Ngạn
ngữ có câu: “Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo
thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Thói quen quyết định tính
hiệu quả hay không hiệu quả trong mọi hoạt động hằng ngày, tạo nên sức mạnh bên
trong của chúng ta. Bởi vậy, vấn đề cốt lõi của mọi quá trình phát triển bản
thân, quản trị cuộc đời chính là xác định, tạo lập, duy trì những thói quen phù
hợp và hiệu quả để phát triển tối đa năng lực bản thân, định hướng bản thân đi
đúng mục tiêu mong muốn.

Có rất
nhiều cuốn sách viết về chủ đề này, trong đó “7 thói quen hiệu quả” hay “7 Thói
quen để thành đạt” (7 Habits for Highly Effective People) của Stephen R.Covey
được bình chọn là 1 trong 10 cuốn sách về lĩnh vực quản trị (quản trị bản thân
và quản trị tổ chức) có giá trị nhất từ trước đến nay với hơn 30 triệu bản bán
ra trên toàn thế giới và được chuyển thể sang 40 ngôn ngữ. Quyển sách này được
xếp vào danh sách những quyển sách khai sáng được yêu thích nhất và tác giả của
nó - Stephen R.Covey được tạp chí Time bình chọn là một trong 25 người Mỹ có
ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.
Thông điệp lớn nhất của quyển sách là trong cuộc sống,
có những quy luật tự nhiên mà chúng ta tốt nhất không nên phá vỡ, ngược lại cần
nhận diện và biết cách kết hợp hài hòa với hệ giá trị của mình thông qua các
thói quen đúng để góp phần tạo nên sự hiệu quả của chính mình và những người
xung quanh. 7 thói quen được đề cập trong cuốn sách bao gồm: Luôn chủ động (Be
Proactive); Bắt đầu từ mục tiêu đã được xác định (Begin with the End In Mind);
Ưu tiên cho điều quan trọng nhất (Put First Things First); Tư duy cùng thắng
(Think Win/Win); Thấu hiểu trước để rồi được hiểu (Seek First to Understand,
Then to be Understood); Đồng tâm hiệp lực (Synergize) và Rèn giũa bản thân
(Sharpen the saw). 3 thói quen đầu thuộc phạm trù thành tích cá nhân (sự tự do
lựa chọn, lựa chọn, hành động), 3 thói quen tiếp theo thuộc phạm trù thành tích
tập thể (tôn trọng, thấu hiểu, sáng tạo) và thói quen thứ 7 tạo nên sự đổi mới.
Được khơi nguồn cảm hứng từ phát hiện của Viktor
Franklin trong tác phẩm “Đi tìm lẽ sống” là “giữa kích thích và phản ứng luôn
tồn tại một khoảng cách, khoảng cách ấy chính là sự tự do lựa chọn của con
người”, Stephen R.Covey cho rằng thói quen đầu tiên cần có của người thành công
chính là luôn chủ động. Đó là sự nhận lãnh trách nhiệm về hành vi của mình
trong quá khứ, hiện tại lẫn tương lai và có sự lựa chọn dựa trên những nguyên
tắc và giá trị, hơn là cảm xúc và hoàn cảnh nhất thời. Người chủ động đại diện
cho sự thay đổi, họ lựa chọn không trở thành nạn nhân, hoặc ở vào thế thụ động
hoặc đổ lỗi cho người khác. Họ quyết định trở thành nguồn lực sáng tạo trong
chính cuộc đời mình.
Nếu thói quen thứ nhất xác định tâm thế nhập cuộc của
cá nhân, thì thói quen thứ hai “bắt đầu từ mục tiêu được xác định” nhấn mạnh
khả năng tự lãnh đạo bản thân. Bắt đầu từ mục tiêu được xác định có nghĩa là
xuất phát bằng một sự hiểu biết rõ ràng về đích đến của bạn. Trong thói quen
thứ 2 này, tác giả khuyến nghị mỗi người cần dành thời gian thích đáng trả lời
cho những câu hỏi tối quan trọng: Bạn là ai, bạn muốn làm gì và bạn coi trọng
điều gì; từ đó xây dựng hệ giá trị và mục tiêu của mình. Đó chính là “bản thiết
kế” xác định phương hướng cho cả cuộc đời bạn, đồng thời đem lại cho bạn sức
mạnh lớn lao giữa những biến cố cuộc đời, giúp bạn luôn đứng vững và đi đúng
hướng giữa một thế giới luôn biến động và thay đổi từng ngày, bởi vì “Có ba thứ
cực kỳ rắn: thép, kim cương và tự thấu hiểu bản thân” (Benjamin Franklin).
Thói quen thứ ba hướng dẫn bạn cách quản lý bản thân
để luôn đáp ứng mục tiêu đã được xác định từ thói quen thứ hai. “Đừng bao giờ
để cái quan trọng nhất bị cái tầm thường chi phối” (Goethe), đáng tiếc là rất
nhiều người thường phạm phải sai lầm này nên dù làm việc cật lực, họ không đạt
được những kỳ vọng của mình. Ưu tiên cho điều quan trọng nhất nghĩa là cần sống
có trọng tâm, dành thích đáng thời gian và tâm sức cho phần tư thứ hai trong ma
trận quản lý thời gian - những việc quan trọng nhưng không cấp bách, tránh bị
cuốn theo những việc cấp bách trước mắt nhưng không thật sự quan trọng, vì phần
tư thứ hai mới tạo nên dư địa cho sự phát triển của bạn.
Làm chủ ba thói quen trên, ta đã độc lập, nhưng trong
cuộc sống, không chỉ có mình ta. Chúng ta cần phải phối hợp với các thành viên
khác trong đội nhóm, tổ chức, trong xã hội. Và khi đó, chúng ta cần phải vượt
qua trạng thái độc lập, đi đến trạng thái tương thuộc qua việc làm chủ 3 thói
quen tiếp theo.
Nền tảng để đạt được thành tích tập thể là thói quen
thứ 4 “Tư duy cùng thắng”. Tư duy cùng thắng là khi khối óc và con tim tìm kiếm
lợi ích chung dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau trong mọi tương tác. Đây chính là
suy nghĩ về sự dồi dào của những cơ hội, của cải và nguồn lực cho tất cả mọi
người, chứ không phải là sự khan hiếm và cạnh tranh một mất một còn. Tư duy
cùng thắng thúc đẩy giải quyết mâu thuẫn và giúp các cá nhân tìm kiếm giải pháp
đem lại lợi ích chung.
Quá trình phối hợp trong tập thể đòi hỏi mỗi người
phải rèn luyện thói quen thứ 5 “Biết lắng nghe để thấu hiểu và để được thấu
hiểu”. Khi chúng ta lắng nghe với ý muốn thấu hiểu người khác, chứ không phải
để đối đáp, thì đó là khi chúng ta bắt đầu một cuộc giao tiếp thật sự và gây
dựng mối quan hệ. Muốn thấu hiểu người khác cần sự tử tế, muốn được người khác
thấu hiểu cần sự can đảm. Tính hiệu quả nằm trong sự cân bằng giữa hai vế đó.
Thói quen 6 “Đồng tâm hiệp lực” nghĩa là tạo ra giải
pháp thứ ba - không phải là cách của tôi, không phải là cách của bạn, mà là
cách thứ ba tốt hơn cho chúng ta. Đó là kết quả của sự tôn trọng lẫn nhau, thấu
hiểu và thậm chí tôn trọng sự khác biệt của người khác trong giải quyết vấn đề
và nắm bắt cơ hội. Những tập thể và gia đình đồng tâm hiệp lực phát triển mạnh
mẽ dựa trên sức mạnh của từng cá nhân, khiến cho sức mạnh tổng thể mạnh hơn
từng phần cộng lại.
Thói quen thứ 7 “Rèn giũa bản thân” gắn kết, bao trùm
6 thói quen còn lại và tác giả đã đưa ra một câu chuyện ngụ ngôn rất thú vị
minh họa cho thói quen thứ 7 này: Có một người đàn ông hì hục cưa một thân cây.
Ông làm rất chăm chỉ và cần mẫn, không nghỉ phút nào. Một người đi ngang qua và
hỏi “Sao ông không dừng lại nghỉ một tí và mài lại lưỡi cưa”. Người đàn ông trả
lời, ông đang bận cưa, thời gian đâu mà đi mài lại lưỡi cưa. Người đàn ông đó
đã không nhận ra nếu dành bớt thời gian đi mài lại lưỡi cưa thì công việc của
ông sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều. Thói quen thứ 7 giúp bạn
bảo tồn và tăng cường tài sản lớn nhất của bạn, công cụ duy nhất bạn có để đương
đầu với cuộc sống và cống hiến cho cuộc sống, đó chính là con người bạn. Và sự
tự đổi mới ấy phải diễn ra trên cả 4 mặt: Thể chất, trí tuệ, tinh thần và quan
hệ xã hội, tình cảm, từ đó tạo ra năng lượng cho sự phát triển.
Đây là quyển sách được viết có hơi hướng học thuật, sẽ
là hơi khó hiểu nếu tiếp cận lần đầu. Bởi quyển sách không chỉ là những quan
điểm riêng của tác giả, mà nó còn là một công trình được tiếp cận một cách khoa
học, dựa trên quan sát thực tiễn, phỏng vấn, nghiên cứu và đúc kết để xây dựng
hệ thống thói quen có cấu trúc chặt chẽ. Tuy nhiên giá trị mà cuốn sách mang
lại xứng đáng để bạn đầu tư thời gian cho nó. “Hãy kiên nhẫn với chính mình vì
không có sự đầu tư nào lớn hơn như thế” (Stephen R.Covey).
Theo
báo Quảng Trị (TA)
Đang truy cập: 540
Hôm nay: 1,494
Tổng lượt truy cập: 1,112,172