Trong thời gian qua, các chính sách hỗ trợ thanh niên
giảm nghèo đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt tại địa phương, đặc biệt là vùng
sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ tiếp thêm động lực, các
chính sách này đã giúp hàng nghìn thanh niên vượt qua khó khăn, vươn lên phát
triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng trên quê hương.
Chính sách thiết thực, sát nhu cầu
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
bền vững, Tỉnh Đoàn Quảng Trị đã đẩy mạnh hỗ trợ thanh niên thông qua các chính
sách cụ thể như: vay vốn ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ học
nghề, khởi nghiệp, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế xanh, thân thiện với
môi trường. Nhiều mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ đã được hình thành và
đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh
tế nông thôn và giảm nghèo một cách bền vững.
Mô hình hiệu quả từ thực tiễn
Tiêu biểu trong phong trào làm kinh
tế giảm nghèo tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa là mô hình chăn nuôi dê nhốt
chuồng của anh Nguyễn Hữu Vương, đoàn viên thanh niên ở thôn Tân Xuyên. Sinh ra trong một
gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều năm liền thuộc diện hộ cận nghèo
của xã, anh Vương từng cùng gia đình chủ yếu trồng cà phê – loại cây từng được
xem là chủ lực tại địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đất
đai ngày càng bạc màu, chi phí đầu tư cao trong khi giá cả nông sản bấp bênh,
việc trồng cà phê không còn mang lại hiệu quả như mong đợi. Cuộc sống gia đình
vốn đã vất vả lại càng chật vật hơn.
Không cam chịu với hoàn cảnh, anh
Vương đã chủ động tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi phù
hợp với điều kiện địa phương. Nhận thấy tiềm năng từ việc nuôi dê và bò – vốn
là vật nuôi dễ thích nghi với khí hậu vùng đồi núi, ít dịch bệnh, đầu ra tương
đối ổn định – anh quyết định chuyển hướng sản xuất. Năm 2020, từ số vốn tích
góp được của gia đình, cùng với khoản vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách
xã hội thông qua kênh tín chấp của Đoàn Thanh niên xã Tân Hợp, anh Vương bắt
tay xây dựng chuồng trại và mua con giống.
Ban đầu, việc nuôi dê theo phương
thức nhốt chuồng còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng với sự chịu khó học hỏi và quyết tâm
làm giàu từ chính đôi tay mình, anh từng bước làm chủ kỹ thuật, kết hợp trồng
cỏ voi làm thức ăn xanh tại chỗ, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Bên cạnh dê, anh còn chăn nuôi thêm bò để đa dạng hóa nguồn thu và tận dụng
hiệu quả nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có.
Đến nay, mô hình của anh đã phát
triển ổn định với tổng đàn gần 50 con dê và bò, không phát sinh dịch bệnh lớn,
chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường. Trung bình mỗi năm, mô hình đem lại thu
nhập trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí, giúp anh vươn lên thoát nghèo, ổn
định cuộc sống và từng bước tích lũy để mở rộng quy mô sản xuất.
Mô hình của anh đang trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều bạn trẻ đến học hỏi và tham quan, từ đó nhân rộng những mô hình chăn nuôi hiệu quả trong cộng đồng.
Mô hình chăn nuôi dê của anh Vương
Đầu tư cho tương lai
Thực tế cho thấy, khi chính sách đi vào thực tiễn, có
sự đồng hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức Đoàn, lực lượng thanh
niên sẽ phát huy vai trò xung kích, sáng tạo trong phát triển kinh tế và giảm
nghèo bền vững. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị xác định tiếp tục hoàn
thiện và triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo dành cho thanh niên.
Trong đó, tập trung vào đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường, hỗ trợ khởi
nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất – kinh doanh, tạo điều
kiện để thanh niên phát triển kinh tế xanh và hội nhập thị trường.
Thảo Vy
Đang truy cập: 518
Hôm nay: 83
Tổng lượt truy cập: 1,258,394