Câu hỏi 1: Đề nghị cho biết diễn biến tình hình việc phía Trung Quốc triển khai hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của ta từ 01/5/2014 đến nay?

Trả lời:

Ngày 01/5/2014, phía Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu số hiệu Hải Dương – 981 và một số lượng lớn tàu hộ tống vào vùng biển Việt Nam, tự ý hạ đặt giàn khoan này nằm sâu trên 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Khu vực này có tọa độ 15029’58” vĩ Bắc – 111012’06” kinh Đông, thuộc khu vực phân lô dầu khí 143 của ta, cách đất liền Việt Nam 132 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý và cách phía Nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý. Đến ngày 27/5, Trung Quốc đã công bố “hoàn thành giai đoạn 1” và dịch chuyển giàn khoan đến địa điểm mới có tọa độ 15033’38” vĩ Bắc – 11034’62” kinh Đông vẫn nằm sâu 60 hải lý trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của ta.

Trước diễn biến đặc biệt nghiêm trọng nêu trên, Việt Nam đã hết sức kiềm chế, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam. Ta đã huy động nhiều tàu kiểm ngư, cảnh sát biển ra thực địa kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của ta. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không thực hiện các yêu cầu của Việt Nam mà vẫn cố tình tiếp tục các hành động vi phạm ngày càng hung hăng và nghiêm trọng hơn.

Tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc duy trì số lượng tàu thuyền hộ tống lớn gấp 2-3 lần số tàu của ta bảo vệ hoạt động giàn khoan, quyết liệt cản phá hoạt động của lực lượng chấp pháp, ngăn cản tàu cá ta đang hoạt động trong khu vực này, giai đoạn cao điểm nhất ngày 20/5, tổng số tàu của Trung Quốc đã lên tới 137 tàu các loại, trong đó có 4 tàu quân sự và huy động máy bay trinh sát, máy bay tiêm kích thường xuyên bay sát, uy hiệp các tàu công vụ của ta. Ngày 09/6, Trung Quốc đã tăng số tàu chiến quanh khu vực giàn khoan thành 6 chiếc, cùng với đó số tàu Trung Quốc vẫn duy trì khoảng trên 100 tàu, bao gồm tàu hải cảnh, tàu vận tải, tàu kéo, tàu cá. Đáng chú ý cách thức hoạt động của Trung Quốc tỏ ra tinh vi hơn, bên cạnh chủ động đâm ca, phun vòi rồng, gây nhiều hư hỏng, tổn thất cho tàu ta, Trung Quốc cho dùng máy tạo sóng âm tần và đèn pha công suất lớn, cho máy bay, tàu chụp ảnh từ nhiều góc độ hòng tạo chứng cứ có lợi cho Trung Quốc, điều động thêm cả tàu cá quấy rối, ngăn cản tàu chấp pháp ta. Ngày 26/5, tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của ngư dân ta đang hoạt động đánh bắt tại khu vực này.

Mặc dù số lượng ít, bị vây ép và đâm va trực diện nhưng các tàu ta luôn kiên cường bám vị trí, dũng cảm, sáng tạo, không nao núng khi bị tổn thất. Các đồng chí bị thương đều xin ở lại tiếp tục tham gia đấu tranh. Một số tàu sau khi sửa chữa xong tiếp tục ra thực địa thực thi nhiệm vụ; đồng thời, lực lượng trên biển kịp thời cung cấp tư liệu hình ảnh để đấu tranh ngoại giao và dư luận. Bất chấp bị xua đuổi, đe dọa, các tàu cá của ngư dân ta vẫn kiên cường bám trụ, đánh bắt tại vùng biển xung quanh Hoàng Sa. Hoạt động đấu tranh của ta trên thực địa đã thể hiện rõ ý chí và quyết tâm đấu tranh của ta trước hành động Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của ta cũng như sự kiềm chế của ta nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Câu hỏi 2: Xin cho biết ý đồ, mục đích của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 vào thời điểm hiện nay? Việt Nam có bị động trước những ý đồ đó của Trung Quốc?

Trả lời:

Ý đồ độc chiếm của phía Trung Quốc tại Biển Đông đã có từ lâu. Từ 2009 đến nay, Trung Quốc liên tục tiến hành các hoạt động nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” thông qua các bước đi bài bản về pháp lý, ngoại giao, quân sự, hành chính, tuyên truyền và trên thực địa. Cách đây hơn một năm, khi Trung Quốc cho hạ thủy giàn khoan Hải Dương – 981, ta đã chỉ đạo các cơ quan chức năng bám sát các động thái triển khai hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai một loạt hoạt động có tính chất lâu dài và phá vỡ nguyên trạng trên Biển Đông.

Về chiến lược là để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền đối với Biển Đông; tạo căn cứ “pháp lý” và “thực tế quản lý” đối với Hoàng Sa, củng cố lập luận “Hoàng Sa không có tranh chấp”; hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, tiến tới thực hiện mục tiêu lâu dài “độc chiếm Biển Đông”; đồng thời, tạo đột phá trong việc thăm dò, khai thác dầu khí tại các vùng biển có tranh chấp trong khu vực Biển Đông. Việc hạ đặt giàn khoan tại khu vực này sẽ là tiền đề để mở rộng hạ đặt giàn khoan ở các khu vực khác trong phạm vi “đường lưỡi bò”.

Về thời điểm, một là, tranh thủ thời điểm các nước lớn như Hoa Kỳ, phương Tây, Nga đang vướng bận vào những điểm nóng khu vực khác tại Sy-ri, U-crai-na; hai là, răn đe ta không tham gia vụ kiện của Phi-líp-pin; ba là, ép ta chấp nhận “vùng khai thác” theo yêu cầu của Trung Quốc.

Trong quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chính: Kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, chúng ta luôn nhận thức rõ ràng các nguy cơ đe dọa đến môi trường an ninh, trong đó có ý đồ của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền tại các vùng biển của Việt Nam. Chính vì vậy trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo, không ngừng hiện đại hóa nâng cao năng lực quốc phòng, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của toàn dân nhằm bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cảnh giác và sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ. Theo luật hàng hải quốc tế, khi giàn khoan Hải Dương – 981 di chuyển, ta không có quyền ngăn cản. Nhưng khi giàn khoan Hải Dương – 981 dừng tại Lô dầu khí 143 thì chúng ta đã thể hiện chính kiến phản đối qua các kênh khác nhau. Chính vì vậy, khi sự việc nảy sinh ta đã triển khai đấu tranh đồng bộ về chính trị, ngoại giao, trên thực địa, tuyên truyền và vận động quốc tế, kiên quyết không để Trung Quốc thực hiện được ý đồ của họ.

Câu hỏi 3: Đề nghị cho biết các biện pháp đấu tranh của ta và quan điểm, thái độ của Trung Quốc.

Trả lời:

1. Về các biện pháp đấu tranh của ta

a. Về chính trị, ngoại giao:  Ta đã đấu tranh quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên, liên tục trên tất cả các mặt trận thực địa, ngoại giao, thông tin tuyên truyền, dư luận cả trong và ngoài nước, với sự phối hợp của nhiều bộ, ngành. Quan điểm chỉ đạo của ta là xử lý bình tĩnh, kiềm chế, xác định rõ đây không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn là vấn đề lâu dài, cần tận dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền đất nước, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút gian khoan và các tàu ta khỏi vùng biển Việt Nam.

Từ ngày 02/5 đến nay, tại Hà Nội và Bắc Kinh, ta đã tiến hành hơn 30 cuộc giao thiệp phản đối ngoại giao với phía Trung Quốc ở các cấp, trong đó đã trao 03 Công hàm phản đối Trung Quốc. Ta cũng tranh thủ tối đa các kênh tiếp xúc khác nhau, như: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị CICA (21/5); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh điện đàm với Ủy viện Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (06/5) và Ngoại trưởng Vương Nghị (15/5); Thứ trưởng Ngoại giao ta đi Bắc Kinh trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc; ngoài ra còn có 03 cuộc trao đổi, điện đàm cấp Bộ trưởng (Quốc phòng, Công an, Công thương)[1]; bên cạnh kênh ngoại gia ta chủ động trao đổi qua kênh Đảng (Ban Đối ngoại Trung ương), Quốc phòng, An ninh...

Tại các cuộc gặp, điện đàm và trong Công hàm ta nhấn mạng các nội dung sau:

+ Khu vực giàn khoan Hải Dương – 981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; hoạt động của giàn khoan và các tàu của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam được quy định bởi Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước ước Luật Biển 1982), vi phạm DOC và các thỏa thuận liên quan khác giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc; việc làm của Trung Quốc phá hoại sự tin cậy chính trị, ảnh hưởng tiêu cực đến đà phát triển của quan hệ hai nước, làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

+ Khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa. Bất luận trong mọi trường hợp, việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương – 981 và lượng lớn các loại tàu, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, Việt Nam không chấp nhận và kiên quyết phản đối; yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương – 981 và các tàu hộ tống, cùng Việt Nam đàm phán xử lý bất đồng.

+ Việt Nam kiên quyết phản đổi việc làm của phía Trung Quốc và kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình, phù hợp luật pháp quốc tế.

+ Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc nhưng kiên quyết yêu cầu phía Trung Quốc rút hết giàn khoan Hải Dương – 981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này, đồng thời tạo không khí thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa hai nước, kể cả việc “hợp tác cùng phát triển”.

b. Về vận động quốc tế

Trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức nước ngoài của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tại các hoạt động đa phương, ta đã tăng cường vận động quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam như: phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm làm việc Phi-líp-pin (21/5) và tại phiên khai mạc toàn thể Diễn đàn Kinh tế Đông Á (22/5); đấu tranh, vận động tích cực tại Hội nghị Bộ trưởng và Hội nghị cấp cao ASEAN tại Nay-pi-tô (Mi-an-ma), phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24 (10-11/5/2014); phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị quốc tế Tương lai Châu Á lần thứ 20 tại Nhật Bản và trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Xing-ga-po (22/5); phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh tại cuộc họp các quan chức cấp cao (SOM) của ASEAN, ASEAN+3, Đông Á (EAS) cũng như của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Mi-an-ma (07-09/6). Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ động điện đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước Nga (16/5), Hoa Kỳ (21/5), In-đô-nê-xi-a (16/5) và Xing-ga-po (16/5); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn gặp Đại sứ Nhật Bản tại Hà Nội để thông báo về tình hình Biển Đông (18/5).

Ngay từ ngày 5/5, Bộ Ngoại giao đã gặp Đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, EU…tại Hà Nội; các CQĐD tại các nước cũng gặp sở tại để thông báo tình hình và vận động các nước, các tổ chức quốc tế và các bạn bè, nhân sỹ uy tín thế giới lên tiếng ủng hộ lập trường của Việt Nam, phê phán hành động của Trung Quốc.

Ta đã cho lưu hành và lưu chiểu Công hàm phản đối Trung Quốc ngày 04/5 tại Liên Hợp quốc (07/5), Phái đoàn thường trực của ta bên cạnh Liên Hợp quốc, Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ đã ra Thông báo về tình hình Biển Đông và gửi đến Văn phòng Liên Hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các cơ quan báo chí (20/5 và 06/6).

c. Các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân

Nhiều tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân đã có các hình thức gặp mặt, bày tỏ thái độ, ra tuyên bố lên án các hành động phi pháp, nguy hiểm của Trung Quốc, như: Tập đoàn dầu khí Việt Nam; Hội Dầu khí Việt Nam; Hội Luật gia; Hội Hữu nghị Việt – Trung; Ủy ban Hòa bình Việt Nam; Hội Nhà báo Việt Nam; Hội nghề cá huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi); Liên đoàn Lao động và nghiệp đoàn nghề cá tỉnh Quảng Nam…

 Từ 9/5 đến nay, hàng nghìn người dân tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương đã tổ chức các hoạt động lên án hành vi sai trái, ngang ngược của Trung Quốc; cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc, Séc, Ba Lan, Đài Loan… cũng tổ chức các hoạt động biểu tình trước cửa các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán của Trung Quốc tại sở tại.

d. Công tác thông tin, tuyên truyền trong nước và ở nước ngoài

Sau khi xảy ra sự việc, chúng ta đã triển khai tích cực các hoạt động thông tin, đấu tranh dư luận cả ở trong nước và ở nước ngoài, để kịp thời thông tin cho nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế, cụ thể là:

Các cơ quan báo chí của ta đã kịp thời đưa tin về diễn biến tình hình trên thực địa, các biện pháp đấu tranh của ta, các hoạt động chính trị, ngoại giao, các phát biểu của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thể hiện quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta sử dụng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, kiên trì các kênh đối thoại, thông tin cho cộng đồng quốc tế; phản đối những hoạt động vi phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, phản bác những luận điệu sai trái của Trung Quốc; thông tin về cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; phản ánh dư luận trong nước; phản ánh dư luận quốc tế với các phát biểu tích cực của cộng đồng quốc tế, chính giới, tổ chức quốc tế, các cá nhân, tổ chức, học giả nước ngoài, báo chí nước ngoài bày tỏ lo ngại về tình hình, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, chấm dứt các hoạt động đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải.

Các hoạt động thông tin đối ngoại được đặc biệt quan tâm và triển khai mạnh mẽ.

Ta đã tổ chức 4 buổi họp báo quốc tế, thu hút hàng trăm phóng viên báo chí trong và ngoài nước, quan chức phụ trách báo chí của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, được nhiều báo, đài phát thanh, truyền hình, thông tin, tường thuật trực tiếp qua mạng. Trong họp báo, ta thông báo toàn bộ diễn biến vụ việc với những bằng chứng, bản đồ, hình ảnh, đoạn phim về hoạt động vi phạm của Trung Quốc; thông tin về các biện pháp xử lý kịp thời của Chính phủ, ổn định tình hình tại các địa phương sau khi diễn ra một số vụ việc liên quan đến trật tự trị an, lợi dụng các hoạt động tuần hành để có hành vi vi phạm pháp luật; cung cấp bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; trả lời các câu hỏi của phóng viên. Những thông tin đưa ra trong cuộc họp báo được báo chí trong nước và quốc tế đăng tải, lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực; công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại được coi trọng và đẩy mạnh.

Đã tổ chức đưa 47 phóng viên, trong đó có 15 phóng viên nước ngoài ra thực địa để tác nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời các hãng thông tấn lớn (AP, Roi-tơ, Blum-bớc) về nỗ lực sử dụng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài về căng thẳng ở Biển Đông nhân dịp tham dự Hội nghị Quốc tế Tương lai Châu Á (22/5). Đoàn Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế tại Diễn đàn kinh tế thế giới thông báo hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, khẳng định đây là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam. Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ trả lời Đài Truyền hình CNN khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, bác bỏ các luận điệu sai trái của Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải, lên án việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, thông tin về tình hình hoàn toàn ổn định sau một số vụ gây rối trật tự công cộng.

Các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực thông tin, vận động chính giới, dư luận sở tại, các tổ chức hữu nghị, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có các hình thức ủng hộ lập trường của Việt Nam, phản đối hành vi của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế; tổ chức nói chuyện, họp báo, tham dự các hội thảo về Biển Đông tại sở tại; vận động các học giả, trung tâm nghiên cứu viết bài phân tích hành động của Trung Quốc là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định và Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển; theo dõi dư luận báo chí sở tại và kịp thời phối hợp các biện pháp đấu tranh dư luận.

2. Thái độ của Trung Quốc

a. Đối với Việt Nam

Đến nay ta đã có hơn 30 cuộc làm việc với Trung Quốc ở nhiều cấp qua những hình thức giao thiệp, tiếp xúc, điện đàm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có 06 lần phát biểu về vụ giàn khoan Hải Dương – 981. Trong các cuộc gặp, điện đàm cũng như phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung quốc với ta, Trung Quốc đều thể hiện lập trường cứng rắn, ngang ngược, đổ lỗi, đe dọa ta.

Quan điểm của Trung Quốc tập trung một số ý sau:

- Hoạt động của giàn khoan Hải Dương – 981 của Trung Quốc nằm trong vùng biển lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải của quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa) hoàn toàn nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền cuả Trung Quốc; không liên quan gì đến vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

­  - Quần đảo “Tây Sa” là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, hoàn toàn không có tranh chấp. Hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc là hợp pháp, không ai có thể ngăn cản, Trung Quốc quyết không dừng lại. Nếu Việt Nam muốn nhân cơ hội này để tạo ra tranh chấp ở “Tây Sa” thì đây là sự tính toán sai lầm. Trung Quốc sẽ kiên quyết không đàm phán với Việt Nam về vấn đề “Tây Sa”.

- Đổ lỗi cho ta gây căng thẳng trên biển, các tàu Việt Nam quấy nhiễu hoạt động sản xuất bình thường và an toàn của doanh nghiệp Trung Quốc; đổ lỗi cho Việt Nam làm rùm beng dư luận; đe dọa Việt Nam phải chịu mọi hậu quả nếu tiếp tục các hoạt động sai trái hiện nay.

b. Đối với các nước khác

Trung Quốc ráo riết vận động quốc tế, đặc biệt gây sức ép các nước ASEAN không bày tỏ lập trường, phát biểu về tình hình đang diễn ra trên Biển Đông dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Cấp cao ASEAN đầu tháng 5 vừa qua. Đồng thời Trung Quốc cũng cảnh cáo Hoa Kỳ, Nhật và các nước khác không được can dự; gây phức tạp thêm tình hình.

Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền sai lệch, xuyên tạc vụ việc, gửi công hàm thông báo cho các nước, tổ chức họp báo, trả lời phỏng vấn vu cáo ta khiêu khích, làm căng thẳng tình hình. Tuy nhiên, Trung Quốc không đưa ra được chứng cứ thuyết phục về tình hình xung quanh vụ việc, cho đến nay không có nước nào công khai ủng hộ việc làm sai trái của Trung Quốc.

Câu hỏi 4: Đề nghị cho biết phản ứng của các nước đối với hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 của Trung Quốc và trước những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông hiện nay?

 Trả lời:

Nhìn chung, dư luận quốc tế đều bày tỏ rất bất ngờ và quan ngại về vụ việc và diễn biến liên quan. Chính giới nhiều nước và các tổ chức khu vực và quốc tế lên tiếng với những nội dung như: bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng và sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định ở khu vực. Một số nước phê phán Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng, phức tạp tình hình, thay đổi nguyên trạng; ủng hộ việc Việt Nam theo đuổi các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.

 Dư luận báo chí quốc tế đa phần đưa các phân tích khách quan, cho rằng Trung Quốc đang gia tăng gây hấn, làm phức tạp vấn đề, có hành động nguy hiểm ở Biển Đông. Một số bài viết bày tỏ đồng tình với việc Việt Nam chủ trương giải quyết việc tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, không loại trừ khả năng sử dụng các biện pháp tài phán quốc tế. Các nhà phân tích cũng nhận định, với lịch sử nhiều cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược, so với các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam không phải một đối thủ dễ bị bắt nạt. Tuy nhiên, các báo cũng nhận xét thực lực quân sự giữa hai bên có khoảng cách quá lớn, Trung Quốc vẫn là “kẻ mạnh có thể làm những gì họ muốn”.

Đoàn báo chí nước ngoài được các cơ quan chức năng tổ chức đưa ra thực địa có những bài, ảnh về tình hình thực địa “giằng co” giữa hai bên, mô tả tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu công sự Việt Nam, quan sát thấy Trung Quốc có những tàu chiến với pháo đã mở sẵn hướng về phía tàu Việt Nam.

Câu hỏi 5: Đề nghị cho biết chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước ta trong việc đấu tranh với Trung Quốc trong thời gian tới?

Trả lời:

Cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa rút giàn khoan. Đây là cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài. Ta cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt tiếp tục triển khai đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng các biện pháp đấu tranh kiên quyết về chính trị, pháp lý, ngoại giao, trên thực địa và đấu tranh dư luận để tiếp tục đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình. Đồng thời, cần giữ vững môi trường hòa bình, quan hệ hữu nghị với các nước, trong đó có nhân dân Trung Quốc.

Tạo sự nhất trí cao trong toàn Đảng và sự đồng thuận toàn dân về chủ trương và biện pháp đấu tranh của Đảng và nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, để phát huy sức mạnh đoàn kết, thể hiện rõ ý chí và quyết tâm đấu tranh của ta đối với hành động xâm phạm chủ quyền của ta; đồng thời phải đảm bảo môi trường bên trong và bên ngoài hòa bình, ổn định để thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo sự vận hành và phát triển của nền kinh tế nước ta. Ta cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, thống nhất trong hành động và tuyên truyền, để tránh những tác động bất lợi có thể có về đối nội và đối ngoại. Kiên quyết đấu tranh với những phần tử vi phạm pháp luật, lợi dụng kích động, xuyên tạc chính sách đối ngoại và chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cùng với việc tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền để dư luận quốc tế hiểu rõ hơn chính nghĩa của Việt Nam và sai trái của Trung Quốc, tạo sự đồng thuận cả trong nước và quốc tế trong giải quyết vấn đề Biển Đông.

Câu hỏi 6: Trung Quốc cho rằng Chính phủ Việt Nam đã dung túng để người dân kỳ thị, chống Trung Quốc, rằng tình hình hiện nay giống như việc “bài Hoa” năm 1978?

Trả lời:

Đây là những luận điệu sai trái. Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả người nước ngoài, kể cả người Trung Quốc, làm ăn kinh doanh tại Việt Nam vì quyền lợi của chính họ cũng như của Việt Nam. Việt Nam chưa bao giờ có các hành động kỳ thị, phân biệt đối xử với người nước ngoài nói chung và kỳ thị, chống người Trung Quốc nói riêng.

Luận điệu về cái gọi là “bài Hoa” ở Việt Nam là hoàn toàn bịa đặt và có dụng ý xấu nhằm bôi nhọ chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, kích động hận thù dân tộc, gây chia rẽ tình cảm hữu nghị lâu đời giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc.

 Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam đã gây phẫn nộ đối với tất cả người dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam phản đối những hành động sai trái của Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam. Nhiều nơi, người dân tự phát biểu tình phản đối. Tuy nhiên, một số người đã lợi dụng các cuộc tuần hành để có hành vi vi phạm pháp luật. Chính phủ đã kịp thời có các biện pháp ngăn chặn và xét xử nghiêm khắc các hành vi vi phạm theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam, có các hình thức hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp bị thiệt hại. Tình hình đã hoàn toàn ổn định, các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Các doanh nghiệp nước ngoài cảm ơn Chính phủ Việt Nam và yên tâm làm ăn.

Câu hỏi 7: Việt Nam có quyết định khởi kiện Trung Quốc không? Nếu có thì khi nào và theo cơ chế nào?

Trả lời:

 Chủ trương nhất quán của Việt Nam là bằng các biện pháp hòa bình, tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình. Việt Nam đang cân nhắc tất cả các phương án để bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình ở biển Đông; và phương án đấu tranh pháp lý cũng là một cách giải quyết hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Câu hỏi 8: Việc Trung Quốc tiếp tục hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 vào sâu trong vùng biển của Việt Nam sẽ tác động như thế nào đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại?

 Trả lời:

Đối với việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng biển của Việt Nam, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm này và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Bên cạnh việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, Việt Nam vẫn hết sức coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị trên các lĩnh vực khác với Trung Quốc. Tại phiên họp Chính phủ tháng 5/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quan điểm kiên trì đấu tranh quyết liệt bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng các biện pháp hòa bình thông qua nhiều hình thức khác nhau, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương – 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đồng thời duy trì quan hệ chính trị, kinh tế bình thường với Trung Quốc vì đây là điều tất yếu, khách quan và cũng là lợi ích đan xen của cả hai bên, nhấn mạnh việc tập trung đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nhưng không để ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng, cả thế giới này là một nền kinh tế, một thị trường, Trung Quốc cũng là thành viên WTO, Việt Nam cũng là thành viên WTO; Trung Quốc với Việt Nam có Hiệp định chung là Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc; Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc mối quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi giữa Việt Nam và Trung Quốc vì điều này không chỉ đem lại lợi ích cơ bản và lâu dài cho hai nước Việt – Trung mà còn đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

 

 

 

PHỤ LỤC

- Liên Hợp Quốc: Tổng thư ký Ban-ki-mun (9 và 19/5) lên tiếng tỏ quan ngại, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình. Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Pha-ha Hát (9/5) hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hợp quốc. Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ốt-xca Phéc-nan-đéc Ta-ran-cô đánh giá cao sự kiềm chế của Việt Nam và việc ta chủ trương thông qua đối thoại để giải quyết vụ việc; đánh giá cao việc ta chủ động thông tin cho Liên Hợp quốc cũng như thúc đẩy đối thoại tìm kiếm các biện pháp để giải quyết vụ việc; khẳng định Liên Hợp quốc sẵn sàng làm hết sức trong khả năng của mình để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp, tránh xung đột; gợi ý ta xem xét khả năng trung gian hòa giải.

- ASEAN: Đều bày tỏ quan ngại trước những hành động của Trung Quốc và hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Dưới sự vận động tích cực, quyết liệt ở các cấp của ta, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 đã bổ sung nội dung Biển Đông vào 02 văn kiện quan trọng của Hội nghị là Tuyên bố Nay-pi-tô và Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24. Hội nghị ngoại trưởng ASEAN đã ra tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông. Đây là lần đầu tiên sau 20 năm kể từ năm 1995, ngoại trưởng các nước ASEAN đã đạt nhất trí và đã ra Tuyên bố riêng về Biển Đông.

+ Phi-líp-pin: trong chuyến thăm làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Phi-líp-pin ngày 21/5, Tổng thống Phi-líp-pin B.A-qui-nô nhấn mạnh việc Phi-líp-pin và Việt Nam hợp tác đối phó với thách thức chung trên biển, hợp tác an ninh, quốc phòng song phương. Chủ tịch thượng viện Phi-líp-pin Phrăng-klin Drai-lân (22/5) cho biết Thượng viện Phi-líp-pin hoàn toàn ủng hộ lập trường, quan điểm của Việt Nam và Phi-líp-pin về việc yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đặc biệt là công ước Liên Hợp quốc về luật biển mà cả Việt Nam, Phi-líp-pin và Trung Quốc đều là thành viên.

+ In-đô-nê-xi-a: Bộ Ngoại giao (16/5) ra Tuyên bố bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về diễn biến trên Biển Đông hiện nay, nhất là quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam; kêu gọi hai bên kiềm chế tối đa, tôn trọng DOC, tránh làm căng thẳng gia tăng. Ngoại trưởng Mác-ti Na-ta-lê-ga-oa (16/5) cho rằng “tình thế hiện rất nguy hiểm” và (20/5) cho rằng tranh chấp hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc vừa là một vấn đề song phương vừa là vấn đề của khu vực nên ASEAN có trách nhiệm đặc biệt. Trước đó, ngày 14/5, Ngoại trưởng Mác-ti Na-ta-lê-ga-oa cũng đã điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về tình hình Biển Đông.

+ Xing-ga-po: Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng Biển Đông là một vấn đề quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc, ASEAN sẽ can dự vào vấn đề Biển Đông và sẽ cố gắng hết sức không để vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ ASEAN-Trung Quốc và khi gặp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Nhật Bản (bên lề Hội nghị Tương lai Châu Á, 22/5) bày tỏ lo ngại những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, mong muốn các bên kiềm chế không để xảy ra xung đột, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực.

- Hoa Kỳ: Phó Tổng thống Hoa Kỳ Bi-đen và Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân, tướng Mác-tin Đem-sy khi tiếp Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc Phòng Phong Huy (15/5) bày tỏ lo ngại sâu sắc về hành động đơn phương của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp với Việt Nam. Ủy ban đối ngoại thượng viện Hoa Kỳ (20/5) nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết về Biển Đông, “yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các lực lượng liên quan khỏi vị trí hiện tại, kiềm chế những hành động đi ngược lại với các quy định quốc tế, ngay lập tức quay trở lại hiện trạng như trước ngày 01/5”. Ngoại trưởng Giôn Ke-ri bày tỏ quan ngại sâu sắc về Biển Đông, khẳng định hành động của Trung Quốc là khiêu khích, làm gia tăng căng thẳng ở khu vực, đánh giá cao sự kiềm chế của Việt Nam, mong muốn giải quyết tranh chấp bằng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nhiều nghị sỹ Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam bằng việc ra tuyên bố, phát biểu trước Quốc Hội hoặc gửi thư phản đối Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Gien Psa-ki (07/5) ra tuyên bố riêng về vụ việc, cho rằng: (i) Việc Trung Quốc quyết định lần đầu tiên đưa giàn khoan và nhiều tàu Chính phủ vào vùng biển tranh chấp với Việt Nam là khiêu khích và làm gia tăng căng thẳng; (ii) Hành động đơn phương này dường như là mục tiêu trong cách hành xử chung nhằm thực thi các yêu sách trên các vùng lãnh thổ tranh chấp, cách làm này của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực; (iii) Phía Hoa Kỳ rất lo ngại về cách hành xử và cách hăm dọa nguy hiểm của các tàu đang hoạt động trong khu vực; (iv) Kêu gọi các bên hành xử một cách an toàn và chuyên nghiệp, bảo đảm quyền tự do hàng hải, kiềm chế và xử lý các yêu sách chủ quyền chồng lấn một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; (v) Có tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa. Người phát ngôn Nhà Trắng và Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trong các ngày 21 và 22/5 có phát biểu cho rằng: “Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông”; tái khẳng định và ủng hộ biện pháp ngoại giao và hòa bình khác, bao gồm việc sử dụng trọng tài hoặc cơ chế pháp lý quốc tế khác. Ngày 27/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Gien Psa-ki phát biểu cho rằng hành động của Trung Quốc là khiêu khích. Ngày 28/5, Tổng thống Hoa Kỳ B.Ô-ba-ma phát biểu tại học viện quân sự ở Oét-poi, Niu-oóc, cho rằng, Oa-sing-tơn ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á trong quá trình đàm phán với Trung Quốc về  Bộ qui tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), đồng thời kêu gọi các bên phối hợp giải quyết các tranh chấp bằng luật pháp quốc tế. Ông cũng khẳng định, “sự gây hấn mang tính khu vực dù chỉ xảy ra ở miền nam U-crai-na, Biển Đông hay bất cứ nơi nào trên thế giới, nhưng nếu không được kiểm soát thì cuối cùng cũng sẽ ảnh hưởng tới các đồng minh và có thể khiến quân đội Mỹ vào cuộc”.

- Nhật Bản: Thủ tướng Nhật Bản A-bê (22/5) bày tỏ lo lắng về căng thẳng ở khu vực do quyết định hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc; nhấn mạnh việc cần tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế không để xảy ra xung dột, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Ki-shi-da (07 và 09/5) đã có phát biểu công khai, bày tỏ vô cùng lo ngại trước hành động đơn phương của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng tại khu vực; nhấn mạnh đây là hành động trong chuỗi hành động đơn phương khiêu khích và mở rộng ra biển của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc giả thích rõ ràng với Việt Nam và cộng đồng quốc tế về căn cứ và nội dung cụ thể hành động của Trung Quốc; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Ngày 07/5, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Su-ga cho rằng đây là hành động mang tính đơn phương, khiêu khích và nghiêm trọng của phía Trung Quốc, nằm trong một chuỗi các hành động gần đây của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982.

- EU: Ngày 09/5, Cao ủy EU về An ninh và Đối ngoại ra Tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông, bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, đặc biệt lo ngại trước các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến môi trường anh ninh khu vực; kêu gọi các bên liên quan tìm kiếm các giải pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế, tiếp  tục đảm bảo an toàn và tự do hàng hải, đồng thời kêu gọi các bên thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng và tránh đưa ra các hành động đơn phương có thể gây bất lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực.

Tổng Vụ trưởng Châu Á Ủy ban Đối ngoại EU (EEAS) Vi-ô-ren (8/5) nhấn mạnh lập trường nguyên tắc của EU là luôn ủng hộ đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó bao gồm Công ước Luật biển 1982, giải quyết hòa bình tranh chấp, không có động thái gì để thay đổi nguyên trạng; bày tỏ bất ngờ về động thái này của Trung Quốc và coi đây là rất nghiêm trọng; đánh giá cao việc Việt Nam đã liên tục giao thiệp với phía Trung Quốc để tìm giải pháp cho khủng hoảng này, qua đó thể hiện việc Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng với Trung Quốc và coi đó là cách làm phù hợp; kiến nghị Việt Nam nên tiếp tục giao thiệp với Trung Quốc, cố gắng kiềm chế, tránh gây căng thẳng và chỉ sử dụng các biện pháp hòa bình như thúc đẩy các nước ASEAN cùng lên tiếng và tiếp tục thực hiện DOC.

- Ấn Độ: Ngày 09/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ bày tỏ quan ngại các diễn biến mới đây ở Biển Đông; mong muốn vấn đề được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi; nhấn mạnh tự do hàng hải ở Biển Đông không nên bị ngăn chặn, đồng thời kêu gọi hợp tác nhằm bảo đảm an ninh cho các tuyến đường biển và an ninh hàng hải.

- Úc: Ngày 08/5, Thứ trưởng Ngoại giao và Thương mại Úc Gi-li-an chia sẻ sự quan ngại với Việt Nam; cho đây là vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của khu vực; khẳng định rõ quan điểm của Úc không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền, song kêu gọi các bên giải quyết qua thương lượng hòa bình; cho rằng sự việc trên là có sự chỉ đạo từ cấp cao Trung Quốc, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan và nằm trong chiến lược rộng hơn của Trung Quốc; mong muốn ASEAN có tiếng nói thống nhất và mạnh mẽ hơn về vụ việc này, trước mắt Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 5/2014 phải tìm biện pháp giảm căng thẳng trong khu vực, không để xảy ra tính toán sai lầm dẫn đến xung đột.

- Anh: Ngày 08/5, đại diện Bộ Ngoại giao Anh cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào hoạt động tại vùng biển có tranh chấp với Việt Nam và đụng độ giữa hai bên vừa qua là vụ việc nghiêm trọng nhất trong quan hệ Việt-Trung thời gian gần đây; khẳng định Anh không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ Biển Đông nhưng có lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực; cho rằng trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những động thái mạnh mẽ nhằm thể hiện chủ quyền ở các vùng biển tranh chấp để làm phép thử. Nếu dư luận quốc tế không phản đối mạnh mẽ thì Trung Quốc sẽ tiếp tục có các hành động tương tự tại các khu vực khác. ASEAN và các nước trong khu vực cần có tiếng nói chung, phản đối Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực nhằm gây áp lực lên Trung Quốc.

- Ca-na-đa: Ngoại trưởng Giôn Bát (19/5) ra Tuyên bố về Biển Đông, bày tỏ quan ngại về căng thẳng trên biển Việt Nam-Trung Quốc; hoan nghênh tuyên bố của Hội nghị Cấp cao ASEAN.

- Nhóm các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7): Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Brúc-sen, Bỉ trong 2 ngày 04-05/6, lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị đã ra thông báo bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Thông báo nêu rõ: “Chúng tôi phản đối nỗ lực đơn phương của bất kỳ bên nào muốn sử dụng biện pháp đe dọa, ép buộc hay vũ lực để khẳng định tuyên bố chủ quyền hoặc hàng hải”./.

 

 

 

 

 

 
  • 202-KH/TĐTN-XDĐ

    Kế hoạch tổ chức hoạt động Đội hình Tình nguyện viên trực tuyến tỉnh Quảng Trị (19/02/2025)

  • 190-KH-TĐTN-XDĐ

    Kế hoạch triển khai chiến dịch truyền thông Vững bước dưới cờ Đảng (14/01/2025)

  • 184-KH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức phát động thi đua chào mừng đại hội Đảng các cấp (23/12/2024)

  • 17-HD/TĐTN-XDĐ

    Hướng dẫn kiểm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức Đoàn, tập thể lãnh đạo, cá nhân cấp huyện và cơ sở (22/01/2025)

  • 16-HD/TĐTN-XDĐ

    Hướng dẫn kết nạp đoàn viên mới năm 2025 "Lớp đoàn viên 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam" (08/01/2025)

Đang truy cập: 385

Hôm nay: 1,197

Tổng lượt truy cập: 1,104,037

Liên hệ Facebook Đăng nhập