Hơn cả giấc mơ

 Đã có lúc anh muốn buông xuôi tất cả, mặc cuộc sống ra sao thì ra, đó là khi anh ý thức được rằng chân trái khuyết tật bẩm sinh không thể đưa anh đến trường cùng bạn bè mỗi ngày. Đã có lúc bà Dương Thị Vinh, mẹ anh, ngửa mặt kêu trời, rằng chỉ mong trời cho sức khỏe để sống mà làm lụng nuôi con chứ chẳng mong nó làm được gì. Ấy vậy mà anh vẫn sống, không chỉ kiếm được miếng cơm qua ngày mà còn trở nên giàu có. 36 tuổi đời, anh làm được những điều mà ngay cả những người lành lặn cũng không mấy ai làm được... 

Tin Lê Văn Trung, tên chàng trai ấy, vinh dự là một trong hai người khuyết tật của Quảng Trị được tuyên dương tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2010 - 2012 đã thôi thúc chúng tôi tìm về thôn Thủy Ba Đông (xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, Quảng Trị), dẫu chỉ để nói với anh một lời chúc mừng và để thêm một lần nhắc nhủ mình cần phải phấn đấu nhiều hơn trong cuộc đời. Ấy vậy mà người dân Vĩnh Thủy quê anh lại tỏ ra khá thờ ơ với thông tin ấy, hỏi, nhiều người cười xòa: “Ôi dào, thằng Trung không được tuyên dương mới là lạ, có gì đáng ngạc nhiên đâu”. Một sự thờ ơ rất đáng tự hào. 

Không được đào tạo qua bất kỳ một trường lớp chính quy nào nhưng Lê Văn Trung vẫn có thể điều khiển và sửa chữa các loại máy móc cơ giới

“Học chưa xong lớp 6 thì tôi nghỉ, không phải vì nhà không đủ điều kiện mà vì chiếc chân trái khuyết tật khiến tôi chưa bao giờ đến lớp đúng giờ. Hồi đó, đường đất đỏ gập ghềnh, mùa mưa thì nhão nhoét, mùa nắng bụi bay mù trời, hôm nào có bạn mang hộ cặp sách và dìu đi thì còn đỡ, không có bạn tôi phải một mình kéo lê chiếc cặp sách và chiếc chân trái teo tóp đến trường, mất mấy giờ đồng hồ lê lết như thế, đến được trường thì áo quần, sách vở lấm lem bùn đất. Khổ quá, tôi đành ở nhà khi chưa kịp học xong chương trình lớp 6. Tôi đã khóc, bởi ngay cả việc đi học cũng không làm được thì còn có thể làm gì?”, Trung bắt đầu câu chuyện đời mình như thế. 
Nhưng Trung không gục ngã. Không đi học, anh ở nhà bắt đầu hành trình vượt qua số phận bằng việc... chăn bò và âm thầm tập luyện chiếc chân trái của mình. Trên bờ ruộng mỗi ngày theo bò ra đồng hay trên giường ngủ hàng đêm khi mọi người đã ngủ say, Trung một mình âm thầm nghiến răng tập luyện. Ròng rã mấy năm trời như thế, khi chiếc chân trái có thể khập khiễng đi lại được, Trung quyết định đi làm thuê để tự nuôi thân, làm bất cứ việc gì, miễn có người chịu thuê và kiếm được tiền. 
Bà Vinh cười buồn: “Thương con đứt ruột nhưng chẳng biết làm sao, thôi thì số nó sinh ra đã khổ, giờ kiếm được miếng cơm ăn cũng mừng, mình có sống được mãi mà nuôi con đâu”. 
10 năm đi làm thuê làm mướn, một hôm Trung về nói với mẹ rằng: “Làm thuê khổ lắm, mình tàn tật thế này, người ta thuê mình chủ yếu vì lòng thương hại. Con không đi làm thuê nữa, quê mình trồng lúa nhiều, mẹ vay cho con ít tiền, con mua máy xay xát và nuôi lợn, kiểu gì cũng kiếm được miếng ăn”. 
Lần này thì bà Vinh thực sự phấn khởi, xay gạo, nuôi lợn là những việc không quá vất vả, lại ít đi lại nên rất hợp với Trung. Ngay hôm sau, bà chạy vạy vay được của bà con, làng xóm 10 triệu đồng mua cho Trung một chiếc máy xay xát và đôi lợn... 
Công việc đang tiến triển tốt thì một hôm Trung lại nói với mẹ: “Xay gạo và nuôi lợn chỉ đủ ăn thôi chứ không khá lên được, con muốn mua máy cày. Quê mình đồng ruộng cò bay thẳng cánh, sắm máy cày nhất định thắng lợi”. 
Bà Vinh khuyên con: “Thôi con ạ, mẹ chỉ mong con kiếm được ngày ba bữa cơm là mẹ vui rồi, chân con khuyết tật thế kia làm sao cày ruộng được, hơn nữa nhà mình cũng đâu có nhiều tiền”. 
Trung nói chắc nịch: “Con làm được. Mẹ mua cho con chiếc máy cày cũ, con vừa sử dụng vừa sửa dần”... 
Cho đến tận bây giờ, những thợ lái máy cày ở Vĩnh Thủy vẫn nhắc đến Lê Văn Trung một cách hài hước pha lẫn thán phục, rằng anh là người cày ruộng duy nhất chân... không lấm bùn. Ấy là vì chân bị tật nên không thể lội xuống ruộng được, thành ra mỗi buổi sáng, Trung leo từ thềm nhà lên máy cày rồi chạy một mạch ra ruộng, gặp bờ băng bờ, gặp hố vượt hố, cày xong lại chạy một mạch về nhà mới leo xuống. 
Trung cười: “Bí quá mới phải làm như thế, nhưng cũng phải có chút liều mới được”. 
Ông Lê Văn Việt, bố Trung, trìu mến nhìn con: “Cả đời vợ chồng tôi đến khổ vì lo cho nó. Ngày xưa thì lo nó không nuôi nổi thân mình, đến khi có được chiếc máy xay xát, máy cày thì lại lo sức khỏe nó không kham nổi. Vậy mà đã xong đâu, có máy cày rồi nó lại đòi mua thêm xe công nông, rồi máy xúc, rồi ô tô, rồi máy ủi, mỗi lần nó đi nhận công trình là vợ chồng tôi ngồi lo ngay ngáy, sợ nó ham việc mà đổ bệnh thì khổ”. 

Có trong tay nhiều loại máy móc đắt tiền nhưng Trung vẫn chưa cho phép mình tự hài lòng với những gì đang có


Năm 2000, Trung tiếp tục mua cho mình một chiếc xe công nông để làm dịch vụ cho bà con quanh vùng. Tuy nhiên, lần này người dân Vĩnh Thủy không còn ngạc nhiên như hồi anh sắm máy cày bởi họ biết, với Lê Văn Trung, một chiếc chân trái khuyết tật không đủ để ngăn anh vươn lên khẳng định mình trong cuộc sống, trái lại còn khiến anh quyết tâm và nỗ lực nhiều hơn. 

5 giờ chiều một ngày mùa cách đây 8 năm, khi Trung đang lấm lem bùn đất thì anh Vinh ở Trung tâm TDTT huyện Vĩnh Linh đến, bảo Trung đi thi đấu cho đội tuyển thể thao người khuyết tật. Trung lập tức lên xe theo anh Vinh. Thi đấu hai năm ở nội dung bơi lội, giành được 10 huy chương thì giải nghệ, tiếp tục làm kinh tế. “Tôi không quan tâm nhiều đến chuyện thành tích, chỉ đơn giản là muốn thử thách và khẳng định bản thân mình”, Trung nói.

Năm 2007, nhận thấy nhu cầu khai hoang phục hóa, cải tạo vườn đồi để phát triển diện tích cây công nghiệp ở Vĩnh Thủy và các xã lân cận ngày càng rầm rộ, Trung quyết định vay ngân hàng 350 triệu đồng để mua một chiếc máy xúc trong khi toàn bộ cơ ngơi của gia đình anh đem cầm cố chỉ được 40 triệu đồng. Có máy xúc, Trung làm quần quật suốt ngày đêm cũng không hết việc, số tiền kiếm được cũng nhiều hơn. Một phần tiền kiếm được Trung dùng trả nợ ngân hàng, phần còn lại dành dụm để rồi không lâu sau đó anh tiếp tục mang về chiếc máy xúc thứ hai trị giá đến 600 triệu đồng; năm 2010 là một chiếc máy ủi trị giá 150 triệu đồng; năm 2012 là một chiếc ô tô vận tải trị giá 160 triệu đồng. Máy móc của Trung hoạt động khắp địa bàn Quảng Trị, ra tận tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, thậm chí sang cả Lào. 
Tôi hỏi: “Có được một khối tài sản lớn, làm được những việc khiến người khác phải ngả mũ bái phục và mỗi năm mang về cho vợ không dưới 400 triệu đồng, có lẽ đã đến lúc nên tự hài lòng với những gì đang có?”. 
Trung cười: “Nhiều người cũng khuyên tôi không nên bòn rút sức khỏe của mình. Bởi đến một lúc nào đó muốn dùng tất cả số tiền kiếm được để mua lại sức khỏe mà mình bỏ ra cũng không được. Nhưng tôi làm việc không phải vì tiền mà là để thấy mình không vô nghĩa trong cuộc đời. Đó là niềm vui sống của tôi”. 
Trong những lần trà dư tửu hậu, Trung vẫn thường tâm sự với tôi, tạo hóa không cho anh một đôi chân lành lặn, người ta đoán già đoán non rằng có lẽ cha anh đã bị nhiễm chất độc hóa học trong những năm ông tham gia lực lượng dân quân xã. Nhưng Trung không quan tâm đến điều đó bởi với anh, dẫu có tìm ra nguyên nhân cũng không thể thay đổi được thực tại, chi bằng hãy nỗ lực gấp năm, bảy lần người khác để đi tới tương lai bằng chính đôi chân không lành lặn của mình. Và trong hành trình ấy, Trung may mắn đã được nhiều người giúp đỡ, không phải bởi lòng thương hại mà vì khâm phục trước nghị lực của chàng trai khuyết tật này. 
“Cả cuộc đời này tôi có thể quên ai nhưng không bao giờ quên hai người, đó là anh Phương, hàng xóm của tôi và anh Tuấn ở Thủy Ba Tây. Chính họ đã giúp tôi có thêm nghị lực để tự thay đổi cuộc đời mình”, Trung tâm sự. 
Anh Phương có một chiếc công nông đầu ngang. Hồi Trung nghỉ học ở nhà, thấy thằng bé hiền lành, chăm chỉ, lại có nhiều tài vặt, anh Phương bảo Trung: “Em cứ đi theo phụ anh, anh em có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Ngồi ở nhà thì suốt đời em chỉ đi chăn bò thôi”. Vậy là Trung đi, phụ anh những việc lặt vặt và học lái xe công nông. Một lần phụ anh Phương quay máy, anh bảo, khi nào em có thể tự quay được máy chiếc công nông này thì em có thể kiếm được bát cơm. Câu nói tưởng như bông đùa ấy đã trở thành mục tiêu phấn đấu của cả đời Trung, để rồi sau này không chỉ xe công nông mà ngay cả máy xúc, máy ủi, ô tô... Trung đều lái thành thạo (Trung đã có lần chỉ cho tôi xem hệ thống côn xe do anh cải tiến lại để giảm lực cho chiếc chân trái khi điều khiển các loại xe cơ giới, cũng có lúc anh phải dùng chân phải hỗ trợ thêm), thậm chí những loại máy móc cơ giới anh đều có thể tự sửa chữa dù chưa hề qua một trường lớp đào tạo chính quy nào. 

Còn anh Tuấn, trong một lần lái máy xúc ngang qua nhà Trung sơ ý bị sa lầy. Loay hoay cả ngày trời mà chiếc máy xúc to đùng vẫn không nhúc nhích, bỗng có một chàng trai chân đi khập khiễng ra giúp... Không biết Trung đã đưa chiếc máy xúc lên như thế nào nhưng kể từ ngày hôm sau, trên chiếc máy xúc của anh Tuấn đã có thêm chàng trai khuyết tật Lê Văn Trung. Dựa vào các mối quan hệ của mình, anh Tuấn còn giới thiệu cho Trung đi học nghề và làm việc ở nhiều nơi. Đến bất kỳ một nơi nào, anh Tuấn đều chỉ nói ngắn gọn: “Nếu các anh cần một người cho đẹp đội hình thì tôi sẽ đưa Trung về lái máy cho tôi. Còn nếu các anh cần một người làm việc thì đây là sự lựa chọn tốt nhất”. Sau này, Trung vẫn thường nói, chính quãng thời gian vừa đi làm, tranh thủ học nghề đã giúp anh làm chủ và sửa chữa được các loại máy móc cơ giới hiện đại, kể cả việc anh từng được mời tham gia giảng dạy bằng A4 cho các đối tượng lái xe công nông... 

                                                                                    *** 

Tôi hỏi: “Được ra Hà Nội dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần này hẳn Trung thấy tự hào lắm?”. 

Trung trầm ngâm: “Tôi có một quan điểm, cái gì người khác làm được thì tôi cũng quyết tâm làm cho bằng được, ít nhất là không thua người ta, trước khi đi chuyến này tôi cũng từng tự hào vì mình đã làm được như thế. Nhưng ra đó, gặp gỡ, giao lưu với những người khuyết tật khác, tôi thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Bao nhiêu năm nỗ lực vượt qua số phận để khẳng định bản thân mình hóa ra vẫn chưa đủ, cần phải biết sống vì mọi người”. 

                                                     Bài, ảnh: NGUYỄN THẾ CHUNG Theo Báo Quảng Trị (TK)

  • 13/KH-BCĐ

    Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ XXV - năm 2023 (16/01/2023)

  • Số 272-KHPH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức tình nguyện mùa Đông 2021, Xuân tình nguyện 2022 (13/01/2022)

  • Dự thảo

    Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (28/01/2022)

  • 519-BC/TĐTN-TTNTH

    Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 133 về thực hiện CTHĐ quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (06/12/2021)

  • Số 23-CTr/TĐTN-VP

    Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 (20/01/2022)

Đang truy cập: 618

Hôm nay: 1,561

Tổng lượt truy cập: 921,013

Liên hệ Facebook Đăng nhập