Nữ nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn
Ca Lê Hồng đã chia sẻ những kỷ niệm về những lần được gặp Bác Hồ. Bà nói: "Bác
đã nhắc nhở, tôi mãi ghi nhớ trong suốt cuộc đời làm nghề".
Đạo diễn Ca Lê Hồng đã được
gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh 4 lần. Lần đầu tiên là vào năm 1956, khi bà vừa tập kết
ra Bắc. Những lần sau đó vào các năm 1960, 1962 và 1963. Lần nào cô diễn viên
ngày ấy cũng được lắng nghe những lời Bác chia sẻ, căn dặn thật ấm áp, chân
tình.
"Nghệ
sĩ chớ gieo vừng ra ngô"
Hơn 60 năm hoạt động, làm
nghệ sĩ biểu diễn, đạo diễn, quản lý đào tạo và giảng dạy, tôi luôn cố gắng học
tập, rèn luyện tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng của một đảng viên, một nghệ
sĩ, đóng góp sức mình cho hoạt động văn nghệ, nhất là cho sân khấu miền Nam.
Nay ở tuổi 80, tôi vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy.
Việc học tập và làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua, là đạo diễn tôi
luôn trăn trở, suy xét: phải thực hiện lời Bác Hồ dạy bằng những hành động hằng
ngày, thường xuyên tự soi mình trong sinh hoạt, lối sống, lời nói, ứng xử...
Tôi muốn khắc sâu hình ảnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những lần tôi được biểu diễn phục vụ, nghe Bác nói
chuyện dặn dò, được gặp gỡ, trò chuyện tại nhà sàn nơi Bác ở.
Sống
không chỉ biết đến mình
Một mẩu chuyện ý nghĩa nữa
mà ba tôi kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh là vào những năm 1962-1963, khi ông được cử
làm đại diện thương mại của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Campuchia, cơ
quan đóng tại Phnom Penh.
Công việc quan trọng là tạo
đường dây liên lạc với miền Nam, đồng thời
tranh thủ sự ủng hộ của Sihanouk đối với cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân
miền Nam. Vì vậy, ba tôi thường về Hà Nội trực tiếp báo cáo tình hình với Bác.
Trong những lần làm việc,
Bác đều nhắc nhở phải chú ý học tiếng nước bạn, thuận lợi cho giao tiếp, nắm được
tình hình.
Ba tôi kể những lần ngồi
ăn với Bác, sau bữa ăn Bác tự tay thu dọn chén bát gọn gàng. Từ đó, ba tôi dạy
chúng tôi là bất cứ việc gì có thể làm được thì cố gắng tự làm, giảm bớt việc
cho người phục vụ. Đó là lối sống không chỉ biết mình, mà phải luôn quan tâm đến
những người khác, trân trọng những người xung quanh.
Chuyện trò với văn nghệ
sĩ thuộc các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, Bác thường
nhắc phải chú ý giữ gìn tinh hoa, đồng thời phát triển ngày càng hay hơn, chớ
"gieo vừng ra ngô". Đó là bài học quý giá mà các văn nghệ sĩ cần lưu
ý trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Gửi
gắm đến những người trẻ
Tôi thật sự ấn tượng về
cách dùng từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trò chuyện: luôn giản dị, trong sáng,
dễ hiểu, nghe là nhớ, không lý luận cao xa nhưng rất sâu sắc. Càng suy ngẫm,
tôi càng thấy quý giá, nhắc nhở mình phải luôn chú ý khi giảng dạy cũng như
trong công tác đạo diễn dàn dựng, xử lý các lời thoại, câu chữ trong các vở sao
cho người xem dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ.
Các bạn trẻ hãy học tập
Bác từ những việc nhỏ, từ hành động ứng xử văn hóa, văn minh, đặc biệt chú ý đạo
đức, lối sống. Tranh thủ thời gian tuổi trẻ để đọc sách, học tập, tìm tòi để có
nhiều sáng kiến, làm được những điều có ích; đừng lãng phí vào những chuyện
không có lợi cho bản thân, cho gia đình, xã hội và đất nước.
Đang truy cập: 482
Hôm nay: 2,048
Tổng lượt truy cập: 1,112,726