Trong kỷ nguyên số hóa, chuyển đổi
số không chỉ là xu thế tất yếu của nền kinh tế mà còn mở ra hướng đi mới, đầy
tiềm năng cho thanh niên – đặc biệt là thanh niên ở vùng sâu, vùng xa - trong
hành trình thoát nghèo, lập thân, lập nghiệp.
Khác với trước đây khi làm kinh tế
nông thôn phần lớn dựa vào sức lao động và kinh nghiệm truyền thống, ngày nay,
nhiều thanh niên đã bắt đầu tiếp cận và áp dụng công nghệ số vào quá trình sản
xuất kinh doanh. Từ việc bán hàng qua mạng xã hội, livestream giới thiệu sản
phẩm, sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiêu thụ nông sản, đến việc
dùng phần mềm quản lý trang trại, sổ tay số theo dõi dịch bệnh vật nuôi, thanh
niên đang dần thay đổi tư duy làm kinh tế theo hướng hiện đại, linh hoạt và bền
vững hơn. Hiện nay, mô hình chuyển đổi số gắn với giảm nghèo đang được triển
khai mạnh mẽ thông qua các chương trình tập huấn, hỗ trợ khởi nghiệp số do Đoàn
Thanh niên cùng các cơ quan chuyên môn phối hợp thực hiện.
Trường hợp em Lê Thị Hoài Nhớ, trú tại thôn
Phương An 1, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ là một ví dụ. Sinh ra trong một
gia đình đặc biệt khó khăn khi có bố bị khuyết tật, khiếm thính bẩm sinh, mẹ
già yếu không có khả năng lao động nặng, em Lê Thị Hoài Nhớ cũng không may mắn
khi mắc bệnh xương thuỷ tinh, phải dừng học ở lớp 3. Mắc căn bệnh xương thủy tinh, Hoài Nhớ không có đủ sức khỏe để
mưu sinh như nhiều bạn trẻ khác. Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình,
Nhớ học nghề đan móc len và làm ra nhiều sản phẩm đẹp, có giá thành phải chăng
như: móc khóa, thú bông, mũ len, áo len, giày len… Tuy nhiên, việc kiếm tiền bằng
chính sức lao động không hề đơn giản đối với Hoài Nhớ. Nguyên nhân là do những
sản phẩm do Nhớ làm ra chưa được nhiều người biết đến. Vì vậy, khi nghe cán bộ
xã đoàn giới thiệu về kênh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thanh niên khởi nghiệp Quảng
Trị online, Hoài Nhớ đã đăng ký tham gia và giới thiệu sản phẩm. Sau hơn một năm duy trì bán trên nền tảng online, thu nhập
của em đã tăng đáng kể so với trước, đơn hàng ngày một ổn định, góp phần giúp em
thoát nghèo, vươn lên làm chủ kinh tế. Tương tự, nhiều thanh niên khác đã thành
công khi đưa sản phẩm OCOP, đồ thủ công, đặc sản địa phương lên các sàn thương
mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee…, từ đó tiếp cận khách hàng khắp cả nước
thay vì chỉ bán tại chợ truyền thống.
Chuyển đổi số không còn là “sân
chơi” riêng của doanh nghiệp lớn. Với sự hỗ trợ từ Nhà nước, tổ chức Đoàn và
các cơ quan chức năng, ngày càng có nhiều chương trình đồng hành với thanh niên
trong công cuộc chuyển đổi số: tập huấn kỹ năng số, phổ cập kiến thức thương
mại điện tử, hướng dẫn quay video, thiết kế nội dung số, hỗ trợ kết nối thị
trường trực tuyến… Quan trọng hơn, chuyển đổi số giúp thanh niên nghèo vượt qua
rào cản địa lý và hạn chế về vốn. Một chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng,
một tài khoản mạng xã hội hoặc gian hàng điện tử có thể trở thành “cửa ngõ” để
thanh niên vươn ra thị trường lớn hơn, tiếp cận tri thức mới và mở rộng cơ hội
khởi nghiệp.
Thực tế cho thấy, khi được tiếp cận công nghệ và hỗ trợ đúng hướng, thanh niên – dù ở vùng khó khăn – hoàn toàn có thể chủ động khởi nghiệp, làm giàu và giúp đỡ cộng đồng. Đây chính là minh chứng rõ ràng cho việc chuyển đổi số không chỉ là công cụ, mà còn là động lực quan trọng trong công cuộc giảm nghèo bền vững. Trong thời gian tới, để chuyển đổi số trở thành “đòn bẩy” mạnh mẽ cho thanh niên thoát nghèo, các cấp, ngành và tổ chức Đoàn cần tiếp tục đồng hành thông qua việc: hoàn thiện hạ tầng số tại cơ sở, phổ cập kỹ năng công nghệ cho thanh niên, kết nối doanh nghiệp và các chuyên gia để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo theo hướng số hóa, đồng thời tôn vinh những mô hình tiêu biểu để lan tỏa và nhân rộng.
Thảo Vy
Đang truy cập: 511
Hôm nay: 76
Tổng lượt truy cập: 1,258,387