Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Trị vừa ban hành Kế hoạch số 124 triển khai chương trình “Tuổi trẻ Quảng Trị chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020”. Chương trình nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đoàn và tuổi trẻ Quảng Trị trong việc tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời tăng cường các nguồn lực hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của đoàn thanh niên trên địa bàn nông thôn. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí LÊ MINH TUẤN, TUV, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh.
- Trước hết, đề nghị đồng chí cho biết những nội dung chính của chương trình “Tuổi trẻ Quảng Trị chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020”?
- Ngay khi UBND tỉnh triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Quảng Trị, BTV Tỉnh đoàn đã xác định rằng đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay và tuổi trẻ phải có những việc làm kịp thời, thiết thực để thể hiện trách nhiệm chính trị của mình.
Kế hoạch “Tuổi trẻ Quảng Trị chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020” tập trung vào 3 nhóm nội dung chính bám sát chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh cũng như căn cứ trên những đặc thù, thế mạnh của tổ chức đoàn và tuổi trẻ.
Nội dung thứ nhất là xây dựng các đội hình trí thức trẻ tình nguyện, các đội, nhóm, chương trình thanh niên tình nguyện xung kích về với vùng nông thôn, bằng những sáng kiến, bằng tri thức và sức trẻ góp sức cùng nhân dân và tuổi trẻ nông thôn xây dựng nông thôn mới.
Thứ hai, phát huy vai trò của tổ chức đoàn và tuổi trẻ vùng nông thôn trong việc xung kích đảm nhận các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đi đôi với việc đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất giỏi trong thanh niên.
Thứ ba, tập trung củng cố xây dựng tổ chức đoàn, hội, tích cực tham gia xây dựng đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở nông thôn vững mạnh.
- Những nội dung đó sẽ được cụ thể hóa bằng những phong trào, mô hình và giải pháp như thế nào, thưa đồng chí?
- Để triển khai nội dung trí thức trẻ tham gia xây dựng nông thôn mới, trước hết chúng tôi sẽ phát động phong trào “Tuổi trẻ hiến kế xây dựng nông thôn mới” trong đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh. Qua đó, một mặt góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên về chương trình xây dựng nông thôn mới, mặt khác, ban tổ chức sẽ bình chọn và trao giải thưởng cho các kinh nghiệm, kế sách, sáng kiến, đề tài hay, sáng tạo và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Với những sáng kiến, đề tài mang tính thực tiễn lớn, chúng tôi sẽ tuyển chọn và xây dựng các đội hình trí thức trẻ để triển khai thí điểm, trước mắt là tại 8 xã được lựa chọn làm điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Ngoài ra, hàng năm các cấp bộ đoàn cũng sẽ tăng cường các đội hình thanh niên tình nguyện về tham gia xây dựng nông thôn mới, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, đảm nhận các công trình phần việc thanh niên tại địa phương…
Về nội dung tổ chức đoàn và tuổi trẻ nông thôn xung kích tham gia xây dựng nông thôn mới, các cấp bộ đoàn sẽ đăng ký tham gia thực hiện một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới như: xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn, an ninh trật tự, xây dựng văn hóa cơ sở… Nội dung này sẽ được cụ thể hóa qua 5 chương trình: Chương trình “Con đường thanh niên xây dựng nông thôn mới” phát động mỗi cơ sở đoàn đăng ký đảm nhận xây dựng, chăm sóc, tu dưỡng, bảo vệ 1 con đường tại địa phương tối thiểu dài 0,5 km; chương trình “Thanh niên hành động vì môi trường xanh - sạch - đẹp” với tiêu chí mỗi cơ sở đoàn thành lập 1 đội thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường, tham gia thu gom rác thải và đề xuất xây dựng điểm thu gom rác thải trên địa bàn xã, mỗi đoàn viên thanh niên trồng và chăm sóc 1 cây xanh; chương trình “Thanh niên hành động vì an ninh trật tự, an toàn nông thôn mới” phát động mỗi đoàn cơ sở thành lập các đội thanh niên xung kích bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; chương trình “Thanh niên xây dựng đời sống văn hóa mới” vận động đoàn viên, thanh niên đi đầu trong việc xây dựng nếp sống văn hóa mới trong tổ chức cưới, hỏi và chủ trì, đăng cai các hoạt động giao lưu, thi đấu VHVN, TDTT nhân các dịp lễ, tết, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần ở địa phương; chương trình “Thanh niên nông thôn quyết chí làm giàu” tăng cường các hoạt động đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay cho thanh niên lập nghiệp, thành lập các tổ hợp lao động theo nghề nghiệp, mô hình hợp tác liên kết sản xuất trong thanh niên nông thôn.
![]() |
Sức trẻ tình nguyện - Ảnh: TL |
Đối với nội dung xây dựng tổ chức đoàn, hội vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng đảng và chính quyền ở nông thôn, các cấp bộ đoàn sẽ tập trung đẩy mạnh công tác chỉ đạo các cơ sở đoàn nông thôn thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02 của BCH Trung ương Đoàn (khoá IX) về một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2008 - 2012, Nghị quyết 05 của BCH Tỉnh đoàn (khóa X) về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đoàn và công tác đoàn viên; tổ chức các hội nghị chuyên đề, tập huấn nâng cao chất lượng công tác cán bộ đoàn, công tác đoàn tham gia xây dựng đảng và chính quyền… phấn đấu 100% tổ chức đoàn ở các xã xây dựng nông thôn mới đạt chất lượng từ khá trở lên.
- Tỉnh đoàn kỳ vọng gì vào chương trình này và làm thế nào để kế hoạch thực sự đi vào đời sống tuổi trẻ, phát huy hết những giá trị của nó trong thực tiễn, thưa đồng chí?
- BTV Tỉnh đoàn xác định tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của tổ chức đoàn và tuổi trẻ trong giai đoạn 2011 – 2020. Quan điểm của Tỉnh đoàn là chương trình này trước hết đem đến cơ hội để chính tổ chức đoàn, nhất là ở vùng nông thôn rèn luyện, mở rộng và đổi mới nội dung hoạt động, củng cố tổ chức, nâng cao khả năng đoàn kết tập hợp thanh niên. Đồng thời, qua những công trình, phần việc, hoạt động cụ thể, thiết thực, ý nghĩa để khẳng định vai trò, uy tín của đoàn và tuổi trẻ đối với cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong việc tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương. Chúng tôi kỳ vọng qua chương trình này, tổ chức đoàn ở vùng nông thôn sẽ có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng, uy tín và toàn đoàn sẽ được tổ chức ngày càng nhiều những hoạt động, công trình thanh niên có hiệu ứng xã hội lớn, giàu giá trị thực tiễn, khẳng định “thương hiệu” của tổ chức đoàn và tuổi trẻ.
Để thực hiện được những mục tiêu ấy, quan điểm chỉ đạo của BTV Tỉnh đoàn là bám sát chỉ đạo của Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, nắm đặc thù từng địa phương và thế mạnh của tuổi trẻ; thực hiện theo phương châm: “Chọn nội dung cụ thể, rõ việc, rõ mô hình”, vận động đoàn viên, thanh niên đột phá, xung kích vào những việc khó, việc mới trong các chỉ tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác chỉ đạo điểm theo hướng mỗi năm sẽ tập trung sâu vào một số nội dung cụ thể, địa bàn cụ thể để làm điểm tạo mô hình, sau đó sẽ phổ biến cho các địa phương tiếp tục nhân rộng. Cùng với đó, BTV Tỉnh đoàn sẽ tăng cường công tác tham mưu UBND tỉnh, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh và phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức, đơn vị kinh tế trên địa bàn để tạo cơ chế, nguồn lực thuận lợi nhất cho các chương trình hoạt động.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Trần Thu (thực hiện)
Đang truy cập: 364
Hôm nay: 1,433
Tổng lượt truy cập: 1,117,895