Tròn 50
năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, tuổi trẻ Vĩnh Linh luôn không ngừng nỗ lực,
phấn đấu học tập và rèn luyện, ghi dấu ấn trên tất cả các lĩnh vực, xứng đáng
với lời dạy của Bác Hồ “Đâu cần
thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Trong đó nổi bật là phong trào thanh
niên lập thân, khởi nghiệp.
Chinh phục vùng đất khó
Sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Chấp, vùng đất có điều
kiện tự nhiên không được thuận lợi nhưng với sức trẻ, Lê Văn Hoàn (SN 1989) ở
thôn Lai Bình quyết tâm tìm hướng đi phù hợp, biến thách thức của vùng gò đồi,
hoang hóa thành lợi thế để phát triển kinh tế. Từng theo học Cao đẳng nông
nghiệp tại Thái Lan, có điều kiện tham quan nhiều mô hình sản xuất, nhận thấy
với vùng đất gò đồi như xã Vĩnh Chấp, mô hình nuôi bò sẽ rất hiệu quả vì vừa có
môi trường chăn thả rộng rãi, tận dụng được nguồn
thức ăn tự nhiên sẵn có. Tuy vậy khó khăn lớn nhất của Hoàn khi bắt tay khởi
nghiệp chính là nguồn vốn. Để tiếp sức cho Hoàn hiện thực hóa ý tưởng của mình,
thông qua Hội LHTN huyện Vĩnh Linh, Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Linh đã cho Hoàn
vay số tiền 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn ban đầu này, năm 2018, Hoàn mạnh dạn
đầu tư hệ thống chuồng trại, mua bò sinh sản cùng bò vỗ béo về thả nuôi trên
diện tích 2 ha đất đồi của gia đình với kinh phí gần 300 triệu đồng.
Để đảm bảo đủ nguồn thức ăn tại chổ, Hoàn tự mình cải
tạo 1,5 ha vườn tạp để trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Từ lợi nhuận bán bò
sinh sản và bò vỗ béo, Hoàn tiếp tục mở rộng quy mô chăn
nuôi. Đến nay số lượng đàn bò của gia đình Hoàn đã lên đến 10 con gồm 6 bò sinh
sản và 4 bò vỗ béo. Bên cạnh chăn nuôi bò, Hoàn còn chăn nuôi gà thả đồi với số
lượng 300 con/lứa. Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên, Hoàn nuôi giun quế để bổ sung
thêm chất dinh dưỡng cho gà cũng như giảm đáng kể chi phí đầu tư. Sau khi trừ
các khoản, mô hình trang trại tổng hợp đưa về cho Hoàn thu nhập gần 200 triệu
đồng/năm, được chính quyền địa phương đánh giá cao về tính hiệu quả, nhiều
người đến học hỏi để nhân rộng, đặc biệt các bạn trẻ vùng khó.
Với kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân, Hoàn sẵn
sàng chia sẻ, giúp đỡ cho những ai muốn phát triển kinh tế theo hướng này. Thời
gian tới Hoàn dự định tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô nuôi bò,
gà, đồng thời tận dụng nguồn phân từ gia súc để trồng thêm các loại cây ăn quả,
xây dựng trang trại theo hướng đa cây đa con, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe
người tiêu dùng lại thân thiện với môi trường.
Phát huy thế mạnh của địa phương để khởi
nghiệp
Anh Lê Đình Định (SN 1993), thôn Thuỷ Tú 1, xã Vĩnh Tú
được biết đến là người tiên phong thử nghiệm thành công với mô hình phát triển
kinh tế mới: nuôi cá lồng bè trên bàu Thuỷ Ứ. Nhận thấy bàu Thuỷ Ứ thuận lợi để
nuôi trồng thủy sản, đầu năm 2018, nhờ sự hỗ trợ của Hội LHTN huyện Vĩnh Linh,
Định được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Linh để triển khai mô
hình nuôi cá lồng bè. Sau đó, Định hợp đồng với UBND xã Vĩnh Tú thuê lại 400m2 diện tích mặt nước ở bàu Thuỷ Ứ. Cùng với vốn kiến
thức từ quá trình học Trung cấp thú y, Định đăng kí tham gia thêm các lớp tập
huấn do Đoàn thanh niên các cấp tổ chức; chủ động tìm kiếm, học hỏi qua tài
liệu, các mô hình thực tế để tự tin áp dụng KHKT vào nuôi cá lồng bè.
Sau khi đã nắm vững kiến thức, Định đầu tư xây dựng hệ
thống lồng bè đảm bảo tiêu chuẩn với 6 lồng, mỗi lồng 38m2, tổng kinh phí 100 triệu đồng. Cùng với đó, Định chọn
nguồn cá giống có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo đưa vào thả nuôi. Mỗi
lồng Định thả gần 600 con giống gồm 200 cá trắm và khoảng 400 cá thát lát. Nuôi
cá lồng bè tự nhiên có nhiều ưu điểm như môi trường nước trong lành, tận dụng
được nguồn thức ăn sẵn có; hoạt động chăm sóc, quản lí thuận lợi nên tỉ lệ sống
của cá cao hơn hẳn, cá sinh trưởng nhanh, đồng đều, ít dịch bệnh…
Qua 6 tháng thả nuôi đúng quy trình, kĩ thuật, kết quả cho thấy rất khả quan. Cá
nuôi đến thời điểm xuất bán đạt trọng lượng bình quân 1,5- 2 kg/con, chất lượng
thịt cá thơm ngon nên được thị trường rất ưa chuộng, giá thành ổn định
50-60.000/kg. Từ thành công ban đầu, Định duy trì thả nuôi mỗi năm 2 lứa
cá cho đến nay, xuất ra thị trường gần 1 tấn cá/ năm, cung cấp nguồn thực phẩm
phục vụ trên địa bàn và các vùng lân cận. Mô hình nuôi cá lồng bè trên bàu
Thuỷ Ứ mang lại cho Định thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ năm.
Đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân,
khởi nghiệp
Lê Đình Định, Lê Văn Hoàn là hai trong số hàng trăm
bạn trẻ trên địa bàn huyện Vĩnh Linh có xuất phát điểm khó khăn, phải đối diện
với nhiều vấn đề đặt ra trên con đường khởi nghiệp. Song bằng nhiệt huyết, sức
sáng tạo đã không ngừng nỗ lực vượt qua thử thách, lập nghiệp thành công. Bí
thư Huyện Đoàn Vĩnh Linh Võ Thị Thu cho biết: “Hiện toàn huyện có trên 130 mô
hình khởi nghiệp do thanh niên làm chủ. Trong đó chăn nuôi, trồng trọt, chăn
nuôi - trồng trọt 70 mô hình, kinh doanh dịch vụ kĩ thuật 60 mô hình. Tất
cả đều cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ năm. Thanh niên ở các xã vùng biển như
Vĩnh Thái, Vĩnh Giang, Cửa Tùng…đã thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp, xây dựng
nhiều mô hình tạo sinh kế bền vững; một số mô hình của thanh niên dân tộc
thiểu số vùng cao thuộc các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê tuy mới triển khai
thực hiện nhưng bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Qua đó khẳng định ý
thức, quyết tâm lập nghiệp, khởi nghiệp rất lớn của tuổi trẻ Vĩnh Linh trên
khắp mọi miền quê”.
Có được kết quả này phải kể đến sự đồng hành tích cực
từ Hội LHTN huyện Vĩnh Linh trong suốt thời gian qua. Với lực lượng gần 13.000
thanh niên trong độ tuổi, nhu cầu về nghề nghiệp, việc làm ngày một tăng cao.
Phát huy vai trò của tổ chức hội, Hội LHTN huyện Vĩnh Linh bám sát đặc điểm
tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị, triển khai nhiều chương trình,
mô hình, dự án khởi nghiệp trong thanh niên nhằm hỗ trợ hiệu quả nhất những
hoài bão khởi nghiệp; tìm kiếm, phát huy trí tuệ đi đến kết nối, phát triển các
ý tưởng khởi nghiệp khả thi, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế trong tình
hình mới. 5 năm qua, các cấp Đoàn - Hội toàn huyện phối hợp tổ chức chương
trình “Đồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp” và “Ngân hàng ý
tưởng sáng tạo trong thanh niên”; hướng nghiệp cho trên 15.000 lượt ĐVTN; trao
tặng khoảng 27.000 cây, con giống, đảm nhận và bảo trợ nhiều mô hình kinh tế
giảm nghèo bền vững cho các hộ nghèo do thanh niên làm chủ.
Đặc biệt, Hội LHTN huyện đã huy động, tín chấp,
quản lí 53 Tổ Tiết kiệm và vay vốn với tổng nguồn vốn vay ủy thác gần 70 tỉ
đồng cho gần 1.900 hộ ĐVTN vay vốn. Từ đây nhiều thanh niên chủ động nắm bắt cơ
hội, định hướng cách làm hay, sáng tạo, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa
phương để vươn lên, đi đầu trong phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng trên
chính đồng đất quê hương. Những mô hình kinh tế, sản xuất thành công đem lại
lợi nhuận cao, không chỉ làm giàu cho những người trẻ đầy bản lĩnh mà còn khẳng
định vai trò, vị thế của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, đổi mới quê
hương.
Huyện Đoàn Vĩnh Linh (MT)
- Các Liên đội trên địa bàn thành phố Đông Hà: Đồng loạt tổ chức hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời”
- Vĩnh Linh: Kiểm tra, giám sát, đánh giá toàn diện công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi năm 2019
- Đoàn trường học sôi nổi các hoạt động tạo môi trường để ĐVTN rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe
Đang truy cập: 493
Hôm nay: 510
Tổng lượt truy cập: 1,157,413