Phát huy tinh thần:
“Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong thời
gian qua tuổi trẻ Hướng Hoá đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết
thực góp phần giúp thanh niên vươn lên thoát nghèo, huy động nguồn lực thực hiện
mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu tiến bộ,
công bằng xã hội.
Đẩy mạnh công tác
truyền thông
Để tuyên truyền
sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên huyện nhà về nội dung, ý nghĩa và
tầm quan trọng của các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về
giảm nghèo bền vững, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền
vững giai đoạn 2021 - 2025, Huyện Đoàn Hướng Hoá đã đẩy mạnh tổ chức Hội nghị tập
huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền về giảm
nghèo; tăng cường xây dựng các sản phẩm truyền thông về giảm nghèo và an sinh
xã hội bền vững trên các kênh thông tin của Đoàn; trưng bày, giới thiệu các mô
hình, sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên, các gương thanh niên điển hình tiên
tiến vươn lên thoát nghèo trên địa bàn.
Triển khai nhiều
giải pháp, hoạt động mang tính đột phá
Hàng năm, Ban Thường
vụ Huyện đoàn xây dựng nội dung cam kết công tác năm với Ban Thường vụ Huyện uỷ,
trong đó đăng ký chỉ tiêu hỗ trợ hộ nghèo trong thanh niên vươn lên thoát nghèo
trung bình từ 200 - 250 hộ; xây dựng và tiến hành ký kết chương trình phối hợp
với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện trong thực hiện các giải pháp
hỗ trợ thanh niên thoát nghèo; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức
Đoàn thể trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị hàng năm liên quan đến công tác
giảm nghèo cho thanh niên; ký kết giao ước với Phòng Giao dịch Ngân hàng chính
sách xã hội huyện về thực hiện hoạt động uỷ thác tín dụng chính sách đối với
Đoàn Thanh niên.
Tích cực phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện
nâng cao hiệu quả công tác uỷ thác vốn vay ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp lập
nghiệp đặc biệt là các thanh niên khó khăn, nghèo, cận nghèo. Tính đến thời điểm
tháng 6/2024, toàn huyện có 16/21 xã có vốn vay uỷ thác của Ngân hàng chính
sách do thanh niên quản lý với 42 tổ TK&VV, dư nợ hơn 103 tỷ đồng. Đồng thời,
Huyện Đoàn đã đẩy mạnh công tác rà soát, đề xuất các mô hình phát triển kinh tế
của thanh niên nhằm hỗ trợ vốn sản xuất theo Nghị quyết số 103/NQ-HĐND ngày
09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển thanh niên tỉnh Quảng Trị
giai đoạn 2022 - 2030.
Cùng với đó, Huyện Đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn tích cực
tham gia “Mạng lưới thanh niên khởi nghiệp”
tỉnh Quảng Trị với ít nhất 5 mô hình, gian hàng thanh niên tham gia mạng lưới
thanh niên khởi nghiệp hằng năm, qua đó tạo cơ hội tăng cường kết nối giữa các
cấp bộ Đoàn với đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp và có dự định khởi nghiệp, nhất là thanh niên khó khăn để vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng.
Để sẻ chia, tiếp
thêm động lực cho các gia đình chính sách, hộ nghèo nhất là hộ nghèo do thanh
niên người đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ để họ vươn lên trong cuộc sống, từ
năm 2021 đến nay, huyện Đoàn đã kêu gọi, phối hợp xây dựng 07 nhà tình nghĩa,
nhà nhân ái với tổng trị giá gần 500 triệu đồng; trao tặng 02 mô hình khởi nghiệp
cho thanh niên với kinh phí 100 triệu đồng/mô hình; phối hợp với NHCS xã hội
huyện giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi cho 14 mô hình kinh tế với tổng số vốn
trên 1,2 tỷ đồng; triển khai xây dựng 15 mô hình sinh kế thanh niên với kinh
phí xây dựng 5 triệu đồng/mô hình; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện,
Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức 06 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ
thuật trồng trọt và chăn nuôi cho đoàn viên thanh niên các xã vùng đồng bào dân
tộc thiểu số. Bên cạnh đó, hàng năm Huyện đoàn đã chủ động kêu gọi các tổ chức,
cá nhân thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó
khăn, dân tộc thiểu số với hơn 500 suất quà, tổng trị giá trên 200 triệu đồng.
Huyện Đoàn cũng đã
đẩy mạnh triển khai phong trào đoàn viên, thanh niên thi đua phát triển kinh tế,
xóa đói giảm nghèo, qua đó, đã xuất hiện nhiều điển hình, nhiều gương thanh
niên dân tộc thiểu số khó khăn, hộ nghèo tích cực xây dựng các mô hình phát triển
kinh tế như: Mô hình chăn nuôi lợn bản sinh sản và thương phẩm của đoàn viên Hồ
Văn Thằn (xã Xy); mô hình chăn nuôi bò, dê sinh sản của đoàn viên Hồ Thị Thua (xã
Lìa); mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi bò sinh sản của đoàn viên Hồ Văn Eng
(xã Thanh) cho thu nhập trung bình từ 40 đến 100 triệu/năm/mô hình. Qua đó, tỉ
lệ hộ nghèo do thanh niên làm chủ năm 2023 giảm còn 26,5% (năm 2023 có 1.371
hộ nghèo do thanh niên làm chủ; năm 2022 có 1.490 hộ nghèo do thanh niên làm chủ).
Chú trọng triển
khai các giải pháp trong thời gian tới
“Việc triển khai đồng
bộ, quyết liệt các giải pháp, hoạt động, cùng với sự nỗ lực của các đoàn viên,
thanh niên trên địa bàn huyện đã giúp họ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính
đáng, qua đó đã góp chung vào bức tranh phát triển kinh tế của huyện có những bước
chuyển biến mạnh mẽ, khởi sắc. Đây chính là những minh chứng sống động nhất, là tính hiệu tích cực cho một
thế hệ trẻ Hướng Hoá biết vươn lên, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát
triển” đồng chí Nguyễn Văn Cư - Bí thư huyện Đoàn chia sẻ.
Trong thời gian tới, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm, tinh thần xung
kích của tuổi trẻ trong công tác giảm nghèo bền vững, huyện Đoàn sẽ tập trung đẩy mạnh
công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên về khởi
nghiệp, lập nghiệp; tăng cường hỗ trợ, kết nối với các cơ quan, đơn vị để thực
hiện các chính sách, cơ chế, vật chất, kỹ thuật hỗ trợ, tạo điều kiện cho đoàn
viên, thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương; biểu dương, khen
thưởng những mô hình điển hình tiên tiến, qua đó tạo nên khí thế thi đua sôi nổi,
góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa
phương.
Tú Anh
Đang truy cập: 767
Hôm nay: 834
Tổng lượt truy cập: 574,576