“Trần Quốc Toản” là một trong những phong trào lớn của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, tạo nên sự lan tỏa rộng lớn trong xã hội. Phong trào được triển khai thực hiện theo đề xướng của Bác Hồ.
Tháng 2 năm 1948, xuất phát từ thực tế của cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã viết thư cho thiếu nhi: “Qua năm mới, Bác đề nghị các cháu làm một việc là các cháu tổ chức những Đội Trần Quốc Toản để đi đánh giặc và lập được nhiều chiến công nhưng mà cốt để tham gia kháng chiến bằng cách giúp đỡ đồng bào”. “Từ 5 đến 10 cháu tổ chức thành một Đội giúp nhau học hành, khi học rảnh, mỗi tuần mấy lần cả đội đem nhau đi giúp đồng bào, trước giúp các nhà chiến sĩ, thương binh, lần lượt giúp những nhà ít người. Sức các cháu làm được việc gì thì giúp việc ấy. Thí dụ quét nhà, gánh nước, lấy củi, giữ em, dạy chữ quốc ngữ, giúp đỡ đồng bào tham gia kháng chiến”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ,
phong trào Trần Quốc Toản được chính thức phát động tại trường THCS Hợp Đức huyện
Tân Yên, tỉnh Hà Bắc (nay là xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Mỗi
nhóm thiếu nhi có từ 3 đến 7 em, thực hiện những việc làm nhỏ bé của mình như
quét sân, quét nhà, gánh nước, kiếm củi, nấu cơm, đón em ở nhà trẻ, rồi những
việc lớn hơn như xay thóc, giã gạo, tát nước, gặt lúa, đập lúa, vận chuyển gạch
ngói... Với khẩu hiệu đề ra “Tháng thăm một lần, tuần làm một việc”, trong mỗi
tháng các em tới thăm gia đình một lần để nắm bắt hoàn cảnh và những việc cần
giúp đỡ. Và mỗi tuần mỗi em làm ít nhất một việc để giúp đỡ các gia đình chính
sách, gia đình thương binh, liệt sỹ... Những việc làm nhỏ bé ấy đã làm yên lòng
các chiến sĩ nơi tiền tuyến, làm ấm lòng những người mẹ, người vợ ở hậu phương.
Từng nhóm một tùy theo sức lực của mình mà theo dõi các gia đình thương binh,
liệt sĩ, xem cần công việc gì thì "bí mật" giúp đỡ việc đó. Thấy sân
bẩn thì các em quét sân, thấy chum thiếu nước thì các em đi gánh nước, thấy nhà
thiếu củi thì các em đi kiếm củi kín đáo cất vào bếp, thấy ruộng cạn nước các
em liền vác gầu đi tát nước. Từng gia đình liệt sĩ, thương binh đều lần lượt được
hưởng những giây phút ngạc nhiên thú vị. Gia đình nào cũng cũng cảm thấy như có
cô Tấm từ trong truyện cổ tích bước ra.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp
và chống Mỹ cứu nước, phong trào Trần Quốc Toản đã hoạt động hết sức thiết thực.
Những đội viên thiếu niên, nhi đồng khi tham gia công tác Trần Quốc Toản thường
tổ chức thực hiện theo các chủ đề sinh động như: “Uống nước nhớ nguồn”, “Tháng
đền ơn đáp nghĩa”, “Tháng thăm một lần, tuần làm một việc”… Phong trào Trần quốc
Toản phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Tính sơ bộ, trong thời kì kháng chiến chống
Pháp, các em thiếu niên, nhi đồng đã giúp đỡ gia đình thương binh liệt sĩ
27.192 công lao động gồm tát nước, gánh phân, làm cỏ, xay lúa, giã gạo, chăn
trâu bò... Nhờ các việc làm này mà nhiều gia đình chính sách thấy ấm lòng. Sau
ngày đất nước thống nhất, phong trào Trần Quốc Toản vẫn tiếp tục phát triển mạnh
mẽ.
Ngày nay, phong trào Trần Quốc Toản được phát triển với nhiều hình thức phong phú như: “Đi tìm địa chỉ đỏ”, “Áo lụa tặng bà”, “Những viên gạch hồng”...
Để phong trào đi sâu vào nhận thức
thanh thiếu nhi, các cấp bộ Đoàn thanh niên đã thường xuyên tổ chức các buổi
tuyên truyền sâu rộng về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với
thương bệnh binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Các hoạt động được đa dạng
hoá về hình thức và có chất lượng, đi vào từng đối tượng chính sách cụ thể,
thông qua các buổi toạ đàm, gặp mặt truyền thống, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử.
Phong trào Trần Quốc Toản triển khai đến cơ sở đều được cụ thể hoá bằng những
hoạt động phù hợp với tình hình của địa phương vầ được các liên đội thiếu niên,
nhi đồng trong cả nước hưởng ứng mạnh mẽ. Thanh thiếu nhi thường xuyên đến chăm
sóc mộ liệt sĩ, đến các gia đình thương bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng để
tìm hiểu truyền thống yêu nước của gia đình, đồng thời đóng góp ngày công, giúp
đỡ bằng những việc làm phù hợp và thiết thực.
Phong trào “Hành trình về với cội nguồn”
phát động các em thiếu nhi thi đua học tập tấm gương anh hùng, liệt sĩ tại địa
phương, nêu gương sáng trong phong trào bảo vệ Tổ quốc, xung kích vì cộng đồng.
Phong trào đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được triển khai mạnh mẽ với các hoạt động
hỗ trợ, giúp đỡ, động viên các đối tượng chính sách. Nhân dịp 27-7, Hội đồng Đội
các cấp tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình
thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; thăm hỏi động viên con em thương binh, liệt
sĩ... Ngoài thăm hỏi, tặng quà, Hội đồng Đội các cấp còn đẩy mạnh tuyên truyền,
giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm
của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đền ơn đáp nghĩa là
một trong những hoạt động hết sức tốt đẹp của thiếu nhi cả nước nhằm chung tay
cùng cộng đồng góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh, giúp các gia đình có
công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ, các cựu thanh niên xung
phong... có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phong trào Trần Quốc Toản đã phát huy
truyền thống “Tương thân tương ái”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Phong
trào này thích hợp với lứa tuổi và điều kiện sinh hoạt của thiếu niên, nhi đồng,
tạo nên niềm vui của tuổi thơ được góp phần thiết thực vào cuộc kháng chiến;
giúp tổ chức Đội ngày càng trưởng thành hơn. Phong trào Trần Quốc Toản đã trở
thành một nội dung công tác lâu dài của Đội, gắn bó mãi với lịch sử và hoạt động
của Đội ta.
Từ khi ra đời đến nay, phong trào Trần
Quốc Toản không ngừng phát triển và đóng góp nhiều thành tích, công sức, vật chất
và tinh thần đáng tự hào vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Theo website của Hội đồng Đội Trung ương
Đang truy cập: 289
Hôm nay: 1,251
Tổng lượt truy cập: 838,278