Giờ đây, vùng đất chết xưa kia đầy rẫy
bom mìn đã mọc lên 78 nóc nhà, đêm đêm sáng ánh đèn, cuộc sống người dân ngày
càng ấm no. Nơi chúng tôi nói đến là xóm Rú, thôn Trúc Khê, xã Gio Quang, huyện
Gio Linh. Người dân địa phương thường gọi đây là ngôi làng của MAG.
Hằng ngày, nhân viên MAG vẫn đối mặt với
tử thần, miệt mài với công việc rà phá bom mìn,
giải phóng đất đai, đem lại cuộc
sống an toàn hơn cho người dân Quảng Trị
Vùng đất chết năm xưa
Một ngày giữa tháng 7, khi cái nắng
ngoài trời lên tới 42 độ C, từng cơn gió Lào thổi vào mặt nóng rát, chúng tôi
có mặt ở xóm Rú. Nơi đây có hàng chục ngôi nhà được xây dựng cùng một khuôn, từ
thiết kế đến màu sơn. Những con đường bê tông to rộng, nhà nào cũng có giếng nước,
tiện nghi đầy đủ khiến cho xóm Rú thêm giàu sức sống.
Ghé thăm nhà chị Hoàng Thị Hải Lý (SN
1970), chúng tôi mới biết xóm Rú là khu tái định cư do Nhóm tư vấn bom mìn
Vương quốc Anh (viết tắt là MAG) hỗ trợ xây dựng vào năm 2002. Nhìn về phía những
đứa trẻ đang chơi bóng ở sân vận động phía sau vườn nhà, chị Lý cho biết, xóm
Rú thời chiến tranh là khu căn cứ quân sự Đồn C1 của Mỹ. 17 năm về trước, nơi
đây là bãi mìn dày đặc, nhiều vụ tai nạn do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh
gây bao tang thương cho người dân. Năm 1993, ông Nguyễn Bá Chiểu (SN 1939), trú
ở thôn Trúc Lâm không may dẫm phải quả mìn, bị cắt cụt một chân, cuộc sống từ
đó khó khăn trăm bề. Anh Nguyễn Đình Châu (SN 1972), thôn Trúc Lâm, khi đang
chăn bò ở vùng xóm Rú cũng dẫm phải bom bi, mất năm 1983. Nơi đây, người dân địa
phương còn chứng kiến rất nhiều nạn nhân khác bị thương vong bởi bom mìn còn
sót lại sau chiến tranh.
Thống kê từ Đơn vị cơ sở dữ liệu về hoạt
động khắc phục hậu quả chiến tranh tại Quảng Trị (DBU), từ năm 1976 đến 2007
trên địa bàn xóm Rú xảy ra 14 vụ tai nạn bom mìn, làm chết 4 người, trong đó có
3 trẻ em bị tai nạn trong lúc đang chăn thả gia súc.
Từ vùng đất chết gây nhiều tang
thương, nay xóm Rú đã hồi sinh
Nhấp ngụm nước chè xanh, chị Lý lần hồi
kể về cuộc “di cư” của gia đình. Đó là vào năm 1997, vợ chồng chị khăn gói lên
xóm Rú dựng căn nhà nhỏ, khai hoang đất sinh sống. Gia đình chị trở thành cư
dân đầu tiên sinh sống ở “vùng đất chết”. Cứ mỗi nhát cuốc bổ xuống là tim chị
lại một lần run lên vì lo sợ. “Bom bi, mìn M14 nổi trên mặt đất, nhìn thấy thì
người dân gom lại một đống nhưng đáng lo nhất là những loại nằm dưới lòng đất.
Riêng tôi đã cuốc trúng hàng chục quả bom bi, may mắn bom không nổ, nếu không
thì…” , chị Lý thở dài.
Thay da đổi thịt
Trước những hiểm nguy đó, ngày
13/7/1999, MAG quyết định huy động nhân lực rà phá bom mìn, giải phóng đất đai
tại căn cứ C1. Nơi nhân viên MAG rà phá đầu tiên chính là khu vực quanh nhà chị
Lý. Gần 100 quả mìn, bom bi được phát hiện, đem hủy nổ. Ban đầu nghe tiếng nổ
chị Lý rất sợ nhưng dần dà rồi quen. Diện tích đất được giải phóng ngày càng mở
rộng, cuộc sống của chị trở nên dễ thở hơn khi bom đạn được dọn sạch từng ngày.
Trong hơn 3 năm (1999-2002), 65 nhân
viên MAG đã rà phá trên diện tích hơn 1,2 triệu m2 ở căn cứ C1, tìm thấy 2.019
vật liệu nổ bao gồm các loại mìn định hướng M18, mìn nhảy M16 và nhiều nhất là
mìn sát thương cá nhân M14. Các loại mìn này được cài đặt 5 vòng bao quanh vành
đai hướng Tây Bắc của căn cứ. Sau khi rà phá bom mìn xong, MAG quyết định hồi
sinh vùng đất chết C1 này bằng việc hỗ trợ xây dựng đường, điện thắp sáng, nước
sinh hoạt, 78 ngôi nhà cho 78 hộ dân, một nhà mẫu giáo và một nhà cộng đồng, cùng
với đó là hệ thống đường được quy hoạch…
Đang hái những quả mít chuẩn bị mang
đi bán, thấy chúng tôi đến thăm nhà, chị Hoàng Thị Phương (32 tuổi) vội nghỉ
tay tiếp chuyện. Gạt mồ hôi trên trán, chị Phương kể, lúc còn nhỏ đã từng lên đồi
C1 bứt tranh, hái củi nhưng khi biết có người bỏ mạng vì tai nạn bom mìn nơi
đây chị, đã không dám đặt chân đến đó lần thứ hai. Mãi đến năm 2007, khi vừa lập
gia đình, thấy cuộc sống của các hộ dân xóm Rú ổn định, chị mới xin cha mẹ “di
cư” đến đây.
“Vợ chồng tôi cưới nhau, ra ở riêng với
hai bàn tay trắng. May mắn lúc lên định cư ở xóm Rú đã có sẵn giếng khoan, điện
sinh hoạt, 3.000 m2 đất vườn canh tác và nhất là có ngôi nhà vững chãi do MAG
xây dựng. Nhờ có sự khởi đầu thuận lợi như vậy chúng tôi mới quyết tâm sinh sống,
lập nghiệp tại đây”, chị Phương nói.
Chị Hoàng Thị Phương bên những trái
mít được trồng trong vườn nhà
Với sức trẻ của thanh niên, vợ chồng
chị Phương nhanh chóng bắt tay vào canh tác, trồng mít, cây sả và nhiều loại
cây ăn quả khác. Để có thêm thu nhập, vợ chồng chị còn buôn bán hàng tạp hóa,
bánh kẹo và nhiều nghề khác. Mới hơn 10 năm lập nghiệp, tuy cuộc sống chưa dư dả
nhưng bước đầu đã ổn định, đủ để chị chăm lo cho hai con ăn học.
Còn với chị Lý, không chỉ được ở trong
ngôi nhà do dự án MAG xây dựng, chị còn được tổ chức này nhận vào làm nhân viên
kĩ thuật với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, dù còn nhiều vất vả
nhưng chị đều chăm lo cho con cái ăn học đàng hoàng. Hiện con gái đầu của chị
Lý đang du học ở Nhật Bản, cậu con trai thứ hai học năm 2 Đại học kiến trúc Đà
Nẵng.
Ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Gio
Quang cho hay, từ hai bàn tay trắng, những hộ dân lên khu tái định cư xóm Rú được
dự án MAG hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, nhà cửa nay đã có cuộc sống ổn định. Hiện
nay, bà con vẫn tiếp tục cải tạo vườn tạp, nuôi trồng đa dạng để tăng thu nhập.
Nơi đây được chính quyền địa phương quan tâm đặc biệt, 80% đường giao thông đã
được bê tông hóa từ nguồn xây dựng nông thôn, diện mạo xóm Rú so với trước đây
đã thay đổi rất nhiều.
Rời xóm Rú, chúng tôi mang theo quả
mít của chị Phương tặng. Hình ảnh quả mít bên ngoài xù xì, đầy gai nhọn như
vùng đất xóm Rú trước đây, nay nhờ được dự án MAG và chính quyền địa phương
quan tâm, hồi sinh, đã cho hương vị ngọt ngào như cuộc sống của người dân bây
giờ.
Bùi Ngọc Vũ –
báo Quảng Trị
Đang truy cập: 207
Hôm nay: 626
Tổng lượt truy cập: 1,222,547