Tiếp sức cho thanh niên

Hiện nay, nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh sớm bắt kịp xu thế, nhanh nhạy đưa kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh, hình thành những mô hình khởi nghiệp trong nông nghiệp. Nắm bắt nguyện vọng của những “ông chủ” trẻ ngay trong Tháng Thanh niên năm 2018, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tiếp sức, hỗ trợ 26 mô hình khởi nghiệp của thanh niên bằng nguồn tín dụng ưu đãi.

 


Ngân Chính sách Xã hội tỉnh giải ngân vốn vay ưu đãi tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp

 

Trang trại của anh Trần Văn Thanh (SN 1987) ở thôn Phúc Lâm, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh được đầu tư xây dựng vào đầu năm 2017 với quy mô diện tích trên 500 m2 để nuôi 200 con gà đá thương phẩm, 100 con bồ câu nhà và trồng nấm rơm với tổng kinh phí 50 triệu đồng. Khởi nghiệp với nguồn vốn ban đầu 50 triệu đồng khiến anh không thể xây dựng trang trại như mong muốn mà buộc phải đầu tư quay vòng vốn dần dần. Anh Thanh chia sẻ: “Sau nhiều năm đi làm công nhân, dành dụm được một khoản vốn nhỏ, tôi quyết định trở về quê lập nghiệp. Tìm kiếm đủ các thông tin, mô hình làm kinh tế nhưng cái khó nhất khi bắt tay vào thực hiện là vốn đầu tư ban đầu. Tiền túi thì ít trong khi không đủ tiềm lực, điều kiện để vay vốn ngân hàng, tôi trằn trọc suy nghĩ mãi. Cũng may, gia đình có khu vườn rộng nên tôi đã bàn với ba mẹ cho mình sử dụng một phần diện tích để chăn nuôi trồng trọt. 50 triệu đồng vốn ban đầu chủ yếu dành cho việc mua con giống, còn cơ sở hạ tầng ban đầu tôi tiết kiệm đầu tư hết sức bằng cách tận dụng các vật liệu sẵn có ở địa phương như gỗ lạt, tre nứa… để làm chuồng nuôi gà và bồ câu. Tôi cũng lên mạng internet tìm hiểu kỹ thuật để tận dụng nguồn rơm rạ ở địa phương trồng nấm rơm”.

 

Từ một mô hình sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, nhưng nhờ sự chăm chỉ, khéo tính toán, anh Thanh đã dành dụm từng khoản thu nhỏ để mở rộng, cơi nới dần và có được một trang trại tổng hợp như hôm nay. Tuy nhiên, nhu cầu về vốn để ổn định sản xuất vẫn luôn cần thiết đối với anh Thanh. Chính vì vậy, anh rất phấn khởi vì mô hình làm ăn của mình là 1 trong 4 mô hình kinh tế khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên huyện Vĩnh Linh được vay 50 triệu đồng/mô hình từ nguồn vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Vĩnh Linh. Theo anh Thanh, nguyện vọng của anh là được vay 100 triệu đồng để mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi và làm trại nấm. Tuy chỉ được ngân hàng giải ngân cho vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 0,55%/tháng, chưa đủ vốn đầu tư như mong muốn nhưng khoản tiền trên cũng giúp ích, hỗ trợ anh rất nhiều. Anh Thanh dự tính, với số tiền vay được anh sẽ đầu tư làm trại sản xuất nấm rơm khép kín với công nghệ tưới phun sương. Sau hơn một năm trồng nấm rơm, anh Thanh nhận thấy nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm này khá lớn nhưng hiện trên địa bàn huyện vẫn ít người sản xuất loại nấm này. Năm 2017, anh sản xuất được 1 tạ nấm rơm thành phẩm, số tiền thu được trên 80 triệu đồng. Tuy nhiên, do sản xuất ngoài trời, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên việc trồng nấm không chủ động và bấp bênh. Nay có vốn, anh sẽ làm trại sản xuất nấm rơm khép kín để nâng sản lượng lên 1 tạ/tháng.

 

Làn sóng khởi nghiệp đang lan tỏa, tạo không khí thi đua sôi nổi trong đoàn viên, thanh niên khắp các địa phương trong tỉnh. 26 mô hình được Tỉnh đoàn phối hợp với NHCSXH chi nhánh Quảng Trị thẩm định, giải ngân cho vay với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng để mở rộng quy mô sản xuất là những mô hình tiêu biểu thể hiện tinh thần, ý chí của tuổi trẻ các địa phương trong tỉnh với phong trào lập thân, lập nghiệp ngay trên đồng đất quê hương. Điển hình như mô hình nuôi cá lồng của bạn Trần Hoàng Phi (SN 1991) ở thôn Trường Phước, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng; trang trại trồng cao su kết hợp chăn nuôi bò, dê của bạn Trần Nhật Mỹ (SN 1988) thôn Bảng Sơn 2, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ hay mô hình cá - sen của bạn Văn Thiên Đức (SN 1988) ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng…

 

Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn quy mô của các mô hình kinh tế của đoàn viên, thanh niên hiện nay đều có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất còn đơn lẻ, manh mún. Thêm vào đó, năng lực, hiệu quả kinh tế của các mô hình còn thấp, trình độ quản lý điều hành còn hạn chế. Nhiều đoàn viên thanh niên vẫn chưa đủ kiến thức phân tích thị trường, tìm kiếm cơ hội, hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh, phân tích rủi ro… Nhận định được những trở ngại trên, anh Nguyễn Khánh Vũ, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Năm nay, Tỉnh đoàn sẽ đưa hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đi vào chiều sâu. Chúng tôi sẽ khảo sát, từng bước phân loại nhu cầu, mong muốn của thanh niên trong hành trình khởi nghiệp, đặc biệt chú trọng vào những mô hình kinh tế của đoàn viên, thanh niên nông thôn để kịp thời hỗ trợ, tiếp sức giúp họ phát triển mô hình. Bên cạnh việc kết nối với ngân hàng để thanh niên khởi nghiệp vốn vay, chúng tôi sẽ đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên. Tận dụng các trang mạng xã hội, website để thông tin về chủ trương, chính sách, dự án hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế cũng như tư vấn, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên chọn xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm của địa phương”.

                                                            Theo Báo Quảng Trị


  • 202-KH/TĐTN-XDĐ

    Kế hoạch tổ chức hoạt động Đội hình Tình nguyện viên trực tuyến tỉnh Quảng Trị (19/02/2025)

  • 190-KH-TĐTN-XDĐ

    Kế hoạch triển khai chiến dịch truyền thông Vững bước dưới cờ Đảng (14/01/2025)

  • 184-KH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức phát động thi đua chào mừng đại hội Đảng các cấp (23/12/2024)

  • 17-HD/TĐTN-XDĐ

    Hướng dẫn kiểm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức Đoàn, tập thể lãnh đạo, cá nhân cấp huyện và cơ sở (22/01/2025)

  • 16-HD/TĐTN-XDĐ

    Hướng dẫn kết nạp đoàn viên mới năm 2025 "Lớp đoàn viên 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam" (08/01/2025)

Đang truy cập: 472

Hôm nay: 932

Tổng lượt truy cập: 1,217,106

Liên hệ Facebook Đăng nhập