Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và
yêu cầu phát triển bền vững ngày càng được đặt lên hàng đầu, khái niệm
"giảm nghèo xanh" không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn là hướng đi
chiến lược giúp thanh niên, đặc biệt là thanh niên vùng nông thôn, miền núi và
dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo một cách hiệu quả, bền vững và thân thiện
với môi trường.
Đối với lực lượng thanh niên - những
người trẻ đầy khát vọng và sáng tạo giảm nghèo xanh mở ra nhiều cơ hội mới để
khởi nghiệp, lập nghiệp, đóng góp vào phát triển cộng đồng. Tại nhiều nơi trên
địa bàn tỉnh, mô hình trồng rừng gỗ lớn, dược liệu dưới tán rừng, phát triển
nông nghiệp hữu cơ, nuôi ong rừng lấy mật, sản xuất nấm sạch, tận dụng phụ phẩm
nông nghiệp để tái chế làm phân hữu cơ, nhiên liệu sạch, phát triển mô hình du
lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa bản địa và sinh thái…… đang được nhiều thanh
niên lựa chọn. Đây là những hướng đi vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên, vừa
góp phần giữ gìn hệ sinh thái và tạo nguồn thu nhập ổn định. Nhờ đó, không ít
mô hình thanh niên khởi nghiệp xanh đã được nhân rộng, trở thành hình mẫu trong
phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”.
Điển hình cho hướng đi giảm nghèo xanh gắn với phát triển du lịch sinh thái là mô hình Farm Vườn Nhiệt Đới của anh Nguyễn Văn Mễ tại thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa. Với diện tích 10.000m² đất đồi của gia đình, anh Mễ đã mạnh dạn cải tạo và quy hoạch thành một khu nghỉ dưỡng sinh thái đa chức năng, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả khách quốc tế đến khám phá, trải nghiệm. Vào mùa cao điểm, Farm Vườn Nhiệt Đới hoạt động với công suất lên đến 80%, những tháng còn lại cũng duy trì ở mức ổn định khoảng 50%. Không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế, mô hình của anh Nguyễn Văn Mễ còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động là thanh niên và người dân trong vùng, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, đây còn là mô hình phát triển gắn liền với bảo tồn rừng, gìn giữ môi trường sinh thái và phát huy giá trị văn hóa bản địa.
Để lan tỏa và phát huy hiệu quả mô
hình giảm nghèo xanh, các cấp bộ Đoàn trên toàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với
các ban, ngành, đoàn thể để hỗ trợ thanh niên về kiến thức, kỹ năng, vốn vay ưu
đãi và kết nối thị trường tiêu thụ. Các chương trình như “Thanh niên khởi
nghiệp đổi mới sáng tạo”, “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, “Vườn ươm khởi
nghiệp xanh”,... đang từng bước mang lại cơ hội cho thanh niên nghèo phát triển
kinh tế bền vững.
Thảo Vy
Đang truy cập: 1206
Hôm nay: 2,046
Tổng lượt truy cập: 1,219,503