Đã quen với những tiết học pháp luật đại cương có phần khô cứng nên phần lớn học sinh, sinh viên rất háo hức chờ đón mỗi phiên tòa giả định. Theo dõi phiên tòa, các bạn trẻ đã học được rất nhiều bài học bổ ích.
Những ngày
qua, trong giờ nghỉ giải lao sau tiết học, các sinh viên Trường Cao đẳng Y tế
tỉnh Quảng Trị nhắc nhiều đến câu chuyện của Huyền “Búp bê”, nhân vật chính
trong phiên tòa giả định do Đoàn Khối các cơ quan tỉnh phối hợp với hai chi
đoàn trực thuộc là Tòa án nhân dân tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức
tại trường. Huyền là một tân sinh viên chăm ngoan, học giỏi. Trong thời gian
lên thành phố học, cô gặp gỡ và đem lòng yêu một nam sinh nghiện ma túy cùng
trường. Một lần, vì hoàn cảnh xô đẩy, Huyền giúp bạn trai mua ma túy, rồi bị
bắt giữ và bị truy tố. Câu chuyện của Huyền đã “đánh trúng” tâm lý nhiều bạn
trẻ, đặc biệt là các nữ sinh. Họ đặt cho nhau câu hỏi: “Nếu ở trong hoàn cảnh
của Huyền, bạn sẽ làm gì?”. Lê Thị Thanh Hiền, sinh viên lớp Điều dưỡng C2
khẳng định: “Sau khi theo dõi phiên tòa giả định, chắc chắn sẽ không có bạn trẻ
nào ở trường em hành động dại dột như Huyền”.
Cách đây không
lâu, khi tình trạng bạo lực học đường đang trở thành đề tài sốt nóng, được sự
khuyến khích của Đoàn Khối các cơ quan tỉnh, các đoàn viên, thanh niên Chi đoàn
Tòa án nhân dân tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã phối hợp mở phiên tòa
giả định tại Trường THPT Cửa Tùng, Vĩnh Linh. Tình huống được họ chọn lựa là
chỉ vì mâu thuẫn tình cảm, hai nữ sinh một trường THPT đã đánh một bạn gái
khác. Khi vụ việc xảy ra, các nam sinh trong trường đã không can ngăn, giúp đỡ
nạn nhân mà còn quay video rồi tung lên mạng xã hội. Dù là giả định nhưng phiên
tòa được các đoàn viên, thanh niên tái hiện rất chân thực, sinh động. Những ý
kiến trao đổi, phần luận tội của hội đồng xét xử giúp học sinh Trường THPT Cửa
Tùng nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và rút ra nhiều bài học quý.
Cũng với mong
muốn giúp học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức pháp luật, mới đây, Thành đoàn
Đông Hà đã tổ chức một phiên tòa giả định tại Trường THPT Đông Hà. Điều đặc
biệt của phiên tòa này là có sự tham gia trực tiếp của các bạn học sinh. Vì
nghe lời xúi giục của một đối tượng xấu, hai học sinh vốn ngoan hiền đã trót
dại trộm xe đạp của bạn mình để bán lấy tiền chơi game. Đối diện với các thành
viên trong hội đồng xét xử, hai bị cáo tỏ rõ sự hối hận. Những hình ảnh ấy đã
in sâu trong tâm trí các bạn học sinh Trường THPT Đông Hà. Nhiều em khẳng định
sẽ giữ vững tinh thần, không để bản thân bị cám dỗ rồi vướng vào vòng lao lý.
Ở lứa tuổi “ăn
chưa no, lo chưa tới”, nhận thức pháp luật của phần lớn học sinh, sinh viên vẫn
còn hạn chế. Những kiến thức mà các em tiếp nhận được chủ yếu từ những tiết học
đại cương có phần khô cứng ở trường. Trong khi đó, chập chững vào đời, học
sinh, sinh viên thường bị cám dỗ bủa vây. Vì thiếu hiểu biết và bản lĩnh nên
nhiều bạn trẻ vốn là con ngoan, trò giỏi đã sa ngã, vướng vào vòng tù tội. Từ
đây, cánh cửa tương lai khép lại trước mắt họ.
Trăn trở trước
thực tế ấy, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã nỗ lực nâng cao nhận
thức pháp luật cho học sinh, sinh viên. Nhiều giải pháp được đưa ra như “mềm
hóa” cách truyền đạt kiến thức pháp luật trong giờ học; tổ chức các hội thi,
buổi tuyên truyền; phát tờ rơi trích dẫn các điều, khoản gần gũi với học sinh,
sinh viên; hỗ trợ thanh niên mãn hạn tù hòa nhập với cộng đồng… Đặc biệt, các
cấp bộ đoàn trong tỉnh đã phối hợp với nhiều trường trên địa bàn tổ chức phiên
tòa giả định, thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo học sinh, sinh viên.
Trong phiên tòa giả định, các đoàn viên, thanh niên đã đưa ra những tình huống
đi liền với màn hoạt cảnh được dàn dựng công phu, phản ánh sâu sắc hiện thực
cuộc sống. Phiên tòa diễn ra y như thật với đầy đủ trình tự, thủ tục, thành
phần tham gia… Đặc biệt, những ý kiến trao đổi, phần luận tội của hội đồng xét
xử được chú trọng nhằm giúp học sinh nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và
rút ra nhiều bài học quý trong cuộc sống.
Để tổ chức một
phiên tòa giả định, lực lượng đoàn viên, thanh niên với chủ công đến từ Tòa án
nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong tỉnh trăn trở rất nhiều. Trước
tiên, họ phải chọn được những vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm của đông đảo
học sinh, sinh viên. Điểm nhấn của phiên tòa chính là màn hoạt cảnh sinh động
với những nút “thắt”, “mở” hợp lý. Các nhân vật xuất hiện trên sân khấu luôn nỗ
lực để đưa khán giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, lúc hài hước, sôi động,
khi sâu lắng, trầm buồn, thậm chí là đau đớn. Trong toàn phiên tòa giả đình,
màn xét xử được “chăm chút” nhất. Yêu cầu đặt ra là mọi hoạt động, lời nói phải
đảm bảo “đúng”, “chuẩn” đến từng chi tiết. Bí thư Chi đoàn Tòa án nhân dân tỉnh
Ngô Khánh Phương cho biết: “Để tổ chức mỗi phiên tòa giả định, các đoàn viên,
thanh niên chúng tôi phải trăn trở rất nhiều. Mọi người tập luyện liên tục, chú
ý đến từng tình huống, chi tiết. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là phiên tòa
khép lại trong tràng pháo tay của khán giả”.
Tín hiệu đáng
mừng là các phiên tòa giả định được tổ chức trên địa bàn trong thời gian qua đã
thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo học sinh, sinh viên. Từ phiên tòa,
các bạn trẻ không chỉ nắm được hành vi phạm tội hay mức án được áp dụng mà còn
hiểu rõ hơn về công việc của những người “cầm cân, nảy mực” trong phiên tòa;
biết ranh giới giữa đúng và sai; thấy rõ sự nghiêm minh của pháp luật… Vì thế,
các em đều rất mong chờ phiên tòa giả định tiếp theo. Một số em còn tích cực
đến trường bạn để theo dõi các phiên tòa giả định. Phiên tòa cũng đã góp phần
khơi gợi ngọn lửa đam mê, ước mơ chân chính là được trở thành thẩm phán, luật
sư, kiểm soát viên… trong các bạn học sinh, sinh viên.
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Khánh Vũ cho biết, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn rất quan tâm đến việc nâng cao nhận thức về pháp luật cho học sinh, sinh viên. Nhiều hoạt động tuyên truyền đã được các cấp bộ đoàn trong tỉnh tổ chức, mang lại hiệu quả đáng mừng. Trong đó, phiên tòa giả định là một cách làm hay giúp học sinh, sinh viên trên địa bàn hiểu biết sâu sắc và nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật. Nhờ phiên tòa giả định mà các em biết được ranh giới giữa đúng và sai, vi phạm và không vi phạm pháp luật, nên làm và không nên làm… Từ đây, các bạn học sinh, sinh viên trưởng thành, sống có ý nghĩa hơn. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các cấp bộ đoàn tiếp tục nhân rộng mô hình phiên tòa giả định. Chúng tôi tin rằng, các phiên tòa giả định sẽ góp phần làm hạn chế những phiên tòa thật”, Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Khánh Vũ bày tỏ sự tin tưởng.
Tây Long - Báo Quảng Trị (TA)
Đang truy cập: 17
Hôm nay: 639
Tổng lượt truy cập: 1,133,594