Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo
dục đạo đức cách mạng cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa rất
quan trọng, giúp cho thanh niên tự giác học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng của
dân tộc Việt Nam. Trong bản Di chúc, Người đã căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo
giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây
dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho
đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”1.
1. Nội dung cơ bản của giáo
dục đạo đức cách mạng cho thanh niên trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Một là, chỉ rõ vị trí, vai trò của thanh
niên đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Trong thời gian hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Lãnh tụ Nguyễn
Ái Quốc đã trực tiếp thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên vào
tháng 5/1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào
Việt Nam nhằm thức tỉnh nhân dân, nhất là lực lượng thanh niên đứng lên đấu
tranh cách mạng. Người chỉ rõ: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết
mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”2. Qua đó, có thể thấy Lãnh tụ Nguyễn Ái
Quốc - Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy sức mạnh to lớn từ lớp thanh niên có thể
gánh vác, đảm đương sự nghiệp cách mạng; là lực lượng đông đảo, luôn xung kích,
sáng tạo, đi đầu trong mọi lĩnh vực nếu vai trò của họ được coi trọng và phát
huy. Người chỉ rõ: “Tính trung bình, thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số nhân
dân - tức là một lực lượng to lớn” và “thanh niên là bộ phận quan trọng của dân
tộc”3.
Hai là, đưa ra những nội dung, hình
thức, biện pháp để giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thanh niên.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng
cho thanh niên cần được tiến hành toàn diện sâu sắc, nhưng phải có trọng tâm,
trọng điểm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, vì
đây là cội nguồn đạo đức cách mạng của thanh niên. Người nhấn mạnh: “Trong việc
giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ cách
mạng xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kinh tế, lao động và sản xuất”4. Học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác -
Lênin giúp cho thanh niên sống có tình, có nghĩa hơn, biết hy sinh phấn đấu cho
lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; có lòng yêu
nước, tinh thần đoàn kết; đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư;
không ham địa vị công danh và phú quý, chớ kiêu ngạo và tự mãn… Người khẳng
định: “Thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng
có thể tóm tắt trong mấy điểm:
- Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với
Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.
- Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: “Đâu cần thanh
niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi
người”.
- Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công,
không tự phụ”5.
Về hình thức, biện pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ việc tự
giác, không ngừng tu dưỡng phấn đấu rèn luyện là con đường ngắn nhất, hiệu quả
nhất để thanh niên sửa đổi những khuyết điểm, sai lầm trong cuộc sống, trong
công việc. Người nhấn mạnh: “Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn
gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong
đến làm cho tốt..., phải xung phong đến những nơi khó khăn để xây dựng chủ
nghĩa xã hội. Xung phong là đi trước, làm trước để lôi cuốn quần chúng chứ
không phải là xa rời quần chúng”6.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phê phán mạnh mẽ những thanh niên
không chịu học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng, chỉ lo cho bản thân, ham chơi,
ham vui, không quan tâm, lo lắng đến đồng bào, đất nước, tham lam vật chất, ham
sung sướng, xa xỉ, kiêu ngạo, lười lao động… Vì vậy, Người đã đặt ra yêu cầu,
nhiệm vụ cho thanh niên giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng thống nhất không
tách rời nhau giữa nghĩa vụ và quyền lợi, trong đó nghĩa vụ là yếu tố đặt lên
hàng đầu, thanh niên phải xác định tốt nhiệm vụ với Tổ quốc, với Đảng và với
Nhân dân. Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã
làm cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải
làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình vì lợi ích nước nhà mà hy sinh
phấn đấu chừng nào”7.
2. Thực trạng việc giáo dục
đạo đức cách mạng cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã kế
thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để giáo dục đạo đức
cách mạng cho thanh niên, đáp ứng với đòi hỏi của tình hình cách mạng đặt ra ở
mỗi giai đoạn, thời kỳ khác nhau. Trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm
lược, lớp lớp thanh niên đã không quản hy sinh, chiến đấu giành độc lập, tự do
cho Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân; không ngại khó khăn, vất vả trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn
phát triển mới của đất nước, cấp ủy đảng và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị,
địa phương đã quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối về tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước; triển khai nhiều chương trình, dự án, như Dự án tuyển chọn
600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy
ban nhân dân xã; Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã
nghèo tham gia phát triển nông thôn, miền núi… Qua đó, nhiều thanh niên đã trở
thành nguồn cán bộ có chất lượng; những doanh nhân trẻ thành đạt, những gương
điển hình tiên tiến trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên theo
tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn một số hạn chế: một số cấp ủy và người đứng đầu cơ
quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cách
mạng cho thanh niên; còn nặng về hình thức, chưa chú trọng đến nội dung, đi sâu
vào những vấn đề đặt ra cần tập trung giáo dục cho thanh niên, như: ý chí, khát
vọng vươn lên trong công việc, cuộc sống, tình yêu thương với quê hương, đất
nước; kỹ năng sống; hoạt động thực tiễn; khả năng chịu đựng những khó khăn, vất
vả ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của thanh niên vẫn chưa nhiều, chủ yếu
chọn nơi sinh sống, làm việc có nhiều thuận lợi, điều kiện về cơ sở vật chất,
kinh tế; một số thanh niên thiếu tu dưỡng phấn đấu rèn luyện, học tập, sống
buông thả, thờ ơ, bàng quan với bản thân, gia đình và xã hội; thậm chí có nhiều
thanh niên vi phạm pháp luật.
3. Một số giải pháp nâng
cao hiệu quả giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm
về tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên theo tư
tưởng Hồ Chí Minh.
Theo đó, các cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa
phương, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và gia đình phải thường xuyên quán
triệt, nhận thức rõ thanh niên là lực lượng quan trọng của xã hội, lực lượng kế
cận, bổ sung cho cách mạng Việt Nam. Cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục, xây
dựng thanh niên trở thành những người “vừa hồng”, “vừa chuyên” để họ nhận thấy
rõ vị trí, vai trò to lớn của mình, từ đó đặt ra những yêu cầu cao cho bản thân
trong quá trình phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.
Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Hội nghị Trung ương
lần thứ bảy, khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh
niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã nhấn mạnh: “Thanh niên
là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung
kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự
thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc
tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”8.
Vì vậy, cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức Đoàn
các cấp phải chủ động nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống
của thanh niên thuộc quyền quản lý của mình, xây dựng kế hoạch, chương trình
rèn luyện đạo đức cách mạng cho phù hợp với từng địa bàn, khu vực; quá trình
tuyên truyền, giáo dục phải gắn với nhiệm vụ chính trị của từng thanh niên,
trên từng cương vị chức trách, nhiệm vụ được giao; phải hướng đến xây dựng hình
mẫu thanh niên của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước “tâm
trong, trí sáng, hoài bão lớn”.
Hai là, đa dạng hóa các nội dung, hình
thức, biện pháp giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên.
Giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên là công việc
lâu dài, thường xuyên, liên tục. Do đó, nội dung giáo dục cần tập trung vào
những vấn đề thiết thực, cụ thể đặt ra hiện nay mà thanh niên đang còn thiếu
như: cách ứng xử, giao tiếp của thanh niên với mọi người xung quanh, với người
thân và với chính bản thân mình; nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng, hoài bão trong
công việc, cuộc sống, quyết tâm thực hiện bằng chính khả năng của bản thân;
sống có tình thương, trách nhiệm với gia đình, người thân và xã hội; nắm rõ chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phong tục,
truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương; thể hiện rõ quan điểm, thái độ
với các quan điểm sai trái, bịa đặt, phản động đi ngược lại với lợi ích của
Đảng, của đất nước, của Nhân dân…
Hình thức, biện pháp giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên
cần linh hoạt, sáng tạo; không rập khuôn, thụ động, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm
vụ, đặc điểm ở mỗi khu vực, địa bàn đưa ra hình thức, biện pháp cho phù hợp.
Với đặc điểm lứa tuổi, tâm lý của thanh niên hiện nay cần kết hợp giữa giáo dục
chung và giáo dục riêng; giữa truyền thống với hiện đại; giữa mệnh lệnh hành
chính với giáo dục thuyết phục; đưa thanh niên vào hoạt động thực tiễn, mạnh
dạn, tin tưởng giao nhiệm vụ cho thanh niên… Những hình thức, biện pháp trên
cần được triển khai thực hiện thông qua sinh hoạt ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa
phương nơi thanh niên đang trực tiếp sinh sống, làm việc; thông qua thực hiện
các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm
nghèo, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; thông qua các phong trào thi đua yêu
nước; gương người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến trong thanh niên…
Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động
của thanh niên trong tự rèn luyện đạo đức cách mạng.
Mỗi thanh niên cần chủ động, tích cực học tập, làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là tinh thần, ý chí vượt khó,
tự rèn luyện, học tập ở mọi lúc, mọi nơi; bản thân thấy yếu mặt nào thì tập
trung vào học tập, nghiên cứu, tự hoàn thiện bản thân; chủ động xây dựng kế
hoạch học tập, rèn luyện một cách toàn diện đầy đủ, trong đó tập trung rèn
luyện đạo đức cách mạng; đặt ra những yêu cầu cho bản thân trong quá trình tự
giáo dục đạo đức cách mạng; thường xuyên đối chiếu, so sánh kế hoạch tự phấn
đấu tu dưỡng, rènluyện của bản thân với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị,
địa phương, từ đó có những điều chỉnh, bổ sung cho hợp lý; phối hợp chặt chẽ
với các bộ phận, lực lượng trong quá trình tự giác tu dưỡng rèn luyện đạo đức
cách mạng của thanh niên.
Mặt khác, cần tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động xã
hội, phù hợp với môi trường, điều kiện công tác; tự đấu tranh với chính bản
thân mình trong quá trình rèn luyện đạo đức cách mạng, không vì những khó khăn,
thất bại trước mắt mà nản lòng, nhụt ý chí, không có động cơ, mục tiêu phấn
đấu; càng ở trong tình huống khó khăn, thử thách càng phải tỏ rõ bản lĩnh vững
vàng, bình tĩnh, kiên định đưa ra phương hướng giải quyết hợp lý, hiệu quả.
Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách
mạng cho thanh niên vẫn còn nguyên giá trị. Trong bối cảnh đất nước đang ngày
càng hội nhập quốc tế sâu rộng với nền khoa học và kỹ thuật phát triển như vũ
bão hiện nay, thanh niên Việt Nam càng cần phải trau dồi cho mình đạo đức cách
mạng, có khả năng thích ứng với sự phát triển của xã hội, có tư duy đột phá,
vững bước vượt qua mọi khó khăn, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Đảng
và Nhân dân đối với mình. Với nhiệt huyết, nghị lực, ý chí vươn lên mạnh mẽ và
đang được sống trong môi trường hoà bình, đổi mới, phát triển của đất nước,
thanh niên Việt Nam nhất định sẽ nêu cao tinh thần tiên phong, bản lĩnh, đoàn
kết, sáng tạo góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giữ vững và phát huy
các thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng phồn
vinh, hạnh phúc./.
ThS.
Vũ Văn Huân,
Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân
Theo Tạp chí Tổ chức nhà nước
Hà An (st)
----------------------------------------
Ghi
chú:
Ghi chú:
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb
CTQG- ST, H.2011, tr.622.
2. Sđd, tập 2, tr.498.
3, 7. Sđd, tập 9, tr.178, tr.265.
4. Sđd, tập 12, tr.647.
5, 6. Sđd, tập 13, tr.471, tr.470-471.
8. Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 67, Nxb
CTQG-ST, H.2018, tr.759.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, H.2011.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội
nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb CTQG - ST, H.1997.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H.2011.
4. Nguyễn Minh Trí, Giáo dục đạo đức cho
thanh niên Việt Nam hiện nay và một số giải pháp phát huy hiệu quả, Tạp chí Lý
luận Chính trị, số tháng 2/2020.
5. Phạm Văn Quốc, Tư tưởng Hồ Chí Minh về
công tác giáo dục thanh niên, Tạp chí Tổ chức nhà nước, tháng 6/2016.
- “Lòng dân” - điểm tựa vững chắc để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước
- Quán triệt nguyên tắc khách quan và quan điểm toàn diện theo tư tưởng Hồ Chí Minh - yêu cầu quan trọng hàng đầu trong đánh giá, bổ nhiệm đúng cán bộ
- Những yêu cầu trọng yếu đặt ra trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay
Đang truy cập: 19
Hôm nay: 1,459
Tổng lượt truy cập: 1,134,414