Thường
xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ
vừa cấp bách, vừa lâu dài, là vấn đề mang tính quy luật, là nhu cầu tồn tại và
phát triển của Đảng. Xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện theo tư tưởng Hồ Chí
Minh càng trở nên quan trọng đối với việc bảo đảm và tăng cường vai trò của
Đảng trong quá trình lãnh đạo đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa và hội nhập quốc tế.
1.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh
Trong Di chúc để lại cho toàn
Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một
lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ
ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta
hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”1. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng
Đảng là một nhiệm vụ tất yếu, thường xuyên để Đảng hoàn thành vai trò lãnh đạo,
là chiến sĩ tiên phong của giai cấp, dân tộc và Nhân dân; công tác xây dựng
Đảng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Sự nghiệp cách mạng do Đảng
Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là một quá trình trải qua nhiều thời kỳ, nhiều giai
đoạn; mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn đều có những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Khi
cách mạng gặp khó khăn, xây dựng, chỉnh đốn Đảng giúp cán bộ, đảng viên xác
định rõ lập trường, quan điểm, không bi quan, dao động; là cơ hội để mỗi cán
bộ, đảng viên tự rèn luyện tu dưỡng, giữ vững đạo đức cách mạng. Khi cách mạng
trên đà thắng lợi, việc quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm
phát triển những quan điểm, tư tưởng cách mạng, khoa học, đồng thời ngăn ngừa
bệnh chủ quan, tự mãn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện Đảng cầm
quyền, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng cần được nhấn mạnh nhằm ngăn
chặn, đẩy lùi mọi tệ nạn, tiêu cực do thoái hoá, biến chất, lộng quyền, lạm
quyền…
Xây dựng và chỉnh đốn Đảng là
vấn đề mang tính quy luật, là nhu cầu tồn tại và phát triển của Đảng ta. Chỉnh
đốn và đổi mới nhằm làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị,
tư tưởng và tổ chức; làm cho Đảng trở thành một khối thống nhất, vững mạnh, đủ
sức vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Thực tiễn qua 90 năm lãnh đạo
cách mạng Việt Nam cho thấy, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, xem
đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định đến sức mạnh, uy tín của Đảng. Nghị quyết
số 03-NQ/TW ngày 26/6/1992 của Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VII về “Một
số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng” nêu rõ: “Trong Đảng có một bộ phận giảm
sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động, mất lòng tin, trong đó một
số chịu ảnh hưởng của khuynh hướng cơ hội, xét lại, muốn đưa đất nước đi con
đường khác; thậm chí đã có người phản bội, đầu hàng. Không ít cán bộ, đảng viên
bị chủ nghĩa cá nhân thực dụng cuốn hút, trở nên thoái hóa, hư hỏng. Tệ tham
nhũng, hối lộ, buôn lậu, ăn chơi vung phí tài sản của nhân dân rất nghiêm trọng
và kéo dài. Những hiện tượng đó gây tác hại lớn, làm tổn hại thanh danh, uy tín
của Đảng”2.
Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày
02/02/1999 của Hội nghị lần thứ sáu (lần 2), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa
VIII về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện
nay” nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm là phát huy ưu điểm, kiên quyết sửa chữa
các khuyết điểm, tiếp tục củng cố, chỉnh đốn, để ngày càng vững mạnh về mọi
mặt, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ,
đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày
30/10/2016 của Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XII đặc biệt chú
trọng tới việc nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về nguy cơ và đề ra các giải
pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong nội bộ; khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ; góp phần xây dựng
đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu
các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn,
thực sự tiên phong, gương mẫu, biết đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc
lên trên lợi ích cá nhân; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng3.
Công tác xây dựng Đảng trong
sạch, vững mạnh thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:
Thứ
nhất, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng - lý luận.
Trong tác phẩm “Đường Kách
mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn luận điểm của V.I.Lênin rằng: “Không có lý
luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh
tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”4 để nhấn mạnh: “Lý luận như cái kim
chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công tác thực tế. Không có lý
luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”5.
Người cho rằng phải dựa vào lý luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác -
Lênin, phải làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ
nam cho mọi hành động của Đảng: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt,
trong Đảng ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như
người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”6.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn
đề vô cùng quan trọng, quyết định đến sự tồn tại và phát triển của Đảng là xây
dựng đường lối chính trị đúng đắn dựa trên cơ sở lý luận Mác - Lênin, vận dụng
sáng tạo, phù hợp với điều kiện Việt Nam, học tập kinh nghiệm của các Đảng Cộng
sản anh em,... Người lưu ý phải thường xuyên giáo dục đường lối, chính sách của
Đảng cho cán bộ, đảng viên; đồng thời, Người cũng cảnh báo nguy cơ sai lầm về
đường lối chính trị có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng của
Nhân dân, vận mệnh của Tổ quốc.
Thứ
hai, xây dựng Đảng về tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ.
Hệ thống tổ chức của Đảng từ
Trung ương đến cơ sở cần phải được tổ chức chặt chẽ, có tính kỷ luật cao, có
chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, nhất là các tổ chức đảng cơ sở - tổ chức hạt nhân,
quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng.
Cần chú trọng thực hiện nghiêm
các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Tập trung là để thống nhất về tư tưởng, tổ chức, hành động, thiểu số phục tùng
đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, đảng viên chấp hành nghị quyết của tổ chức
đảng; dân chủ là tất cả mọi người được tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần
tìm ra chân lý.
Cần phát huy vai trò tập thể
lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Tập thể lãnh đạo, vì nhiều người thì thấy hết mọi
việc, hiểu hết mọi mặt của vấn đề, tránh tệ bao biện, quan liêu, độc đoán, chủ
quan. Cá nhân phụ trách, vì mọi việc đã được bàn bạc kỹ lưỡng, nên khi giao cho
một người hoặc một nhóm người thi hành sẽ nâng cao tinh thần chuyên trách, công
việc mới trôi chảy. Bên cạnh đó, cần khắc phục tệ độc đoán, chuyên quyền, dựa
dẫm tập thể, không quyết đoán, không dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Thực hiện nghiêm việc phê bình
và tự phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “… Một đảng mà giấu giếm khuyết
điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình,
vạch rõ vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó,
rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm. Như thế là một Đảng tiến bộ,
mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”7.
Trong xây dựng Đảng thì công
tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để có cán bộ tốt,
làm được việc phải chú trọng đến khâu đào tạo, huấn luyện cán bộ: “Cán bộ là
cái dây chuyền của nhà máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù
tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của
Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách
hay cũng không thể thực hiện được”8.
Thứ ba,
xây dựng Đảng về đạo đức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định
một đảng chân chính phải là đảng tiêu biểu về đạo đức, vì vậy Người đặc biệt
quan tâm đến vấn đề xây dựng đạo đức của Đảng. Mỗi đảng viên phải thấm nhuần
đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Giáo dục đạo
đức cách mạng là một nội dung quan trọng trong việc tu dưỡng, rèn luyện cán bộ,
đảng viên gắn với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nhằm làm cho Đảng ta
luôn thực sự trong sạch, xứng đáng vị trí, vai trò là một đảng cầm quyền.
2.
Giải pháp tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh
Để công cuộc xây dựng, chỉnh
đốn Đảng đạt được mục tiêu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cần
thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, phát huy vai trò tiên
phong, gương mẫu, tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên gắn với
đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cấp
ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần tự soi, tự
sửa chính mình và đơn vị, tổ chức; thực hiện nói đi đôi với làm, không nể nang,
né tránh, tìm ra những ưu điểm để phát huy, có các biện pháp khắc phục, sửa
chữa sai lầm, yếu kém, khuyết điểm một cách thiết thực, hiệu quả.
Hai là, tăng cường công tác
giáo dục chính trị, lý luận, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần
tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, nâng cao tính chiến đấu,
tính thuyết phục và hiệu quả của công tác tư tưởng ở các cấp ủy, tổ chức đảng;
luôn bám sát thực tiễn, đi sâu đi sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng,
những khó khăn, vướng mắc để chủ động kịp thời giải quyết những vấn đề tư tưởng
trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; bảo đảm vững chắc trận địa tư tưởng, lý
luận của Đảng.
Tăng cường đấu tranh phòng,
chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các
thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội
bộ; đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong việc nắm
bắt, giải quyết và báo cáo kịp thời về tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên.
Ba là, tiếp tục củng cố các tổ
chức cơ sở đảng, đổi mới sinh hoạt chi bộ và nâng cao chất lượng đảng viên. Chú
trọng, quan tâm đến đổi mới sinh hoạt chi bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ
đảng viên; tiếp tục rà soát, sửa đổi, ban hành và thực hiện các quy định chặt
chẽ về kết nạp đảng viên theo hướng nâng cao chất lượng, kiên quyết không chạy
theo số lượng để ngăn chặn những kẻ cơ hội, thực dụng, cá nhân chủ nghĩa lọt
vào hàng ngũ của Đảng. Nghiên cứu để có cách thức đánh giá, xếp loại đảng viên
thực chất hơn, đủ sức thanh lọc, loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất ra
khỏi Đảng.
Bốn là, đổi mới đồng bộ, mạnh
mẽ công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín,
ngang tầm nhiệm vụ. Kết hợp chặt chẽ việc xây dựng đội ngũ cán bộ với sắp xếp
bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị, gắn với đấu tranh đẩy lùi
sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa”.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả
công tác hành chính, cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công
chức, viên chức và đổi mới chính sách tiền lương; xây dựng đội ngũ cán bộ các
cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm
vụ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy,
khóa XII. Đổi mới và tăng cường công tác cán bộ và quản lý cán bộ, tập trung
khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ, xử lý nghiêm minh những sai phạm
của cán bộ, đảng viên.
Năm là, đẩy mạnh công tác kiểm
tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần đưa cuộc đấu tranh phòng, chống suy
thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đạt hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng
tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên để phát hiện
sớm và ngăn chặn kịp thời những hành vi sai phạm. Nội dung kiểm tra, giám sát
phải toàn diện, cả về tư tưởng chính trị, động cơ, thái độ, năng lực công tác,
phẩm chất đạo đức, lối sống và thu nhập, tài sản bất minh của cá nhân, gia đình
cán bộ, đảng viên.
Giữ nghiêm kỷ luật của Đảng,
mọi sai phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai, đúng quy
định. Chú trọng kiểm tra, giám sát toàn diện công tác cán bộ để kịp thời phát
hiện những cán bộ có biểu hiện tham nhũng. Tăng cường giám sát của tổ chức đảng
từ trên xuống, giám sát từ dưới lên, phát huy vai trò giám sát lẫn nhau trong
cùng cấp, lưu ý quản lý, giám sát thường ngày đối với đảng viên và cán bộ lãnh
đạo; kịp thời phát hiện, biểu dương người tốt, việc tốt; tạo dư luận lên án và
đồng thời xử lý nghiêm những biểu hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên dù ở bất
kỳ cương vị công tác nào.
Sáu là, tiếp tục hoàn thiện thể
chế nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và
phòng, chống suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cụ thể hóa
các chủ trương, đường lối của Đảng nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây
dựng hệ thống chính trị và phòng, chống suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán
bộ, đảng viên theo hướng đồng bộ, liên thông, nhất quán và phù hợp với thực tế.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định của Đảng về công tác xây dựng Đảng, xây dựng
hệ thống chính trị, các quy định bảo đảm cơ chế giám sát về tư cách đạo đức,
lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức.
Bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện
đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách vĩ mô, hệ thống các văn bản quy phạm pháp
luật nhằm phòng, chống có hiệu quả sự suy thoái, tham nhũng, lãng phí và các
biểu hiện tiêu cực trong bộ máy, nhất là ở những lĩnh vực quan trọng, những
lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra sai phạm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ,
đảng viên các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của Đảng ta trong
thời kỳ mới./.
-------------------
Ghi chú:
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập
15, Nxb CTQG-ST, H. 2011, tr.611.
2. Bản DVD-ROM, Văn kiện Đảng, Toàn tập,
tập 52, tr.190.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số
04/NQ-TW ngày 30/10/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ.
4, 6. Sđd, tập 2, tr. 279, tr. 289.
5, 7, 8. Sđd, tập 5, tr.273-274, tr. 301,
tr. 68.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số
03-NQ/TW ngày 26/6/1992 của Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khoá VII về “Một số
nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số
12-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khoá XI về “Một số
vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Đang truy cập: 516
Hôm nay: 1,931
Tổng lượt truy cập: 1,136,658