Mùa xuân này đã là 25 năm kể từ ngày cố Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực từ trần, nhưng trong ký ức của những người thân, người dân ở làng Dương Lệ Đông vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi kể về ôngngười con ưu tú và là niềm tự hào của quê hương Triệu Thuận, huyện Triệu Phong.



Người thân thắp hương tại Nhà lưu niệm Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực ở thôn Dương Lệ Đông, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong

Nhân dịp kỷ niệm 108 năm ngày sinh của đồng chí Trần Hữu Dực 15/1 (1910- 2018), chúng tôi trở lại làng Dương Lệ Đông. Bộ mặt làng quê chiêm trũng Triệu Thuận ngày nay đã đổi thay, phát triển vượt bậc. Cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn từng bước được đầu tư hoàn thiện; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Chúng tôi vào thăm Nhà lưu niệm đồng chí Trần Hữu Dực tọa lạc ngay trước cánh đồng của làng. Cụ Nguyễn Thị Con, 92 tuổi, em dâu ruột của cố Phó Thủ tướng rất hãnh diện khi nhắc đến người anh trai chồng của mình. Cụ là vợ của ông Trần Hữu Túy, em trai đồng chí Trần Hữu Dực. “Chồng mệ bị giặc Pháp bắn chết khi hoạt động cách mạng ở vùng Triệu Phong khoảng năm 1950. Hồi đó mệ mới sinh đứa con thứ 2. Thời chiến tranh đạn bom ác liệt rứa, may trời thương mà sống được đến chừ với con cháu”, cụ Con rành mạch kể.

Về người anh chồng Trần Hữu Dực, cụ Con kể là ông ấy tham gia hoạt động cách mạng rồi sau ngày giải phóng lại làm việc xa quê suốt nên ít có dịp tiếp xúc. “Đến khi ông ấy ra công tác ở Hà Nội thì mệ cũng có mấy lần được ông ấy mời ra chơi với gia đình tại nhà riêng ở số 15 phố Lý Nam Đế. Có lần đi tàu hỏa, có lần được huyện, tỉnh bố trí cho xe đi. Ông Dực là người sống rất giản dị, gần gũi và hết mực liêm khiết, cuộc sống thanh đạm. Mỗi lần về quê ông ấy đều trực tiếp đi quanh làng xóm hỏi han, quan tâm cuộc sống của bà con mình ra sao”, cụ Con nhớ lại. Có dịp ra Hà Nội, cụ Con thường mang theo gà quê, nếp gạo ra biếu vợ chồng anh chồng nhưng lần nào cũng bị ông phàn nàn vì cho rằng cuộc sống còn nghèo khó đừng nên bày vẽ chi cho tốn kém…

Còn bà Đoàn Thị Liêu, 73 tuổi cháu dâu cố Phó Thủ tướng Trần Hữu Dựcngười hiện đang trực tiếp trông coi, nhang khói và cũng kiêm “hướng dẫn viên” tại Nhà lưu niệm tỏ ra xúc động khi nhớ về những kỷ niệm với người bác chồng của mình. Bà Liêu cho biết, bà cũng đã nhiều lần được vợ chồng bác Dực mời ra nhà ở Hà Nội chơi, đặc biệt là từ những năm 1980- 1990. Bà Liệu ấn tượng mãi về sự liêm khiết của bác mình. “Tôi thấy hiếm có người nào như bác ấy, dù ở cương vị lãnh đạo cao cấp mà khi về nhà vẫn mang áo quần rất giản dị, ăn uống cũng đạm bạc hết sức. Có lần tôi góp ý: “Bác có tiêu chuẩn thì nên sắm thêm áo quần tốt mà mặc, chứ cháu thấy bác mặc bình dân không tương xứng với cương vị của bác”. Bác Dực trả lời rằng: “Khi hết công việc cơ quan, trở về nhà thì mặc tươm tất, thoải mái là được, cần gì phải cầu kỳ hả cháu. Với lại đất nước còn khó khăn, bác có thêm một chiếc áo mới để mặc mà người dân còn mặc chưa đủ lành, chưa đủ ấm thì cũng chẳng sung sướng gì”… Tôi hiểu ý bác nói nên từ lần sau không thắc mắc nữa”, bà Liêu kể.

Ở nhà của bác nhiều lần, bà Liêu cũng biết được nếp sinh hoạt của gia đình, đặc biệt là bác Dực. Bà Liêu cho biết, hết giờ làm việc bác Dực về là lại chăm chút cây cảnh, sau đó ăn cơm và nói chuyện gia đình, hỏi han, chăm sóc con cái. Trò chuyện đến khoảng 9 giờ tối là bác lại ngồi vào bàn làm việc như thường lệ. “Bác làm việc và có thói quen khi thư giãn lại hút thuốc lá, nhưng sau này thì cai hẳn. Về ăn uống, gia đình bác có nguyên tắc đã nấu ra là phải ăn cho bằng hết, tuyệt đối không được lãng phí. Người bà con, làng xóm ở quê ra thăm luôn được gia đình bác tiếp đón chu đáo, thân tình, bố trí ăn nghỉ đàng hoàng”, bà Liêu nói. Dù chồng đảm nhận cương vị cao của Chính phủ, song vợ cố Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực là bà Nguyễn Thị Quy ra Hà Nội cũng chỉ làm một nhân viên bình thường ở Phủ Thủ tướng, hàng ngày vẫn đạp xe đi về. “Nói chung bác Dực rất rạch ròi, phân minh việc chung riêng, liêm khiết, không vụ lợi, một lòng lo cho đất nước, cho nhân dân nên ai cũng khâm phục”, bà Liêu nói thêm.

Đồng chí Trần Hữu Dực sinh ngày 15/1/1910, trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Dương Lệ Đông, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ khi mới 15 tuổi. Trong thời gian hoạt động cách mạng từ 1926-1945, đồng chí Trần Hữu Dực bị Pháp bắt 4 lần và bị chính quyền Nam triều kết án tổng cộng 29 năm tù giam và 22 năm quản thúc tại các nhà lao Quảng Trị, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột (2 lần). Sau Cách mạng Tháng 8/1945, đồng chí giữ chức Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời Trung Bộ, Chủ tịch Ủy ban hành chính Trung Bộ. Năm 1947, đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đến 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Trần Hữu Dực đã góp phần rất lớn vào công tác đào tạo cán bộ cho các tỉnh miền Trung. Những tri thức từ sách vở và thực tiễn đấu tranh cách mạng đã giúp đồng chí Trần Hữu Dực hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao. Nếu như ở thời kháng chiến, người cộng sản Trần Hữu Dực đã “bước qua đầu thù”, không ngừng mở thế tiến công, thì trong thời kỳ xây dựng đất nước, dù trên cương vị là Phó Thủ tướng hay Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Trần Hữu Dực luôn tận tụy bám sát thực tế, phát huy trí tuệ tập thể, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Hữu Dực luôn tỏ rõ khí tiết trung kiên của người cộng sản và nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, một lòng một dạ phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Đồng chí Trần Hữu Dực mất ngày 21/8/1993, hưởng thọ 83 tuổi. Với những công lao và đóng góp to lớn, đồng chí Trần Hữu Dực đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận cho biết, nhân kỷ niệm 108 năm ngày sinh cố Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực và chào xuân Mậu Tuất 2018, xã sẽ tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ chào mừng, trao từ 30-50 suất quà cho học sinh vượt khó học giỏi của Trường THCS Trần Hữu Dực vào ngày 15/1/2018. Hiện nay, địa phương đang phát động toàn dân ra quân vệ sinh các tuyến đường chính của xã, các trục đường thôn xóm; phát động các phong trào thi đua yêu nước; công đoàn xã giao các tổ chức đoàn thể đảm nhận chăm sóc, chỉnh trang ở 41 tuyến đường của xã… nhằm tạo không khí sôi nổi, tươi vui trên quê hương cố Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực.

Đức Việt – Báo Quảng Trị (TA)

  • 202-KH/TĐTN-XDĐ

    Kế hoạch tổ chức hoạt động Đội hình Tình nguyện viên trực tuyến tỉnh Quảng Trị (19/02/2025)

  • 190-KH-TĐTN-XDĐ

    Kế hoạch triển khai chiến dịch truyền thông Vững bước dưới cờ Đảng (14/01/2025)

  • 184-KH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức phát động thi đua chào mừng đại hội Đảng các cấp (23/12/2024)

  • 17-HD/TĐTN-XDĐ

    Hướng dẫn kiểm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức Đoàn, tập thể lãnh đạo, cá nhân cấp huyện và cơ sở (22/01/2025)

  • 16-HD/TĐTN-XDĐ

    Hướng dẫn kết nạp đoàn viên mới năm 2025 "Lớp đoàn viên 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam" (08/01/2025)

Đang truy cập: 517

Hôm nay: 811

Tổng lượt truy cập: 1,240,757

Liên hệ Facebook Đăng nhập