Thầy giáo trẻ mang quân hàm xanh

Dù nhiệm vụ chính là bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia nhưng với các chiến sĩ biên phòng, họ luôn sẵn sàng mang tri thức đến với trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí cho cộng đồng dân cư ở những vùng còn nhiều khó khăn, gian khổ.




Anh Nguyễn Văn Anh trao tiền hỗ trợ cho em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

 

“Từ trước đến nay chỉ quen làm nhiệm vụ chính trị chuyên môn là bảo vệ an ninh biên giới, vì vậy lúc đầu trực tiếp kèm cặp các em học chữ, bản thân tôi không khỏi cảm giác bỡ ngỡ” đồng chí Nguyễn Văn Anh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay chia sẻ.

 

Trong thời gian quân ngũ, nhận thấy trên địa bàn đơn vị đóng quân và tại các xã vùng biên của huyện Đakrông, đa phần các em nhỏ đều là người đồng bào dân tộc Vân Kiều, trình độ học vấn còn thấp, kiến thức, hiểu biết còn nhiều hạn chế, trong quá trình công tác và khảo sát thực tế địa bàn, anh Nguyễn Văn Anh đã chủ động tìm hiểu, nắm rõ số lượng, tình hình của các em học sinh cần được hỗ trợ để tham mưu cấp ủy, nhà trường nhận đỡ đầu, kèm cặp.

 

Từ đây, trên cương vị Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Nguyễn Văn Anh nhận kèm cặp cho 3 em nhỏ (trong đó 2 em là người đồng bào dân tộc Vân Kiều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 1 em người Lào).

 

Nguyễn Văn Anh bộc bạch: “Bước đầu kèm cặp các em nhỏ học bài, bản thân tôi gặp khá nhiều khó khăn do bất đồng trong ngôn ngữ và giao tiếp (đối với em học sinh người Lào), các em nhỏ ở đây chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học chữ nên thường xuyên bỏ lớp, bỏ trường để vui chơi hoặc ở nhà làm nương rẫy. Bên cạnh đó, thời gian để tôi trực tiếp sát cánh cùng các em hầu như chỉ có buổi tối và ngày cuối tuần. Có những sáng thầy cô không thấy các em đến lớp thì liên hệ với tôi, tôi phải đi khắp nơi tìm kiếm và đưa các em đến trường”.

 

Khó khăn, gian nan là vậy nhưng người thầy giáo mang quân hàm xanh ấy vẫn luôn bền chí, bền lòng đối với sự nghiệp “gieo chữ” ở vùng cao. Có những đêm mưa rét, sương giá nơi vùng cao ùa về nhưng thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Anh vẫn kiên trì, miệt mài với ánh đèn bên bàn học của các em nhỏ.

 

Anh Anh cho biết: “Đôi lúc buổi tối về kiểm tra lại bài vở trên lớp, thấy ngày hôm ấy các em học hành không chăm chỉ, kiến thức tiếp thu không được nhiều, tôi rất buồn. Nhưng chính cái buồn ấy lại là động lực thôi thúc tôi kiên trì, nhẫn nại hơn với việc dạy chữ cho các em. Mỗi sự tiến bộ, mỗi phần kiến thức các em được mở mang là niềm vui, là món quà quý giá nhất mà tôi nhận được”.

 

Không phụ tâm huyết của người thầy giáo trẻ, các em nhỏ sau hơn một năm được anh Anh chỉ dẫn, kèm cặp đã có nhiều tiến bộ rõ rệt trong học tập, trong đó 1 em từ học lực khá vươn lên đạt danh hiệu học sinh giỏi, một em từ học lực trung bình đã vươn lên xếp loại khá trong năm học 2016-2017. “Từ nhỏ em đã mồ côi cha, mẹ cũng sớm bỏ đi lập nghiệp nên hai chị em sống với bà ngoại. Hoàn cảnh khó khăn, đã có lúc em nghĩ tới việc nghỉ học để phụ giúp bà làm nương rẫy nhưng thầy Anh đã khuyên bảo em chăm chỉ học tập, chỉ có học tập mới có thể giúp bà cháu em thực sự thoát nghèo”, em Hồ Văn Ngân ở thôn A Bung, xã A Bung, huyện Đakrông chia sẻ.

 

Các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đi học của Nguyễn Văn Anh và các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng là những hành động thiết thực hưởng ứng chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động. Theo đó, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh, các chiến sĩ biên phòng đã nhận đỡ đầu 74 em học sinh (trong đó có 64 học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 10 em học sinh người Lào) với mức hỗ trợ mỗi em 500.000 đồng/tháng, tạo điều kiện để các em có điều kiện học tập tốt hơn, tiếp tục cắp sách đến trường.

 

Không chỉ hỗ trợ kinh phí theo chương trình cho các em học sinh nghèo vượt khó, hàng năm mỗi dịp chuẩn bị bước vào năm học mới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay nói riêng và các đồn biên phòng trong toàn tỉnh nói chung còn cử cán bộ, chiến sĩ xuống các trường học trên địa bàn phụ trách để tặng sách, vở, quần áo, đồ dùng học tập... cho các em học sinh, động viên thầy và trò trong dạy và học.

 

Đây là sự động viên, khích lệ rất lớn để các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới được đến trường, mở ra một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn cho những học sinh nghèo hiếu học vùng biên. Nguyễn Văn Anh và rất nhiều thầy giáo trẻ mang quân hàm xanh khác là những tấm gương sáng về tình yêu thương con người, là minh chứng cho sự gắn kết “tình quân dân như cá với nước”.

 

Những người thầy mang quân hàm xanh ấy đã kế thừa, phát huy truyền thống và bản chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần nâng cao uy tín của cán bộ, chiến sĩ với người dân ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo. Họ không chỉ là người lính bảo vệ biên cương Tổ quốc mà còn là những người thầy đóng góp tích cực cho sự phát triển của giáo dục nơi vùng biên, cho sự vun trồng, phát triển thế hệ tương lai của đất nước.

Thúy An

 

  • 13/KH-BCĐ

    Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ XXV - năm 2023 (16/01/2023)

  • Số 272-KHPH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức tình nguyện mùa Đông 2021, Xuân tình nguyện 2022 (13/01/2022)

  • Dự thảo

    Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (28/01/2022)

  • 519-BC/TĐTN-TTNTH

    Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 133 về thực hiện CTHĐ quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (06/12/2021)

  • Số 23-CTr/TĐTN-VP

    Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 (20/01/2022)

Đang truy cập: 598

Hôm nay: 1,655

Tổng lượt truy cập: 612,076

Liên hệ Facebook Đăng nhập