Chiều ngày 11/12, các đại biểu Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI đã tập trung thảo luận tại 20 tổ. Nội dung trao đổi được xoay quanh Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa X và Điều lệ Đoàn sửa đổi, bổ sung.
* Tại Tổ thảo luận số 1, đồng
chí Lê Quốc Phong - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH
Trung ương Đoàn khóa X đã tham dự và lắng nghe các ý kiến của các đại biểu.
Quang cảnh tổ thảo luận số 1. Ảnh Đông Hà
Theo đại biểu Đoàn Ngọc Báu (Ban Thanh
niên Bộ Tư lệnh Biên phòng) cho rằng, trong báo cáo đã chỉ ra một bộ phận thanh
niên giảm sút niềm tin, bị các thế lực thù địch lôi kéo. Đây là vấn đề rất lớn,
quan trọng nên Thiếu tá Báu đề nghị Trung ương Đoàn cho nghiên cứu, xây dựng
tài liệu chuyên đề về xây dựng đạo đức, lý tưởng, lối sống cho thanh niên sát
với từng đối tượng.
Đại biểu Báu đề xuất, để nâng cao tuyên
truyền, giáo dục lý tưởng, lối sống cho giới trẻ thì Đoàn nên tổ chức nhiều
chuyên đề, nhiều hội thảo, hội nghị tập huấn để nâng cao việc giáo dục cho
thanh niên.
Đại biểu Đoàn Ngọc Báu - Trưởng Ban Thanh niên Bộ Tư lệnh Biên phòng. Ảnh Đông Hà
Để thu hút, tập hợp thanh niên vào tổ chức
đông hơn thì cần đổi mới, tăng cường nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích để thu
hút giới trẻ, qua đó để tuyên truyền. Ví như Bộ đội Biên phòng, hay Bộ đội Hải
quân luôn sẵn sàng tổ chức các chuyến đi xa để thanh niên hiểu hơn về biên
giới, hiểu hơn về biển và đảo Trường Sa.
Với đại biểu Trần Thị Ngọc Trinh (đoàn đại
biểu tỉnh Tây Ninh) nêu ý kiến, trong văn kiện của Đại hội đã xác định phong
trào “Thanh niên tình nguyện” là phong trào chính trong nhiệm kỳ tới, nên chăng
Đoàn có cần phát động thêm phong trào “giờ tình nguyện”.
Đồng chí Ngọc Trinh cho biết, đã có một số
địa phương triển khai “giờ tình nguyện” và đã thu được những kết quả, do vậy,
Trung ương Đoàn cần nghiên cứu để có thể nhân rộng để phong trào phát huy hiệu
quả.
Góp ý vào Điều lệ Đoàn sửa đổi, bổ sung,
đại biểu Trần Thanh Bắc (đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên) cho biết, đồng tình với
bố cục Điều lệ Đoàn sửa đổi, bổ sung, trong đó có sửa đổi, bổ sung để tăng 01
chương so với Điều lệ khóa X. Do đó, cần bổ sung nội dung về quyền lợi của đoàn
viên là được "tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú". Đại biểu Bắc
cũng đề nghị kéo dài nhiệm kỳ đối với chi đoàn và Đoàn cơ sở nhằm tạo sự ổn
định trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở cơ sở...
Ý kiến về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán
bộ Đoàn, đại biểu Nguyễn Thanh Hà (đoàn đại biểu Thanh niên Quân đội) đã nhắc
lại lời bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai
mạc trọng thể ngày 11/12 cho rằng, “... cần hết sức coi trọng công tác xây dựng
tổ chức đoàn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận của Đảng, thực hiện tốt chiến
lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Là tuổi
trẻ, cán bộ đoàn phải có tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ, không ngừng tu
dưỡng bản thân về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác;
thực sự là người bạn gần gũi của thanh niên, không kiêu căng, tự mãn, xa rời
thanh niên, xa rời thực tiễn; không để bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống. Cán bộ đoàn phải là người tiên phong, có tinh thần đổi mới, dám
nghĩ, dám làm, năng động và sáng tạo”.
Đại biểu Thanh Hà cho biết ở đơn vị của
mình (Tập đoàn Viettel), cán bộ Đoàn phải có bản lĩnh, có kỹ năng, có kỹ năng
tập hợp thanh niên, kỹ năng tổ chức sinh hoạt chi đoàn và làm sao cán bộ Đoàn
phải như một người giáo viên và là chuyên gia trong lĩnh vực này.
Cũng tại tổ thảo luận số 1,
nhiều đại biểu đã đề nghị Đoàn cần tham mưu, đề xuất để có chế độ đãi ngộ thỏa
đáng với cán bộ Đoàn chuyên trách, cán bộ Tổng phụ trách, Đội.
Ý kiến về nội dung này, đại
biểu Nguyễn Văn Linh - Phó Bí thư huyện Đoàn Mường Lay, tỉnh Điện Biên đề xuất
cần nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn cơ sở, đặc biệt là ở thôn bản. Phụ cấp
cho Phó Bi thư Đoàn cơ sở là rất thấp, nếu mong muốn phong trào Đoàn đi lên cần
có chế độ đãi ngộ phù hợp và đi kèm theo là trang bị tài liệu cho cơ sở để tổ
chức tốt sinh hoạt Đoàn ở hệ thống thôn bản. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến
chế độ đãi ngộ cho Tổng phụ trách Đội hiện là quá ít ỏi, cần có sự quan tâm hơn
để hỗ trợ tạo điều kiện cho các đồng chí này nhằm phát huy hơn nữa vai trò của
mình trong trường góp phần thúc đẩy công tác Đội ngày càng phát triển.
Băn khoăn về việc làm cho thanh
niên ở thôn bản, đại biểu Linh mong muốn Đoàn cần có biện pháp, giải pháp để thanh niên ở thôn bản có thể hòa
đồng tìm được việc làm ở thành phố, di xuất khẩu lao động ngoài nước. Ngoài ra,
có nhiều thanh niên hơn nữa được vay vốn để phát triển kinh tế, không chỉ làm
giàu cho bản thân mà còn có thể giải quyết việc làm cho các bạn thanh niên khác.
* Đã có 20 ý kiến của các đại
biểu tham dự Tổ thảo luận số 3 đã phát biểu đề cập đến về
nhiều vấn đề, như: Nhiệm kỳ của Đại hội của chi đoàn khối THPT và Đại
học; công tác đào tạo cán bộ Đoàn; ưu tiên đối với cán bộ Đoàn khi chuyển công
tác; khởi nghiệp, lập nghiệp; công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ
với những quy định mới; ...
Bí thư BCH Trung ương Đoàn khóa X Nguyễn Long Hải trao đổi ý kiến. Ảnh Đông Hà
Trong số các ý kiến tại Tổ thảo
luận, nhiều ý kiến đề cập đến những thuận lợi, khó khăn của đoàn viên thanh
niên trong lập nghiệp, khởi nghiệp.
Theo đại biểu Hồ Phong Ngọc Hải
(đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, trong phần chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2017 -
2022 có đề cập đến chỉ tiêu số 5: Hỗ trợ vay vốn 10 nghìn tỷ đồng cho thanh
niên làm kinh tế. Số vốn trên sẽ rất khó thực hiện nếu cho thanh niên vay trực
tiếp, bởi các thủ tục hiện nay của ngành ngân hàng vẫn sử dụng hình thức thế chấp.
Cũng chỉ tiêu này, đại biểu Hải
cũng đề cập việc khởi nghiệp cho thanh niên theo quan điểm của tỉnh sẽ không
hình thành thêm Trung tâm khởi nghiệp, vì sẽ phình to bộ máy. Để thực hiện được
hoạt động khởi nghiệp cho thanh niên nên chăng triển khai mô hình vườn ươm khởi
nghiệp; cấp tỉnh có thể mời các chuyên gia khởi nghiệp về trao đổi, hướng dẫn
đoàn viên thanh niên lập nghiệp có mong muốn được khởi nghiệp ngay tại địa
phương.
Cùng có ý kiến về khởi nghiệp,
đại biểu Phan Thanh San (đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ, trong nhiệm kỳ
tới có nhiều hoạt động đồng hành với thanh niên, nhưng nên có các hoạt động
khởi nghiệp cho thanh niên như: khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…
và cần huy động những doanh nghiệp, kỹ sư nông nghiệp, các kỹ sư công nghệ… có
kinh nghiệm, có kiến thức, chuyên môn giỏi đến trực tiếp hướng dẫn đoàn viên
thanh niên.
“Cần cụ thể hóa hơn các nội
dung khởi nghiệp và nên có đánh giá khởi nghiệp thành công, đối với những khởi
nghiệp tốt cần nhân rộng mô hình để qua đó phát hiện nhân rộng trong đoàn viên
thanh niên”, đại biểu Sang đề xuất.
Băn khoăn về thủ tục vay vốn,
nếu trong gia đình bố mẹ đã vay vốn thì thanh niên không được vay vốn nữa. Đại
biểu Nguyễn Tấn Đạt (đoàn đại biểu thành phố Cần Thơ) cho biết, nguồn vốn hỗ
trợ cho thanh niên ở cơ sở chủ yếu qua kênh của Ngân hàng chính sách. Bên cạnh
đó, Hội phụ nữ ngoài vay vốn theo Ngân hàng còn có nguồn vốn khác mà thanh niên
lại không có, nên chăng Đoàn cần nghiên cứu để thiết kế làm sao Đoàn cơ sở cũng
có nguồn vốn giúp thanh niên lập nghiệp.
Trao đổi về vốn cho thanh niên
lập nghiệp, đại biểu Huỳnh Thái Nguyên (đoàn đại biểu thành phố Cần Thơ) nêu ý
kiến, đoàn viên thanh niên rất quan tâm đến vốn vay, nhưng thông tin về Quỹ hỗ
trợ thanh niên khởi nghiệp cũng như các thông tin về Quỹ thường không có nhiều
thông tin.
Đại biểu Nguyên mong muốn, các
kênh thông tin khởi nghiệp cần được đưa lên website để bất kỳ thanh niên nào có
ý tưởng khởi nghiệp đều có thể được hỗ trợ. Ngoài ra, cần kết nối với các doanh
nghiệp để hỗ trợ.
* Bí thư BCH Trung ương Đoàn
Nguyễn Ngọc Lương đã tham dự Tổ thảo luận số 17 đã lắng nghe
các đại biểu tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI thảo luận về các nội
dung như: Báo cáo chính trị; Sửa đổi Điều lệ Đoàn,...
Đaị biểu Phan Hồ Giang - Phó Bí thư tỉnh
Đoàn Gia Lai cho biết, trong chỉ tiêu số 9: hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó
khăn cần điều chỉnh thành “thường xuyên giúp đỡ” để có thể giúp các em thiếu
nhi từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành, từ đó sẽ nâng cao vai trò của tổ chức
Đoàn, Đội trong việc quan tâm, chăm lo đời sống của thiếu nhi.
Đồng chí Giang cũng góp ý về thực trạng
hiện nay của Đội TNTP Hồ Chí Minh ở một số địa phương hoạt động không hiệu quả,
thậm chí không hoạt động, đặc biệt là ở cấp xã. Do vậy, đồng chí đề nghị có thể
hủy bỏ Hội đồng Đội tại cấp này, chỉ tập trung Hội Đồng đội cấp tỉnh và cấp
huyện. Đồng chí Giang lý giải vì tại xã, Hội Đồng đội đã không còn phù hợp và
phát huy được vai trò tại địa phương.
Cũng tại Tổ thảo luận số 17, các đại biểu
đã góp ý nhiều vấn đề trong Báo cáo chính trị, như: Hệ thống chỉ tiêu nhiệm kỳ
mới; Giáo dục tư tưởng, đạo đức cho thanh thiếu niên; công tác chăm sóc thiếu
niên nhi đồng; Triển khai các đề án trong nhiệm kỳ tới.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định Huỳnh Thị
Anh Thảo nêu thực trạng hiện nay đang diễn ra tình trạng có nhiều CLB/Đội/Nhóm
tự phát sinh tại địa phương và trong khối trường học, không trực thuộc tổ chức
Đoàn-Hội đã gây nhiều vấn đề bất cập trong quản lý.
Đồng chí Thảo nhấn mạnh, do không có chế tài nên nhiều tổ chức đã lợi dụng các CLB/Đội/Nhóm này vào các mục đích xấu. Đồng chí Thảo đề xuất, Trung ương Đoàn cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế ràng buộc để giúp tổ chức Đoàn-Hội mở rộng mặt trận tập kết thanh niên, cũng như có thể định hướng và hỗ trợ thanh niên tham gia các hoạt động.
Đồng chí cũng góp ý về việc tổ chức Đoàn khi đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp cần xây dựng bộ công cụ hướng dẫn cụ thể phù hợp với từng đối tượng như: học sinh, sinh viên, thanh niên để thanh niên hiểu được khái niệm khởi nghiệp là gì và có hình thức hỗ trợ ý tưởng, cũng như định hướng đối với từng đối tượng cụ thể.
Góp ý về công tác quản lý đoàn viên, đồng
chí Nguyễn Minh Hồng - Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình cho biết hiện nay công tác
quản lý còn lỏng lẻo, việc sinh hoạt Đoàn ở địa bàn dân cư còn yếu. Đồng chí
cho rằng, đây là tồn tại trong nhiệm kỳ cũ và cần có giải pháp mới trong nhiệm
kỳ 2017-2022, đặc biệt có giải pháp hữu hiệu hướng đến đối tượng thanh niên
nông thôn đi làm ăn xa và thanh niên tại các khu công nghiệp./.
* Tại Tổ thảo luận số 2, đồng chí
Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn khóa X đã đến dự.
Tại tổ thảo luận các đại biểu đã tiến hành đóng
góp ý kiến cho Báo cáo chính trị, các chỉ tiêu nhiệm kỳ mới, giải pháp cho các
phong trào thanh thiên trong thời gian tới, hoạt động Đoàn tham gia xây dựng
Đảng…
Tham gia đóng góp ý kiến vào Báo cáo chính
trị của BCH TƯ Đoàn Khóa XI, đại biểu Dương Xuân Khiêm, Bí thư Đoàn Học viện
Công an Nhân dân cho rằng Báo báo rất ấn tượng trình bày khoa học: số lượng cụ
thể rõ ràng dễ hiểu, dễ biết và trực quan sinh động...; đại biểu rất quan
tâm, mong muốn về phương hướng những vấn đề đã đặt ra nhiệm kỳ 5 năm tới sẽ
thực hiện như thế nào?
Trong chương trình thanh niên tình nguyện
đang triển khai như: nông thôn mới, văn minh đô thị....đồng chí cho rằng cần bổ
sung thêm nội dung Thanh niên tình nguyện đảm nhận các khâu yếu việc khó tại
đơn vị, đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Bên cạnh đó, đại biểu Khiêm cũng quan tâm
tới vấn đề tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc. Theo đại biểu Khiêm, thanh niên
có vai trò rất quan trọng là rường cột của nước nhà, đội dự bị tin cậy của
Đảng. Đồng chí mong muốn, vai trò của thanh niên trong xung kích bảo vệ Tổ quốc
phải có thêm vai trò nữa là xung kích trong việc xây dựng bản lĩnh chính trị đó
là bản lĩnh trong cuộc sống, bản lĩnh trong các vấn đề xã hội rồi bản lĩnh
trước những luận điệu thông tin sai trái của các thế lực thù địch hiện nay như
thế nào. Đại biểu Khiêm đề xuất nên nghiên cứu xung kích trong việc đấu tranh
phản bác lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch và cũng như là
xây dựng bản lĩnh chính trị cho thanh niên.
Cũng tại trung tâm thảo luận, các đại biểu
cho rằng các giải pháp tại Báo cáo còn chung chung, chưa rõ. Theo đại biểu Ngô
Minh Tú (đoàn đại biểu Bộ Công an) nên đưa những nội dung cần thiết, chi tiết
hơn, rõ nét, sắc nét hơn. Về tuyên truyền giáo dục, trong tất cả các kỳ hội họp
thì vấn đề đầu tiên đều phải xác đinh công tác giáo dục phải tốt, nhưng làm
bằng cách nào? hiện nay mới chỉ là khẩu hiệu...
Theo đại biểu Tú, phần tuyên
truyền giáo dục cần có những phương pháp tuyên truyền mới, đồng chí đề xuất nêu
ý kiến cụ thể chúng ta phải tuyên truyền trực quan qua mạng xã hội, nên chăng
xây dựng một App riêng.
“Tại đại hội đã có App riêng
nên không có lý do gì mà chúng ta không có thêm một App riêng về tuyên truyền
giáo dục cho thanh niên...”, đại biểu Tú đề xuất.
Đối với một số chỉ tiêu trọng
tâm, trong báo cáo đề ra 05 triệu ý tưởng và sáng kiến, theo đồng chí Tú đề
xuất nên bổ sung thêm 05 triệu ý tưởng sáng kiến phải được ghi nhận áp dụng vào
thực tiễn. Nếu chỉ đề ra ý tưởng, sáng kiến thôi liệu có đem lại được kết quả
ghi nhận hay không?
Liên quan tới chỉ tiêu số 8:
Xây dựng mới tại mỗi xã, phường, thị trấn ít nhất 01 điểm sinh hoạt, vui chơi
cho thanh thiếu nhi. Đại biểu Nguyễn Cảnh Cường (đoàn đại biểu tỉnh Nghệ
An) góp ý về việc xây dựng điểm vui chơi, sinh hoạt cho thanh thiếu nhi nên nêu
là xây dựng và tổ chức xây dựng, tổ chức Đoàn cần tiên phong, làm mẫu và vận
động các mạnh thường quân để giúp đỡ, hỗ trợ.
Cũng tại tổ thảo luận, các đại
biểu đã tham gia ý kiến cần làm rõ hơn về vai trò tham mưu của cán bộ Đoàn các
cấp đối với cấp ủy chính quyền, địa phương trong việc tham mưu huy động kinh
phí hỗ trợ kinh phí để xây dựng các thiết chế nhà văn hóa cho thanh thiếu nhi.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng
đã đóng góp ý kiến về nhiệm kỳ của Đại hội, một số đại biểu đã đề xuất về nhiệm
kỳ của trường Trung học phổ thông là 5 năm 2 lần và nhiệm kỳ của chi đoàn khu
dân cư cũng nên để 5 năm 2 lần như vậy sẽ phù hợp với nhiệm kỳ của cấp ủy.
Tuy nhiên trên thực tế, khi
thực hiện thí điểm về kéo dài nhiệm kỳ Đại hội với các chi đoàn tổ dân phố
trong thời gian qua đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của lãnh đạo các cấp, đặc
biệt là của cán bộ Đoàn.
*Tại Tổ thảo luận số 5,
các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung như: hệ thống chỉ tiêu
của nhiệm kỳ mới, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong thanh niên và sửa đổi
Điều lệ Đoàn...
Băn khoăn về hệ thống chỉ tiêu
nhiệm kỳ tới, đồng chí Nguyễn Duy Minh - Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho rằng,
chỉ tiêu mỗi xã, phường xây dựng mới ít nhất 01 điểm sinh hoạt vui chơi cho TTN
rất khó để triển khai trong thực tế, đặc biệt là ở khu vực đô thị, bởi quỹ rất
đất khan hiếm.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh cũng đề nghị xem
xét lại chỉ tiêu kết nạp 5 triệu đoàn viên, bởi thực tế chất lượng đoàn viên
hiện nay chưa tốt, việc tổ chức các lớp cảm tình đoàn và tổ chức kết nạp chưa
để lại dấu ấn đối với đoàn viên mới; độ tuổi kết nạp vẫn hơi sớm.
Đại biểu Đào Quang Diệu (đoàn đại biểu
tỉnh Hà Giang) cho rằng, cần xác định nguyên nhân, lý do chưa hoàn thành 4/9
chỉ tiêu của nhiệm kỳ trước. Trong nhiệm kỳ mới, cần xác định rõ đâu là chỉ
tiêu của nhiệm kỳ, đâu là chỉ tiêu hàng năm. Một số chỉ tiêu cần có giải pháp
cụ thể hơn để thực hiện.
Đồng chí cũng đề nghị khi xây dựng đề án
cần xác định nguồn lực để thực hiện, bởi "đề án ở Trung ương, kinh phí ở
địa phượng", một số tỉnh khó khăn như Hà Giang rất khó tìm được nguồn kinh
phí để thực hiện.
Theo đại biểu Mỹ Trinh (đoàn đại biểu tỉnh
Trà Vinh) nêu, chỉ tiêu mỗi xã, phường xây dựng mới ít nhất 01 điểm sinh hoạt
vui chơi cho TTN cần sửa đổi thành xây dựng mới và củng cố, duy trì ít nhất 01
điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi tại mỗi xã, phường, thị trấn. "Đối với
xã chưa có điểm vui chơi thì chúng ta cố gắng xây mới, còn đối với xã đã có thì
chỉ cần củng cố, duy trì", đại biểu Mỹ Trinh nói.
Khởi nghiệp cũng là vấn đề nhận được sự
quan tâm và góp ý của nhiều đại biểu tại tổ thảo luận số 5.
Bí thư BCH Trung ương Đoàn khóa X Nguyễn Phi Long trao đổi ý kiến tại tổ thảo luận số 5. Ảnh Bảo Anh
Đại biểu Sùng Văn Thắng (đoàn đại biểu
tỉnh Hà Giang) cho rằng, phong trào Thanh niên khởi nghiệp đang được triển khai
rất rộng, sản phẩm hàng hóa do thanh niên làm ra đang dần tiếp cận thị trường.
Nên chăng, tổ chức Đoàn cần thành lập trung tâm trưng bày sản phẩm khởi nghiệp
của thanh niên để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đây là một trong những biện
pháp hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp.
Đại biểu Châu Ngọc Lương (đoàn đại biểu
tỉnh Đắk Nông) ý kiến, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong thanh niên nhất
định phải có Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Nên chăng Trung ương Đoàn kiến nghị Thủ
tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giành một gói tín dụng riêng với lãi
suất ưu đãi cho hoạt động khởi nghiệp của thanh niên. Bên cạnh đó, Đoàn cần cơ
cấu lại hoạt động để tăng cường các hoạt động tư vấn, diễn đàn cho vấn đề khởi
nghiệp, lập nghiệp.
Theo đồng chí Dương Thanh Duy (đoàn đại
biểu thành phố Đà Nẵng), trong triển khai phong trào khởi nghiệp còn gặp phải
một số lúng túng, bởi việc đi đến cùng vấn đề khởi nghiệp thì nguồn lực của
Đoàn không đủ, cán bộ Đoàn cũng không đủ kinh nghiệm. Vì thế, chúng ta cần xác
định rõ vai trò của Đoàn trong vấn đề khởi nghiệp.
Góp ý sửa đổi Điều lệ Đoàn, đại biểu Châu
Ngọc Lương (đoàn đại biểu tỉnh Đắk Nông) cho rằng, công tác Đoàn hiện nay xuất
hiện một số mâu thuẫn, trong đó có năng lực, trình độ của cán bộ Đoàn chưa theo
kịp thanh niên. Vì thế công tác tuyển dụng cán bộ Đoàn cần có đặc thù riêng,
không thể giống như tuyển dụng công chức của các ngành, đơn vị khác.
Còn theo đại biểu Bùi Duy Khánh (đoàn đại
biểu thành phố Đà Nẵng), qua thực tế tại cơ sở, nhiệm kỳ Đại hội 1 năm/ 1 lần
rất lãng phí thời gian, tiền bạc. Bí thư Chi đoàn mới làm 01 năm chưa đủ thời
gian để phát huy vai trò của mình, nên khi bầu lại tại Đại hội thì chưa chắc đã
trúng cử. Qua 01 năm, báo cáo chính trị và những góp ý cho công tác Đoàn cũng
không thay đổi nhiều. Nên chăng tại một số khu vực đặc thù, công tác đoàn kết
tập hợp thanh niên đã khó, tìm được Bí thư chi đoàn còn khó hơn.
Đại biểu đề nghị nên tiếp tục thí điểm
nhiệm kỳ Đại hội 5 năm/02 lần để có thêm thời gian tại một số nơi giúp tổ chức
Đoàn có những nhìn nhận, đánh giá chính xác hơn.
* Tại Tổ thảo luận số 9, các đại biểu
3 tỉnh: Bắc Ninh, Đồng Nai, Đắk Lắk đã trao đổi, góp ý vào nội dung Báo cáo
chính trị, điều lệ Đoàn, văn kiện Đại hội. Bí thư BCH Trung ương Đoàn khóa X
Nguyễn Anh Tuấn đã đến dự.
Theo đó, về Văn kiện Đại hội, đại biểu Lê Quang
Vinh (đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai) cơ bản thống nhất ở các nội dung. Tuy nhiên,
ở trang 27, mục 6.1 về công tác cán bộ, trước khi đào tạo, cần tập trung công
tác quy hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ; ở trang 28 tăng cường đi cơ sở, sinh
hoạt chi đoàn trên địa bàn dân cư, đề xuất chuyển thành 60 ngày; chỉ tiêu 100%
cán bộ đoàn được tập huấn bổ sung nghiệp vụ, đồng chí đề xuất 90% thì phù hợp
hơn.
Quang cảnh Tổ thảo luận số 9. Ảnh Trịnh Lý
Cùng có ý kiến vào báo cáo chính trị, Phó
Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh Hải Anh cho rằng, về công tác Đội, đã có rất nhiều
phong trào nhưng trong báo cáo đã không đưa tên phong trào “Nghìn việc tốt” vào
báo cáo. Đại biểu này cũng đề nghị nên giữ lại phong trào “Nghìn việc tốt” nhằm
nhân rộng, phát huy lan tỏa những việc tốt tới tới thanh thiếu nhi.
Ở phần học tập, trang 24 trong báo cáo
chính trị về đồng hành với thanh niên trong học tập, đại biểu Trần Thị Quỳnh
Châu - sinh viên Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk cho biết, nên tăng phần thực hành và
giảm lý thuyết nhằm nâng cao kỹ năng hơn nữa cho sinh viên khi ra trường.
Về ngoại ngữ cho đoàn viên thanh niên, đại
biểu Quỳnh Châu mong muốn tổ chức Đoàn đứng ra mở các lớp tiếng Anh miễn phí
tại các trường cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện học tập
tại các Trung tâm Ngoại ngữ.
Tại trang số 19 của Báo cáo chính trị về
công tác giáo dục với các giải pháp, đại biểu Nguyễn Thanh Bình- (đoàn đại biểu
tỉnh Đồng Nai) có ý kiến, nên bổ sung hoạt động sơ, tổng kết vào các hoạt động.
Ở trang 21 về phong trào thanh niên tình nguyện chưa nêu phong trào “3 trách
nhiệm”, nên tiếp tục triển khai phong trào “3 trách nhiệm” trong khối cơ quan
hành chính sự nghiệp và tại trang số 27, về công tác cán bộ Đoàn, đề xuất thêm
khâu đánh giá quy hoạch bồi dưỡng cán bộ.
Đang truy cập: 119
Hôm nay: 78
Tổng lượt truy cập: 1,245,353