1. Sự hình thành Hành lang Kinh tế Đông-Tây.
Từ năm 1998 trong khuôn khổ chiến lược hợp tác tiểu vùng Mêkông mở rộng (GMS); Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC - East West Economic Corridor) do ADB và Nhật Bản khởi xướng và được 4 nước Việt Nam, Myanmar, Lào và Thái Lan tán thành và ủng hộ.
Hành lang Kinh tế Đông - Tây trải dài trên tuyến giao thông 1.450 km bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine của Mianmar đi qua 7 tỉnh Đông Bắc - Thái Lan, đến Savanakhet - Lào, về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo và kết thúc tại cảng Tiên Sa - Đà Nẵng.
2. Tầm quan trọng của tuyến Hành lang Kinh tế Đông-Tây.
Sau khi cầu Hữu nghị 2 bắc qua sông Mêkông nối Mục Đa Hán và Savannakhet được khánh thành (ngày 19/12/2006); Hành lang Kinh tế Đông - Tây đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị; mở ra các cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường hàng hoá, dịch vụ ra nước ngoài, phát huy tối đa các nguồn lực bên trong và khai thác các nguồn lực bên ngoài, cải cách thủ tục hành chính, khai thác các tiềm năng về du lịch, thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.
3. Lợi thế của tỉnh Quảng Trị khi nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông-Tây.
Là một tỉnh nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và trục giao thông Bắc - Nam, Quảng Trị sẽ đón nhận các cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo thông qua:
- Tăng khối lượng hàng hoá xuất khẩu, mở rộng thị trường hàng hoá, dịch vụ sang các thị trường tiềm năng như: Lào, Thái Lan và các nước trong khu vực.
- Khai thác các hoạt động vận tải, quá cảnh hàng hoá, dịch vụ có liên quan.
- Khai thác tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương về Du lịch sinh thái, du lịch biển: Bãi tắm Cửa Tùng; Cửa Việt; Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông; du lịch hồi tưởng Địa đạo Vịnh Mốc; Thành Cổ Quảng Trị; hàng rào điện tử Mácnamara; đường Hồ Chí Minh huyền thoại. 
Khai thác các tour, tuyến du lịch đến những di sản văn hoá thế giới của các tỉnh miền Trung đó là: vườn Phong Nha - Kẻ Bàng tỉnh Quảng Bình; di sản văn hoá thế giới Huế; Hội An; Thánh địa Mỹ Sơn của tỉnh Quảng Nam.
- Mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư tại Quảng Trị, từ đó tạo ra việc làm tăng thu nhập cho người dân, góp phần cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo. Thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để tác động đến đời sống của những người dân nghèo trên vùng Hành lang.
- Có điều kiện nâng cao năng lực cho cán bộ công chức, nhân dân chủ động hội nhập kinh tế quốc tế một cách toàn diện.
4. Mục tiêu phát triển.
Sáng kiến xây dựng Hàng lang kinh tế Đông - Tây nhằm vào các mục tiêu chủ yếu sau:
- Tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế và xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển giữa Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
- Giảm thiểu chi phí về giao thông trong khu vực và tạo điều kiện cho việc lưu chuyển hàng hoá và con người dễ dàng hơn.
- Góp phần xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển cho các khu vực nông thôn và biên giới, nâng cao thu nhập cho tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ.
- Phát triển du lịch, dịch vụ.
- Hành lang Kinh tế Đông - Tây còn hỗ trợ có chọn lọc các cơ hội phát triển, bao gồm lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
5. Các chương trình, dự án hợp tác phát triển trên Hành lang Kinh tế Đông-Tây.
- Dự án nâng cấp Quốc lộ 9: có tổng vốn đầu tư 35 triệu USD (tương đương 540 tỷ đồng), trong đó: vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á là 25 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 15 triệu USD. Đến nay, các hạng mục chính của dự án đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn các hạng mục phụ trợ như: hệ thống đèn chiếu sáng và biển báo giao thông đang được thực hiện.
- Các dự án viện trợ phát triển ODA: Tại 2 huyện Hướng Hoá và Đakrông đang thực hiện Dự án "Giảm nghèo miền Trung" do ADB tài trợ với vốn đầu tư 123 tỷ đồng; trên địa bàn huyện Cam Lộ và Đakrông đang thực hiện Chương trình Phát triển Nông thôn Quảng Trị giai đoạn III do Phần Lan tài trợ với vốn đầu tư 10 triệu Euro.
Ngoài ra, hiện nay Uỷ ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành soạn thảo 9 báo cáo tiền khả thi và đề cương nhận diện dự án và kêu gọi vốn tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), lên danh mục đề xuất các dự án kêu gọi đầu tư và tài trợ. 
6. Định hướng phát triển tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây trên địa bàn Quảng Trị
- Xác định tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây trên địa bàn tỉnh ta là tuyến kinh tế động lực của tỉnh. Lấy Quốc lộ 9 làm lợi thế khai thác phát triển kinh tế tổng hợp- gồm 3 vùng kinh tế động lực, đó là: Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo; Thị xã Đông Hà; Khu kinh tế du lịch - dịch vụ Cửa Việt - Cửa Tùng và đảo Cồn Cỏ. Các cụm kinh tế phối hợp gồm: Cụm kinh tế Đakrông - Cam Lộ; cụm Thị xã Quảng Trị- Diên Sanh - Mỹ Chánh.
- Hướng phát triển chung: Thương mại - Dịch vụ - Du lịch giữ vị trí quan trọng hàng đầu, phấn đấu sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo bước đột phá sau năm 2010, Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp giữ vị trí trọng tâm, then chốt với tốc độ tăng trưởng cao, tạo sự chuyển dịch nhanh về cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phát triển nông nghiệp hàng hoá và nông nghiệp ven đô phục vụ cho thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng và xuất khẩu.
Ba vùng kinh tế động lực gồm:
* Khu động lực Lao Bảo: Xây dựng Lao Bảo trở thành trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Du lịch tổng hợp; phấn đấu sớm trở thành Thành phố phía Tây của tỉnh, kết hợp phát triển công nghiệp gia công, lắp ráp, chế biến nông - lâm sản và sản xuất hàng tiêu dùng, du lịch sinh thái rừng.
* Khu động lực Đông Hà: Phát triển kinh tế tổng hợp gắn Khu Công nghiệp Đông Hà và Khu Công nghiệp Quán Ngang. Xây dựng Đông Hà thành trung tâm thương mại- dịch vụ và công  nghiệp của tỉnh, sớm đưa Đông Hà trở thành thành phố tỉnh lỵ của tỉnh.
* Khu kinh tế động lực Cửa Việt - Cửa Tùng, đảo Cồn Cỏ: Là điểm cuối ở Quảng Trị của hành lang kinh tế về phía Đông, tập trung phát triển dịch vụ - du lịch sinh thái biển; công nghiệp vận tải; chế biến thuỷ - hải sản; đóng mới và sửa chữa tàu thuyền; khai thác, chế biến khoáng sản.
Hai cụm kinh tế phối hợp gồm:
* Cụm kinh tế Đakrông - Cam Lộ gắn với đường Hồ  Chí  Minh, Cam Lộ-Tuý Lan: Phát triển ngành dịch vụ tổng hợp, du lịch; chú trọng du lịch sinh thái rừng, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, nghiên cứu bảo tồn văn hoá dân tộc thiểu số.
* Cụm kinh tế thị xã Quảng Trị - Diên Sanh - Mỹ Chánh: Phát triển dịch vụ, du lịch kết hợp phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống./

  • 13/KH-BCĐ

    Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ XXV - năm 2023 (16/01/2023)

  • Số 272-KHPH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức tình nguyện mùa Đông 2021, Xuân tình nguyện 2022 (13/01/2022)

  • Dự thảo

    Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (28/01/2022)

  • 519-BC/TĐTN-TTNTH

    Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 133 về thực hiện CTHĐ quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (06/12/2021)

  • Số 23-CTr/TĐTN-VP

    Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 (20/01/2022)

Đang truy cập: 417

Hôm nay: 1,978

Tổng lượt truy cập: 615,692

Liên hệ Facebook Đăng nhập