Trong bối cảnh kinh tế nông thôn đang từng bước chuyển
mình theo hướng hiện đại, việc học nghề và nâng cao kỹ năng lao động đã trở
thành hướng đi thiết thực giúp thanh niên nông thôn thoát nghèo một cách bền
vững. Không chỉ mang lại việc làm ổn định, học nghề còn giúp thanh niên tự tin
lập nghiệp, khẳng định vai trò chủ động trong phát triển kinh tế gia đình và
địa phương.
Cơ hội từ đào tạo nghề
Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc của các cấp, các
ngành, đặc biệt là các tổ chức Đoàn – Hội, chương trình đào tạo nghề cho thanh
niên nông thôn đã được đẩy mạnh cả về quy mô lẫn chất lượng. Nhiều lớp học nghề
miễn phí hoặc có hỗ trợ học phí được tổ chức ngay tại địa phương, với nội dung
bám sát nhu cầu thực tế như: sửa chữa điện dân dụng, cơ khí, lái máy nông
nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi – trồng trọt, chế biến nông sản, làm du lịch cộng
đồng...
Không ít trung tâm giáo dục nghề nghiệp còn kết nối
doanh nghiệp, hỗ trợ đầu ra cho học viên sau đào tạo. Nhờ đó, hàng ngàn thanh
niên nông thôn không chỉ có việc làm mà còn có thu nhập ổn định, từng bước vươn
lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Từ học nghề đến lập nghiệp
Tại xã Trung Giang, huyện Gio Linh,
tỉnh Quảng Trị, trang trại chăn nuôi của anh Bùi Thanh Thương (sinh năm 1991),
ở thôn Hà Lợi Trung, là minh chứng rõ nét cho tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám
làm của một thanh niên trẻ trên hành trình lập thân, lập nghiệp tại quê hương. Xuất
thân trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cuộc sống mưu sinh trên
vùng đất cát ven biển quanh năm nắng gió chưa bao giờ dễ dàng với anh Thương.
Sau khi tốt nghiệp, anh từng làm kế toán cho một doanh nghiệp. Dù công việc ổn
định, nhưng anh sớm nhận ra đây không phải là hướng đi mình mong muốn.
Quyết tâm thay đổi cuộc đời bằng chính đam mê, năm 2016, anh quyết định nghỉ việc và đăng ký theo học nghề chăn nuôi - thú y tại Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị. May mắn thay, trong quá trình học tập, anh được nhà trường đánh giá cao về năng lực và được chọn sang Trường Cao đẳng Kỹ thuật Buriram, Thái Lan theo chương trình liên kết đào tạo nghề. Tại đây, anh được đào tạo bài bản trong 2 năm và tiếp tục làm việc thực tế thêm 1 năm để tích lũy kinh nghiệm.
Sau khi trở về nước, với số vốn tích
lũy được cùng kiến thức chuyên môn vững vàng, anh Thương bắt tay gây dựng trang
trại chăn nuôi tổng hợp ngay trên mảnh đất cát quê hương. Ban đầu, mô hình còn
nhỏ lẻ, thiếu thốn cơ sở vật chất, nhưng anh không nản chí. Từng bước một, anh
mở rộng quy mô chăn nuôi heo, gà, bò và áp dụng kỹ thuật chăm sóc hiện đại,
tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả. Nhờ sự kiên trì, mô hình trang trại của
anh đã phát triển ổn định, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không
chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các bạn trẻ
có cùng chí hướng, góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và phát triển kinh tế
tại địa phương.
Hướng đi dài hạn, cần sự đồng hành
Thực tế cho thấy, học nghề đang dần trở thành “đòn
bẩy” quan trọng trong hành trình thoát nghèo của thanh niên nông thôn. Tuy
nhiên, để hướng đi này phát huy hiệu quả lâu dài, rất cần sự phối hợp đồng bộ
từ nhiều phía: từ việc đổi mới chương trình đào tạo, gắn với nhu cầu thị
trường; đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm dạy nghề; đến việc mở rộng các
chính sách hỗ trợ vốn, công cụ sản xuất, và kết nối đầu ra sau đào tạo nghề. Đặc
biệt, tổ chức Đoàn Thanh niên cần tiếp tục đóng vai trò cầu nối, tuyên truyền,
vận động và hỗ trợ thanh niên nông thôn mạnh dạn đăng ký học nghề, đồng thời
lan tỏa những tấm gương tiêu biểu để khơi dậy tinh thần tự lực, vươn lên thoát
nghèo trong giới trẻ.
Thảo Vy
Đang truy cập: 495
Hôm nay: 58
Tổng lượt truy cập: 1,258,369