Bên bếp lửa hồng, nhiều năm nay, người dân thôn A La, xã A Ngo, huyện Đakrông (Quảng Trị) vẫn truyền tai nhau chiến tích bắn rơi trực thăng Mỹ của một cậu bé Pa Kô mới 12 tuổi. Chúng tôi đã tìm đến nơi khởi đầu câu chuyện để gặp những chứng nhân bằng xương, bằng thịt.
Lập chiến công ở tuổi 12
Chúng tôi ngược lên miền núi rừng phía tây tỉnh Quảng Trị
trong một ngày nắng đổ lửa giữa tháng ba. Cô chuyên viên Tỉnh đoàn Nguyễn Thị
Thu Hà khẽ xuýt xoa vì cái nóng nhưng gương mặt vẫn vẹn nguyên nụ cười. Vốn
thích tìm hiểu lịch sử truyền thống của Đoàn - Đội, Hà rất hào hứng khi nghe kể
về tấm gương Hồ Văn Pôi bắn rơi trực thăng Mỹ.
Những bạn trẻ hôm nay cần được truyền lửa từ câu chuyện chiến
công của cậu bé Hồ Văn Pôi
Xe tới trụ sở UBND xã A Ngo, chúng tôi gặp anh Hồ Văn Púi, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã. Vừa nhắc đến tên ông Hồ Văn Pôi, gương mặt anh Púi như giãn ra. Anh nói: “Mình cứ tưởng chỉ người dân thôn A La, rộng hơn chút nữa là một số bà con ở xã A Ngo, Tà Rụt, A Bung biết câu chuyện này thôi. Không ngờ có cán bộ miền xuôi được nghe kể và lên tận đây để tìm hiểu !”. Rót chén trà mời khách, anh Púi trầm ngâm cho biết, nhân vật chính trong câu chuyện mà chúng tôi đề cập là ông Hồ Văn Pôi, sinh năm 1957, ở thôn A La. Điều đáng tiếc là ông Pôi đã mất cách đây tầm 5 năm do tuổi cao, sức yếu. Anh Hồ Văn Púi chia sẻ: “Ở xã A Ngo, khá nhiều người cao tuổi biết rõ chiến công của ông Pôi. Trong số đó, ông Kôn Púi, Hồ Văn Viêng, Hồ Văn Pó… thường xuyên kể lại câu chuyện cho con cháu. Thế nhưng, để biết thông tin chính xác nhất thì phải gặp ông Hồ Văn Pen, anh trai của ông Pôi”.
Ngôi nhà sàn của ông Hồ Văn Pen nhỏ bé, bạc phếch màu thời
gian. Mới gặp ông, thoáng nhìn gương mặt phúc hậu, chúng tôi đã cảm thấy tin tưởng.
Khi nghe nhắc đến tên người em trai, mắt ông Pen như sáng lên. Ông kể, chuyện Hồ
Văn Pôi bắn rơi trực thăng Mỹ diễn ra vào năm 1969. Bấy giờ, giặc Mỹ điên cuồng
bắn phá núi rừng miền Tây. Gần một nửa người dân thôn A La ngã xuống dưới họng
súng quân thù. Hình ảnh bản làng ngập chìm trong khói lửa, đâu đâu cũng vang tiếng
khóc khiến cậu bé Hồ Văn Pôi đứng ngồi không yên. Cùng gia đình và các chiến sĩ
cách mạng ẩn nấp dưới hầm, nhiều lần Pôi thấy trực thăng Mỹ rà sát mặt đất để bắn
phá. Cậu bé vốn nổi tiếng thông minh, gan dạ hỏi mọi người, tại sao không bắn
rơi chúng? Đáp lại lời của Pôi là những cái lắc đầu. Ai cũng bảo: “Con chim sắt
ấy không chết được đâu!”.
Một lần, thấy trực thăng địch rà sát hầm, trống ngực của Hồ
Văn Pôi đập thình thịch. Cậu tự nhủ thời cơ đã đến và chụp lấy khẩu súng của du
kích xã. Khi bị ngăn cản, Pôi khẳng khái bảo: “Tiêu diệt kẻ thù là việc của tất
cả mọi người. Anh chị, chú bác làm được thì cháu cũng làm được”. Ít ai ngờ,
trong chớp mắt, cậu bé mới 12 tuổi đã bắn trúng mục tiêu, làm chiếc trực thăng
quay mòng mòng, rồi rơi xuống đất. Sau phút ngạc nhiên, các chiến sĩ cách mạng
và người dân thôn A La như vỡ òa trong tiếng reo hò. Sau này, Hồ Văn Pôi còn bắn
rơi chiếc trực thăng thứ hai tại xã Ba Nang.
Câu chuyện cậu bé 12 tuổi - Hồ Văn Pôi bắn rơi trực thăng Mỹ
nhanh chóng lan truyền đến các bản làng xa gần. Từ đây, dân bản không còn e ngại
trước súng ống kẻ thù nữa. Họ động viên nhau tích cực đánh giặc và giúp đỡ bộ đội.
Ai cũng mong muốn lập được kỳ tích như cậu bé Pôi. Được biết,
với chiến công bắn hạ trực thăng Mỹ, Hồ Văn Pôi đã góp mặt tại Đại hội Thiếu
nhi thần đồng tỉnh Quảng Trị năm 1974. Bên cạnh đó, cậu bé người Pa Kô còn được
trao tặng Huân chương Kháng chiến. Sau khi hòa bình lập lại, Hồ Văn Pôi được tạo
điều kiện đi học và về công tác tại Bưu điện Nam Hướng Hóa.
Không thể lãng quên
Chúng tôi đã tìm gặp nhiều người có uy tín ở hai huyện Hướng
Hóa và Đakrông để tìm hiểu rõ hơn về chiến công của ông Hồ Văn Pôi. Thế nhưng,
số người biết thông tin không nhiều. Điện cho Nghệ nhân Kray Sức, ông khẩn khoản
đề nghị gác máy để dành ít thời gian lục tìm kýức. Gần một tiếng sau, người nổi
tiếng chuyên sưu tầm về lịch sử, văn hóa, truyền thống của đồng bào Pa Kô liên
lạc lại, nói như reo: “Đúng rồi! Đúng là Hồ Văn Pôi bắn rơi trực thăng giặc Mỹ.
Tôi từng nghe một giáo viên công tác lâu năm kể lại, lâu ngày nên quên mất. Ông
Pôi mất rồi nhưng nhà vẫn còn ở thôn A La”. Xoay quanh câu chuyện về chiến công
của Hồ Văn Pôi, bà Hồ Thị Hồng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đakrông cũng chia sẻ
nỗi trăn trở. Trước đây, bà Hồng từng có nhiều chuyến công tác ở xã A Ngo, gặp
gỡ và trò chuyện với các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Bấy giờ, bà Hồng
thường nghe mọi người kể chuyện về một cậu bé người Pa Kô bắn rơi máy bay Mỹ.
Thế nhưng, vì quá bận rộn với công việc, bà Hồng không có thời gian để tìm hiểu
rõ. Đến giờ, khi đã nghỉ hưu, bà vẫn canh cánh trong lòng. “Một tấm gương thiếu
nhi dũng cảm, một chiến công đặc biệt như thế đáng được tôn vinh”, bà Hồng khẳng
định.
Lâu nay, chiến công của ông Hồ Văn Pôi chủ yếu được các già
làng, trưởng bản, người có uy tín ở thôn A La và họ hàng, dòng tộc biết rõ. Đi
qua nhiều bản làng, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử và cả những người chưa rõ câu
chuyện cậu bé Pa Kô bắn rơi trực thăng Mỹ, đến đâu chúng tôi cũng nhận được những
lời gửi gắm. Với các cư dân miền núi rừng phía tây tỉnh Quảng Trị, ông Hồ Văn
Pôi xứng đáng đại diện cho những người mang họ Hồ luôn kiên trung có nhiều
thành tích trong chiến đấu chống kẻ thù, xứng đáng để con cháu noi theo. Nói
như ông Kray Sức: “Chúng ta cần những Hồ Văn Pôi của thời bình. Đó là các cậu
bé tuổi 12 giàu lòng yêu nước, luôn hướng trái tim về bản làng và biết phấn đấu
vì một tương lai tốt đẹp”.
Rời xã A Ngo, chúng tôi gặp anh Hồ Văn Long. Người Bí thư xã
đoàn nhiều năm kinh nghiệm bộc bạch, các bạn trẻ ngày nay luôn cần những hình mẫu
đẹp, gần gũi để noi gương. Từng nghe bà nội kể về ông Hồ Văn Pôi, anh Long đã
chia sẻ với một số thanh thiếu niên trong xã. Điều đặc biệt là ai cũng ngạc
nhiên, chăm chú lắng nghe và muốn tìm hiểu. “Nếu được ghi lại cụ thể trên sách
báo, tài liệu Đoàn - Đội, kỳ tích của ông Hồ Văn Pôi sẽ trở thành bài học truyền
thống quýgiá. Mình cũng rất mong muốn ngôi nhà cũ của ông Pôi hoặc nơi ông từng
bắn rơi máy bay được gắn một bia đá để mọi người đều biết đến chiến công này”,
anh Long nói.
QUANG HIỆP- THU HÀ (TA)
Đang truy cập: 7
Hôm nay: 406
Tổng lượt truy cập: 916,159