa phận xã Vĩnh Hà, cách thị trấn Bến Quan khoảng 7 km. Đây là điểm xuất phát đầu tiên của đường mòn gùi thồ đơn sơ trên đường Trường Sơn, nhằm chi viện cho chiến trường miền Nam vào thời điểm khó khăn nhất, mở đầu cho cuộc trường chinh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của dân tộc Việt Nam.
Đường Khe Sanh - Sà Tầm - Tà Long
Đây là một nhánh của đường mòn Hồ Chí Minh, nằm trên địa bàn hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Tuyến này nối với Đường 9 tại Km65, giao với đường mòn Hồ Chí Minh tại Km72, cách khu danh thắng Đakrông 27km. Đây là con đường vận tải chiến lược khi đường Trường Sơn chuyển từ Tây sang Đông, góp phần to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Cầu treo Bến Tắt
Cầu bắc qua thượng nguồn sông Bến Hải, nằm trên trục đường 15, thuộc địa bàn xã Vĩnh Trường, huyện Vĩnh Linh, cách cổng chào nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn 40m về phía Tây Bắc.
Cầu treo Bến Tắt được xây dựng vào năm 1973 do Trung đoàn 99 Công binh tiến hành thi công trên trục đường 15, thay thế điểm vượt thượng nguồn sông Bến Hải bằng ngầm Bến Tắt. Đến tháng 11/1973 cầu treo Bến Tắt hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần đẩy mạnh tốc độ chi viện cho chiến trường miền Nam.
ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC – LÀNG HẦM TRONG LÒNG ĐẤT VĨNH LINH
Thuộc địa phận xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, cách thành phố Đông Hà 36km về phía Đông Bắc, địa đạo Vịnh Mốc là một công trình độc đáo nhất trong hàng chục công trình địa đạo lớn nhỏ ở huyện Vĩnh Linh, được xây dựng từ tháng 04/1966 đến tháng 12/1967 thì hoàn thành. Với hàng ngàn mét đường hầm và các tiểu đạo xuyên lòng đất cùng hàng ngàn mét giao thông hào chiến đấu, địa đạo Vịnh Mốc là hệ thống đường ngầm liên hoàn được kết nối với nhau bằng 13 cửa ra vào. Cấu trúc địa đạo được chia làm ba tầng, tầng sâu nhất cách mặt đất 23m. Các tầng nối nhau bởi đường trục chính dài 768m, cao từ 1,6m đến 1,8m, rộng từ 1,2m đến 1,5m. Hai bên trục chính cách nhau từ 3m đến 5m là một gia đình. Địa đạo có một hội trường lớn, sức chứa 50 đến 80 người, là nơi hội họp, chiếu phim, biểu diễn văn nghệ; có trạm phẫu thuật, nhà hộ sinh, đài quan sát, giếng thông hơi, giếng nước…
Địa đạo Vịnh Mốc là hình ảnh thu nhỏ của một làng quê được xây dựng và kiến tạo trong lòng đất vừa làm nơi ăn ở, sinh hoạt, phòng tránh bom đạn an toàn cho nhân dân, vừa là nơi đóng trụ sở chính của chính quyền địa phương, là kho hậu cần cất giữ lương thực, vũ khí chi viện cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam trong những năm chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược.
          Đến với Vịnh Mốc hôm nay, du khách như được sống lại một thời oanh liệt và hào hùng với những con người và lịch sử đã làm nên kỳ tích đó.
HÀNG RÀO ĐIỆN TỬ MC. NAMARA                                                    Thuộc huyện Gio Linh, cách thành phố Đông Hà 14 km về phía Bắc, Dốc Miếu được coi là cứ điểm quan trọng nhất của phòng tuyến Mc. Namara. Tại đây, địch xây dựng những hệ thống hầm nhà ván, hệ thống lô cốt di động bằng bê tông, có trận địa pháo mặt đất thường bắn phá bờ Bắc sông Bến Hải, có trận địa phòng không 37, trung tâm điều khiển bảo vệ hàng rào, chi đội thiết giáp tuần tra cùng nhiều đại đội hỗn hợp của Mỹ - Ngụy. Xung quanh căn cứ, ngoài các hàng rào kẽm gai ken dày bom mìn là hệ thống máy móc báo động chống xâm nhập.
Tuy là một căn cứ hiện đại nhưng hàng rào điện tử Mc. Namara đã dần dần bị vô hiệu hóa bởi những hoạt động của ta. Trước hết, đó là sự tấn công phá hủy từng đoạn để đưa lực lượng và vũ khí vào chiến trường. Trong những ngày đầu quân ta nổ súng trên chiến trường Quảng Trị năm 1972, du kích xã Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn đã vây chặt và bắn hàng trăm quả đạn DKB, A2 và bom phóng vào căn cứ trong suốt 3 ngày, buộc địch phải tháo chạy vào đêm 31/03/1972, kéo theo sự tan rã của căn cứ Quán Ngang.
Ngày nay, Dự án phục hồi hàng rào điện tử Mc.Namara đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt, sau khi hoàn thành sẽ trở thành điểm tham quan đặc biệt hấp dẫn du khách, nhất là các nhà nghiên cứu về nghệ thuật quân sự.
NGHĨA TRANG LIỆT SĨ QUỐC GIA TRƯỜNG SƠN
Sau ngày đất nước thống nhất, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị làm nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/04/1977, tọa lạc trên 6 quả đồi như bông hoa 6 cánh tại địa bàn huyện Gio Linh; cách trung tâm thành phố Đông Hà khoảng 38 km và cách thị trấn Gio Linh hơn 20 km về phía Tây Bắc.
Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ - nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm lặng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.
NGHĨA TRANG LIỆT SĨ QUỐC GIA ĐƯỜNG 9
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 được xây dựng vào ngày 02/09/1995 và khánh thành vào ngày 27/07/1997, trên một quả đồi thuộc địa bàn phường 4, thành phố Đông Hà, cách trung tâm thành phố Đông Hà khoảng 6 km về phía Tây. Đây là nơi yên nghỉ của 10.045 liệt sĩ được quy tụ về bên nhau. Những liệt sĩ nằm tại nơi đây hầu hết hy sinh trên những chiến trường dọc theo Đường 9 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.
Trước khu lễ đài chính của nghĩa trang là một tháp chuông với đường nét kiến trúc rất đẹp, bên trong treo một quả chuông to nặng gần 1 tấn. Phía sau khu lễ đài là những khu mộ được quy hoạch khang trang thành từng ô, từng khu hoặc theo từng địa phương. Vào ngày lễ tết, đặc biệt vào ngày Thương binh Liệt sĩ 27/07 hàng năm, thân nhân các liệt sĩ, các cơ quan, đoàn thể, các bạn trẻ từ khắp mọi miền đất nước về đây để tri ân, tưởng nhớ đến những người đã khuất. Những nén hương nghi ngút với tấm lòng thành kính gửi đến người thân đã hy sinh vì Tổ quốc, hồi tưởng lại quá khứ oanh liệt hào hùng của dân tộc Việt Nam.
NHÀ TÙ LAO BẢO
Nhà tù Lao Bảo nằm trên địa bàn thôn Duy Tân, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, cách thị trấn Khe Sanh khoảng 22 km về phía Tây.
Thời phong kiến, đây là đồn trấn ải biên thùy của nhà Nguyễn dùng để trấn giữ một phần bờ cõi phía Tây Tổ quốc. Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, hòng dập tắt phong trào yêu nước của nhân dân ta, thực dân Pháp đã ra sức khủng bố, bắt bớ các sĩ phu yêu nước và nhân dân lao động từ đồng bằng lên miền núi; đồng thời cho bọn tay sai bắt đồng bào các dân tộc xây dựng nhà tù Lao Bảo (năm 1908) để giam giữ các “Quốc Sự Phạm” miền Trung.
Nhà tù Lao Bảo là một trong năm nhà tù lớn nhất của Đông Dương thời bấy giờ, là nơi giam cầm các nhà yêu nước, những chiến sĩ Cộng sản của Việt Nam và của Lào. Chế độ giam cầm, đày ải của bọn cai ngục ở đây rất tàn bạo, khắc nghiệt; Chúng hành hạ thể xác con người cho đến lúc tàn phế.Về đời sống tinh thần, tù nhân không có sách báo để đọc, không được viết thư về nhà, cũng không được gặp người thân... Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải được sự cho phép của bọn lính gác.
Nhà tù Lao Bảo là bằng chứng sống động nhất về tội ác của thực dân Pháp và bọn tay sai đối với đồng bào và chiến sĩ của ta trong những năm đầu thế kỷ XX. Đồng thời còn là nơi thể hiện tinh thần kiên cường, ý chí cách mạng và quyết tâm chiến thắng trong mọi tình huống của những người yêu nước và các chiến sĩ Cộng sản, là bài học truyền thống quý báu, có tác dụng giáo dục đạo đức cách mạng cho những thế hệ kế thừa.
SÂNBAYTÀ CƠN - ĐƯỜNG 9, KHE SANH
Từ thị trấn Lao Bảo theo Quốc lộ 9 về phía Đông khoảng 20 km, du khách đến cụm di tích sân bay Tà Cơn - Đường 9, Khe Sanh. Sân bay Tà Cơn - Đường 9 là tên gọi để chỉ một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966-1968. Nằm trong tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, sân bay Tà Cơn – Đường 9 là địa danh gắn với nhiều sự kiện liên quan đến chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968. Cùng một loạt căn cứ được xây dựng theo trục Đường số 9 từ Đông Hà lên Khe Sanh, cụm cứ điểm sân bay Tà Cơn – Đường 9 được coi là một trong những khu trung tâm được xây dựng rất quy mô chạy dài 2km, rộng 1km, gồm nhiều tiểu cứ điểm với công sự kiên cố, dày đặc và một sân bay cỡ lớn làm nơi cất, hạ cánh cho các loại máy bay vận tải quân sự hạng nặng như C130, C123, máy bay trực thăng chở quân đội và vũ trang chiến đấu. Với cách bố trí như vậy, sân bay Tà Cơn cùng các cao điểm kế cận đã hình thành nên một thế phòng ngự liên hoàn, cơ động được Mỹ - Ngụy coi là một vị trí “cứng” nhất trong cả hệ thống tập đoàn cứ điểm Khe Sanh.
Sân bay Tà Cơn – Khe Sanh đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 236/QĐ-BVHTT ngày 12/12/1986.
ĐẢO CỒN CỎ - "VỌNG GÁC NGOÀI KHƠI"
Nhìn từ đất liền, đảo Cồn Cỏ như một chiến hạm canh giữ biển trời Quảng Trị. Đảo Cồn Cỏ còn có tên gọi khác là con Hổ hay Hòn Mệ, cách bờ biển Cửa Tùng 15 hải lý về phía Tây. Đảo rộng khoảng 230ha, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây là điểm tiền tiêu kiên cường, anh dũng với nhiều lần lập nên chiến công vang dội. Chính vì thế, trong kháng chiến chống Mỹ đã hai lần Đảo Cồ Cỏ được tuyên dương là đảo anh hùng.
Đến đảo Cồn Cỏ hôm nay, du khách được thăm và hoài niệm về những năm tháng chiến đấu anh dũng của quân dân Quảng Trị trên đảo Cồn Cỏ anh hùng, thấy được sức sống mới của đảo với nhiều cảnh đẹp làm say đắm lòng người.
NHÀ THỜ LA VANG
          Nhà thờ La Vang thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, cách thành phố Đông Hà 16km về phía Tây Nam. Tương truyền vào tháng 08/1798 (triều vua Cảnh Thịnh) có lệnh cấm đạo, truy sát giáo dân, đồng bào tôn giáo chạy trốn tới La Vang và được Đức Mẹ Đồng Trinh Maria hiện hình nơi đám cỏ bên ba gốc đa to để “cứu rỗi những linh hồn vướng nạn”. Sau đó nhà thờ La Vang được xây dựng vào những năm đầu của triều vua Minh Mạng để làm nơi “cứu rỗi linh hồn” của giáo dân và ghi nhớ nơi Đức Mẹ hiện hình. Từ năm 1886 đến năm 1900 nhà thờ được xây dựng lại khang trang hơn, và đến năm 1961 nhà thờ La Vang được giáo hội Thiên chúa giáo chính thức công nhận là “Vương cung Thánh đường”. Hàng năm, vào trung tuần tháng 8, cộng đồng giáo dân khắp nơi hành hương về đây tham gia lễ hội và cầu nguyện.
TỔ ĐÌNH SẮC TỨ
Tổ Đình Sắc Tứ có tên gọi khác là Tịnh Quang tự, tọa lạc tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, cách Quốc lộ 1A  gần 1 km về phía Tây. Chùa được xây dựng vào năm 1739 đời vua Lê Ý Tông với tên gọi là Am Tịnh Độ, được trùng tu vào năm 1941 và xây dựng lại vào năm 1975. Trải qua hơn 250 năm tồn tại, biết bao thăng trầm của lịch sử đã làm chùa thay đổi khá nhiều nhưng vẫn khẳng định được tầm quan trọng bằng cội nguồn nhân bản truyền thống của đất và người Quảng Trị. Trong chùa hiện vẫn còn lưu giữ một hiện vật có giá trị nghệ thuật cao là pho tượng Đức Phật A Di Đà.
Tổ Đình Sắc Tứ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhân là di tích cấp Quốc gia năm 1991.
Nguồn: Du lịch Quảng Trị



Những ngày đáng nhớ trong tháng 5:
- 01/5/1886: Kỷ niệm Ngày quốc tế Lao động
- 07/5/1954: Kỷ niệm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ
- 09/5/1945: Kỷ niệm Ngày Chiến thắng chủ nghĩa Phát –xít
- 15/5/1941: Kỷ niệm Ngày thành lập Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh
- 19/5/1890: Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- 19/5/1941: Kỷ niệm Ngày thành lập mặt trận Việt Minh
-------------------

07/5/1954: Chiến thắng Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ớ phía Tây vùng rừng núi phía Bắc. Đây là một căn cứ quân sự rất thuận lợi. Thực dân Pháp đã lấy căn cứ này chiến lược cơ động.
Trong chiến dịch Thu Đông năm 1953- 1954, lực lượng địch tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 03 tiểu đoàn công binh, 01 đại đội xe tăng, 01 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và một phi đội không quân thường trực 14 chiếc. Số quân lính địch là 16.200 tên, chúng bố trí 49 cứ điểm thành 08 cụm, mỗi cụm là một hệ thống hoả lực nhiều tầng. 08 cụm cứ điểm chia làm 03 phân khu, phân khu trung tâm gồm 2/3 lực lương ở ngay giữa Mườn Thanh. Sau 05 ngày chiến đấu ta đã tiêu diệt gọn 02 cứ điểm kiên cố vào bậc nhất là Him Lam va Độc Lập, sau đó làm tan rã thêm 01 tiểu đoàn địch và tiêu diệt tiểu đoàn Bản Kéo, ta diệt và bắt sống 2.000 tên địch, 26 máy bay bị phá huỷ, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, uy hiếp sân bay Mường Thanh.
 17h30’ ngày 30/4/1954, ta mở đợt tấn công thứ 02. Cuộc chiến trên đồi A1 diễn ra hết sức gay go, ác liệt. Hai bên giằng co từng tất đất. Đến ngày 4/4 mỗi bên chiếm giữ một nửa đồi A1.
Đánh vào khu Đông ta diệt 2.500 tên địch, chiếm lĩnh phần lớn các cao điểm. Quân đội viễn chinh Pháp đã tập trung hầu hết máy bay chiến đấu, máy bay vận tải ở Đông Dương cho mặt trận. Đế quốc Mỹ chi viện cho thực dân Pháp gần 100 máy bay oanh tạc chiến đấu và gần 50 máy bay vận tải; đồng thời tổ chức diễn tập “đổ bộ ào ạt vào Đông Dương”.
 Đêm 01/5/1954 ta mở đợt tấn công thứ 03, quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại phía Đông và phía Tây, bẻ gãy cuộc phản kích của địch. Đêm 03/5/1954, bộ đội ta chỉ cách sở chỉ huy của địch 300m.
17h30’ ngày 07/5/1954, những trận pháo kích của bộ đội ta nhắm thẳng vào sở chỉ huy địch. Tướng Đờ-cat-tơ-ri và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm của địch bị bắt sống. Gần 01 vạn quân địch nhảy ra khỏi hầm xin hàng. Đêm đó ta tấn công bắt sống toàn bộ quân địch ở phân khu Nam.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho xăng, đạn dược, quân trang quân dụng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi chín năm kháng chiến chống Pháp xâm lược. “Đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (Lê Duẩn). 

15/5/1941: Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh 
Từ năm 1925, sau khi sáng lập ra Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí hội - tiền thân của Đảng, Bác Hồ đã chỉ thị về nước, lựa chọn một số thanh niên ưu tú đưa ra nước ngoài đào tạo. Trong số 08 thanh thiếu niên lúc đó được Bác Hồ đích thân dạy dỗ có Lý Tự Trọng. Sau này anh đã hi sinh vì sự nghiệp cách mạng. Khi sáng lập ra tổ chức Đoàn, Đảng đã giao trách nhiệm lịch sử cho Đoàn trực tiếp phụ trách chỉ đạo các tổ chức thiếu niên, nhi đồng.
Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng Sản Đông Dương lần I (tháng 01/1935) ghi rõ: “Đoàn phụ trách tổ chức Hồng nhi đoàn, chỗ nào có chi bộ, Đoàn phải lập ra Hồng nhi đoàn, những đoàn viên dưới 16 tuổi nhất luận phải đưa qua Hồng nhi đoàn”.
Ngày 08/02/1941 sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, Bác Hồ đã về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941 hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 đã họp và ra nghị quyết quan trọng đến vận mệnh nước nhà. Hội nghị đã chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh bao gồm nhiều tổ chức yêu nước.
Ngày 15/5/1942, theo chỉ đạo của Đảng, tổ chức Đội Thiếu Niên Tiền Phong và Đội Nhi Đồng cứu quốc đã được thành lập tại vùng Pắc Pó (Cao Bằng) do Đoàn Thanh Niên Cứu Quốc (nay là Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh) trực tiếp phụ trách. Ngày 15/5/1941 đã được ban chấp hành Trung ương Đảng đồng ý lấy ngày chính thức thành lập Đội.
Từ ngày thành lập đến nay, Đội đã qua nhiều lần đổi tên. Sự kiện đổi tên có ý nghĩa nhất là sau khi Chủ Tịch Hồ Chí Minh qua đời, thiếu nhi cả nước, Ban chấp hành Trung ương Đảng trong phiên họp ngày 30/01/1970 đã cho phép Đoàn Thanh niên, Đội thiếu niên được mang tên Bác.

19/5/1941 thành lập mặt trận việt minh
Tháng 5 năm 1941, trước những thay đổi mạnh mẽ của tình hình trong nước và những biến động to lớn trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng ở Khuổi Nậm, Pác Bó (Cao Bằng) quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng - khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu đó, Hội nghị đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới… tham gia Mặt trận. 
Có thể nói, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh là một chủ trương hết sức sáng suốt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Nhận định về tình hình cách mạng nước ta lúc đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, đòi hỏi Đảng ta phải tập hợp, đoàn kết được mọi lực lượng trong xã hội, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc vào một mặt trận dân tộc thống nhất. Ngày 19/5/1941, Mặt trân Việt Minh đã ra đời. Điều lệ của Mặt trận Việt Minh ghi rõ: liên hiệp tất cả các tầng lớp Nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước. Kết nạp từng đoàn thể không cứ đảng phái, đoàn thể nào của người Việt Nam hay của các dân tộc thiểu số sống trong nước Việt Nam, không phân biệt giai cấp, tôn giáo và xu hướng chính trị, để cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. 
Với Cương lĩnh chính trị đúng đắn của mình, chỉ sau một thời gian ngắn, Mặt trận Việt Minh đã phát triển nhanh chóng, từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, thu hút đông đảo các giai tầng xã hội tham gia Mặt trận và đã góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945. 
Mặt trận Việt Minh đã trở thành biểu tượng sáng ngời của khối đại đoàn kết toàn dân, của tư tưởng Hồ Chí Minh về Mặt trận dân tộc thống nhất và để lại cho Đảng ta những bài học quý báu, được Đảng ta vận dụng một cách linh hoạt, hiệu quả trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua hoạt động của Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (1946), Mặt trận Liên- Việt (1951), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960) và Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình miền Nam Việt Nam (1969)… 
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hôm nay, vấn đề đại đoàn kết toàn dân vẫn là một vấn đề mang tính thời sự và có ý nghĩa vô cùng to lớn. Báo cáo của Ban Chấp hành Trưng ương Đảng khoá IX tại Đại hội X của Đảng đã khẳng định: Đại đoàn kết các dân tộc cần lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và đồng bào ta định cư ở nước ngoài; xoá bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp; tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích dân tộc; đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, giữ gìn sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội vì tương lai tươi sáng của dân tộc. 
Với chính sách đúng đắn đó, chúng ta tin tưởng rằng, khối đại đoàn kết toàn dân, mà nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ ngày càng được tăng cường và củng cố nhằm tập hợp, động viên mọi tầng lớp Nhân dân Việt Nam, phát huy mọi nguồn lực để chiến thắng đói nghèo và lạc hậu, phấn đấu thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2006- 2010, để sớm đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển trước những khó khăn và thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

  • 13/KH-BCĐ

    Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ XXV - năm 2023 (16/01/2023)

  • Số 272-KHPH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức tình nguyện mùa Đông 2021, Xuân tình nguyện 2022 (13/01/2022)

  • Dự thảo

    Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (28/01/2022)

  • 519-BC/TĐTN-TTNTH

    Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 133 về thực hiện CTHĐ quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (06/12/2021)

  • Số 23-CTr/TĐTN-VP

    Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 (20/01/2022)

Đang truy cập: 667

Hôm nay: 43

Tổng lượt truy cập: 613,757

Liên hệ Facebook Đăng nhập