Tổng hợp các câu hỏi của đoàn viên thanh niên trong Chương trình Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với thanh niên năm 2025 và phần giải đáp của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành:



1. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã có những chính sách cụ thể nào để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi giá trị? UBND tỉnh có kế hoạch gì để tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, đất đai và khoa học kỹ thuật nhằm phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả? 

a) Chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực Nông nghiệp, Nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất chuỗi giá trị

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều chủ trương, chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững, trong đó nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được quan tâm và hỗ trợ triển khai thực hiện. Để khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp, Thanh niên trên địa bàn tỉnh có thể nghiên cứu một số chính sách cụ thể:

- Nghị quyết số 99/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh về quy định quy định về nội dung, mức hỗ trợ trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh;

- Nghị quyết số 100/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025;

- Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026;

- Nghị quyết số 62/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh sữa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 161/2021/NQ-HĐND, Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND, Nghị quyết số 69/2022/NQ-HĐND và Nghị quyết số 99/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh;

- Nghị quyết 163/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 và Nghị quyết số 36/2024/NQ-HĐND ngày 10/5/2024 của HĐND (sửa đổi bổ sung NQ 163) quy định một số chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026. Cụ thể, ưu tiên hỗ trợ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp và ứng dụng rộng rãi các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao; sản xuất nông nghiệp hữu cơ; áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP; xây dựng và mở rộng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho một số loại cây trồng; ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của các địa phương, có giá trị kinh tế và khả năng tiêu thụ cao của thị trường.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 281/QĐ-UBND ngày 17/2/2023 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 47-CTr/TU, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX, liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Bao gồm việc thu hút lao động trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc tại các HTX, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh....tham mưu HĐND tỉnh bố trí nguồn vốn, chỉ đạo các địa phương quy hoạch các vùng trồng, vùng nuôi tập trung; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách để thanh niên được biết tham gia phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

b) Tiếp cận nguồn vốn để phát triển Nông nghiệp

Trong những năm qua ngoài việc hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thì chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh là một trong những nội dung rất được nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu và được đánh giá rất tích cực. Bên cạnh việc hỗ trợ một phần kinh phí cho nhà đầu tư để đầu tư thực hiện dự án, thì đây còn là nguồn động viên, thể hiện thiện chí của địa phương trong việc hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp. Những năm qua, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh đã có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đầu tư sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, ngoài các chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, nhà đầu tư khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng của tỉnh được quy định tại Nghị quyết số 56/2023/NQ-HĐND ngày 19/7/2023 của HĐND tỉnh. Ngoài ra, các nhà đầu tư/doanh nghiệp còn được hỗ trợ riêng theo từng ngành, nghề lĩnh vực đầu tư/kinh doanh ví dụ như khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ (Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 20/7/2019) chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ (Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND) chính sách khuyến công (Nghị quyết số 38/2020/NQ-HĐND ngày 03/8/2020) chính sách hỗ trợ phát triển du lịch (Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 15/4/2022). Theo đó, các nhà đầu tư/doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi về thuế, hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, thị trường đầu ra sản phẩm tùy vào từng dự án cụ thể; Ngoài ra, tỉnh cũng bố trí một phần ngân sách để thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 07/01/2018 của Chính Phủ.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị đang tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021.

Tính đến 28/02/2025, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đang thực hiện triển khai 16 chương trình tín dụng ưu đãi để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định của Chính phủ tại địa bàn tỉnh Quảng Trị. Dư nợ đạt 5.350 tỷ đồng (Bao gồm dư nợ nguồn vốn cân đối từ Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH), với 76,2 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong đó dư nợ ủy thác qua Đoàn Thanh niên quản lý là 697 tỷ đồng, với 9.567 khách hàng còn dư nợ; chiếm hơn 13% tổng dư nợ tại chi nhánh Ngân hàng CSXH.

Đối với hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tại địa phương: Ngày 09/12/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-HĐND về Phát triển thanh niên tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2030. Trên cơ sở nguồn vốn ngân sách địa phương được Ủy ban Nhân dân tỉnh tỉnh bố trí qua Ngân hàng CSXH để thực hiện Nghị quyết, từ năm 2023 đến tháng 03/2025, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp với Tỉnh đoàn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp rà soát và giải ngân đến 67 thanh niên, đúng đối tượng, đúng mục đích theo quy định với số tiền 6.700 triệu đồng, hoàn thành 95,7% kế hoạch nguồn vốn ủy thác của địa phương (Số tiền ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH từ năm 2023 đến nay là 7 tỷ đồng).

Trong thời gian tới, để tiếp tục tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi để khởi nghiệp, lập nghiệp, đặc biệt là để tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi nhằm phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác giải ngân đến các đối tượng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong đó có đội ngũ đoàn viên, thanh niên một cách kịp thời và theo đúng quy định

c) Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao

HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 163/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 quy định một số chính sách hỗ trợ ứng dụng và nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026. Mục tiêu chính của nghị quyết: “Đẩy mạnh việc ứng dụng và nhân rộng các tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân trong việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh; từng bước tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, làm cho khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh” Nghị quyết 163/2021/NQ-HĐND đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 36/2024/NQ-HĐND ngày 10/5/2024, nhằm điều chỉnh một số chính sách hỗ trợ cho phù hợp với thực tiễn. Để triển khai nghị quyết này, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 1481/QĐ-UBND ngày 24/6/2024, quy định cụ thể về việc hỗ trợ ứng dụng và nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026.


2. Hiện nay, nhiều thanh niên có nguyện vọng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng gặp phải những khó khăn trong việc lựa chọn loại cây trồng, con giống phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, có giá trị kinh tế cao và có khả năng tiếp cận thị trường dễ dàng. UBND tỉnh có định hướng và giải pháp gì với vấn đề này? 

Trả lời:

Thời gian qua, việc lựa chọn các đối tượng cây trồng, vật nuôi để quy hoạch, định hướng phát triển sản xuất đã được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá và tham mưu UBND tỉnh ban hành một số danh mục và định hướng phát triển phù hợp. Cụ thể:

- Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022-2026 như: lúa chất lượng cao, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, dược liệu, gỗ rừng trồng, con tôm, con bò.

- Quyết định số 1258/QĐ-UBND ngày 19/6/2023 của UBND tỉnh đã đặt mục tiêu phát triển cây ăn quả chủ lực theo hướng hàng hóa, tập trung, gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu bền vững. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng xây dựng và phát triển ngành hoa, cây cảnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và tăng thu nhập cho người dân;

- Quyết định số 1293/QĐ-UBND ngày 03/6/2024 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực và ngành hàng sắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Kế hoạch hành động số 213/KH-UBND ngày 06/12/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình Phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2030;

Ngoài những định hướng của UBND tỉnh, các đồng chí thanh niên có thể tìm hiểu và học hỏi thêm các mô hình sản xuất hiệu quả, tiêu biểu trên địa bàn như: DFARM Quảng Trị, Mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ, Mô hình chăn nuôi Bò thâm canh, Mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi; mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn sinh sống cũng như các địa phương lân cận.

Bên cạnh đó, đoàn viên thanh niên cần quan tâm ứng dụng công nghệ trong công tác tìm kiếm, lựa chọn đối tượng sản xuất cũng như kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản trên nền tảng số bên cạnh các thị trường truyền thống, giúp đa dạng thị trường và nâng cao giá trị cho sản phẩm làm ra.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Nghị quyết số 163/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ ứng dụng và nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026 để phù hợp tình hình mới trong thời gian tới. Trong đó có ưu tiên hỗ trợ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

3. Quảng Trị có định hướng phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như thế nào, đặc biệt là về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn? UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ thanh niên tiếp cận quy trình sản xuất, chứng nhận và tiêu thụ sản phẩm ra sao?

Trả lời:

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, Tỉnh Quảng Trị xác định mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân.

Định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đã được cụ thể hoá tại Chỉ thị 38-CT/TU ngày 20/8/2024 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 7/03/2025 của UBND tỉnh về việc triển khai chỉ thị số 38-CT/TU ngày 20/8/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quyết định số 3014/QĐ-UBND ngày 10/12/2024 về phê duyệt đề án phát triển lúa hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị bền vững giai đoạn 2025-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Để thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ như: chính sách hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ giống, vật tư, phân bón; hỗ trợ chứng nhận chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, bao bì; chứng nhận, sản phẩm OCOP; hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ cơ sở hạ tầng (nuôi tôm)…

Các thanh niên có nhu cầu tham gia thực hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn có thể liên hệ với các đơn vị chuyên môn cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến đầu tư Ttương mại và Du lịch…) để được hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể các chính sách phù hợp với nhu cầu.

4. Hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo nguồn lực tài chính quan trọng, góp phần giúp cải thiện đời sống cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc và người dân sinh sống ở khu vực miền núi, tại vùng đệm các khu rừng đặc dụng và giáp ranh các khu rừng phòng hộ. Đồng thời cũng góp phần bảo vệ môi trường rừng, giảm đáng kể tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Vậy làm thế nào để thanh niên có thể tiếp cận được với các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và cải thiện thu nhập từ việc bảo vệ rừng? 

Trả lời:

Để thanh niên có thể tiếp cận với các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và cải thiện thu nhập từ việc bảo vệ rừng, có thể thực hiện các giải pháp sau:

- Khuyến khích thanh niên thành lập tổ, nhóm bảo vệ rừng để nhận khoán bảo vệ rừng từ chính sách DVMTR; tham gia vào các chương trình giao khoán rừng, hỗ trợ sinh kế bền vững như trồng rừng, phát triển dược liệu dưới tán rừng, du lịch sinh thái. Kết nối với các dự án khởi nghiệp xanh để tận dụng DVMTR làm nguồn tài chính hỗ trợ sản xuất, kinh doanh bền vững.

- Hỗ trợ thanh niên phát triển các mô hình kinh tế từ rừng như: trồng dược liệu, nuôi ong, du lịch sinh thái, sản xuất thủ công mỹ nghệ từ lâm sản ngoài gỗ. Kết nối với doanh nghiệp, hợp tác xã để xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ tài nguyên rừng.

- Hướng dẫn thanh niên lập kế hoạch phát triển kinh tế dựa vào rừng, kết hợp với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm.

Như vậy, việc kết hợp nhiều giải pháp sẽ giúp thanh niên không chỉ tiếp cận tốt hơn với chính sách DVMTR mà còn nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế gắn liền với bảo vệ rừng một cách bền vững.

5. Hiện nay, sản xuất lúa là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất ngành nông nghiệp. Nếu áp dụng biện pháp rút nước giữa vụ nhiều lần (hay còn gọi là khô ướt xen kẽ) thì có thể giảm được 45% lượng phát thải. Hướng tới Net Zero, Quảng Trị có những chính sách, định hướng gì để hỗ trợ thanh niên sản xuất lúa gạo theo hướng giảm phát thải khí nhà kính? 

Trả lời:

Nhằm hướng tới mục tiêu Net zero vào năm 2050 của Quốc gia, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang tăng cường các hoạt động phát triển sản xuất hướng tới mục tiêu giảm phát thải toàn diện, trong đó có cây lúa.

Thời gian qua, tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền, chuyển giao các quy trình canh tác bền vững cho các địa phương, đồng thời ban hành các Kế hoạch sản xuất theo hướng giảm phát thải khí nhà kính như: Quyết định số 3433/QĐ-UBND ngày 27/10/2021 của UBND tỉnh về “Kế hoạch thực hiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên các loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 1273/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 19/6/2023 về “Kế hoạch thúc đẩy ứng dụng chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực tỉnh Quảng Trị đến năm 2030”. Theo đó, các đơn vị tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức các lớp huấn luyện về IPM, IPHM trên các loại cây trồng chủ lực; thực hiện các mô hình ứng dụng chương trình IPM, IPHM để hướng dẫn kỹ thuật đến người dân nhằm giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, thuốc BVTV hóa học sử dụng trên đồng ruộng, giảm lượng nước tưới, nâng cao sức khỏe đất và giảm thất thoát sau thu hoạch, hạn chế tối đa việc đốt rơm rạ sau thu hoạch.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ và Green Carbon Japan Vietnam CO.,LTD. về việc thực hiện xây dựng và triển khai thí điểm Dự án “Tưới ngập khô xen kẽ trong canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu” với diện tích 29 ha tại thôn Duy Viên, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh.

Bên cạnh đó, đoàn viên Thanh niên có thể đề xuất các ý tưởng đổi mới sáng tạo cũng như các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ về canh tác Lúa giảm phát thải trình các đơn vị chuyên môn hỗ trợ triển khai thưc hiện.

Ngoài ra, tại Điều 16, Nghị định 112/2024/NĐ-CP đưa ra các chính sách đầu tư, hỗ trợ các cho doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX khi thực hiện các dự án áp dụng quy trình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính. Việc tham gia vào các hợp tác xã hoặc liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính có thể giúp thanh niên tiếp cận các hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và công nghệ để phát triển sản xuất bền vững.

6. Ngày 24/1/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 232/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường Carbon tại Việt Nam. Theo đó sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho giao dịch hạn ngạch phát triển khí thải nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, tạo cơ sở triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon. Bên cạnh đó, Việt Nam đã thu được hàng trăm triệu USD thông qua việc chuyển nhượng carbon giảm phát thải từ rừng. Trong thời gian tới, UBND tỉnh có những giải pháp cụ thể nào để hỗ trợ người dân và thanh niên tham gia vào thị trường tín chỉ carbon cũng như việc trồng rừng và phát triển rừng bền vững?

Trả lời:

Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các địa phương như Quảng Trị tham gia vào thị trường này. Để hỗ trợ người dân và thanh niên tham gia vào thị trường tín chỉ carbon cũng như thúc đẩy trồng và phát triển rừng bền vững, UBND tỉnh Quảng Trị nghiên cứu triển khai các giải pháp sau:

- Rà soát, quy hoạch và phát triển diện tích rừng có tiềm năng tạo tín chỉ carbon (Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các đơn vị chuyên môn xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ vùng rừng có khả năng tạo tín chỉ carbon).

- Khuyến khích và hỗ trợ thanh niên lập nghiệp gắn với trồng rừng:

+ Xây dựng mô hình “Thanh niên trồng rừng carbon”, “Thanh niên bảo vệ rừng hưởng lợi tín chỉ carbon” gắn với chính sách chi trả DVMTR.

+ Khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế: Như trồng dược liệu dưới tán rừng, nuôi ong, du lịch sinh thái, nhằm tăng thu nhập và gắn kết với bảo vệ rừng.

+ Tổ chức tập huấn cho người dân, nhóm hộ, hợp tác xã và thanh niên về cơ chế tín chỉ carbon, quy trình kiểm kê carbon rừng, đo đạc, báo cáo, giám sát.

- Hợp tác quốc tế và kết nối thị trường:

+ Kết nối doanh nghiệp: Hợp tác với các công ty mua bán carbon (trong nước và quốc tế) để ký hợp đồng bao tiêu tín chỉ từ các dự án rừng địa phương.

+ Kết nối với các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước và khu vực, đảm bảo người dân, doanh nghiệp nhỏ và thanh niên có cơ hội tiếp cận, chào bán tín chỉ carbon minh bạch và hiệu quả.

+ Xây dựng các chính sách địa phương hỗ trợ người dân và thanh niên tham gia thị trường carbon, bao gồm ưu đãi thuế và hỗ trợ kỹ thuật.

- Phát huy vai trò tổ chức Đoàn thanh niên và hợp tác xã:

+ Hỗ trợ thành lập các hợp tác xã thanh niên lâm nghiệp làm đầu mối nhận khoán, quản lý rừng và tham gia thương mại tín chỉ carbon.

+ Khảo sát và phát triển các hệ sinh thái có khả năng hấp thụ carbon cao: Như thảm cỏ biển, nhằm đa dạng hóa nguồn tín chỉ carbon và tạo thêm nguồn thu nhập cho cộng đồng;

8. Nhiều thanh niên trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, phát triển các loại hình du lịch nông thôn. Tuy nhiên, du lịch nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn do những rào cản từ cơ sở pháp lý, nhất là liên quan tới chính sách về đất đai; hạn chế trong công tác quy hoạch, định hướng phát triển, tiêu chí đánh giá chất lượng… Trong thời gian tới, UBND tỉnh có những giải pháp, cơ chế như thế nào để hỗ trợ thanh niên tham gia phát triển ngành du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh? (Sở NN&MT, Sở VH-TT&DL)

Trả lời:

Để phát triển du lịch nông thôn bền vững trong bối cảnh chính sách - hạ tầng - dịch vụ tại các địa phương chưa hoàn thiện là một thách thức không hề nhỏ với các cấp, các ngành và địa phương. Tuy nhiên, với tiềm năng và lợi thế hiện có, tỉnh Quảng Trị có thể có những giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nói chung, Thanh niên nói riêng:

- Thứ  nhất, có thể hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực trong triển khai, vận hành mô hình du lịch nông thôn trên địa bàn (đào tạo nấu ăn, lễ tân, trang trí, chuyển đổi số…);

- Thứ hai, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để xây dựng và phát triển các ý tưởng phát triển du lịch nông thôn; xem xét miễn, giảm thuế đất đối với các dự án khởi nghiệp du lịch nông thôn; hỗ trợ miễn phí đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch địa phương…;

- Thứ ba, hỗ trợ quảng bá, kết nối chia sẻ dữ liệu về du lịch Quảng Trị nói chung và du lịch nông thôn nói riêng đến với du khách trong và ngoài nước; Liên kết với Quảng Bình, Thừa Thiên Huế để xây dựng tour du lịch chung.

- Thứ tư, hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp du lịch nông thôn; Hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã thanh niên du lịch gắn với các làng nghề, điểm du lịch sinh thái; Hỗ trợ liên kết với các công ty lữ hành để tạo đầu ra ổn định…

- Thứ năm, hỗ trợ ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong du lịch, phát triển nền tảng du lịch thông minh (Khuyến khích thanh niên sử dụng VR (thực tế ảo), livestream, video 360 độ để giới thiệu trải nghiệm du lịch nông thôn; Xây dựng app du lịch Quảng Trị hỗ trợ đặt dịch vụ homestay, tour du lịch do thanh niên tổ chức…)

Để phát triển du lịch nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Chương trình, Kế hoạch để phát triển loại hình du lịch này. Cụ thể: Ngày 29/9/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 180/KH-UBND về thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 02/12/2022 về thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh đã đề ra:

- 05 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng của địa phương; Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn; Xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững;

- 06 nhóm giải pháp: Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn; Huy động, lòng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn; tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn; bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn; Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn; Tăng cường phối hợp liên ngành, hợp tác trong nước và quốc tế về phát triển du lịch nông thôn.

Đồng thời, ngày 18/10/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 194/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 15/4/2022 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022-2030 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 75 tỷ đồng, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn. Mới đây nhất, ngày 14/02/2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

9. Phong trào “Đồng hành với thanh niên trong lập nghiệp, khởi nghiệp” đã tạo động lực để nhiều thanh niên mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm vẫn là vấn đề nan giải do chưa tiếp cập được thị trường tiêu thụ, sản phẩm chưa được liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, nhiều thanh niên gặp khó khăn trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, thiết kế nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tham gia chương trình OCOP để tăng tính cạnh tranh trên thị trường. UBND tỉnh có giải pháp và định hướng gì để hỗ trợ thanh niên tháo gỡ những khó khăn này, giúp sản phẩm của thanh niên vươn xa hơn trên thị trường?

Trả lời:

Để hỗ trợ thanh niên vượt qua những khó khăn nói trên và giúp sản phẩm của thanh niên vươn xa hơn trên thị trường, UBND tỉnh có một số giải pháp và định hướng sau:

- Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và thiết kế nhãn mác: Thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025 (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3556/QĐ-UBND ngày 14/12/2020), hàng năm, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ xây dựng thương hiệu và thiết kế nhãn mác để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Quảng Trị trên thị trường, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao giá trị của doanh nghiệp. Thời gian qua, Sở đã tiến hành hỗ trợ hoàn thiện và phát triển sản phẩm cho 03 doanh nghiệp thanh niên khởi nghiệp (gồm: Công ty TNHH SX&TM Nông sản sạch Trần Lan, Hợp tác xã dược liệu Trường Sơn; Cơ sở sản xuất thực phẩm Bún Vạn Linh) nhằm đáp ứng tiêu chuẩn và quy định của Siêu thị Co.opmart và các siêu thị mini, cửa hàng nông sản. Năm 2025, Sở dự kiến sẽ hỗ trợ từ 1-2 doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì, nhãn mác cho 4-5 sản phẩm.

- Hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Thực hiện Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hàng năm, Sở Công Thương được UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ DNNVV để hỗ trợ thanh niên trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương hiệu cho sản phẩm của mình. Việc hỗ trợ thủ tục pháp lý và chi phí đăng ký có thể giúp thanh niên bảo vệ quyền lợi và tránh bị xâm phạm quyền sở hữu. Theo đó, căn cứ Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 04 tháng 02 năm 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao nhiệm vụ và bố trí kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2025; trong năm 2025, Sở Công Thương dự kiến hỗ trợ tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước cho 03 DNNVV trên địa bàn tỉnh đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

- Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và tư vấn tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng: Hàng năm, từ nguồn kinh phí XTTM tỉnh, Sở Công Thương triển khai  hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua mã QR hoặc các ứng dụng công nghệ giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và đánh giá chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ tư vấn thanh niên trong việc thực hiện các thủ tục để xây dựng hệ thống quản lý chất lượng. Năm 2025, Sở dự kiến hỗ trợ tư vấn xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO cho 02 DNNVV và hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho 01 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia các hội nghị kết nối cung cầu và chương trình giao thương trong nước: Căn cứ Chương trình XTTM tỉnh, hàng năm, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia hội nghị kết nối cung cầu và chương trình giao thương tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vĩnh Long… nhằm giúp các sản phẩm nông sản của thanh niên được tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.

- Tổ chức các lớp tập huấn về TMĐT cho thanh niên khởi nghiệp và hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT trong nước và quốc tế: Nhằm tạo cơ hội cho thanh niên giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, nhà đầu tư và các đối tác kinh doanh, đồng thời xây dựng mạng lưới đối tác và kết nối thị trường tiêu thụ; Thực hiện Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 – 2025, Sở Công Thương định kỳ tổ chức Hội nghị tập huấn TMĐT cho gần 100 thanh niên khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại để tìm đầu ra cho các sản phẩm được nông sản địa phương thông qua việc hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước (Lazada, Tiki, Shopee, Voso). Ngoài ra, trong năm 2025, Sở Công Thương sẽ hỗ trợ cho 02 doanh nghiệp trong tỉnh đưa các sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT quốc tế Alibaba.

- Tổ chức hoạt động kết nối, hoàn thiện sản phẩm đưa vào hệ thống Siêu thị Coopmart Quảng Trị và các siêu thị mini, Cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh: Trong thời gian qua, Sở Công Thương đã hỗ trợ cho 02 doanh nghiệp thanh niên khởi nghiệp là CSSX thực phẩm Vạn Linh và Công ty TNHH SX&TM Nông sản sạch Trần Lan ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác để tiến tới ký kết các hợp đồng kinh tế về việc cung cấp, tiêu thụ các sản phẩm của mình với Siêu thị Coopmart Đông Hà và các nhà phân phối trên địa bàn tỉnh. Năm 2025, căn cứ Công văn số 785/UBND-TCTM ngày 05/3/2025 của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã được UBND tỉnh phê duyệt đề án “Tổ chức kết nối, hoàn thiện sản phẩm CNNT tiêu biểu, OCOP, đặc trưng tỉnh Quảng Trị phân phối vào các siêu thị và cửa hàng nông sản năm 2025”; Theo đó, Sở sẽ tổ chức hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm với sự tham gia của 20 doanh nghiệp trong tỉnh tại siêu thị Co.opmart Quảng Trị trong Quý III/2025.

Những giải pháp trên có thể giúp thanh niên tháo gỡ khó khăn và tăng cường khả năng cạnh tranh, tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng, đồng thời cũng là giải pháp nhằm hỗ trợ thanh niên kết nối, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của mình.


10. Hiện nay rất nhiều thanh niên nông thôn có nhu cầu đi lao động tại nước ngoài theo dạng hợp đồng. Vậy tỉnh ta có các cơ chế, chính sách gì hỗ trợ cho lao động đi làm việc tại nước ngoài không? Và sau khi đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài về địa phương thì cơ hội tìm kiếm việc làm hoặc khởi nghiệp tại tỉnh ta của thanh niên như thế nào?

Trả lời:

Tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ thanh niên nông thôn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tạo điều kiện cho họ sau khi trở về địa phương.

1. Chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài:

Theo Nghị quyết 119/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị hỗ trợ người lao động thuộc các đối tượng sau: người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, lực lượng vũ trang xuất ngũ và thân nhân người có công với cách mạng. Các hỗ trợ bao gồm:

Hỗ trợ kinh phí một lần theo thị trường lao động:

- Thân nhân người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số; người lao động thuộc hộ nghèo khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hỗ trợ tiền một lần theo từng thị trường lao động, như sau:

+ Thị trường Nhật Bản: 10.000.000 đồng/người.

+ Thị trường Hàn Quốc: 7.000.000 đồng/người.

+ Thị trường Đài Loan: 7.000.000 đồng/người.

- Người lao động thuộc lực lượng vũ trang đã xuất ngũ trong thời gian 12 tháng tính từ ngày xuất ngũ; người lao động thuộc hộ cận nghèo khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ 70% mức hỗ trợ quy định trên.

- Hỗ trợ vay vốn chi phí đi làm việc ở nước ngoài: Đặc biệt dành cho lực lượng vũ trang xuất ngũ, giúp họ tiếp cận nguồn vốn cần thiết để tham gia lao động ở nước ngoài.

- Mục tiêu giai đoạn 2024-2026 là:

+ Hỗ trợ 750 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

+ Hỗ trợ 93 người lao động là lực lượng vũ trang xuất ngũ vay vốn chi phí đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.

+ Hỗ trợ 450 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hết hạn hợp đồng trở về nước tìm kiếm được việc làm tại tỉnh Quảng Trị.

2. Cơ hội việc làm và khởi nghiệp sau khi trở về:

Tỉnh Quảng Trị chú trọng hỗ trợ người lao động sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước, nhằm giúp họ tái hòa nhập và phát triển kinh tế tại địa phương:

- Hỗ trợ tìm kiếm việc làm: Trong vòng 3 năm kể từ khi trở về, nếu người lao động tìm được việc làm tại tỉnh, họ sẽ nhận được hỗ trợ tài chính 2,5 triệu đồng/người theo Nghị quyết 119/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị.

- Hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển kinh tế: Tỉnh khuyến khích và hỗ trợ người lao động đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng. Các chương trình đào tạo kỹ năng, hướng dẫn khởi nghiệp và tiếp cận nguồn vốn ưu đãi được triển khai để hỗ trợ thanh niên.

- Chương trình "Cơ hội nghề nghiệp, việc làm, khởi nghiệp của thanh niên": Được triển khai nhằm cung cấp thông tin, đào tạo kỹ năng và tạo cơ hội việc làm cho đoàn viên thanh niên, giúp họ tiếp cận với các cơ hội nghề nghiệp và khởi nghiệp sau khi trở về.

Những chính sách và chương trình này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên nông thôn Quảng Trị tham gia lao động ở nước ngoài và phát triển sự nghiệp sau khi trở về địa phương.


  • 202-KH/TĐTN-XDĐ

    Kế hoạch tổ chức hoạt động Đội hình Tình nguyện viên trực tuyến tỉnh Quảng Trị (19/02/2025)

  • 190-KH-TĐTN-XDĐ

    Kế hoạch triển khai chiến dịch truyền thông Vững bước dưới cờ Đảng (14/01/2025)

  • 184-KH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức phát động thi đua chào mừng đại hội Đảng các cấp (23/12/2024)

  • 17-HD/TĐTN-XDĐ

    Hướng dẫn kiểm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức Đoàn, tập thể lãnh đạo, cá nhân cấp huyện và cơ sở (22/01/2025)

  • 16-HD/TĐTN-XDĐ

    Hướng dẫn kết nạp đoàn viên mới năm 2025 "Lớp đoàn viên 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam" (08/01/2025)

Đang truy cập: 199

Hôm nay: 461

Tổng lượt truy cập: 1,094,311

Liên hệ Facebook Đăng nhập