Nguyễn Khánh Vũ - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh

 

Thanh niên dân tộc thiểu số có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tại các địa bàn. Xuất phát từ đặc thù là lực lượng nhạy cảm, dễ bị tác động, thời gian qua, thanh niên dân tộc thiểu số trong tỉnh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành trong việc nâng cao nhận thức chính trị, pháp luật. Công tác hỗ trợ, đồng hành và đoàn kết, tập hợp thanh niên dộc tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mối quan hệ giữa các tổ chức Đoàn, Hội với thanh niên ngày càng được củng cố bền chặt.

Trong năm qua, tổ chức Đoàn, Hội các cấp trong toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực, tăng cường công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên dân tộc trên địa bàn nhằm tuyên truyền, vận động thanh niên dân tộc thiểu số tự giác chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đảm bảo ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương. Đồng thời cảnh giác và đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc để xuyên tạc để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch...



Hội LHTN Việt Nam huyện Vĩnh Linh tổ chức Liên hoan “Thanh thiếu nhi dân tộc thiểu số tiêu biểu”

           Không chỉ bó hẹp theo các hình thức truyền thống, nhiều cơ sở Hội LHTN đã đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua các hoạt động tại cộng đồng, điển hình như: Tổ chức “Ngày hội về giới” trong học sinh THCS và THPT ở huyện Hướng Hóa; phối hợp với các đơn vị liên quan trong huyện thành lập các CLB “Bà mẹ và trẻ em phòng chống xâm hại tình dục” trong đối tượng có nguy cơ cao tại các xã trên địa bàn huyện Đakrông, phối hợp với bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn tổ chức mô hình “Tiết học biên giới” cho học sinh tại các xã vùng biên; tổ chức “Sân chơi cuối tuần” tuyên truyền phòng chống ma túy ở các xã có đông thanh niên dân tộc thiểu số tại huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nên nhận thức của thanh niên tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, qua đó góp phần giảm tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh niên dân tộc thiểu số

Luôn phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cốt cán thanh niên dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ Hội các cấp, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, chú trọng phát triển các mô hình kinh tế tiêu biểu, xây dựng các gương điển hình để các thanh niên khác học hỏi và noi theo. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, các cấp bộ Đoàn - Hội đã tổ chức 03 hội nghị tập huấn kỹ thuật nuôi dê, kỹ thuật trồng cà phê, hồ tiêu và cây ăn trái…; 05 hoạt động tư vấn việc làm, tạo nghề cho hơn 350 thanh niên, trong đó giới thiệu việc làm cho 32 thanh niên dân tộc thiểu số. Phối hợp với ngân hàng chính sách giải ngân vốn vay cho 27 hộ thanh niên với tổng dư nợ gần 1.5 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ trong đối tượng này lên 63 tỷ đồng.

Hiểu được đặc thù của thanh niên dân tộc thiểu số còn thiếu kiến thức trong sản xuất, Hội LHTN Việt Nam các cấp đã thành lập CLB thanh niên dân tộc, CLB phát triển kinh tế, tổ hợp tác thanh niên, tiêu biểu có: CLB nữ thanh niên phát triển kinh tế xã Hướng Lập, Hướng Việt; tổ hợp tác nuôi gà, dê xã Tà Long, CLB nhà nông trẻ Vĩnh Hà... đây là sân chơi để thanh niên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật, nguồn vốn cơ sở vật chất cần thiết cho các hộ thanh niên vùng dân tộc. Kết quả đã xuất hiện nhiều gương thanh niên làm kinh tế giỏi với các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu làm hạt nhân nhân rộng trong thanh niên tại các địa bàn, tạo động lực cho nhiều đối tượng thanh niên khác phấn đấu. Trong đó phải kể đến mô hình nuôi dê của anh Hồ Văn Đề (xã Tà Long - huyện Đakrông), nuôi thỏ của Hồ Văn Lợi (xã A Bung - huyện Đakrông), trồng chuối, sắn của Anh Hồ Tu Lanh (xã Thanh - huyện Hướng Hóa), gia trại của chị Hồ Thị Thắm (xã Vĩnh Khê - huyện Vĩnh Linh)... đem lại thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm.

Không chỉ dừng lại ở đó, với mong muốn chia sẽ những khó khăn, thiếu thốn của thanh niên và bà con nhân dân vùng dân tộc thiểu số, trong những năm qua, địa bàn tình nguyện được thanh niên toàn tỉnh hướng đến là vùng miền núi, biên giới nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng năm 2018, Hội LHTN Việt Nam các cấp đã tổ chức 3 đợt tình nguyện quy mô lớn trong toàn tỉnh (Xuân tình nguyện, tình nguyện mùa Đông, tình nguyện Hè), hàng chục hoạt động tình nguyện lớn, nhỏ của các cấp bộ Hội. Trao tặng 1.327 suất quà, xây dựng 03 sân chơi, khám chữa bệnh, cấp khám thuốc miễn phí, giáo dục sức khỏe giới tính, truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho hàng nghìn lượt trẻ em, thanh niên và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng giá trị các hoạt động gần 01 tỷ đồng, góp phần nâng cao cất lượng cuộc sống của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên. 100% cơ sở Đoàn - Hội đã tổ chức các giải bóng đá, bóng chuyền thanh niên, Ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, Liên hoan thanh niên dân tộc thiểu số, Hội trại thanh niên...  tạo không khí phấn khởi, sôi nổi, gắn kết trong thanh niên.

Bên cạnh việc ưu tiên tổ chức các hoạt động tình nguyện đồng hành cùng thanh niên dân tộc thiểu số, các cấp bộ Hội tổ chức các hoạt động xung kích tình nguyện tại chỗ, tình nguyện thường xuyên, tình nguyện theo chiến dịch. Bằng việc duy trì thường xuyên các hoạt động như “Thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Tuần lễ thanh niên làm theo lời Bác” đã thu hút đông đảo thanh niên dân tộc thiểu số tham gia. Ngoài ra với việc thành lập các đội hình thanh niên xung kích sẵn sàng tham gia tình nguyện khắc phục hậu quả thiên tai, giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn, trong năm qua đã tổ chức 22 đợt tình nguyện sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách, hộ thanh niên ở địa bàn các huyện Hướng Hóa, Đakrông và Vĩnh Linh. Thông qua các hoạt động thực tiễn đã tạo môi trường để đoàn kết, tập hợp thanh niên rèn luyện và trưởng thành.

Từ thực tiễn phong trào đã xuất hiện những tấm gương thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu, điển hình trong lao động, sản xuất, trong học tập, rèn luyện và công tác. Trong năm 2018, có 02 thanh niên dân tộc thiểu số được tôn vinh Gương mặt trẻ tỉnh Quảng Trị tiêu biểu, 35 thanh niên được tuyên dương là thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu ở các cấp…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên dân tộc thiểu số vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Một số hoạt động, phong trào ở một số nơi chưa có chiều sâu; công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên ở một số địa bàn chưa được quan tâm đúng mức nên tỷ lệ tập hợp thường xuyên chưa cao; việc phát triển hội viên, xây dựng gương điển hình làm nòng cốt trong các phong trào, chương trình hoạt động của Hội ở một số địa phương còn hạn chế…

Thực tế đã chứng minh, nếu không được tổ chức, tập hợp trong các tổ chức chính trị - xã hội theo định hướng tích cực thì thanh niên sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, gây tác động xấu đến an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước ta thì thanh niên dân tộc thiểu số cần được quan tâm đúng mức.  Để duy trì, phát huy được những kết quả tích cực trên, ngoài sự quan tâm lãnh chỉ đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội, trong thời gian tới Hội LHTN Việt Nam tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vận động nhân dân vùng dân tộc thiểu số tham gia đấu tranh chống diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; kiên quyết bài trừ các hủ tục lạc hậu, tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ cộng đồng; Phát hiện và bồi dưỡng những thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tiêu biểu để tạo nguồn cán bộ Đoàn, hội ở cơ sở; tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt, hoạt động các cơ sở hội tại các vùng thanh niên dân tộc. Bên cạnh đó, các cấp bộ Hội tiếp tục đẩy mạnh việc cụ thể hóa phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” thành những tiêu chí cụ thể phù hợp với tín ngưỡng, văn hóa, trình độ của thanh niên dân tộc thiểu số; quan tâm, chăm lo, động viên, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số; gặp mặt, tuyên dương các điển hình thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu; ưu tiên xây dựng các tổ ủy thác vay vốn do thanh niên quản lý trong vùng có đông thanh niên dân tộc thiểu số; mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên dân tộc thiểu số; xây dựng và nhân rộng các mô hình thanh niên dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi…

Với những nỗ lực, quyết tâm đó, tin tưởng rằng sẽ xuất hiện nhiều công trình, phần việc, mô hình điển hình tiêu biểu chào mừng Đại hội Hội LHTN Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019 - 2024.

                                                                        

  • 202-KH/TĐTN-XDĐ

    Kế hoạch tổ chức hoạt động Đội hình Tình nguyện viên trực tuyến tỉnh Quảng Trị (19/02/2025)

  • 190-KH-TĐTN-XDĐ

    Kế hoạch triển khai chiến dịch truyền thông Vững bước dưới cờ Đảng (14/01/2025)

  • 184-KH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức phát động thi đua chào mừng đại hội Đảng các cấp (23/12/2024)

  • 17-HD/TĐTN-XDĐ

    Hướng dẫn kiểm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức Đoàn, tập thể lãnh đạo, cá nhân cấp huyện và cơ sở (22/01/2025)

  • 16-HD/TĐTN-XDĐ

    Hướng dẫn kết nạp đoàn viên mới năm 2025 "Lớp đoàn viên 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam" (08/01/2025)

Đang truy cập: 277

Hôm nay: 1,239

Tổng lượt truy cập: 1,138,749

Liên hệ Facebook Đăng nhập