Tỉnh Quảng Trị - vùng đất nằm ở phía
Bắc miền Trung, là điểm khởi đầu của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, đóng
vai trò chiến lược trong kết nối Việt Nam với các nước trong khu vực. Nhận thức
rõ tầm quan trọng của công tác giảm nghèo bền vững trong phát triển kinh tế -
xã hội, những năm qua, tỉnh đã triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc
gia giảm nghèo bền vững, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong đời sống người
dân, đặc biệt là thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Quảng Trị đã đặt mục tiêu cụ thể:
cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện cho người dân - nhất là
người nghèo, cận nghèo - được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản như y
tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin và vốn vay ưu đãi. Cùng với đó,
địa phương tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, hỗ trợ mô hình sinh kế, đào tạo
nghề và giải quyết việc làm để tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo
một cách bền vững.
Trong hành trình đó, nhiều đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số đã nỗ lực vượt khó, tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để làm chủ cuộc sống, tiêu biểu là trường hợp thanh niên trẻ Hồ Văn Thằn quyết tâm khởi nghiệp bằng mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Qua nghiên cứu, học tập từ mô hình của các tỉnh miền núi có điều kiện tương đồng, anh Thằn quyết định đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn bản. Dù ban đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng từ nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng của Đoàn thanh niên, cùng số tiền tích cóp được, anh xây dựng chuồng trại và nuôi 5 con lợn giống bản địa. Bình quân mỗi năm anh xuất bán từ 60 đến 70 con lợn giống, với giá khoảng 1,2 đến 1,5 triệu đồng/con. Ngoài ra, để kết hợp công chăn nuôi, anh đào ao thả hơn 1.000 con cá trê vàng và hơn 200 con cá trắm giống, làm chuồng trại chăn nuôi thêm gần 10 con bò và dê.
Mô hình chăn nuôi của anh Hồ Văn Thằn
Cùng với chăn nuôi, anh Thằn còn đầu tư mô hình trồng sắn và
tràm. Tận dụng tất cả diện tích đất rẫy sẵn có của bố mẹ để lại, anh tích cóp
mua thêm đất để mở rộng mô hình, hiện tại anh có hơn 2 ha tràm và 1 ha sắn. Đến
nay, rẫy sắn cho thu hoạch bình quân 10 tấn/vụ; cây tràm đã được 3 năm tuổi,
phát triển tốt, hứa hẹn đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình trong ít năm
tới. Tổng thu nhập trong những năm gần đây của gia đình anh đạt gần 150 triệu
đồng/năm. Nhờ chăm chỉ làm ăn, anh Thằn từng bước đưa gia đình thoát nghèo, trở
thành hộ khá giả trong thôn, xã. Năm 2024, anh đầu tư xây dựng ngôi nhà mới,
khang trang trị giá hơn 500 triệu đồng, giúp gia đình có nơi ở ổn định, an
toàn.
Những tấm gương như anh Thằn cho
thấy tinh thần vươn lên không ngừng nghỉ của thanh niên Quảng Trị - những người
không chọn cách ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà luôn chủ động, mạnh dạn
thay đổi để làm chủ cuộc sống. Họ chính là những hạt nhân góp phần quan trọng
vào công cuộc giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ
tiếp tục đẩy mạnh các chính sách giảm nghèo gắn với phát triển bền vững. Trong
đó, ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên, hỗ trợ vay vốn
tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả, đặc
biệt tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng sẽ huy động mọi nguồn lực
xã hội để tạo điều kiện cho thanh niên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập,
góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Thảo Vy
Đang truy cập: 482
Hôm nay: 39
Tổng lượt truy cập: 1,258,350